Nội san

Không gian văn hóa di chỉ hòn Hai - Cô tiên

18 Tháng Hai 2016

 Đỗ Thanh Mai[*]

 

Núi Hòn Hai - Cô Tiên có một giá trị đặc biệt với thành phố Hạ Long về cảnh quan và môi trường. Dãy núi vừa là tấm bình phong che chắn gió bão vừa là lá phổi điều chỉnh độ ẩm, độ trong sạch của không khí, vừa là thắng cảnh tự nhiên của thành phố. Đây cũng là một địa điểm giáo dục trực quan sinh động về văn hóa, môi trường và sự phát triển bền vững.

Từ rất nhiều đời trước đây, những người dân trên đảo Ngọc Vừng, Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy những chiếc rìu đá xinh xắn, nhiều mảnh gốm huyền bí giấu mình trong lớp cát. Họ không biết rằng, minh đã vô tình phát hiện ra những dấu tích đầu tiên của một nền văn hóa khảo cổ có giá trị độc đáo trong nước và quốc tế  mà sau này được các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến với cái tên Văn hóa Hạ Long.

Di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên thuộc phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long hiện nay là một di chỉ đặc biệt và duy nhất được công nhận là di tích Quốc gia nằm trong hệ thống các di tích thuộc nền Văn hóa Hạ long. Một nền văn hóa mang đậm yếu tố bản địa phát triển từ quá trình nội sinh và thể hiện rõ văn hóa Biển vùng Đông bắc của tổ quốc.

Di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên sở dĩ có tên Hòn Hai - Cô Tiên vì dãy núi này có một ngọn núi giống khuôn mặt một cô gái trẻ, dáng chung của dẫy núi cũng có những đường nét của người con gái đang nhìn lên bầu trời. Vì vậy, từ rất lâu (hàng trăm năm trước khi có cư dân sinh sống ở thành phố Hạ Long), dân vạn chài trong vùng gọi đây là núi Cô Tiên(hoặc Hòn Hai). Dãy Hòn Hai - Cô Tiên cùng với núi Chùa, hòn Bằng, hòn Giếng Cối, hòn Giữa…kết hợp với nhau tạo thành một quần thể các đảo rất đẹp bên bờ Vịnh Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới.

Ngoài ra núi Hòn Hai - Cô Tiên còn có tên gọi theo địa hình là Núi Cặp Bè. Bởi khi thực dân Pháp xâm lược và khai thác khu mỏ do nhu cầu phục vụ gỗ chống lò để khai thác than, làm lán trại và các nhu cầu dân sinh khác nên hình thành một bến gỗ tre nứa tại khu vực Lán Bè - Kênh Liêm. Các thuyền, bè, mảng chở gỗ trước khi vào bến thường cặp tại khu vực này. Vì vậy dân quanh đây thường gọi là hòn Cặp Bè hay núi Cặp Bè.

Di chỉ khảo cổ Hòn Hai - Cô Tiên có tọa độ 20 độ 57’10’’ vĩ độ bắc, 107 độ 5’50’’ kinh độ Đông, nằm ở tổ 65,  phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, cách quốc lộ 18A khoảng 500 m, cách bưu điện trung tâm thành phố khoảng 800 m. Trên bản dồ, di tích nằm ở phía Nam của trung tâm thành phố Hạ Long.

  Di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên nằm cách quảng trưởng 30 tháng 10 - Quảng trường trung tâm của thành phố Hạ Long - nơi có cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh được giải thưởng công trình kiến trúc năm 2013 do Hội kiến trúcViệt Nam trao tặng và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và thành phố, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây. Di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên là một dãy núi đá có địa hình rất phức tạp, phân bố trên diện tích hơn 10.000m2 bao quanh núi Hòn Hai có độ cao từ 7m đến 15m (so với mực nước biển) gồm các khu vực như sau:

Khu vục thứ nhất là khu chân núi phía đông Cô Tiên rộng 2.000m2 ở độ cao khoảng 5m đến 10m . Các di vật khảo cổ thuộc Văn hóa Đông Sơn được phát hiện trong các hẻm đá, khe núi và hang đá xếp. Qua thám sát Bảo tàng Quảng Ninh đã phát hiện tại khu vực này 50 di vật Đông Sơn với các chất liệu đồng, đá, xương, gốm…

Khu vực thứ hai là khu vực thung lũng giữa hai ngọn núi Hòn Hai - Cô Tiên rộng 8.000m2. Đây là một thung lũng ở độ cao từ 5m đến 12m so với mực nước biển. Nằm vắt ngang núi theo chiều Đông Bắc – Tây Nam. Trong thung lũng có 2 loại địa hình: Địa hình thung lũng đất  và địa hình đá xếp, xen lẫn vách núi đứng, hang đá xếp và hang các tơ (Kart). Các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn được phân bố như khu vực I. Qua thám sát Bảo tàng Quảng Ninh đã thu thập được ở đây 100 di vật thuộc giai đoạn Đông Sơn với các chất liệu đồng, đá, xương, gốm…

Khu vực thứ ba là khu sườn núi đá phía Bắc nằm ở giữa chân núi Hòn Hai rộng trên 1000m2. Đây là một khu vực đá xô nằm xen kẽ trên nền đất, một loại cấu tạo địa hình phổ biến của núi Hòn Hai - Cô Tiên. Các địa tầng văn hóa chứa di vật nằm sát chân núi, bị chia cắt bởi các tảng đá lớn có kích thước trung bình khoảng 3m x 2m x 3m. Tại khu vực này đã phát hiện được một khu mộ táng khai quật được 30 bộ di cốt người Hạ Long, 50 di vật tùy táng như: rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá, đồ trang sức bằng xương và răng thú, nồi gốm và hàng nghìn mảnh gốm nhỏ thuộc văn hóa Hạ Long. Tại hố khai quật II, III còn phát hiện được di cốt cổ nhân, công cụ đá, gốm thuộc văn hóa Hạ Long (lớp dưới) và công cụ bằng đá, đồng, gốm thuộc văn hóa Đông Sơn (lớp trên).

Di chỉ Hòn Hai - Cô tiên nằm trong dãy núi Hòn Hai - Cô tiên, dãy núi có một giá trị cảnh quan độc đáo. Toàn bộ dãy núi được cấu tạo bởi nhiều loại địa hình cảnh quan phong phú đa dạng. Ba thung lũng chính và các hang động của núi hình thành một hệ thống khép kín với nhiều loại rừng cây, có hệ sinh thái điển hình của núi đá trên vịnh Hạ Long.

 

Ảnh: Di tích Hòn Hai - Cô Tiên, Hạ Long (Nguồn:st)

 

Trong thung lũng rừng nguyên sinh núi đá, qua điều tra đã phát hiện  những tập thể và cá thể các loài linh trưởng như khỉ lông vàng... các loài bò sát quý như tắc kè, kỳ nhông. Một số loài động vật chân đốt như mật ong núi, một số loài bướm...

Phân bố trong không gian rộng trên 10.000 m2 với độ cao từ 7m đến 15m so với mực nước biển nên tính chất văn hóa biển đã được thể hiện sâu sắc.Những di vật là công cụ sản xuất, đồ trang sức, gốm, tàn tích thức ăn thể hiện rõ đặc trưng văn hóa biển trong đời sống của cư dân Hòn Hai - Cô Tiên. Sự tồn tại và phát triển của cư dân văn hóa biển bao giờ cũng rất năng động trong các mối giao lưu hội nhập và thích ứng văn hóa. Cư dân Hòn Hai - Cô Tiên đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần mang đậm màu sắc biển như tôn thờ thần tượng liên quan đến biển - hoa văn sóng nước, văn in lưng sò, trong các đồ tùy táng - thờ tổ tiên trong táng tục có các sản vật biển như: vòng ốc, hạt chuỗi.

Chúng ta đã thấy dấu ấn Hòn Hai - Cô Tiên đã ảnh hưởng tới các nền văn hóa thời đại đồng thau các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng trung du đồng bằng chây thổ sông Hồng, cũng như: vùng đồng bằng ven biển sông Mã. Ngược lại, các nền văn hóa này có tác động không nhỏ đến Văn hóa Hạ Long nói chung và cư dân Hòn Hai - Cô Tiên nói riêng mà dấu ấn văn hóa Phùng Nguyên ở di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên là một minh chứng. Có được những giao lưu trao đổi ngang dọc với các trung tâm văn hóa lớn lúc đó, bởi cư dân Hòn Hai - Cô Tiên đã phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hóa biển, phát huy thế mạnh của cư dân sông nước để sáng tạo ra những đặc trưng văn hóa riêng của mình.

Những đặc trưng về môi trường, nguốn gốc, niên đại, vai trò, vị trí và những giá trị đặc trưng trong sưu tập hiện vật, chúng ta có thể khẳng định di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên là một di chỉ thể hiện văn hóa biển điển hình và có vị trí bản lề, chuyển tiếp trong hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí ở Quảng Ninh.

Những phát hiện mới ở di chỉ ở Hòn Hai - Cô Tiên, chúng ta thấy rất rõ văn hóa Hạ Long đã phát triển mạnh mẽ, là cơ sở cho sự hình thành phát triển của cư dân thuộc thời địa kim khí ngay trên vùng đất Quảng Ninh.

Nghiên cứu thực địa, chúng ta thấy di tích của thời đại kim khí Hòn Hai - Cô Tiên trong tầng văn hóa (in situ) chứa đựng cả 2 thời kỳ văn hóa khác nhau. Tầng văn hóa của hậu kỳ đá mới ở phía dưới - thường là lớp dưới cùng, tầng văn hóa của thời đại kim khí ở phía trên. Sự phát triển này hầu như liên tục.

Khi nghiên cứu so sánh hệ thống hiện vật trong di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên chúng ta thấy rất rõ các hiện vật như hòn kê, bàn mài rãnh Hạ Long, rìu , bôn tứ diện đều có mặt, trở thành các di vật đặc trưng trong di tích kim khí năng động trong các mối giao lưu  hội nhập. Từ đó có thể thấy dấu ấn Hòn Hai - Cô Tiên đã in những mảng màu đậm nhạt khác nhau lên các nền văn hóa cùng thời trên khắp mọi miền của đất nước từ vùng núi đến vùng biển, từ trung du đến đồng bằng; Có được những giao lưu trao đổi ngang dọc với các trung tâm văn hóa lớn lúc đó, bởi cư dân Hòn Hai - Cô tiên đã phát huy thế mạnh của cư dân ven biển nên đã chủ động tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng.

Với những giá trị văn hóa tiêu biểu Hòn Hai - Cô Tiên xứng đáng trở thành di chỉ đầu tiên trong hệ thống 34 di chỉ thuộc nền Văn hóa Hạ Long được công nhận là di tích Quốc gia và cần có những quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị của di chỉ.

 

                                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

                                     

     1. Ban quản lý di tích và danh thắng QN (2002), Di tích và danh thắng QuảngNinh, Công ty in Công Đoàn Việt Nam, Hà Nội.

  1. Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Quảng Ninh.
  2. Giáo sư Hà Văn Tấn (1997)Theo dấu các nền văn hóa cổ.Nxb khoa học xã hội,Hà Nội.
  3. Luật Di sản văn hóa 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (2009), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.Lê Hòa (2002).
  4.  Bảo tàng Quảng Ninh (6/ 2005), Lý lịch di tích khảo cổ Hòn Hai – Cô Tiên, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  5. Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn khắc Sử.(1973) Điều tra di chỉ Bảo Quế và Mả Tổ, xã Dân Tiến, huyện Móng Cái – Quảng Ninh.Viện Khảo cổ học.
  6. Nguyễn Lân Cường, Viện khảo cổ học Việt Nam; Quang Quyền, trường Đại Học Y Hà Nội(1968), Nghiên cứu về di chỉ Soi Nhụ, Quảng Ninh,khai quật năm 1967.
  7. Nguyễn Thị Chiến (2004), Văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Thi Sảnh (2001),Văn hoá Quảng Ninh từ một góc nhìn, Quảng Ninh.
  9. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2002), Địa chí Quảng Ninh, Nxb Thế giới.
  10. Tỉnh ủy Quảng Ninh (2013), Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 25-5của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030, Quảng Ninh.
  11. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh (2001), Địa chí Quảng Ninh, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

 

-------------------------------------------------------------

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa