Nội san

Phát triển nguồn nhân lực văn hóa ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

18 Tháng Hai 2016

 Phạm Thị Hằng[*]

 

Một quốc gia muốn phát triển phải dựa vào nhiều nguồn lực: tài nguyên thiên nhiên, vốn, trình độ khoa học – công nghệ, tiềm năng con người, ... Trong đó nguồn lực con người có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng. Việc quan tâm, đào tạo con người trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Văn hóa là nền tảng tinh thần quan trọng giúp dân tộc ta chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược, vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Việt Nam là quốc gia có bề dày truyền thống văn hóa, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức do cơ chế thị trường mang lại trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, để giữ gìn và phát huy được truyền thống tốt đẹp đó của dân tôc ta thì nguồn nhân lực văn hóa cần phải được quan tâm, đầu tư và phát triển hơn nữa, bởi nguồn nhân lực văn hóa chính là chủ thể sáng tạo ra văn hóa.

Vân Đồn có 12 đơn vị hành chính gồm thị trấn Cái Rồng và 11 xã, khoảng 39.384 dân. Huyện Vân Đồn có vành đai bao bọc phía Đông Nam khu mỏ than Cẩm Phả - trung tâm khai thác than lớn nhất của cả nước , đồng thời là trung tâm kinh tế - chính trị và thương mại của tỉnh Quảng Ninh, án ngữ đường hải quốc tế và vùng biển Trung Quốc qua Việt Nam. Vì vậy, huyện Vân Đồn giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bên cạnh đó, Vân Đồn còn được biết đến là một trong những trung tâm du lịch có nhiều lợi thế về đa dạng tài nguyên so với các địa phương khác trong tỉnh.

 Trước tiềm năng về kinh tế, văn hóa, biển, nhân lực của huyện và tác động của hội nhập toàn cầu trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực văn hóa bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Đội ngũ nhân lực văn hóa như hiện nay của huyện nhìn chung là chưa được quan tâm, phát triển nhiều. Cơ cấu tổ chức, tuyển dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa của huyện chưa được quan tâm nhiều. Hơn nữa, Vân Đồn đang xây dựng trở thành vùng kinh tế chiến lược, quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa là việc làm hết sức cần thiết để phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Lĩnh vực văn hóa, phát triển nguồn nhân lực văn hóa đang ngày được đề cập nhiều hơn trong chính sách, công trình nghiên cứu, cụ thể: Cuốn Quản lý nguồn nhân lực xã hội do Bùi Văn Nhơn (chủ biên), được xuất bản năm 2008. Nội dung sách cung cấp những vấn đề cơ bản về nguồn nhân lực xã hội, quản lý nguồn nhân lực xã hội, từ đó làm cơ sở phương pháp luận cho việc tham gia hoạch định và phân tích các chính sách về nguồn nhân lực xã hội; Giáo trình Quản lý nguồn nhân lực trong các tổ chức Văn hóa Nghệ thuật do Nguyễn Thị Lan Thanh (chủ biên), Phan Văn Tú, Nguyễn Thanh Xuân (biên soạn), xuất bản năm 2010. Giáo trình cung cấp cơ sở lý luận về quản lý nguồn nhân lực, tuyển chọn, sử dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các tổ chức văn hóa nghệ thuật; Cuốn Giáo trình quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức công của tác giả Trần Thị Thu, Vũ Hoàng Ngân, xuất bản năm 2011. Giáo trình cung cấp cái nhìn tổng quan về quản lý nguồn nhân lực, phân tích chi tiết công việc, kế hoạch hóa nguồn nhân lực và các khâu trong công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, và chính sách quản lý nguồn nhân lực trong các tổ chức công.Quyết định số 958/QĐ-TTG ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đề án Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020. Quyết định đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhằm phấn đấu xây dựng một đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển toàn diện;Quyết định số 293/QĐ – UBND ngày 30/1/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về Phê duyệt đề án Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.  Quyết định đưa ra những quan điểm, phạm vi, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Quảng Ninh trong những năm tới.

 

Ảnh: Thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn,Quảng Ninh (Nguồn: st)

 

          Huyện Vân Đồn với vị trí địa lý địa lý án ngữ đường hàng hải quốc tế và vùng biển Trung Quốc qua Việt Nam, đây là điều kiện rất thuận lợi trong việc giao lưu, hội nhập với nhiều luồng văn hóa khác nhau của các nước trên thế giới. Thêm vào đó với điều kiện tự nhiên với nhiều bãi tắm đẹp, khí hậu mát mẻ, là lợi thế trong phát triển du lịch của huyện. Với 9 tộc người anh em cùng chung sống hòa hợp: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mường, Sán Dìu, Cao Lan và Thán Sín. Mỗi tộc người có nét văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của huyện Vân Đồn. Nhiều di tích được xếp hạng: hệ thống Đình, Chùa, Miếu, Nghè Quan Lạn. Vân Đồn được biết đến với truyền thống chống giặc, trong trận chiến chống thuyền lương của giặc Nguyên – Mông, do tướng Trần Khánh Dư cùng ba anh em họ Phạm. Trong khi nguồn nhân lực văn hóa của huyện chưa tương xứng với tiềm năng, vì vậy việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa là việc làm cần thiết. Các thông tin cụ thể này sẽ trở thành cơ sở thuận lợi cho việc đi sâu nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực văn hóa trong các tổ chức và tìm ra giải pháp thay đổi.

Bên cạnh đó thì yếu tố tuyển dụng trong ngành văn hóa cũng đưa ra những tồn tại chưa thực hiện được trong thời gian hiện nay. Trong đó, khâu đánh giá chất lượng tuyển dụng và chất lượng nhân sự chưa thực sự quyết liệt, chất lượng. Tình trạng ngồi nhầm vị trí, quan liêu vẫn tồn tại trong bộ máy nhà nước.

Qua những đánh giá về nguồn nhân lực văn hóa chúng ta thấy được nhu cầu thực tế trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù nguồn nhân lực văn hóa đào tạo khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đứng trước thực tiễn yêu cầu, các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể được thể hiện chi tiết ở nội dung chương 3. Các mục tiêu góp phần định hướng phát triển cho nguồn nhân lực đồng thời chỉ rõ, cụ thể các nhiệm vụ cần làm để có hướng thay đổi, phát triển nguồn nhân lực.

Đi đôi với những mục tiêu cụ thể là nhiều giải pháp thiết thực cho phát triển nguồn nhân lực. Những giải pháp chung liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện văn bản và quy hoạch đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành. Có thể thấy là một số giải pháp này đã được thực hiện nhưng tính quyết liệt chưa cao, hiệu quả còn thấp. Bên cạnh đó, chính sách quy hoạch đào tạo về chuyên ngành văn hóa cũng diễn ra phổ biến, tuy nhiên chất lượng của việc đào tạo này chưa đáp ứng yêu cầu thời cuộc. Việc đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật nhanh các xu hướng biến đổi trên thế giới và trình độ nhân lực cũng thay đổi thường xuyên theo nhu cầu công việc. Điều này dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực văn hóa ngày trở nên chậm chạp, lạc hậu.

Để giải quyết thực tế trên, tác giả thiết nghĩ cần phải có các giải pháp giúp phát triển tối đa nguồn nhân lực văn hóa. Những giải pháp cụ thể này góp phần hữu ích trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời tạo sự thay đổi trong tư duy làm việc và quản lý nguồn nhân lực. Có thể dùng nhiều chính sách quản lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khác nhau nhưng sự thay đổi trong tư duy, nhận thức sẽ là điều kiện tốt nhất giúp người lao động hiểu được vai trò của mình, đồng thời tự bản thân trau dồi, nghiên cứu, học tập đáp ứng yêu cầu công việc. Sự thay đổi này mới giúp tạo nên sự bền vững trong quá trình phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Vân Đồn là huyện đảo miền núi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tiềm năng kinh tế, văn hóa phong phú, nhiều dự án phát triển nhưng nguồn nhân lực văn hóa của hiện nay lại đang yếu, và thiếu. Đây chính là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực văn hóa của huyện.

            Với những tiềm năng đa dạng về văn hóa, đang được tỉnh chú trọng đầu tư trở thành vùng kinh tế trọng điểm thì Vân Đồn hoàn toàn có khả năng phát triển. Mặc dù việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa của huyện sẽ còn nhiều khó khăn, cần nhiều thời gian.

                        Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần được tạo ra trong suốt quá trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chính vì vậy văn hóa trở thành nền tảng tinh thần quan trọng xây dựng và phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước rất chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa bởi đội ngũ này giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần. Phát triển nguồn nhân lực văn hóa là việc làm quan trọng trong việc phát triển văn hóa nước ta.

 

                        

                                          

                                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2009), Quyết định số 581 ngày 06/5/2009 về phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Hà Nội.

2. Chính phủ (2011), Nghị định số 579/QĐ-TTG ngày 19/4/2011 về việc “Phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kì 2011-2020”.

3. Chính phủ, Quyết định số 958/QĐ-TTG ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt dự án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020”.

4. Phạm Tất Dong (2001), Định hướng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Nguyễn Văn Dân (2006), Văn hóa và phát triển trong bối cảnh toàncầu hóa, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện hội nghị lần thức V Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Phạm Duy Đức (2010), Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 -2020: xu hướng và giải pháp, Nxb, Chính trị Quốc gia.

10. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2014), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

-------------------------------------------------------------

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa