Nội san

Thành cổ Sơn Tây- Giá trị kiến trúc độc đáo

27 Tháng Mười Một 2015

Khuất Thị Minh.

 

Ra đời năm 1822, thành Sơn Tây là một trong số ít tòa thành xây dựng dưới thời Minh Mạng còn lại tới ngày nay vẫn mang những nét đặc trưng của kiểu thành Vauban nhưng khi vào Việt Nam, chúng đã có những biến đổi linh hoạt. Điều đó đã nói lên sự sáng tạo, khéo léo của các kiến trúc sư, nghệ nhân đương thời.

Các di tích lịch sử văn hóa gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của con người, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu hưởng thụ và tìm hiểu về cội nguồn dân tộc ngày càng cao. Vì vậy, quản lý di tích cũng như bảo tồn và phát triển di tích rất quan trọng. Công tác quản lý càng cần được quan tâm bởi lẽ nếu quản lý tốt thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng được đúng cách hơn. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử ngày càng được nâng cao, di tích lịch sử văn hóa thành cổ Sơn Tây là một di tích đang được quan tâm. Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đang có kế hoạch đưa thành cổ Sơn Tây thành điểm du lịch văn hóa, đây là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa và cũng là nền tảng để phát triển du lịch.

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng đến nay đã được 193 năm (1822 - 2015), trải qua  gần hai thế kỷ tồn tại, với sự tàn phá khốc liệt của bom lửa chiến tranh, của thiên nhiên, thậm chí cả sự lãng quên của con người, ngôi thành cổ kính lừng danh một thời giờ chỉ còn lại mấy đoạn thành hoang phế. Tuy nhiên đây lại là thành duy nhất hiện nay còn sót lại với hiện trạng khá nguyên vẹn về hình hài của nó bởi vì các tỉnh lị khác, thành trì và cả khu vực thành cổ đã thành phế tích cùng với thời gian. Qua quá trình đô thị hóa thì thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử văn hóa còn rất hiếm ở nước ta đại diện cho thành lũy Việt Nam thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Thành cổ này, trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ XIX là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn (với những nhân vật lãnh đạo như: Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc... Giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp thành thất thủ vào tay quân Pháp ngày 16 tháng 12 năm 1883.

Ngày 16 tháng 5 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định xếp hạng di tích thành Sơn Tây và giao trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Viện Bảo tàng lịch sử trung ương Pháp) quản lý. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, sau khi thăm Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt và nói chuyện với đồng bào ở Thành cổ Sơn Tây.

          Tháng 12 năm 1946, một cuộc họp của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã diễn ra ở đây. Ngày 15 tháng 10 năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định 2757QĐ/BT công nhận đây là di tích lịch sử văn hóa.

Thành cổ Sơn Tây là khu thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong của Việt Nam có tổng diện tích 16 ha với các kiến trúc độc đáo như: tường thành được xây dựng bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ, Kỳ Đài, Đoan Môn, Vọng Cung... thành cổ Sơn Tây hình tứ giác có chu vi 326 trượng (khoảng 1. 306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (khoảng 4,4m), có 4 cổng: Tây, Bắc, Đông, Nam. Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (khoảng 1. 792m), rộng 7 trượng (26,8m), sâu 1 trượng (4m). Thành cổ Sơn Tây được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994.  

            Mỗi đoạn tường thành đều có một góc lồi để từ vị trí nào cũng có thể phòng thủ, đánh trả địch; trên tường thành có các lỗ châu mai; bao quanh phía ngoài hào nước rộng, sâu… những đặc điểm đó cho thấy thành Sơn Tây đã mang đầy đủ yếu tố của một tòa thành quân sự, một hệ thống phòng thủ kiến cố nhất xứ Đoài thời đó. Song song với việc xây thành, nhiều công trình kiến trúc quan trọng, có giá trị nghệ thuật cũng đồng thời được xây dựng như: Vọng cung, Kỳ đài, cổng Vọng Cung (Đoan Môn)… Đó là những công trình thể hiện nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống, thể hiện sự sáng tạo của các nghệ nhân xưa.

Phía Tây có Giám Thành, giữa là Vọng Cung, Võ Miếu và Tháp nước. Phía Đông là ngục thất, dinh quan dự thẩm và trường học.

Phía cửa tiền trông vào là chiếc tháp cao 18m, cạnh hai bên chân tháp là hai giếng nước luôn trong xanh và xung quanh có xây gạch. Trong số đó phải kể đến Vọng Cung, đây là một di tích lịch sử văn hóa được người Pháp ca ngợi “là một công trình kiệt tác của nền kiến trúc An Nam” và được toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng vào hàng cổ tích - kỷ vật của vùng Xứ Đoài cần được bảo tồn 1924.

            Vọng Cung  là nơi hàng năm những kỳ đại lễ, các quan đầu tỉnh hướng về kinh đô tế lễ. Mỗi khi nhà vua có đi tuần thú qua thì là nơi nghỉ và làm việc tạm tại đó, lúc này Vọng Cung lại mang tính chất là một Hành Cung. Vọng cung vốn được xây tường bao bốn phía, phía trước mặt có xây cổng vào kiểu Tam quan ba tầng mái cong, góc đao có đắp hình rồng cuốn như nhiều cổng mà ta đã biết, cổng này của Vọng Cung tỉnh thành Sơn Tây được xây dựng rất đẹp và đã bị phá từ trước, trước cổng là một sân rộng lát gạch Bát Tràng, xung quanh có tường bao thấp, phía trước có sân có bức bình phong xây bằng gạch đắp nổi phù điêu bằng vôi vữa hình “Long Vân khánh hội” (Rồng mây gặp hội). Trước là Đoan Môn có ba cửa ra vào nhìn thẳng ra Kỳ Đài (cột cờ) hay Vọng Lâu trông ra phía của chính Nam. Nền điện xây cao ở giữa, phía trước có chín thềm bậc để lên xuống xây bằng những tảng đá xanh to, hai bên có hai con Rồng ở tư thế lộn đầu xuống thấp bằng gạch và vôi vữa. Vọng Cung được kiến trúc theo kiểu chồng liềm và có hai tầng trên lợp bằng ngói ống lưu ly có trang trí bằng hình tứ quý (Mai - Lan - Cúc - Trúc). Trong điện có hai hàng cột, mỗi bên có 6 cột tròn, bằng gỗ lim ngăn thành 5 gian, phía ngoài xây tường gạch kín 3 phía, ở gian cạnh có hai gian cửa sổ tròn hình chữ “Thọ”, còn 3 gian giữa là hệ thống cửa gỗ “bức bàn”.

Vọng Cung là công trình kiến trúc có quy mô bề thế và đẹp nhất trong khu thành cổ Sơn Tây. Vọng Cung đã bị phá, hơn thế nữa là tư liệu mô tả ghi chép, bản vẽ hoặc ảnh chụp về Vọng Cung nay không còn nữa. Tuy nhiên đống phế vật kiến trúc hãy còn đã phần nào đóng góp vai trò trong việc phục dựng lại Vọng Cung vào năm 2007. Vọng Cung còn có giá trị về tâm linh, cho đến nay vẫn chưa rõ là thờ ai, tuy nhiên đối với người dân Sơn Tây và đối với những du khách khi đến với thành cổ đều được biết rằng Vọng Cung có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tâm linh người dân thị xã Sơn Tây. Vọng Cung được xây dựng mô đất mà trước đây nhà vua cho rằng đó là một mắt rồng, khu đất rất thiêng, và mỗi dịp ngày lễ, rằm, mùng một mọi người đều đến Vọng Cung để cầu xin may mắn, tài lộc. Hơn thế nữa đây là một công trình kiến trúc có giá trị mà đến nay vần được khôi phục và giữ gìn. Tuy nhiên việc xây dựng hoàn toàn mới Vọng Cung đang gây bức xúc cho những người tâm huyết về giữ gìn di tích, phục dựng. Bởi vì sau khi nhận quyết định tu bổ tôn tạo lại thành thì phải có sự nghiên cứu, học hỏi cua các Vọng Cung khác từ chất liệu cho đến chạm khắc… nhưng nhìn vào Vọng Cung hiện nay mọi thứ như hoàn toàn mới, một ngôi nhà mới được xây dựng theo kiến trúc cổ mà thôi.

 



Ảnh: Thành cổ Sơn Tây (nguồn: st)

 

Qua suốt lịch sử xây dựng thành Sơn Tây, phải ghi nhận rằng đến đời Nguyễn hệ thống thành lũy cấp tỉnh được xây dựng quy củ nhất. Thành cổ Sơn Tây là tòa thành khá tiêu biểu cho cấp tỉnh của thời Nguyễn. Cùng với việc chuyển địa điểm tỉnh lị về nơi hiện nay cũng là lúc tòa thành Sơn Tây được xây đắp, nó gắn liền với sự ra đời của tỉnh lị của thị Xã Sơn Tây. Đó là một di tích văn hóa, thành Sơn Tây đã ghi dấu cuộc kháng chiến vô cùng anh dũng của quân và dân ta chống cuộc thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Điều quan trọng hơn, nếu như rất nhiều tỉnh lị khác thành trì và cả khu vực thành cổ đã biến mất cùng với thời gian qua quá trình đô thị hóa thì thành Sơn Tây vẫn còn giữ được hình hài của nó. Vì Thế việc bảo vệ tôn tạo các công trình kiến trúc của thành cổ Sơn Tây là việc làm rất cần thiết để từ đó đưa thị xã Sơn Tây thành một địa chỉ du khách thăm quan trong và ngoài nước.

Cầu bắc qua hào Cầu cũ do người Pháp xây dựng đã bị mất. Hai chiếc cầu mới được xây dựng năm 1994 hình vòm cuốn ở 2 phía Nam, Bắc thành, hiện vẫn đang trong tình trạng kỹ thuật tương đối tốt những hình thức kiến trúc không giống như cầu trong ảnh chụp thời Pháp xây dựng.

Trải qua thời gian, với sự xâm phạm của môi trường thiên nhiên, chiến tranh… Thành cổ Sơn Tây đang dần bị xuống cấp nặng nề, các thành phần kiến trúc xây dựng trước kia không còn nguyên vẹn, bị biến dạng, sai lệch so với hiện trạng ban đầu như tường thành, hào nước bao quanh, hai cầu bắc qua hào, hai cổng thành phía Nam và Tây, Kỳ Đài (cột cờ). Thậm chí một số hạng mục như Vọng Cung (Điện kính thiên), cổng Vọng Cung (Đoan Môn) đã bị mất hoàn toàn. Cổng thành phía Bắc được tu bổ năm 1996 vì không đủ tư liệu nên việc tu bổ này không đúng với ảnh tư liệu nguyên gốc.

Trong những năm vừa qua các dự án về xây dựng tu bổ lại không gian kiến trúc của một số di tích như Vọng Cung, Kỳ Đài, tường thành bằng đá ong đã gây bức xúc lớn trong giới khoa học và trong nhân dân. Các di tích gần như được xây lại mới hoàn toàn, khi nhìn vào không ai còn thấy cái nét cổ của di tích đó nữa, như vậy không khác gì chúng ta đang tạo mới một di tích chứ không phải tu bổ, phục dựng lại di tích, đứng trước vấn đề trên tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc của di tích:

Một là, đối với di tích là bức tường thành bằng đá ong cần tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh và phim lịch sử về di tích thành Sơn Tây để làm rõ giá trị lịch sử, kiến trúc trên nguyên tắc chung là phục hồi tường thành phải trên cơ sở tư liệu; việc xếp thêm một số lớp đá ong chỉ là nhằm chống sạt lở đất tường thành, tạo sự hài hòa với hiện trạng di tích”.

Hai là, đối với di tích Vọng cung: các thành phần kiến trúc bổ sung cần phù hợp với từng hạng mục về hình khối, màu sắc, đồng thời cần phù hợp với không gian, cảnh quan chung của tổng thể khu di tích.

Các hạng mục công trình kiến trúc bổ sung có công năng phù hợp với yêu cầu sử dụng, có thể dùng các vật liệu mới bền vững nhưng không quá sai lệch, khác biệt với di tích về màu sắc và chất liệu bề mặt; tôn trọng hiện trạng di tích hiện có hoặc trên cơ sở ảnh chụp với bài viết đã được xác định một cách chính xác, nhất là đối với một công trình kiến trúc được Pháp ca ngợi như Vọng Cung thì ngoài giá trị lịch sử cần bảo tồn thì giá trị kiến trúc của Vọng Cung là vô cùng quan trọng. Cho nên cần thiết thực trong việc lựa chọn vật liệu xây dựng, chất liệu, màu sắc theo nguyên gốc, không làm sai lệch hình ảnh, kiểu dáng của di tích. Sử dụng công nghệ truyền thống, đo vẽ hiện trạng, khảo sát, đánh giá các thành phần, kiến trúc hiện còn trên mặt đất.

 Có thể  thấy rằng trong những năm vừa qua với dự án trùng tu, tôn tạo lại các di tích nhằm phục vụ du lịch, và chính sự hiện đại hóa quá mức trong dự án trùng tu, tôn tạo này đang xóa nhòa những rêu phong, cổ kính của gần 200 năm chứng tích, mờ đi những gì từng được ca ngợi là kiệt tác của kiến trúc quân sự Việt Nam. Thật sai lầm khi nghĩ rằng cần phải tu bổ di tích sao cho nhanh, đẹp, cho thật rực rỡ để thu hút khách du lịch. Quan niệm đó đã đẩy công tác bảo tồn đi sai nhưng nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của công tác này, nhiều nơi đã làm sai lệch di tích, làm phương hại đến các giá trị thực của các di tích. Như vậy, thay vì bảo tồn các di tích, chúng ta đã góp phần làm chúng rơi vào tình trạng không thể cứu vớt được nữa. Ngành văn hóa cần có chu­ơng trình mục tiêu về bảo tồn di tích và ngành du lịch cũng có chư­ơng trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình đầu tư­ cơ sở hạ tầng du lịch từ đó bảo tồn và giữ gìn các giá trị kiến trúc độc đáo của ngôi thành cổ này.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Di tích Thành cổ Sơn Tây của nhiều tác giả (2007), Nxb Văn hóa Thông tin

2.      Lê Ngọc Dũng (2005), Tổ chức, quản lý và khai thác các di tích và danh thắng ở Việt Nam trong cơ chế thị trường, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

3.      Phạm Duy Đức (2006), Những thách thức của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Văn hóa- thông tin, Hà Nội.

4.    HĐND Thị xã Sơn Tây (2011), Nghị quyết số 17/2011/NQ-HDDND18 ngày 19-12 của Chủ tịch HĐND về tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng kĩ thuật đô thị trên địa bàn thị xã Sơn Tây giai đoạn 2012- 2016.

5.      HĐND Thị xã Sơn Tây (2011), Nghị quyết số 10/2011/NQ-HDDND18 ngày 27-07 của Chủ tịch HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Sơn Tây đến năm 2020 tầm nhìn  năm 2030.

6.      Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2004), Văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7.      Ngô Huy Huỳnh (1998), Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.

8.      Nguyễn Văn Hy (2005), Văn hóa và quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

9.      Phan Khanh (1994), Vấn đề quản lý di tích trong môi trường đô thị hiện đại, Hà Nội di tích và văn vật, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

10.   Trường Đại học Văn hóa (1993), Giáo trình Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Xưởng in Trung tâm thông tin Khoa học kỹ thuật Quân sự.

11.   http://sovhttdl.hanoi.gov.vn/, truy cập ngày 21/11/2015.

12.   http://sontay.gov.vn/, truy cập ngày 21/11/2015.