Nội san

Trò chơi dân gian - Thế giới tuổi thơ

17 Tháng Mười Hai 2015

Lê Thị Thanh

 

Trò chơi dân gian là một trong những kho tàng của di sản văn hoá và được xem là một bộ phận của văn hóa dân tộc. Đó là sản phẩm mang tính chất vận động và tinh thần xuất phát từ lao động, sản xuất, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và được lưu truyền bằng miệng, truyền tay, được trình diễn, thi đấu. Từ xa xưa, cha ông ta đã sáng tạo ra trò chơi dân gian, làm nên sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa cổ truyền dân tộc, đồng thời qua đó làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán của cư dân các vùng miền đất nước.

Trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt, trò chơi dân gian như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tạo thêm sợi dây gắn kết mọi người với quê hương, xứ sở thanh bình. Trò chơi dân gian mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, kích thích trí thông minh, tài khéo léo của con người, mang tính cộng đồng rất cao, lôi cuốn mọi người cùng vui chơi và ai cũng có thể tham gia.

Nói đến các các lễ hội, bên cạnh phần lễ, phần hội luôn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương bởi sự phong phú của các trò chơi dân gian, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho cả người chơi và người xem. Trò chơi dân gian bên cạnh việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo của người chơi còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Cha ông cha ta đã sáng tạo ra rất nhiều trò chơi như: đánh đu, kéo co, đấu vật, đánh cờ tướng, hô bài chòi, làm thầy xem bói... Ðồng bào các dân tộc thiểu số cũng có các trò chơi khá phong phú như: ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo... Các cư dân vùng biển thì có thi bơi biển, kéo co trên cát, chạy tiếp sức trên bãi biển hay thi gánh cá…

Trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, mà còn kích thích trí thông minh của người chơi. Có những trò chơi đạt tới trình độ nghệ thuật, mang tính thẩm mỹ cao. Trò chơi đánh đu có thời thu hút rất đông nam thanh, nữ tú. Trên chiếu đu, đôi trai gái cùng nhún rất nhịp nhàng và chiếc đu được đẩy lên cao dần cùng tà áo dài của cô gái tung bay trước gió tạo thành hình ảnh đẹp và thơ mộng. Trò chơi ném còn với quả còn nhiều mầu sắc được tung lên không trung qua bàn tay khỏe khoắn, khéo léo của các chàng trai, cô gái tìm cách lọt qua chiếc vòng trên ngọn cây nêu gây hồi hộp, hấp dẫn. Những bộ môn nghệ thuật dân tộc độc đáo như múa rối nước, bài chòi cũng khởi đầu từ trò chơi dân gian. Trò chơi cờ tướng (cờ người) thể hiện trí tuệ điều binh khiển tướng; trò đấu vật thể hiện tinh thần thượng võ và sức khỏe của trai tráng… Có những trò chơi dành cho trẻ con tự sáng tạo ở các vùng miền nông thôn cũng không kém phần sôi nổi như: trò bắt cướp, đánh trận, xem ngày cưới hỏi để tổ chức đám cưới như người lớn... Thông qua các trò chơi dân gian, mọi người cũng có thể hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt đặc sắc, tiêu biểu nhất của chính địa phương mình sinh sống cũng như trong từng dân tộc.

Bên cạnh những trò chơi dành cho người lớn và thường được tổ chức vào dịp tết, lễ hội…, còn có vô vàn trò chơi dân gian hàng ngày dành cho trẻ em, mà ngày xưa đi đến bất cứ ngõ xóm, làng quê nào, bạn cũng có thể bắt gặp như: bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, chơi chuyền, pháo đất, đánh đáo, thả diều… Trò chơi dân gian dành cho trẻ em thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Đấy là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần một cách thoải mái, có thể ngắn dài bất kỳ hoặc lặp đi lặp lại không dứt. Những vòng quay của con quay (chơi cù) hay những bước nhảy lò cò của trò chơi ô ăn quan... tất cả như một bức tranh sinh động của cuộc sống. Những điệu nhảy mềm mại, những cánh diều bay nhè nhẹ trên cao như đưa văn hóa Việt Nam đến khắp năm châu.

Lâu nay, nói đến trò chơi dân gian, thường chỉ xuất hiện ở các lễ hội mang tính truyền thống của dân tộc. Việc đưa loại hình trò chơi này vào các trường phổ thông theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD & ĐT là một nội dung còn khá mới mẻ.

Năm học 2008 - 2009 là năm đầu tiên thực hiện chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐTngày 22 tháng 7 năm 2008 của BGD - ĐT về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Trong 2 mục tiêu, 5 yêu cầu và 5 nội dung của chỉ thị 40 có nội dung: “Tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động vui chơi giải trí tích cực khác phù hợp với lứa tuổi của học sinh”.

            Càng ngày, cuộc sống càng hiện đại, trẻ em càng ít biết đến những trò chơi dân gian. Trò chơi dân gian còn gắn với những câu ca dao, tục ngữ, những bài đồng dao và hơn hết là cả đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt xưa. Thật đáng tiếc nếu trẻ lớn lên mà không hề biết đến những trò chơi mang đầy giá trị màu sắc dân tộc như thế.

Việc chuyển tải các trò chơi dân gian cho học sinh tiểu học còn gặp nhiều bất cập do những khó khăn như: không gian, thời gian chơi, cách thức tổ chức trò chơi, chơi như thế nào để vừa vui tươi, lành mạnh vừa đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong khi học sinh hiện nay, nhất là học sinh ở các vùng miền nói chung chưa có điều kiện tiếp cận với các trò chơi dân gian và bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trước các trò chơi dân gian. Để tổ chức được các trò chơi dân gian có hiệu quả, lôi cuốn có tính giáo dục cao là một điều nan giải.

Hướng đến mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Đưa trò chơi dân gian vào nhà trường là điều hết sức cần thiết, không những góp phần rèn luyện sức khỏe, kĩ năng ứng xử hợp lí các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kĩ năng làm việc mà còn kích thích học sinh học tập tốt “chơi vui, học càng vui”. Sau những giờ học căng thẳng với những bài toán khó phải động não suy nghĩ, những bài văn phải vận dụng tư duy, trò chơi dân gian là món ăn tinh thần bổ ích sảng khoái cho học sinh, tạo không khí vui tươi cởi mở, học sinh gần gũi thân thiện nhau hơn bởi những trò chơi có tính hài hước dí dỏm thể hiện sự tương tác khi chơi.

 

Ảnh: Trò chơi dân gian (Nguồn: st)

 

Trò chơi dân gian được gắn liền với môi trường sống. Nó thường đơn giản, dễ chơi, vật dụng dễ tìm, không tốn tiền, dễ tổ chức dù trong không gian hẹp như góc sân, lớp học. Tất cả những trò chơi có chung một mục đích là rèn luyện sức khỏe, nhanh tay, tinh mắt, sáng tạo, khéo léo, vun đắp tình cảm hồn nhiên vô tư cho trẻ, nhất là trẻ đang độ tuổi tiểu học.

            Lợi ích lớn nhất của trò chơi dân gian là tạo sự gắn kết của trẻ với bạn bè. Đa phần các trò chơi đông người đều đòi hỏi sự ăn ý, hợp tác của từng thành viên. Trẻ sẽ học được tinh thần đoàn kết, hợp tác, chịu trách nhiệm, biết chia sẻ và yêu thương người khác. Trong khi lo ngại những trò chơi điện tử có thể làm trẻ có xu hướng trở nên bạo lực, ích kỷ, dễ cáu gắt. Nhưng trong điều kiện tràn ngập công nghệ trong cuộc sống, chắc chắn người lớn có thể nhìn thấy sự chênh lệch nghiêm trọng và sự cần thiết phải cân bằng.

Trò chơi dân gian hướng các em về với những giá trị truyền thống của cha ông, giúp các em thêm yêu quý hương và tự hào về truyền thống của dân tộc. Điểm đặc biệt của trò chơi dân gian đó chính là sự gắn kết với môi trường thiên nhiên. Chính điều này làm cho trẻ hào mình với thiên nhiên hơn, hiểu và có ý thức bảo vệ thiên nhiên hơn.

            Ngoài việc tạo sân chơi bổ ích, vui vẻ qua trò chơi, trò chơi dân gian còn giúp các em rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống. Khi các em chơi phải biết nhường nhịn nhau, không quá ăn thua để đánh mất tình bạn.

            Khi trẻ em ngồi quá lâu trước tivi chúng sẽ tiếp nhận thông tin một cách thụ động mà không hề có tư duy. Việc lười vận động gây ra tình trạng béo phì, vẹo cột sống, cận thị… ngày càng gia tăng ở trẻ thành phố. Vì vậy, trò chơi dân gian giúp cho các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hoà đồng, thân thiện, đoàn kết... Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn.

            Việc chơi các trò chơi dân gian không chỉ giúp trẻ yêu dân tộc, hiểu các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn cho trẻ thấm hơn các tình yêu thương, việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.

            Trẻ dễ dàng phát triển khả năng toán học qua trò ô ăn quan, với việc phải đếm và tính sau mỗi nước đi, cân nhắc đi nước nào "ăn" nhiều nhất giúp trẻ biết cách thức tính toán (đặc biệt là tính cộng trừ), tăng tính sáng tạo. Qua trò chơi các trẻ thêm đoàn kết, gần gũi với nhau. Để trẻ vận động thô, cha ông không cần dùng đến xe đạp, không cần đi patin mà có rất nhiều trò chơi giúp trẻ vận động như kéo co, mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, ù ập, cá sấu lên bờ, trốn tìm…

            Về vận động tĩnh: trò chơi banh đũa yêu cầu người chơi phải vừa thảy banh lên là trải đũa ra nhanh cho kịp bắt chụp lại trái banh, rồi lần lượt ném banh vừa bắt từng cây đũa một, rồi hai, ba, bốn... tức là phải tính chính xác làm sao vừa ném banh lên là phải nhanh mắt nhanh tay nắm đúng số đũa cần lấy và kịp thời bắt chụp lại trái banh. hay như hoạt động làm diều vào mỗi mùa hè, trẻ đi kiếm những cây tre về tước nhỏ sau đó vót mỏng, bẻ cong làm khung diều, không chỉ yêu cầu đôi bàn tay khéo léo mà còn cần thiết kế cho chiếc diều của mình thật đẹp thật độc để khi bay lên cao dễ dàng nhận diện cũng như nhận được sự ngưỡng mộ từ đám bạn.

            Trò chơi dân gian tạo điều kiện trẻ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, dễ dàng quan sát, nhận biết sự vật hiện tượng thông thường. Bọn trẻ có thể thấy và nghe tiếng đủ loại con vật, biết được nhiều loại cây, tăng khả năng quan sát. Đứa nhỏ lom khom nhìn đứa lớn rồi bắt chước tự làm, không cần ai bày, tụm lại là chủ động học hỏi và làm. Trí tưởng tượng của trẻ lại càng được nâng cao với trò đóng vai, nhất là làm cô dâu chú rể, cô giáo, làm ba mẹ và chơi đồ hàng. Bọn trẻ tự soạn kịch bản, diễn theo những gì chúng nghĩ, chúng tưởng tượng. Thật ngạc nhiên khi chúng làm áo cưới cô dâu bằng những chiếc lá chuối được tước ra trông giống như chiếc váy, và dùng hoa dại gắn lên đầu cô dâu.

            Các trò chơi dân gian thường mang yếu tố cộng đồng, nghĩa là có sự tham gia của rất nhiều người cùng tương tác với nhau. Khả năng giao lưu của trẻ rất nhanh vì khi chơi trò chơi dân gian cần tụ tập một nhóm nhỏ, chúng phải tự đi tìm bạn, tự rủ bạn tham gia trò chơi với mình. Chính vì điều đó, chúng làm cho những mối quan hệ trở nên gắn bó hơn giữa những người bạn tí hon của nhau, và cả những người bậc cha mẹ của chúng cũng trở nên thân thiết hơn.

            Có thể khẳng định trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo và sức chịu đựng của con người.

            Trong cuộc sống hiện đại, hình thức giải trí của trẻ em và cả người lớn đều theo xu hướng "công nghệ hóa" như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Rất khó bắt gặp những đứa trẻ chơi trò kéo co, ô ăn quan hay đánh khăng... Trong khi lo ngại những trò chơi điện tử có thể làm trẻ có xu hướng trở nên bạo lực, ích kỷ, dễ cáu gắt thì tại sao bố mẹ không hướng trẻ đến những trò chơi dân gian. Dễ dàng nhận thấy lợi ích trò chơi dân gian mang lại vô cùng to lớn: phát triển tư duy, sức khỏe, sự dẻo dai tinh thần đoàn kết, hợp tác, chịu trách nhiệm, biết chia sẻ và yêu thương người khác – điều mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình có được, phải chăng chúng ta cần nhìn nhận lại và học hỏi cách giáo dục con cái từ cha ông của mình.

Đối với trẻ em, những trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thànhnênbản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế gới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội. Bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với các em. Trò chơi dân gian là phương tiện giúp các em phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.  

Tuy nhiên trong đời sống hiện nay, khi quá trình hội nhập và phát triển, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa và sự ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp của nhiều trào lưu văn hóa mới, cùng với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường đã dẫn tới những sự đổi thay mang tính tiêu cực của các trò chơi dân gian của các dân tộc.

Để văn hóa truyền thống thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ, không có cách nào hay hơn là áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian, trò chơi có tính trí tuệ trong giải toán tuổi thơ, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hóa dân gian…

Đã đến lúc nhà trường cần phải có chủ trương hướng dẫn các em chơi những trò chơi dân gian như trước đây các bậc cha anh đã từng chơi. Thông qua trò chơi dân gian của các em, chúng ta vừa xây dựng được một nếp sống lành mạnh không bạo lực vừa bảo vệ và bảo tồn được những trò chơi mang bản sắc truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ mai một.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Viết An (2003), Phong tục cổ truyền Việt Nam và các nước, Nxb  Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
  2. Bac đian A. M. (1977), Giáo dục các con trong gia đình, Nxb Kim Đồng Hà Nội.
  3. Nguyễn Thanh Bình chủ biên (2001), Những vấn đề cấp bách trong giáo dục con ở lứa tuổi thiếu niên trong gia đình thành phố hiện nay, Nxb  Đại học quốc gia, Hà Nội.
  4. Bộ Giáo dục (2005), Luật giáo dục, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
  5. Bộ GD & ĐT (2005), Đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  6.  Võ Thị Cúc (1997), Văn hóa gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. 
  7.  Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Nguyễn Tuấn Phương - Chu Thị Minh Tâm (2006), Thực hành tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Nxb Giáo dục, Tp Hồ Chí Minh.
  8.  David Elkind, Nguyễn Quốc Thắng  dịch  (2008), Sức mạnh  của  vuichơi, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
  9. Đề tài KHCN cấp nhà nước KX-07-04 (1995), Giá trị - Định hướng giá trị nhân cách và giáo dục giá trị, Hà Nội.
  10. Lê Thị Dung (2005), Trò chơi dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Thông báo văn hóa dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.