Nội san

Vai trò của quản lý nhà nước về văn hóa đối với sự phát triển văn hóa - xã hội Quận Hai Bà Trưng

17 Tháng Mười Hai 2015

 Nguyễn Thị Xuân Thư

 

            Quận Hai Bà Trưng được thành lập từ năm 1961 nằm ở phía Đông Nam nội thành Hà Nội với diện tích 10,09 km2, dân số hơn 36 vạn người. Đó là một trong những quận nội thành cũ của thủ đô Hà Nội, nằm ở vị trí trung tâm thủ đô, có bề dày về lịch sử, văn hóa.

Quận Hai Bà Trưng là vùng đất cổ, nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu như đền thờ Hai Bà Trưng, di tích Chùa Liên Phái, chùa Hộ Quốc, di tích Đàn Nam Giao, Văn chỉ Thọ Xương. Người dân nơi đây đã gắn bó với nét văn hóa đánh cờ người độc đáo tại lễ hội chùa Vua, múa đèn, rước nước tại lễ hội đền Đồng Nhân. Các ngôi chùa trên địa bàn quận với nét kiến trúc nghệ thuật cổ kính, gắn với sự tích các danh thần, danh tướng  của lịch sử nước nhà qua các thời kỳ Trưng Vương, Lý, Trần, Lê. 

                                                                                                                                                                                                                    

Cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, quận Hai Bà Trưng có cơ sở thuận lợi để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, mở rộng giao lưu văn hóa. Mặt khác, dù là một quận nội thành, song quận Hai Bà Trưng vẫn mang tính chất chung của vùng đất Kinh Kỳ- Kẻ Chợ, vẫn đan xen giữa đô thị và nông thôn. Những đặc trưng của làng xã, những phong tục tập quán, sinh hoạt, nếp nghĩ của nền nông nghiệp, nông thôn vẫn chi phối trong nếp nghĩ, cách làm và sinh hoạt của nhiều phường, phố. Đó cũng là cách để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân gian nhưng cũng chính điều đó gây nhiều khó khăn, cản trở cho công tác quản lý văn hóa theo yêu cầu đô thị hóa.

Quận Hai Bà Trưng hiện nay có 62 cửa hàng kinh doanh dịch vụ karaoke, 218 cơ sở internet, 18 hộ kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu, 05 vũ trường, 27 biển quảng cáo, hàng nghìn biển hiệu các loại. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ karaoke nằm rải rác từ những cửa hàng trong phố cổ như Nguyễn Du, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, Tô Hiến Thành, Tuệ Tĩnh đến những cửa hàng ven sông Hồng trên địa bàn các phường Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy...tập trung rải rác tại 15/20 phường, chủ yếu trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ, Thanh Nhàn, Bạch Đằng; Theo con số quản lý hiện nay, các cửa hàng kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu tập trung ở 06 phường trong quận, và đặc biệt phát triển mạnh ở phố Yên Bái, Thịnh Yên phường Phố Huế (chợ Trời). Các cửa hàng kinh doanh internet hiện nay tập trung trên địa bàn 17 phường, đặc biệt là ở Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị phường Bách Khoa và phường Đồng Tâm, Vĩnh Tuy.

            Hiện nay trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có tổng số có 79 di tích lịch sử, văn hóa, phân bổ ở 18/20 phường với nhiều loại hình phong phú, trong đó có  35 di tích đã được xếp hạng cấp Bộ và cấp thành phố, 19 di tích Cách mạng kháng chiến và 25 di tích chưa xếp hạng.

         

 

Quận Hai Bà Trưng còn lưu giữ rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Nhìn chung, các lễ hội đều giữ được nét đặc sắc và được tổ chức an toàn đảm bảo đúng yêu cầu quy chế lễ hội của nhà nước ban hành. Tuy nhiên, gần đây lễ hội truyền thống trên địa bàn quận đang phần nào bị biến dạng, mất đi bản sắc. Nguyên nhân là do hiện nay, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa cộng đồng cư dân các vùng miền tăng do điều kiện không gian, thời gian, địa lý ... Chính vì vậy, rất cần có sự quản lý nhà nước về lễ hội để góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của cha ông xưa để lại.

Quản lý nhà nước về văn hóa góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển văn hóa của quận, giúp thực hiện hóa các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Trên phương diện vi mô, hoạt động quản lý văn hóa trong các lĩnh vực, địa bàn, nhóm dân cư cụ thể sẽ giúp hạn chế những sai lệch trong khi thực thi các cơ chế, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Những năm qua, quận Hai Bà Trưng luôn quan tâm thực hiện các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân tiếp cận với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa như Luật di sản, Luật điện ảnh, Luật thể dục thể thao, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Du lịch, Luật quảng cáo… Bên cạnh đó, Quận ủy cũng xây dựng Chương trình số 06/CT-QU ngày 10/6/2011 về “Phát triển Văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2011- 2015” góp phần tạo điều kiện cho công tác quản lý văn hóa ở địa phương gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Hệ thống quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn quận được hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Việc kiểm tra giám sát các hoạt động văn hóa được thường xuyên, liên tục. Những hoạt động trên đã góp phần  đảm bảo định hướng lớn của Đảng trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hơn thế nữa, hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn quận thời gian qua đã góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhiều giá trị văn hóa mới đươc tiếp thu có chọn lọc, khuyến khích sức sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các chủ thể văn hóa.

Trong những năm qua, hoạt động văn hóa- xã hội của quận được triển khai sâu rộng trên địa bàn và tạo chuyển biến tích cực. Chương trình: “Phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn quận đã góp phần cải thiện môi trường sống, giảm bớt các tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống đạo đức và nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho nhân dân.

    Công tác văn hóa, thể thao của quận cũng được thành phố đánh giá cao. Do đó, đã tạo được phong trào sôi nổi trong quần chúng. Cụm văn hóa- thể thao Bạch Đằng, Minh Khai có nhiều hình thức hoạt động phong phú. Câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời của quận được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đặc biệt các vận động viên của quận đã giành được Huy chương Vàng quốc tế trong các giải bóng bàn trẻ Đông Nam Á, Whusu thế giới và bắn cung.

Hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ được triển khai sâu rộng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của quận. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội được thực hiện đúng quy định, đảm bảo văn minh nơi thờ tự. Công tác quản lý di tích, giữ gìn bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa  trên địa bàn quận được chú trọng. Những năm qua, công tác di dân ra khỏi các di tích đã đạt được kết quả tốt, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho các hộ dân, trả lại cảnh quan, góp phần nâng cao giá trị vật chất, tinh thần cho các di sản văn hóa.

  

 

Quản lý nhà nước về văn hóa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, mang lại lợi nhuận, nâng cao đời sống nhân dân.

Những năm qua, kinh tế quận Hai Bà Trưng tiếp tục phát triển tốt, tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt cao, thường xuyên vượt kế hoạch thành phố giao. Để có được những kết quả như vậy, không thể phủ nhận được vai trò của hoạt động quản lý văn hóa. Hoạt động quản lý văn hóa trên địa bàn quận cũng làm cho văn hóa trở thành một tác nhân kích thích sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Có thể nói, công tác quản lý nhà nước về văn hóa đã góp phần thực hiện hiện quan điểm của Đảng: “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Chúng ta đã biết, văn hóa phát triển tương xứng là cơ sở cho phát triển kinh tế một cách toàn diện. Văn hóa và tăng trưởng kinh tế là mối quan hệ đa chiều, có liên hệ mật thiết với nhau. Với thực tế quận Hai Bà Trưng, hoạt động quản lý văn hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn liền với nhau. Điều đó thể hiện rõ nét qua chủ trương tạo mối liên kết giữa kinh doanh thương mại với các hoạt động văn hóa du lịch, bảo tồn và phát triển các di tích lịch sử - văn hóa. Quận Hai Bà Trưng đã và đang đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của quận để phát triển đa dạng hóa các loại hình thương mại dịch vụ gắn với du lịch, văn hóa, lễ hội, sinh thái, phát triển kinh tế bền vững đi đôi với việc giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa, các ngành nghề truyền thống. Khuyến khích đầu tư và phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch, đủ tiêu chuẩn để đón khách quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, cách mạng; xây dựng các trung tâm thể thao, văn hóa, vui chơi giải trí. Thành lập câu lạc bộ, hiệp hội, ngành nghề kinh doanh trong quận để trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Giới thiệu, quảng bá giá trị lịch sử- văn hóa của các di tích lịch sử- văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể,  phi vật thể của quận. Bảo tồn và nâng cao giá trị lịch sử - văn hóa các lễ hội truyền thống. Với một lĩnh vực rộng lớn, đa dạng và phức tạp như vậy, quản lý nhà nước về văn hóa phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi ngành văn hóa của quận hoạt động đúng hướng, theo kịp xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được duy trì thường xuyên, đặc biệt là trên các lĩnh vực trọng yếu của quận: hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, quản lý di tích lịch sử văn hóa, quản lý tổ chức lễ hội.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa luôn được chú trọng, đặc biệt là công tác tuyên truyền phổ biến các quy định, điều kiện của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn quận trong nhiều nặm qua đã góp phần quan trọng làm lành mạnh và phát triển đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần phổ biến những kiến thức về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trong những năm qua cũng là minh chứng cụ thể cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.

Những di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện nay là niềm tự hào của nhân dân trong quận. Những công trình kiến trúc đó đã được nhiều thế hệ quận Hai Bà Trưng chăm lo, gìn giữ, tu bổ và tôn tạo.

Các lễ hội trên địa bàn quận được tổ chức tốt đã khẳng định giá trị văn hóa, nhân văn của các di tích, hướng con người vươn tới những việc làm tốt, góp phần giáo truyền thống và nâng cao lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân trên địa bàn quận.

            Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực của sự phát triển bền vững, quận Hai Bà Trưng cần có một số định hướng trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn quận như sau:

            Một là, công tác quản lý nhà nước về văn hóa phải đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển văn hóa với phát triển kinh tế và ổn định chính trị trên địa bàn quận. Phấn đấu đên năm 2020, toàn quận không có các hoạt động kinh doanh không phép, trái phép. Xây dựng quy hoạch phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn quận nhằm đưa hoạt động văn hóa của quận phát triển theo hướng lành mạnh, hiệu quả, vừa phục vụ tốt nhất nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn, vừa giúp các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa hoạt động hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển của quận.

            Hai là, xây đựng đội ngũ cán bộ ngành văn hóa về số lượng cũng như về chất lượng, hình thành ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý có trình độ chuyên môn theo kịp và thích ứng với sự phát triển của đất nước. Thực hiện quy hoạch  đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa theo hướng chuyên môn hóa và ổn định nhân sự. Chăm lo xây dựng một bộ máy, đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và khả năng tham mưu, giúp việc, quản lý tốt các hoạt động văn hóa trên từng địa bàn.

            Ba là, tăng cường quản lý nhà nước đối với việc giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, lễ hội truyển thống gắn với phát triển văn hóa du lịch trên địa bàn quận. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức và quản lý lễ hội. Phát huy tối đa tiềm năng chủ động sáng tạo và tích cực của nhân dân trong quận. Nêu cao tính tự nguyện, tự quản của nhân dân trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Chính người dân trực tiếp tuyên truyền, quảng bá về các giá trị của lễ hội địa phương cho bạn bè và du khách thập phương.

Bốn là, xây dựng các chính sách văn hóa nhằm tăng cường hoạt động kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế để tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động văn hóa phát triển. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn quận, tạo môi trường văn hóa sôi động và lành mạnh. Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đổi mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của quận.

Năm là, phối hợp với thanh tra chuyên ngành các Sở Văn hóa, thể thao, du lịch, Sở thông tin truyền thông tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn quận, đặc biệt tập trung trên các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, quản lý di tích, tổ chức lễ hội.

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Ban chấp hành Đảng bộ quận Hai Bà Trưng (2010), Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ quận Hai Bà Trưng.

2.      Ban chấp hành Đảng bộ quận Hai Bà Trưng (2011), Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận Hai Bà Trưng (2000-2010).

3.      Bộ Văn hóa - Thông tin (1992), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc- Thực tiễn và giải pháp, Hà Nội.

4.      Chính phủ (2009), Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng, Hà Nội..

5.      Phan Hoàng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên 2014), Quản lý văn hóa trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội.

6.      Vũ Thị Phương Hậu (2009), Một số vấn đề quản lý Nhà nước về văn hóa, Thông tin Văn hóa và phát triển, số 19, tháng 3/2009.

7.      Phòng Văn hóa và thông tin quận Hai Bà Trưng, Báo cáo tổng kết công tác văn hóa- thông tin năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014.

8.      Đỗ Thị Minh Thúy (chủ biên), 2004, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Thành tựu và kinh nghiệm, Viện văn hóa và Nxb Văn hóa- thông tin, Hà Nội.

9.      Phan Văn Tú, Nguyễn Văn Huy, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên (1998), Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội.

10.    Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng- Phòng Văn hóa và thông tin, Báo cáo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các năm: 2010, 2011, 2012, 2013,2014.

11.    Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng (2003), Các di tích lịch sử văn hóa quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

12.    Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng (2011), Quận Hai Bà Trưng- 50 năm xây dựng và phát triển (31/5/1961- 31/5/2011)- Tài liệu lưu hành nội bộ.