Nội san

Văn hóa đọc của sinh viên tại Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam

10 Tháng Mười Hai 2015

Phạm Thị Hồng Minh

 

 

Đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người, hoặc làm ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, đến thế giới nội tâm, đến trình độ văn hóa, đến hoạt động xã hội của mỗi cá nhân con người. Tuy nhiên, cho dù là đọc, hay nghe nhìn đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam; đặc biệt là trong thời kỳ nước ta mở rộng giao lưu quốc tế, yêu cầu hàng đầu đối với tất cả chúng ta là tinh thần độc lập dân tộc, lòng tự hào sâu sắc về những giá trị văn hoá của con người Việt Nam.

Từ xưa đến nay, chúng ta đều biết rằng sách là kho tàng tri thức vô cùng quý giá của nhân loại, là nguồn kiến thức vô tận và không bao giờ cạn kiệt. Khi đọc sách, mỗi cá nhân không chỉ để tiếp nhận kiến thức, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin, mà còn để hoàn thiện nhân cách, phát triển con người.

Trong những năm gần đây, khắp nơi trên cả nước diễn ra nhiều sự kiện đa dạng, liên quan đến văn hóa đọc như “Ngày hội sách”, “Ngày đọc sách quốc gia”, cuộc thi hùng biện về “Văn hóa đọc”, cùng nhiều buổi ra mắt sách, giới thiệu và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm đọc,… Tất cả các sự kiện đó đã có tác động lớn đến nhận thức về vấn đề đọc sách của giới trẻ, góp phần đưa văn hóa đọc nhân rộng, đi sâu vào giới trẻ Việt Nam nói chung và của sinh viên chuyên ngành Y và Dược tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nói riêng.

 

Khai mạc Ngày Hội đọc sách năm 2013 (Nguồn: Tác giả )

 

Đánh giá cao tầm quan trọng của Văn hóa Đọc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các thư viện, hay thư viện của các trường đại học, đến việc quản lý và phát triển văn hóa đọc toàn xã hội nói chung, của các trường đại học nói riêng và đã có những định hướng cụ thể. Đã có nhiều văn bản quy định về thư viện, về sách, về quản lý văn hóa đọc của Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành liên quan được ban hành. Việc ban hành hệ thống các văn bản tạo ra hành lang pháp lý, giúp các cơ quan, đơn vị, hay cá nhân áp dụng và thực hiện công việc đúng đắn, đầy đủ và có sự thống nhất. Để hưởng ứng ngày Sách và bản quyền thế giới, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây là một quyết định đúng đắn nhằm khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo trình độ Cao đẳng, Đại học ở Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy người học làm trung tâm, giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ sở đào tạo phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, vấn đề hiện đại hóa hoạt động Thông tin, Thư viện, phát triển văn hóa đọc được đặc biệt quan tâm vì đây là yếu tố quyết định, thúc đẩy quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên đạt kết quả cao.

Xuất phát từ quan điểm trên, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam - một đơn vị chuyên đào tạo nguồn nhân lực lớn về Y và Dược học cổ truyền hàng đầu cho đất nước  đã xác định việc quản lý, phát triển và nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên của Học viện là yêu cầu tất yếu. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay của Học viện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới nền giáo dục cũng như áp dụng chuẩn đầu ra của Học viện. Căn cứ vào định hướng xây dựng con người mới của Đảng, của Nhà nước và chuẩn đầu ra của đơn vị, mục tiêu chung của Học viện là: Xây dựng và duy trì việc đọc sách trở thành thói quen của sinh viên trong Học viện, góp phần xây dựng phong trào đọc sách trong cộng đồng và trong xã hội. Đối với Học viện, để hoạt động tuyên truyền văn hóa đọc trong sinh viên, cần chú ý đến đặc thù ngành nghề, môi trường học tập, sao cho có thể phát huy tối đa hiệu quả của văn hóa đọc, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và chuẩn đầu ra của Học viện.

 

Phòng đọc sách của Học Viện (Nguồn: tác giả)

 

Sinh viên của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam chủ yếu là những người trẻ tuổi. Họ sẽ trở thành các bác sĩ y học cổ truyền chuyên khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong tương lai. Họ là những người thông minh, nhanh nhạy và am hiểu công nghệ, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển văn hóa đọc. Qua kết quả khảo sát, nhìn chung, họ đều có nhu cầu đọc sách, nhu cầu tìm hiểu thông tin, làm giầu vốn tri thức và để phục vụ tốt cho công việc sau này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, họ vẫn dành chưa nhiều thời gian cho việc đọc sách và hiệu quả của việc đọc sách còn chưa cao, dẫn đến kết quả học tập còn nhiều hạn chế. Để khắc phục được tình trạng này, cần thực hiện số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Ban Lãnh đạo, các cán bộ và giảng viên trong Học viện, vị trí, vai trò của sách, của văn hóa đọc trong việc phát triển văn hóa đọc.

Ban Giám đốc Học viện cần quan tâm hơn nữa đến văn hóa đọc, ban hành các văn bản, các quy định trên cơ sở các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đến văn hóa đọc trong Học viện; quan tâm hơn nữa trong sự đổi mới phương pháp dạy và học trong Học viện, tạo điều kiện, đầu tư hơn nữa cho thư viện, có vậy mới đề cao vai trò của tự học, tự nghiên cứu trong sinh viên, dần dần sẽ hình thành thói quen đọc, thói quen học tập tích cực và chủ động cho sinh viên.

Thứ hai, phát huy tốt vai trò, chức năng của Trung tâm Thông tin Thư viện.

Định hướng văn hóa đọc lành mạnh, phù hợp với định hướng xây dựng con người mới của Đảng và Nhà nước. Trung tâm Thông tin Thư viện của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý, phát triển và nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên của Học viện. Trung tâm có nhiệm vụ thu thập, tư vấn, tổ chức, cung cấp sách báo, tài liệu chuyên ngành, định hướng và hướng dẫn cho sinh viên về kỹ năng tra cứu, kỹ năng chọn các loại tài liệu và kỹ năng đọc. Để định hướng được nhu cầu và thói quen đọc cho sinh viên, ta phải xác định rõ nội dung và hình thức định hướng đọc. Qua đó giúp sinh viên biết lựa chọn nội dung họ cần đọc, biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết và phù hợp cho nhu cầu bản thân, biết tiếp thu nội dung đã đọc, biết vận dụng các kỹ thuật đọc như ghi chép, tóm tắt nội dung, biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đọc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Trung tâm cần trở thành trung tâm của thông tin, là nơi cung cấp nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng; công nghệ, trang thiết bị phải được hiện đại hóa, phương thức phục vụ đa dạng và phong phú; Thêm vào đó, Trung tâm cần triển khai mở các lớp giới thiệu, đào tạo, hướng dẫn sinh viên sử dụng thư viện, phương pháp, kỹ năng tìm tài liệu và đọc nhằm nâng cao trình độ đọc cũng như văn hóa đọc của sinh viên.

Thứ ba, xây dựng môi trường đọc sách thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người đọc, hình thành sở thích đọc sách và làm sao để việc đọc trở thành nề nếp, thói quen của sinh viên.

Phải đảm bảo cho người dùng tin có thể tiếp cận và sử dụng tài liệu, sách báo tạp chí, các nguồn thông tin được dễ dàng nhất, thuận tiện nhất, phù hợp với nhu cầu đọc, nhu cầu cập nhật thông tin đa dạng của sinh viên. Qua đó, giúp ích cho sinh viên trong học tập, trong nghiên cứu khoa học cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của sinh viên trong Học viện.

Trước khi có các phương tiện nghe, nhìn hiện đại như: Ti vi, như các loại điện thoại di động thông minh.... thì sách là con đường tốt nhất, để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Sách là một sản phẩm xã hội, là công cụ để tích lũy, truyền bá tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo sự phát triển của xã hội hiện đại, hình thức sách được thay đổi và cấu thành các dạng khác nhau, tùy vào sự phát triển khoa học, công nghệ ở mỗi thời đại. Đọc sách phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học, sẽ giúp ta tích lũy nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức trong mọi lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tăng cường khả năng tư duy. Sách làm ta thấy thoải mái và yêu đời hơn, đọc sách còn cho ta biết thêm về tình hình trong và ngoài nước, giúp ta tìm ra giá trị bản thân; đưa ta vượt thời gian, không gian để tìm hiểu lịch sử, hay khám phá những ý tưởng, chấp cánh cho những ước mơ, sáng tạo, phát minh mới trong tương lai.

Việc đọc sách giúp cho mỗi người mở mang tầm mắt, hiểu biết giá trị văn hóa dân tộc. Thông qua đọc sách, mỗi người có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho học tập, cho công việc và cho cuộc sống của mình, góp phần cống hiến cho gia đình, cho xã hội ở mức độ cao hơn. Có một câu danh ngôn: Nói tới sách tức là nói tới văn hóa đọc, mà văn hóa là thước đo đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia, một con người. Bởi thế, thư viện là xương sống, thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia, Thư viện là công cụ hình thành văn hóa đọc cho một quốc gia. Hy vọng mỗi người trong chúng ta, hãy biến mỗi ngày đều là Ngày hội đọc sách.

Nói tóm lại, việc quản lý, phát triển và nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên trong các trường đại học nói chung, hay Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nói riêng, chính là một trong những hoạt động, là điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng chuẩn đầu ra. Giúp cho các giảng viên, sinh viên đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập, là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Như Lênin đã từng viết: “Không có sách, không có tri thức; không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Để có thể quản lý tốt văn hóa đọc của sinh viên, Học viện không chỉ áp dụng một hay vài biện pháp, mà cần phải phối hợp nhiều biện pháp, với sự hỗi trợ sự vào cuộc của các phòng ban, tổ chức trong Học viện. Công việc này cần thực hiện đồng bộ, lâu dài, có sự phối hợp và theo kế hoạch được xây dựng cụ thể.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (2012), Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam 40 năm xây dựng và phát triển.

2. Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (2015), Kỷ yếu 10 năm Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

3. Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam http:www.vatm.edu.vn.

4. Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020.

5. Quyết định số 318/QĐ-HVYDHCTVN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Giám đốc Học viện, về việc thành lập Trung tâm Thông tin Thư viện.

6. Nguyễn Thị Hồng Thoa (2014), Tổ chức và hoạt động tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Thư viện, Trường ĐHKHXH và Nhân văn.

7. Trung tâm Thông tin - Thư viện (2013), Kế hoạch ngày Hội đọc sách.

8. Trung tâm Thông tin - Thư viện (2014), Kế hoạch ngày Hội đọc sách.