Nội san

Nét đặc sắc trong lễ hội cầu mùa của dân tộc sán chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh)

18 Tháng Hai 2016

Nguyễn Thị Thanh Thủy[*]

           

Trên bản đồ địa lý Việt Nam, Tiên Yên ở vào vị trí trung tâm của miền đông tỉnh Quảng Ninh. Vùng đất Tiên Yên có lịch sử hình thành rất lâu đời: thời Minh là huyện của phủ Tân Yên; Đến đời Lê là châu Tĩnh Yên thuộc phủ Hải Đông, thừa tuyên An Bang, sau là châu Tân Yên; Đời Hậu Lê vì kỵ huý của vua Lê Kính Tông là Duy Tân, nên đổi là Tiên Yên; Đời Nguyễn thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Yên có 13 đồng bào dân tộc cùng sinh sống như: dân tộc Tày, Dao, Nùng, dân tộc Sán Dìu, Sán Chỉ... Mỗi một dân tộc lại có những nét văn hoá độc đáo, được lưu truyền từ lâu đời, mang đậm sắc thái đặc trưng của riêng mình. Dân tộc Sán Chỉ ( Sán Chay) hiện chỉ chiếm khoảng 25% nhưng nét văn hoá đậm bản sắc luôn được các thế hệ gìn giữ và phát huy; đặc biệt được thể hiện trong Lễ hội Cầu mùa của bà con Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh).

 

1.    Vài nét về Lễ hội xưa của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực

            Người Sán Chỉ hay Sán Chay, tên gọi khác là Cao LanMán Cao LanHờn Bận, là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Dân tộc Sán Chỉ ở huyện Tiên Yên nói chung và ở xã Đại Dực nói riêng có một nền văn hoá lâu đời không thể trộn lẫn. Một trong những phong tục đặc thù của nền văn hoá đó là “Slạm nhịt hụi”. Đó là ngày hội của áo khăn, của những làn điệu Soóng cọ, và sâu xa hơn đó còn là ngày của tình yêu tự do. Hội được mở duy nhất vào ngày 13, 14 tháng giêng, khi việc ruộng nương đã xong, tất cả các loài hoa mùa xuân đều khai mãn. Tuy chỉ có một ngày nhưng những người tham gia hội phải chuẩn bị từ trước cả tuần lễ. Phụ nữ áo khăn phải chuốt nếp. Tóc chiều nào cũng phải gội bằng hai thứ lá “coóng cạy mộc” và kệch tái thăng” cho thật thơm, thật óng. Đàn ông phải lo cất rượi thật ngon, lấy cật giang làm khuôn mũ rồi bọc vải chàm phẳng phiu. Chính hội là 13 xong người ta thường lên đường từ một ngày trước đó và có thể rong ruổi qua ngày 14 tháng giêng.

 

Ảnh : Hát Soóng cọ, nét văn hóa truyền thống được lưu giữ

và phát huy (Nguồn : Tác giả)

 

            “Slạm nhịt hụi” không đơn thuần chỉ là ngày hội làm sống lại truyền thống của cả cộng đồng mà đó còn là một ngày mà mỗi người đều được trả lại quyền tự do tối thượng. Ngày đó cho phép người ta bước qua mọi lề luật của đời sống hôn nhân, là khoảnh khắc ngắn ngủi để người ta giải phóng những xung cảm chồng chất và sống trọn vẹn cho hạnh phúc. “Slạm nhịt hụi” mà không có soóng cọ thì không thành hội. Người đi hội nhất nhất phải biết hát. Thuộc nhiều ca từ dân ca đã khó, biết ứng tác cho hay, làm mê lòng người hát với mình càng khó hơn. Ngày nay trong những ngày hội của đồng bào vẫn vang lên những câu hát soóng cọ “Dằn mòi sình Sláu nhạ sệch chí dằn mòi chòi Dằn mòi sình sấu thào vạ phát Dằn mòi sình sấu lầy vạ hoi” (Mời muội hát Tay cầm viên sỏi mời muội gieo Mời muội hát đến hoa đào nở Mời muội hát đến hoa mận khai) “Kìn mòi hèn lầu thầu tày tày Mằn mòi cù ná sái vạ quậy Sái vạ mào kín thầu xoòng xép Thầu lìn mào kín sáu vạ quậy” (Thấy muội đi đường cúi cúi đầu Hỏi muội đi đâu chơi hoa về Phơi hoa không thấy cài trên tóc Hía hoa sao không cầm trên tay) “Nhện giăng tơ Sớm giăng trước cửa, chiều giăng bờ rào Giăng trước cửa sớm chiều thấy Giăng ở lòng anh ngày đêm nhớ” “Bẻ lấy rào Bẻ cành xanh rào đầu đường Bẻ cành xanh rào lối rẽ Không cho người bay qua châu khác” “Nhất tiễn anh ra về Ra cửa ba bước chúc anh may mắn Bạn của ta ta mới tiễn Không lời nói tiễn người dưng”.

            Đối với người Sán Chỉ, thần Nông là vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, cho cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, mọi người no ấm, bản làng yên lành. Lễ hội cầu mùa thường được tổ chức vào tháng sau tết âm lịch. Thay mặt khe bản già làng cúng lễ thần Nông để cầu phúc,cầu mùa, cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, nguồn nước dồi dào trong lành,mọi người, mọi nhà khoẻ mạnh. Sau lễ cầu mùa mọi người lại tích cực ra ruộng vườn để trồng cây. Trước đây do tập quán lạc hậu là nương rẫy, nên sau lễ cầu mùa là mọi người lại lên nương để tra hạt. Công cụ sản xuất lúc đó là cây chọc lỗ (gọi là bu chồng) được đồng bào Sán Chỉ thiết kế khéo léo, có thêm rọ tre đựng sỏi để mỗi khi chọc mạnh lại phát ra tiếng nhạc vui tai, hoà quyện với các làn điệu Soóng Cọ vang xa trên các nương rẫy. Người Sán Chỉ đến lễ hội trong trang phục truyền thống của dân tộc với chiếc áo “uyên ương” được may bằng các màu xanh hoặc đen, được trang trí khá công phu thể hiện sự chung thuỷ, son sắc của người phụ nữ. Trang phục màu tràm thể hiện sự khoẻ khoắn của người nam giới.

             Lễ hội còn là dịp để các bà, các chị đồng bào Sán Chỉ thể hiện sự khéo léo tạo nên những chiếc bánh cốc mò xinh xắn hoà quyện cùng với màu sắc rực rỡ của xôi ngũ sắc. Xôi ngũ sắc là xôi 5 màu chứ không được là 4 hoặc 6 màu. Đồng bào cho rằng đó là 5 “khí chất” của trời đất: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Xôi 5 màu vẫn được nấu bằng loại nếp nương thơm lừng. Trước khi đồ, gạo nếp được ngâm trong các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen rồi vớt ra cho mỗi màu vào một lớp trong chõ ngăn cách bởi lá chuối xé rách cho hơi nóng toả đều. Các mầu lấy từ nhiều loại lá rừng như cây dứa, cây giá, cây sâu cước, đều là những dược liệu được truyền lại từ nhiều đời, vừa không độc, vừa có mùi thơm ngon. Không chỉ đẹp và thơm ngon với nhiều mùi vị của núi rừng mà đĩa xôi, khuôn xôi 5 màu còn tiềm ẩn những giá trị thiêng liêng trong tâm linh nên được mọi người rất trân trọng.

            Mỗi trang phục, mỗi món ăn đều có những nét đẹp riêng tạo nên sự độc đáo trong truyền thống của người Sán Chỉ. Đặc biệt là những trò chơi dân gian sôi động, khơi dậy lòng tự hào, tính dân tộc, bản sắc văn hoá truyền thống như đánh quay, tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo kết hợp với âm thanh mượt mà của chiếc kèn lá dứa tạo nên một nét văn hoá truyền thống lưu truyền từ đời này sang đời khác.

           

1.    Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực hiện nay

            Việc tổ chức lễ hội dân gian nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của người dân, giúp con người trở về với cội nguồn, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, tiếp xúc, trao đổi, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, làm gia tăng tính cố kết cộng đồng. Lễ Cầu mùa của người Sán Chay ở tỉnh Quảng Ninh có từ khi nào không ai biết. Lễ gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của cư dân tộc người Sán Chỉ. Các vị thần được những người dân tộc Sán Chỉ xã Đại Thành và xã Đại Dực tôn vinh là Lý thần hoàng và thần Đỏ. Lý thần hoàng có công lập làng, tạo ra con người, tạo mưa, tạo gió, cho mùa màng bội thu. Thần Đỏ có nhiệm vụ canh giữ xóm làng, bình yên cho người dân, nên hai vị thần này được dân làng thờ phụng và tổ chức buổi cúng tế các thần hàng năm, để thể hiện lòng tôn kính và cảm ơn các vị thần đã mang lại cuộc sống tốt đẹp và cầu xin thần ban bình an, sức khỏe… cho mình và cho gia đình.

            Gần đây, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng Lễ Cầu mùa theo nguyên gốc. Theo đó người được chọn làm thầy (gồm thầy cả và các thầy phụ) là những người có uy tín, được dân chúng trong thôn, bản kính trọng, gia đình song toàn. Đặc biệt người chủ trì lễ (thầy cả) là người được cấp sắc, tuổi trên 50 và đào tạo ra các học trò; Người có thể kết nối giữa hiện tại với trời, đất, thần thánh - giữa con người với lực lượng siêu nhiên. Khi nhận lời mời làm lễ, trước 25 ngày và sau 7 ngày không được ăn những loại thịt như: chó, trâu, không được sát sinh, không nhận làm các đám tang ma và không quan hệ nam nữ. Người dân khi tham gia Lễ cầu mùa trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, các gia đình tự đóng góp gạo, thịt, rau; ngày công đi lấy tre, lá, dựng lều và các công việc khác trong buổi Lễ. Đây là nét sinh hoạt truyền thống riêng có của người Sán Chay, thể hiện tính cộng đồng cao, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng làng xóm.

            Địa điểm tổ chức phải được lựa chọn trên khu đất bằng phẳng, không gần khu vệ sinh, nhà ở, chuồng nuôi trâu, bò,... và nhất thiết phải có miếu thờ, địa điểm tổ chức phải bên cạnh hoặc gần miếu thờ, không được cách sông, suối, đường đi lại. Các vật liệu dùng để dựng lều như: tre, lá, giấy,... chỉ được chuẩn bị trước 3 ngày diễn ra buổi Lễ; tre và lá được lấy từ trên rừng và để trên cao, tránh chó, mèo, phụ nữ bước qua. Đồ cúng như lợn, gà nhất thiết phải được nuôi trong thôn, bản tổ chức Lễ cầu mùa, không cúng lễ vật của thôn khác và không được cách sông, suối, đường đi lại.

 

            Thông thường, Lễ Cầu mùa của người Sán Chỉ xã Đại Dực được tiến hành theo lịch trình: từ 8 giờ sáng ngày đã chọn, dân làng tập trung tại địa điểm diễn ra Lễ Cầu mùa, một nhóm được cử đi lấy cỏ gianh đan thành mảng chiều dài khoảng 1,2m và được tập kết tại nhà thầy phụ, cách địa điểm tổ chức Lễ khoảng 60m, một nhóm lên rừng chặt tre, một nhóm đào lỗ để chôn cọc, một nhóm trẻ lạt, đan các cây cắm nến, bát hương, thúng đựng các sớ, điệp, phong hàm,… công việc dựng lều, bếp được diễn ra trong khoảng 2 tiếng. Song song với các công việc dựng lều, các thầy tập trung tại nhà thầy cả để làm Lễ phong nhà (phoóng oọp). Thời gian thực hiện lễ khoảng 30 phút, mục đích là xin các thần trong nhà bảo hộ tất cả nhóm thầy, người dân và những người tham gia hành lễ khoẻ mạnh, thời tiết thuận hoà, tránh tà ma xâm nhập khu vực làm lễ. Sau phần lễ trên thầy gom tất cả quần áo, sách, đạo cụ vào túi, 1 phục vụ mang đi theo, thầy một tay cầm dao, một tay cầm bình nước ra đến sân thầy ngậm một ngụm nước từ bình và thổi ra 4 phương, tay múa dao miệng đọc chú sau đó đi bộ ra khu vực làm lễ.

 

Ảnh : Thầy cả hành lễ cầu cầu an, cầu mùa cho dân làng (Nguồn : Tác giả)

 

            Lều được dựng lên, các thầy dựng ban thờ. Hai ban thờ được dựng lên, ban phía trên thờ Tam thanh, ban thờ phía dưới thờ sư phụ của thầy cả, người đã truyền dạy và cấp sắc cho thầy cả để làm buổi Lễ. Tiếp sau đó, các thầy ngồi trong lều viết các loại sớ, điệp, phong hàm, các loại cờ thần. Phía ngoài người dân hoàn thành các công việc chuẩn bị khác như kê bàn, ghế, chuẩn bị bếp núc, kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ chính vào buổi chiều, đêm. Trong quá trình cúng lễ các thầy hát, trình diễn các điệu múa : múa chim câu, múa trâu đạp lúa, múa tra hạt, múa ôn lại khi thần Lý Hoàng trên đường đi lấy hào quang. Các điệu hát của thầy cả chủ yếu hát thiết câu nhiên, hát mở đường đi lấy hào quang, hát gieo hạt vừng, hát khai đăng,… nội dung thầy kể về tích công trạng các thần, từ việc chế tác công cụ lao động, phát mở đường đi đến khu vực làm lễ hội, lấy bảo vật, lấy hạt giống, rồi đến việc thầy dạy cách gieo trồng, thu hoạch mùa vụ như thế nào? Kết thúc thầy giao các vật bảo cho thần gồm: cờ, bánh, rượu, hương, giấy, gạo,…

Thầy cả vừa làm phép vừa đánh âm dương xin thần nhận thủ tục, sau đó thầy cầm kiếm đi 2 vòng từ phải sang trái, bắt đầu từ ban thờ, vòng thứ 2 thầy dùng kiếm cắt tất cả các tờ giấy dán trên ban thờ và 12 tờ giấy nguyện treo trên mái. Ý nghĩa của việc này là các thần sau khi đã nhận lộc từ thầy sẽ phù hộ cho dân làng một năm được mùa, không có ốm đau, bệnh tật, trâu bò không dịch bệnh, tai ương. Phần cuối là Lễ tạ thần (chì tài tàu): diễn ra vào khoảng 6 giờ sáng, các thầy khua chiêng, đọc bài khấn cảm tạ thần thánh đã về dự lễ, thụ lộc, xin thần ban phúc cho dân làng và tiễn các thần về trời. Sau tất cả các lễ này, các thầy gom tất cả giấy, vàng tại các mâm ra phía ngoài đốt. Sau đó các thầy chia sẻ lễ, cùng nhau thụ lộc tại lều kết thúc một ngày lễ trong không khí vui tươi, phần khởi…

Từ nhiều năm gần đây Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Sán Chỉ đã trở thành truyền thống, được huyện Tiên Yên quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức thường niên. Trong Lễ hội không thể thiếu trích đoạn Lễ Cầu mùa được tái hiện nhằm  góp phần phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Sán Chỉ. Đi cùng với phần lễ, dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực hào hứng tổ chức phần hội với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá của tộc người Sán Chỉ như: hát Soóng Cọ (hát đối), đi cà kheo, đánh cầu chinh, đánh gụ, thi đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Cũng trong lễ hội, mọi người còn được thưởng thức phần thi ẩm thực với các món cổ truyền như: Thi giã bánh giầy, gói bánh cốc mò (một loại bánh nếp nhân đậu, gói bằng lá cây lau và bắt 3 góc đáy có đỉnh nhọn). Bản sắc dân tộc được trân trọng, người dân nô nức tự hào về dự Lễ hội qua đó góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước của đồng bào các dân tộc; đồng thời tạo không khí vui tươi phấn khởi của năm mới, bước vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa dân tộc của đồng bào vùng cao. Lễ hội không chỉ thu hút đồng bào trong vùng đến dự mà còn thu hút các đoàn ở địa phương lân cận đến giao lưu học hỏi kinh nghiệm, cách thức phục dựng và tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc.

2.    Lan toả Nét đặc sắc Lễ hội người Sán Chỉ Đại Dực

Lễ Cầu mùa mang đậm bản sắc của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh) ngoài việc liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc, thông qua lễ này còn khích lệ tinh thần người dân tích cực sản xuất, đoàn kết làng bản để chống chọi lại thiên tai, địch họa, cùng nhau phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.

            Hiện nay, huyện Tiên Yên có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Sán Chỉ chiếm khoảng 25% số dân toàn huyện, song nét văn hóa người Sán Chỉ đã được chú ý lưu giữ, bảo tồn sớm nhất. Cho đến nay đã qua 9 lần Lễ hội, nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Sán Chỉ đã được lan toả trong cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Nét đẹp văn hoá được các dân tộc anh em học tập và nhân rộng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc miền núi cùng sinh sống trên địa bàn huyện Tiên Yên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Tiên Yên lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Tiên Yên lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.  

3. Đảng bộ huyện Tiên Yên (20015), Văn kiện Đại hội Đẳng bộ huyện (Tài liệu lưu hành nội bộ), Tiên Yên, Quảng Ninh.

4. Cao Đức Hải (2000), “Suy nghĩ về việc phát triển lễ hội dân gian trở thành ngày hội văn hóa - du lịch ở địa phương”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 4 năm 2000 (190), tr.27-30.

5. Đinh Gia Khánh (1985), Ý nghĩa xã hội và văn hóa của hội lễ dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Ngô Đức Thịnh (2007), Tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa Nghệ thuật xuất bản, Hà Nội.

 

 

-------------------------------------------------------------

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa