Nội san

Một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý đền Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, Hà Nội

22 Tháng Mười Hai 2015

Nguyễn Minh Phương([*])

 

Đền Hai Bà Trưng nằm tại số 12 Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đền được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào ngày 28/4/1962. Đền Hai Bà Trưng nằm trong cụm di tích gồm đình - đền - chùa được bố trí cùng một không gian, nơi đây hội tụ những giá trị quý giá về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật mà rất ít các di tích trên địa bàn thủ đô Hà Nội có được.

1. Thực trạng của công tác quản lí đền Hai Bà Trưng hiện nay

Đền Hai Bà Trưng nói riêng và các di tích lịch sử văn hóa (LSVH) khác nói chung là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất truyền thống của dân tộc về một thời kỳ dựng nước và giữ nước oanh liệt của cha ông ta. Có thể thấy được, công tác quản lý di tích đền Hai Bà Trưng thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Theo ông Đỗ Duy Lợi, thủ từ đền cho biết: trong vài năm trở lại đây, khu di tích được các cấp, ngành quan tâm nên việc tu bổ, bảo tồn các hạng mục của khu di tích được tiến hành, giảm thiểu những nguy cơ xuống cấp, tổn hại đến di tích. Không những thế, việc xác lập được qui hoạch cụ thể và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho khu di tích đã hạn chế tối đa việc lấn chiếm di tích như thời gian trước đây. Các di vật trong di tích được bảo quản chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật. Không những thế, với ý thức cao trong việc gìn giữ truyền thống dân tộc nên khu di tích cũng không tiếp nhận những tượng, đồ thờ tự ngoại lai, không phù hợp với không gian, cũng như như mỹ cảm của dân tộc.

Tuy nhiên, qua trao đổi với người dân trong khu vực cũng như những người trực tiếp trông coi di tích thì công tác quản lý đền Hai Bà Trưng còn tồn tại một số vấn đề và cần sớm có giải pháp đồng bộ để khắc phục, đó là:

 Thứ nhất, nhận thức của người dân đối với di sản văn hóa chưa đúng mực. Đây là vấn đề chung, được xem là trọng tâm, chi phối đến hành vi thiếu văn hóa đối với di tích. Đây là tình trạng chung tại nhiều di tích, không chỉ riêng ở đền Hai Bà Trưng. Nhiều người đến với di tích có tâm lý, hành vi như đến một tụ điểm vui chơi giải trí mà không biết đến những ứng xử có văn hóa tại không gian tâm linh. Nhiều bạn trẻ đến dâng hương những có ăn mặc phản cảm, áo hai dây, quần ngắn, cười nói to, ảnh hưởng đến những người khác. Ông Đỗ Duy Lợi cho biết, cách đây hơn hai tháng, khi sư thầy trụ trì chùa Viên Minh nhắc nhở về hành vi không đúng mực trong chùa thì bị nhóm thanh niên phản ứng, ăn nói hỗn xược…Không những thế, do nhiều nguyên nhân nên hiểu biết về giá trị của di sản văn hóa đền Hai Bà Trưng cũng chưa được nhiều người biết đến, bản thân một số người dân trong khu vực cũng không biết đến thành hoàng ở đình làng Đồng Nhân.

Thứ hai, công tác an ninh, bảo vệ cần sớm có giải pháp phù hợp để cảnh quan, hoạt động của khu tích được ổn định. Hiện nay, cổng vào khu di tích không có cửa cho nên không gian khu di tích thông thoáng, nối liền với đường Hương Viên. Do đó, mặc dù khu di tích có tường bao quanh nhưng trên thực tế thì vẫn diễn ra việc một số đối tượng nghiện hút thường lui tới tiêm chích. Không những thế, khu di tích nằm trong khu dân cư, buôn bán sầm uất, xung quanh là nhiều trường học như trường tiểu học Trưng Nhị, trường PTCS Trưng Trắc, trường PTTH Trần Nhân Tông nên có khá đông học sinh lấy sân đền là nơi tụ tập, trong đó các bạn trẻ không có được hành vi đúng mực như đá bóng, ném nhau. Gần đây, có nhóm đá bóng vỡ bát hương ở đình làng Đồng Nhân hay vỡ ngói ở chùa Viên Minh. Khi bị thủ từ đền nhắc nhở thì có thái độ hằn học, thiếu văn hóa. Chính điều này dẫn đến việc hiện nay cả đình - đền - chùa trong khu di tích thường xuyên đóng cửa để đảm bảo an ninh. Những ai muốn đến dâng lễ, thắp hương hay vãn cảnh đều phải ấn chuông hay liên hệ với người trông coi khu di tích.

Thứ ba, mặc dù khu đền đã có quy hoạch và xác lập được địa giới, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng một số hộ dân vẫn chưa bàn giao lại diện tích đã lấn chiếm. Đặc biệt đằng sau chùa Viên Minh, những hộ lấn chiếm khuôn viên nhà chùa kinh doanh quan tài gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích, cũng như phá hoại không gian tâm linh của nhà chùa.

Thứ tư, một số vấn đề khác như vẫn tồn tại hiện tượng buôn bán, đỗ xe lộn xộn bên ngoài khu tích. Một số người dân vẫn thiếu ý thức vứt rác bừa bãi trong khuôn viên đền gây mất mĩ quan.

2. Giải pháp khắc phục, hạn chế tồn tại và phát huy những giá trị của khu di tích đền Hai Bà Trưng.

Một là, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đền thờ Hai Bà Trưng

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đền Hai Bà Trưng chỉ có thể được đẩy mạnh và đạt hiệu quả khi người dân tự giác tham gia. Do đó, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động trong việc bảo tồn cũng như có được thế ứng xử phù hợp đối với di tích. Đây được xem là giải pháp thiết thực nhất bởi chỉ có nhận thức đúng mới có được những hành xử phù hợp với di sản. Thực tế trong công tác quản lý di tích đền Hai Bà Trưng đã cho thấy mọi hoạt động quản lý chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của người dân. Chỉ khi người dân ý thức đúng trong việc ứng xử phù hợp với di tích thì họ mới có thể ứng xử phù hợp, đúng mực và chủ động tham gia với thủ từ, Ban Quản lí di tích và danh thắng phường Đồng Nhân thực hiện tốt công tác quản lý. Nếu một hành vi sai trái chỉ có thủ từ, sư thầy nhắc nhở sẽ không thể hiệu quả bằng sự lên tiếng của cộng đồng, sự phản ứng của người dân có mặt. Không một ai có thể xả rác bừa bãi tại khu di tích nếu những người dân ở đó không thờ ơ, vô cảm.

 

Ảnh: Cụm di tích đình - đền - chùa Hai Bà Trưng (Nguồn: st)

 

Để nâng cao được nhận thức của người dân về giá trị của di sản, việc cần làm ngay là cần có bảng giới thiệu về giá trị văn hóa của di tích, của các vị thành hoàng được phụng thờ trong đình, vị thần được thờ trong đền hay lịch sử hình thành của chùa Viên Minh. Cần có những bảng hướng dẫn, những qui tắc ứng xử trong khu di tích và được lắp đặt ở những nơi dễ nhìn. Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa nói chung và khu di tích đền Hai Bà Trưng cho học sinh tại các trường học trong khu vực để các em có thể hiểu được về những giá trị văn hóa lịch sử của những di tích trong địa bàn, từ đó hình thành thái độ, hành vi đúng mực đối với di tích, không có những xâm hại di tích do thiếu hiểu biết.Những giá trị văn hóa qua việc tìm hiểu đền Hai Bà Trưng sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho cộng đồng. Những giá trị này là bằng chứng sống động nhất của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thông qua di tích đền thờ Hai Bà Trưng nhằm gìn giữ cho thế hệ mai sau những bài học về tự hào dân tộc, tưởng niệm những anh hùng dân tộc, những người có công với nước với dân mà bất cứ ai trong chúng ta đều cần tôn trọng và hướng tới. Giáo dục về di sản văn hóa cho cộng đồng là một công việc cần thiết. Điều này giúp cho cộng đồng hiểu sâu sắc hơn về quá khứ, giúp cộng đồng ý thức hơn về chính mình, tránh được cách nhìn phiến diện và tự hào hơn về những giá trị còn hiện hữu của ngày hôm nay.Ngoài ra, chính quyền phường Đồng Nhân kết hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa xây dựng một số ấn phẩm, sản phẩm giới thiệu về đền thờ Hai Bà Trưng một cách có hệ thống, phục vụ cho mục đích giáo dục, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đền Hai Bà Trưng

Ý nghĩa của việc tăng cường chính là sự phối kết hợp trong công tác quản lý, tổ chức sao cho mọi hoạt động diễn ra tại đền Hai Bà Trưng không vi phạm thuần phong, mỹ tục, pháp luật và những người đến vãn cảnh, cũng như tham dự lễ hội được thật sự thoải mái, an toàn. Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hiền, trưởng phòng VHTT quận Hai Bà Trưng cho biết: trong thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ cương quyết hơn trong việc di dời các hộ dân đang lấn chiếm, trả lại nguyên hiện trạng cho khu đền Hai Bà Trưng. Không những thế, quận cũng đã xây dựng phương án mở rộng và nâng tính chất của hội đền Hai Bà Trưng cho đúng tầm di sản, với công đức của những vị vua Bà đầu tiên dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Đối với lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự tại khu di tích, Ban quản lý di tích - danh thắng phường Đồng Nhân cần sớm có phương án để đảm bảo sự tôn nghiêm tại khu di tích. Kết hợp với công an phương tăng cường tuần tra thường xuyên trong và ngoài khu di tích, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm trong việc vi phạm cảnh quan của đền như bán hàng nước, đỗ xe sai qui định.

Ngoài ra, Ban quản lý di tích - danh thắng phường Đồng Nhân sớm có kiến nghị với cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh tên biển chỉ dẫn trước cửa khu di tích cho đúng với tính chất và qui mô, đó là “Đền Hai Bà Trưng” đổi thành “Khu di tích Đình - Đền - Chùa Hai Bà Trưng”.

Ba là, tăng cường hoạt động xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đền thờ Hai Bà Trưng

Thực hiện tốt công việc quản lý đền Hai Bà Trưng nhất thiết phải có nguồn kinh phí để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích này. Ngay sau khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực (năm 2002), kinh phí dành cho bảo tồn và phát huy di tích cụ thể là:

 Sử dụng nguồn ngân sách nhà nước: Từ năm 2002, đền Hai Bà Trưng đã được cấp hơn 11 tỷ đồng (4 tỷ từ Bộ, 1 tỷ từ thành phố Hà Nội và hơn 6 tỷ từ quận Hai Bà Trưng). Trong thời gian tới, ngân sách nhà nước tiếp tục được phân bổ để hoàn thành việc bảo tồn, tu tạo một số hạng mục trong khu di tích đền Hai Bà Trưng.

 Sử dụng các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản: đây là số tiền khách thập phương đến vãn cảnh đền cũng như tham gia các hoạt động lễ hội được tổ chức hàng năm và lễ lớn 5 năm một lần. Khoản tiền này được Ban quản lý di tích - danh thắng phường Đồng Nhân chi vào các hoạt động thường xuyên của di tích như điện, nước, vệ sinh… cũng như đóng góp vào tiền tu bổ, tôn tạo và tổ chức lễ hội. Mọi hoạt động thu chi đều có báo cáo công khai, cụ thể hàng năm.

 Nguồn tài trợ và đóng góp của tổ chức và cá nhân trong nước, ngoài nước: khoản kinh phí này cũng không hề nhỏ. Gần đây nhất là cam kết hỗ trợ 18 tỷ đồng của ngân hàng Liên Việt để tu bổ tam bảo, nhà Mẫu, gác chuông…

Trong thời gian tới, công tác quản lý khu di tích đền Hai Bà Trưng cần tiếp tục có giải pháp huy đồng nguồn đóng góp từ xã hội để tiến tới việc bảo tồn, quản lý khu di tích không còn phụ thuộc vào ngân sách của Nhà nước. Một trong những giải pháp nhằm huy động thêm về nguồn lực tài chính là Ban quản lý di tích - danh thắng phường Đồng Nhân cần kết nối với các đơn vị lữ hành tổ chức các tour du lịch đến thăm quan đền, cũng như kết hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về văn hóa truyền thống dân tộc để có thể tăng thêm nguồn thu thường xuyên. Bên cạnh đó, ngành văn hóa nói chung cũng cần có bộ phận chuyên trách trong việc đi vận động các đơn vị, công ty trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí trong những đề án trùng tu, cải tạo, bảo tồn các di tích văn hóa, trong đó có di tích đền Hai Bà Trưng. Chỉ có giải pháp xã hội hóa nguồn lực tài chính thì các di tích văn hóa mới có cơ hội được quan tâm đúng với tầm vóc của di sản.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực, cán bộ quản lý văn hóa các cấp

            Hiện nay, nhân sự của Ban quản lý di tích - danh thắng phường Đồng Nhân, cũng như những người trực tiếp trông coi di tích còn mỏng, kiến thức trang bị chưa đồng đều, cho nên rất cần được các cấp các ngành quận Hai Bà Trưng quan tâm trong việc tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn được đào tạo kiến thức cơ bản về di sản văn hóa vào các vị trí liên quan.

Giải pháp này nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý đền Hai Bà Trưng với phương án đào tạo các cán bộ quản lý tại chỗ có trình độ và khả năng quản lý di sản văn hóa, xử lý đúng các tình huống xảy ra trong công tác quản lý ở địa phương. Trong thực tiễn công tác quản lý đền thờ Hai Bà Trưng đã chỉ rõ hạn chế được những tiêu cực hay không đều phụ thuộc phần lớn ở Ban quản lý di tích- danh thắng phường Đồng Nhân. Những cán bộ quản lý văn hóa cấp cơ sở tham gia trực tiếp trong Ban quản lý di tích cần không ngừng tự hoàn thiện, nâng cao nhận thức bởi điều này sẽ góp phần không nhỏ cho việc công tác quản lý đền được bài bản, đúng với truyền thống mà không lai căng, sai lệch thậm chí vi phạm những quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trên cơ sở xác định rõ những “điểm nghẽn” trong thực trạng về công tác quản lý khu di tích đền Hai Bà Trưng, với tâm huyết của những người đang từng bước nghiên cứu ngành học quản lý văn hóa, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao, đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý di tích đền Hai Bà Trưng, tạo tiền đề khoa học đáp ứng nhu cầu phát huy công tác quản lý di tích trong bối cảnh mới, đặc biệt trong thời điểm cụm di tích đình - đền - chùa Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) đang chuẩn bị thiết lập hồ sơ trình Thủ tướng chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Để các giải pháp nêu trên  đạt được hiệu quả cao nhất, thiết nghĩ cần các nhà quản lý triển khai đồng bộ và có sự kết hợp chặt chẽ các giải pháp với nhau. Điều này phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống, bộ máy chính trị địa phương, sự ủng hộ của nhân dân; tất cả cùng chung sức đồng lòng bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Hai Bà Trưng chính là góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân quận mang tên hai nữ tướng oai hùng của dân tộc.

 

                                                Tài liệu tham khảo

1.    Đặng Văn Bài (2005), Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.

2.    Ngô Thị Ngọc Bích (2004), "Các di tích ở quận Hai Bà Trưng, thực trạng và giải pháp bảo tồn", in trong Các di tích lịch sử văn hóa quận Hai Bà Trưng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3.    Thanh Bình (sưu tầm, tuyển chọn, 2002), Những quy định pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa của Đảng, Nxb Lao động, Hà Nội.

4.    Trần Văn Bính (chủ biên) (2000), Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội.

5.    Cục Di sản (2006), Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới.

6.    Trịnh Minh Đức, Phạm Thu Hương (2007), Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

7.    Nguyễn Quốc Hùng (2001), Bảo vệ văn hóa phi vật thể, khái niệm và nhận thức, Tạp chí VHNT, Hà Nội.

8.    Lê Hồng Lý (chủ biên) (2010), Giáo trình Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, Nxb ĐH Quốc gia, Hà Nội.

 



[*] Lớp Cao học K1 - chuyên ngành Quản lý văn hóa