Nội san

Hiệu quả thiết kế chương trình văn hóa, nghệ thuật thiếu nhi qua hoạt động tại trường đội Lê Duẩn

27 Tháng Mười Một 2015

 

Đinh Thị Hiền

 

Xây dựng chương trình trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật dành cho thiếu nhi là một trong những mục tiêu quan trọng trong hệ thống giáo dục các cấp học phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các trường phổ thông đã thực hiện quyết định số 25/2004/QH11 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 15 tháng 06 năm 2004.

1. Ý nghĩa của hoạt động văn hóa, nghệ thuật

C.Max, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản trên toàn thế giới đã khẳng định vai trò của văn hóa là hoạt động sinh sống có ý thức của con người ([1]). Do đó,  bằng lao động tự do, con người nhân đôi mình không chỉ về mặt trí tuệ như xảy ra trong ý thức nữa, mà còn nhân đôi mình một cách hiện thực, một cách tích cực và con người ngắm nhìn bản thân mình trong thế giới do mình sáng tạo ra([2]).

Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật  đem lại những giá trị thực tiễn to lớn về giáo dục thiếu nhi, lứa tuổi phát triển nhanh về trí- đức- thể- mỹ. Trong cuốn sách Hành trang người phụ trách thiếu nhi ([3]) đã trình bày lý thuyết hoạt động theo phân kỳ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, cơ sở hình thành nhân cách từ cơ chế tâm lý học từ khi mới chào đời đến tuổi trưởng thành. Trong đó tập trung vào thời kỳ tiếp cận xã hội, thu nhận tri thức của nhóm lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên, tương ứng bậc tiểu học và trung học cơ sở. Được học tập trong môi trường văn hóa tâm hồn, tư tưởng, hành vi và thái độ (tích cực, tiêu cực) sẽ ảnh hưởng đến các em. Do đó, hoạt động văn hóa, nghệ thuật có chức năng kép vừa đảm bảo tính giáo dục vừa đồng thời thực hiện Quyền công ước quốc tế về trẻ em (Liên hợp quốc) và Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Tính giáo dục

 Đây là mục tiêu cơ bản nhất, cụ thể hóa 5 điều Bác Hồ dạy với nhận thức về Tổ quốc, nhân dân, xã hội và bản thân. Bằng con đường giáo dục, tự giáo dục, những hoạt động văn hóa, nghệ thuật là thước đo đánh giá năng lực con người, như Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc tháng 3 năm 1961 đã căn dặn muốn xây dựng chế độ XHCN phải có con người CNXH. Tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật dành cho thiếu nhi góp phần hình thành phẩm chất đạo đức thế hệ tương lai của đất nước. Nội hàm giáo dục biểu hiện rõ nét trên cơ sở rèn luyện, tu dưỡng và qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuạt giúp các em trưởng thành, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phát triển trí tuệ, nhận thức xã hội

Hoạt động văn hóa là một trong động lực tăng cường hiểu biết thế giới xung quanh, thúc đẩy tư duy phát triển bằng phương pháp tự đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm. Hiện nay, những hiện tượng bùng bổ thông tin, mạng internet toàn cầu đang là xu hướng phổ quát, thu hút thiếu nhi trải nghiệm những hình thái mới. Đây là cuộc cách mạng thay đổi hệ thống sản xuất của loài người, làn sóng văn minh thứ ba đang diễn ra trên khắp thế giới. Sản phẩm trí tuệ này tạo ra nhiều ảnh hưởng vừa tích cực lẫn tiêu cực. Ở chiều tích cực, công nghệ thông tin, mạng xã hội mở rộng hiểu biết, kiến thức toàn diện hơn, nhanh chóng làm chủ kỹ năng, sử dụng sản phẩm khoa học và công nghệ cao. Ngược lại, mặt trái của mạng internet đem đến lượng thông tin phản tác dụng, gây nguy hại, tiêu cực làm biến dạng, méo mó tư tưởng (cá nhân, vị kỷ, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc), đặc biệt trong quá trình hình thành lối sống. Do đó hoạt động văn hóa chính là phương thức điều chỉnh, tạo sự hài hòa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang hòa nhập nhanh vào dòng chảy chung của nhân loại.

Đảm bảo sức khỏe, thể chất, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững con người Việt Nam

Những chỉ số trong nhiều báo cáo về thể chất, sức khỏe trẻ em Việt Nam đầu thế kỷ XXI luôn thấp hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chiều cao, cân nặng). Nếu so sánh với những quốc gia phát triển châu Âu, châu Mỹ, thể trạng con người Việt Nam chênh lệch khá xa, Đây là mối nguy lâu dài về gia tốc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Như vậy, cùng với giáo dục là quốc sách, yêu cầu nâng cao phẩm chất trí tuệ thì thể lực thiếu nhi đang đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng chiến lược lâu dài, phát triển nhanh, thay đổi tầm vóc, đảm bảo đủ sức khỏe để lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những hoạt động văn hóa như trò chơi, vận động, khéo léo…là cơ sở góp phần thúc đẩy cơ thể các em linh hoạt, tạo sức bền, dẻo dai với cường độ khác với ngồi học tập trong lớp. Các hoạt động nghệ thuật như: Múa, hát, kịch … giúp các em phát triển tài năng, năng khiếu, tâm hồn … Mặt khác, đây là điều kiện để thể trạng sinh lý (gọi tắt là sinh thể) phát triển toàn diện. Một con người khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

 

Ảnh: Liên hoan “Tuổi 15 hát” (nguồn: st)

 

Khi tham gia vào hoạt động văn hóa, nghệ thuật thiếu nhi, các em học sinh từng bước tăng cường hiểu biết và thẩm mĩ; có thái độ, ứng xử, giao tiếp có văn hóa, văn minh. Trong gia đình luôn kính trọng ông bà, hiếu thảo cha mẹ, biết bảo ban, giúp đỡ anh chị em, lễ phép với họ hàng, bà con hàng xóm láng giềng. Tại trường học biết lắng nghe, vâng lời thày cô giáo, chăm chỉ học hành, tôn trọng bạn bè, nói lời hay, làm việc tốt. Ngoài xã hội có kỹ năng sống thân thiện, tích cực bảo vệ môi trường, có ý thức thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật nhà nước; Góp phần đẩy mạnh ý thức trách nhiệm công dân trong xã hội, nắm vững kỹ năng làm việc tương tác, đề cao tính kỷ luật, tự giác để hoàn thành nhiệm vụ. Tìm ra phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, đặc biệt chủ động học tập với thái độ tự tin, mạnh dạn, tiếp nhận kiến thức, bài học có phương pháp, bản thân không ỷ lại, dựa dẫm người khác.

2. Hiệu quả thiết kế hoạt động văn hóa, nghệ thuật dành cho thiếu nhi

Tại Trường Lê Duẩn, các hình thức hoạt động văn hóa được tổ chức thành nhiều chương trình. Các chương trình tập trung vào hiệu quả hoạt động từ mô hình thiết kế ban đầu, sau đó phiên bản thành nhiều hình thức thể hiện khác nhau để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các trường. Các hoạt động như: hội trại, hội thi, giáo dục kỹ năng sống, trò chơi dân gian… được diễn ra thường xuyên, định kỳ trong năm học đã ngày càng đa dạng hóa trong hình thức thể hiện. Với phương châm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được học tập, vui chơi bổ ích, những thiết kế tại Trường Lê Duẩn luôn tập trung vào hướng dẫn cách thức tổ chức các hoạt động Đội để từ đó giúp các em chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong môi trường sống, trong đó bao gồm hai hoạt động chính là văn hóa và nghệ thuật.

Một là, Thiết kế hoạt động văn hóa trong công tác Đội

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tổng phụ trách Đội và cán bộ chỉ huy Đội, Trong nhiều năm qua, Trường Lê Duẩn liên tục xây dựng nhiều mô hình thiết kế dành cho đối tượng này. Xét về ý nghĩa, đây là hoạt động văn hóa được nhà trường dày công nghiên cứu, chủ động sáng tạo nhiều hình thức thể hiện phong phú để phù hợp tâm sinh lý thiếu nhi. Qua đó, tập hợp và thu hút các em học sinh, đội viên tham gia vào hoạt động của Đội.

Hiệu quả thiết kế các hoạt động văn hóa tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

Các hoạt động văn hóa khẳng định chức năng quan trọng của giáo dục trong công tác Đội, cơ sở hình thành nhân cách thiếu niên nhi đồng.

Những hình thức thiết kế tạo nên hiệu quả hoạt động thiết thực và có ý nghĩa thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

Tổ chức hoạt động văn hóa cho thiếu nhi luôn đòi hỏi tính sáng tạo, linh hoạt, đổi mới phương thức thiết kế nhằm phù hợp với tâm sinh lý, tăng cường thể chất các em, thực hiện đúng nội dung phát triển toàn diện con người Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Từ thiết kế mẫu ban đầu tại Trường Lê Duẩn, áp dụng và nhân rộng cho các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội, góp phần đẩy mạnh các phong trào hoạt động Đội tại các trường học.

Hai là, Thiết kế chương trình nghệ thuật trong công tác Đội

Trong cuốn sách Phương pháp thiết kế các mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh, tác giả Trần Quang Đức đã khẳng định tầm quan trọng của thiết kế chương trình nghệ thuật: bản thiết kế được xem là xương sống chính để xâu chuỗi các hoạt động nhỏ, nhìn vào bản thiết kế phải hiểu ngay được nội dung, tiến trình của hoạt động ([4]).

Xây dựng chương trình nghệ thuật là đặc điểm chủ đạo trong hoạt động thiếu nhi. Về hình thức, nghệ thuật yêu cầu bộc lộ năng khiếu ở mức độ tối đa, từ đó đem lại hiệu quả to lớn theo chiều thẩm mỹ. Dưới góc độ tâm lý, nghệ thuật đòi hỏi sức sáng tạo cá nhân, sự phối hợp đồng điệu với tập thể trong từng điệu múa, bài hát, nhập vai nhân vật khi diễn kịch để hình thành nên chương trình biểu diễn, giai đoạn đầu luôn yêu cầu tạo ra khuôn thức thiết kế.

Những hoạt động nhỏ tạo thành chuỗi liên tiếp trong chương trình cần đến tư duy tổng thể về kịch bản, khi thiết kế những đoạn nối tiếp giữa các thành phần khác nhau luôn được cân nhắc các tình tiết bằng thủ pháp nghệ thuật dàn dựng trên sân khấu. Để chương trình nghệ thuật có thể hoàn thành và biểu diễn trên sân khấu liên quan đến nhiều bộ phận tham gia (trực tiếp, gián tiếp), mục đích tạo hiệu quả tốt nhất trên phương diện thẩm mỹ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần thiếu nhi, thúc đẩy, đa dạng hóa hoạt động nghệ thuật, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi. Điều này cho thấy yếu tố nghệ thuật hóa các hình thức sinh hoạt thiếu nhi đang trở nên cấp thiết, là nhu cầu xuất phát từ thực tiễn hoạt động.

Ứng dụng các loại hình nghệ thuật trong thiết kế chương trình biểu diễn trên sân khấu đang là nội dung và yêu cầu thực tiễn cần mở rộng, sáng tạo những cấu trúc kịch bản nghệ thuật đáp ứng hình thức sinh hoạt thiếu nhi. Trên cơ sở nhiều mô hình thiết kế trong các tài liệu từ đó hình thành các định dạng, kiểu thiết kế mới. Bằng hình thức phân đoạn, các thủ pháp sân khấu tập trung vào hình tượng, kết cấu từng chương nhằm nêu bật chủ đề của tổ khúc. Các tiểu thiết kế là modul trong hệ thống cấu trúc, đưa ra giải pháp cụ thể về sử dụng loại hình nghệ thuật tạo hiệu quả tối đa trên sân khấu. Trong đó tổ hợp hát múa được sử dụng liên tục, tạo đội ngũ, xây dựng hình tượng, đặc biệt trong phần mở màn và kết thúc tổ khúc.

Như vậy, hiệu quả, ứng dụng của thiết kế các loại hình sinh hoạt văn hóa, biểu diễn chương trình nghệ thuật trong tổ chức hoạt động dành cho thiếu nhi được mở rộng các dạng thiết kế từ Trường Lê Duẩn đến các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội. Mục đích nêu rõ kết quả, hình thức thiết kế đang phổ cập rộng rãi trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của thiếu niên nhi đồng. Qua đó, khẳng định vai trò của giáo dục trong quá trình hình thành nhân cách các em.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật luôn cần có sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ và chi tiết, trong đó thiết kế chương trình với chức năng điều chỉnh, định hướng, là cơ sở cho công tác tổ chức, hướng dẫn, đạo diễn, dàn dựng…do đó thiết kế hoạt động văn hóa, nghệ thuật dành cho thiếu nhi tại Trường Lê Duẩn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương, Thành Đoàn Hà Nội.  

Có thể nói, hoạt động văn hóa, nghệ thuật thiếu nhi luôn là lĩnh vực được quan tâm của toàn xã hội, bởi liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của các em. Trong môi trường học đường, để các em thiếu nhi được tham gia các chương trình nghệ thuật chính là sự phát triển bản thân chủ động và sáng tạo. Những hoạt động văn hóa rất cần thiết cho nhận thức về thế giới xung quanh, qua đó mối quan hệ gia đình, bạn bè được định hướng, tạo nên ý thức về cuộc sống giàu bản sắc dân tộc.

Thiết kế mô hình trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật luôn đòi hỏi phải đổi mới, cập nhật những yếu tố từ chính nhận thức của thiếu nhi. Từ đó xây dựng nên những hình thức hoạt động vừa mang tính thẩm mỹ, tăng cường phát triển thể lực, đặc biệt là nâng cao trí lực để các em ngày càng thông minh, linh hoạt, năng động, cơ sở hình thành nên con người mới, con người xã hội chủ nghĩa và phấn đấu vì một nước Việt Nam giàu mạnh.  

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp (nghệ thuật đạo diễn), tái bản lần thứ I có bổ sung, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

2. Trần Quang Đức (2005), Phương pháp thiết kế các mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Mai Lan (biên soạn)(2010), Phương pháp tổ chức hội thi vui cho thiếu nhi trong trường học, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

4. TS.Phạm Đình Nghiệp,TS.Lê Văn Cầu (2008), Kỹ năng tổ chức các hoạt động công tác thanh thiếu niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả (Thành Đoàn Hà Nội, Trường Đội Lê Duẩn))(2010), Xây dựng nội dung, phương pháp, hình thức, giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi Thủ Đô thông quan hoạt động Đội, Kỷ yếu hội thảo, Trường Đội Lê Duẩn, Hà Nội.

6. Nhiều tác giả (Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh- Hội đồng Trung ương) (1998), Hướng dẫn tổ chức hoạt động vui chơi cho thiếu nhi tại cộng đồng, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

7. Nhiều tác giả (Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) (1998), Nâng cao sức khỏe cho trẻ em thông qua các hoạt động trẻ với trẻ, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

8. Nhiều tác giả (Thành Đoàn Hà Nội, trường Đội Lê Duẩn) (2005), Phương pháp tổ chức hoạt động hát múa thiếu nhi, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

9. Nhiều tác giả (Thành Đoàn Hà Nội, trường Đội Lê Duẩn) (2005), Hội trại và trò chơi thiếu nhi, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

10. Nhiều tác giả (Thành Đoàn Hà Nội, trường Đội Lê Duẩn) (2009), Sổ tay chỉ huy Đội Thăng Long- Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

11. Nhiều tác giả (Thành Đoàn Hà Nội, trường Đội Lê Duẩn) (2010), Phát hiện và bồi dưỡng năng lực chỉ huy cho cán bộ chỉ huy Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

12. Nhiều tác giả (Thành Đoàn Hà Nội, trường Đội Lê Duẩn) (2009), Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội, Nxb Hà Nội.

13. Nhiều tác giả (Thành Đoàn Hà Nội, trường Đội Lê Duẩn) (2011), Phương pháp tổ chức hát múa thiếu nhi, Nxb Hà Nội.

14. Nhiều tác giả (Trường cán bộ Đội thành phố Hà Nội) (1997), Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] C. Mác và Ph.Ăngghen, (2000), Toàn tập, tập 42. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.136

[2] C. Mác và Ph.Ăngghen, (2000), Toàn tập, tập 42. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.137

[3] Nhiều tác giả (Trường cán bộ Đội thành phố Hà Nội) (1997), Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb Hà Nội, H.

[4] Trần Quang Đức,(2005), Phương pháp thiết kế các mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, H. tr.20.