Nội san

Nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh

18 Tháng Hai 2016

Vũ Ngọc Hoàng[*]

 

Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng sống trên dải đất chữ S là chủ nhân của nền văn hóa đó. Họ chính là những người sáng tạo, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trải qua lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên truyền thống văn hóa tốt đẹp. Trong tiến trình lịch sử đó, văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa dân tộc Tày nói riêng có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần, cố kết sự bền vững cộng đồng 54 dân tộc anh em, góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là huyện có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh (chiếm trên 95%). Dân tộc Tày là dân tộc có dân số đông nhất huyện (chiếm khoảng trên 50%); có ảnh hưởng lớn nhất về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương. Trong thời gian qua, Bình Liêu được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh, nhiều chính sách, cơ chế đặc thù đãi ngộ đối với đồng bào dân tộc vùng cao, nhất là tại các xã nghèo của huyện, tuy nhiên tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, vất vả.

            Xuất phát từ yếu tố đó, việc nghiên cứu các di sản văn hóa dân tộc Tày nói chung và nghệ thuật hát Then nói riêng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, trên cơ sở đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hát Then - tiếng Tày ở Bình Liêu gọi là “xướng then”, tồn tại theo hình thức truyền miệng trong dân gian từ đời này sang đời khác. Người Tày hát Then để cầu chúc cho nhau sự an khang, mùa màng tốt tươi, để trao gửi tâm tình, để cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong cuộc sống. Đặc điểm của nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh bao gồm 5 diễn xướng cụ thể là: Diễn xướng Then chúc tụng, diễn xướng Then bói, diễn xướng Then đi hành nghề và Lẩu Then.

Diễn xướng Then chúc tụng thường được tổ chức vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và cũng bắt nguồn từ diễn xướng này mà các Câu lạc bộ được thành lập cụ thể là các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đã phát triển rộng khắp các thôn, bản, khu phố, trường học, cơ quan nhà nước và tham gia rất nhiệt tình các phong trào văn nghệ, các cuộc thi do huyện, tỉnh phát động. Hàng năm, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đầu năm với nội dung “Mừng Đảng, mừng Xuân” phục vụ nhân dân trong mỗi dịp tết đến, xuân về; tổ chức liên hoan văn nghệ các dân tộc, các cuộc thi giọng  hát hay; tổ chức Hội diễn văn nghệ các dân tộc huyện Bình Liêu...

Diễn xướng Then bói. Bói là các công việc thường xuyên của các thầy Then, có hai loại bói được tiến hành dưới hai hình thức khác nhau đó là bói tại nhà và bói trong Then lỉn én du xuân.

Diễn xướng Then đi hành nghề (Then thường - tiểu lễ): Đây là dạng Then nhỏ, được tiến hành khi có yêu cầu của các gia chủ. Về cơ bản các diễn xướng này đều do một thầy Then đảm nhiệm hoặc có thêm một học trò phụ giúp trong phạm vi nội bộ gia đình hoặc họ hàng gần. Loại Then này có nhiều điểm chung về đường đi và các thủ tục nghi lễ, điểm khác là tùy từng công việc cụ thể mà Then sẽ có thêm các đường đi riêng, các lễ vật đặc trưng riêng.

 

Một buổi biểu diễn của CLB Văn nghệ hát Then đàn tính Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh (Nguồn: st)

 

Diễn xướng hội Then (lẩu Then): Đây là các đại lễ của Then, chủ yếu thực hiện ở nhà thầy Then với các mục đích liên quan đến nghề nghiệp của cá nhân thầy Then. Các lễ Then này thường tập trung đông các thầy Then, thu hút sự tham gia của đông đảo các con hương, đệ tử trong phạm vi bản hoặc vùng tuỳ theo vị trí  và tài năng của từng thầy Then.

Ngoài ra, nằm trong diễn xướng hội Then còn có thêm loại diễn xướng Then đi phục vụ các đám cấp sắc hoặc các đám tang của các thầy Tào với nhiệm vụ là chứng kiến và đi dâng lễ vật, ít nhất có hai thầy Then tham gia.

Trong bốn hình thức diễn xướng trên, diễn xướng Then đi hành nghề và hội Then là hai hình thức diễn xướng cơ bản của Then. Trong đó Then đi hành nghề là hình thức phổ biến, còn hội Then là thủ tục nhà nghệ của Then. Về hình thức thì hai diễn xướng này cơ bản giống nhau, điểm khác nhau cơ bản là ở quy mô tổ chức và số người tham dự. Về nội dung, do khác nhau mục đích hành lễ nên cũng có sự khác nhau ở các cửa đi trong hành trình Then đi dâng lễ vật.

Diễn xướng Then Cấp sắc là một thủ tục bắt buộc của người làm nghề Then, là cái mốc đánh dấu bước trưởng thành của người học nghề Then, bởi vậy bao trùm lên toàn bộ nội dung và thời gian cấp sắc là các nghi lễ. Tuy nhiên cũng phải kể đến các yếu tố hội - một yếu tố quan trọng đã làm nên sự cuốn hút của nghi lễ này. Trong thực tế, người dân vẫn thường gọi chung các diễn xướng lớn của Then mà trong đó có lễ cấp sắc là “Lẩu Then” hoặc “Lẩu Pụt” (tạm gọi là hội Then). Bởi trong tiếng Tày “lẩu” có nghĩa là rượu, từ này được chuyển hoá thành danh từ chung chỉ những cuộc vui có ăn uống, chúc tụng như đám cưới, đám mừng nhà mới, đám ăn đầy tháng,…Như vậy, về khía cạnh nào đó lễ cấp sắc  “Lẩu Then” còn có nghĩa là ngày vui, ngày hội của Then. Đây là một lễ hội đặc biệt được bao trùm bởi mầu sắc tín ngưỡng cùng với sự tham gia của nhiều hình thức nghệ thuật diễn xướng trong Then như: múa, hát, nhập đồng, trò diễn,…

Giá trị nghệ thuật hát Then gắn trong đời sống văn hóa của dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là tổng thể sống động những giá trị văn hóa được vận hành trong các hoạt động văn hóa. Đó là, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng; vừa mang đặc điểm chung của văn hóa dân tộc Tày ở Việt Nam, nhưng cũng mang những nét riêng, đặc sắc của dân tộc Tày ở Bình Liêu. Được thể hiện trên một số nội dung, cụ thể:

Thứ nhất,Then và Then cấp sắc phản ánh thế giới tâm linh của người Tày

Thế giới tâm linh của người Tày là thế giới đa thần, qua đó nó phản ánh sự giao lưu hội nhập giữa yếu tố tôn giáo tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng du nhập thuộc về Tam giáo. Quan niệm của những người làm Then, Pụt thì thế giới ba tầng được hiện lên thật rõ ràng giữa cõi trời, cõi đất và cõi nhân gian mà người liên hệ được với thần linh là những người làm Then, Pụt. Qua thầy Then, cõi trời được cụ thể hoá, hiện thực hoá như là một hình ảnh của cõi nhân gian. cõi trời của Then cũng rất gần gũi với đời thường: có rừng núi, biển cả, ruộng vườn, chợ, …, qua đó cho ta thấy sự nhận thức một cách khá hồn nhiên thô mộc trong thế giới quan của người Tày.

Ngoài ra,Then còn là sự cụ thể hoá quan niệm vật linh giáo trong tín ngưỡng dân gian bản địa của người Tày, từ niềm tin dân gian, quả trứng và chim én đã trở thành công cụ và biểu tượng nghề nghiệp của Then.

Cũng giống như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản của người Tày, huyện Bình Liêu được thể hiện khá rõ trong Then cấp sắc. Các nghi lễ chính do thầy Then (hoặc Tào) chủ trì đều được thực hiện trước bàn thờ tổ tiên từ mở đầu cho đến kết thúc với các thủ tục như trình báo tổ tiên, dâng lễ tổ tiên, tạ ơn tổ tiên. Có thể coi Lễ cấp sắc là thông điệp để con cháu báo cáo với tổ tiên rằng họ đã làm tròn đạo hiếu nối nghiệp tổ tiên. Mặc dù chịu sự chi phối của Đạo giáo qua các hình thức khác nhau nhưng về cơ bản tục thờ cúng tổ tiên mà cụ thể là thờ tổ nghề vẫn là cốt lõi trong thờ cúng của Then, Pụt.

Thế giới tâm linh của người Tày còn được thể hiện qua những lễ vật mang tính tượng trưng hồn nhiên, mộc mạc trong Then. Tuổi thọ và sức khoẻ của người già được gắn với bồ gạo - muốn người già sống lâu thì phải bù cho bồ gạo đầy thêm. Các lễ vật trong Then đều ít nhiều được biến hoá theo trí tưởng tượng của họ: quả bí xanh được hình dung là con lợn, hoa chuối rừng là con gà…

Tóm lại, Then là sự thể hiện linh động thế giới tâm linh của người Tày, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. chính vì vậy mà Then gần gũi, gắn bó với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người Tày qua nhiều thế hệ.

Thứ hai, Then và Then cấp sắc phản ánh xã hội của người Tày trong quá khứ

Then và Then cấp sắc phản ánh môi trường sống của người Tày: Ra đời trong dân gian, gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên lời hát Then là sự phản ánh chân thực đời sống của người Tày. Với môi trường miền núi, cùng với đặc trưng là nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc được thể hiện rõ trong hành trình Then mang lễ vật lên mường trời. Trong Then ta dễ dàng nhận thấy làng bản và cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất của người dân Tày rất đỗi quen thuộc như: đầu làng bản có giếng nước nguồn, ngoài đồng ruộng có nơi thả gà, vịt, có đàn trâu, đàn lợn thả rông…

Then và Then cấp sắc phản ánh nhân sinh quan và đạo đức lối sống của người Tày: Được sinh ra và phát triển trong dân gian, trước tiên Then là sự phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân Tày qua nhiều thế hệ. Với những mong muốn rất bình dị như: có nhiều thóc gạo, ngô, khoai, trâu bò, gà vịt đầy nhà, người già trường thọ, gia đình hoà thuận yên vui, con cái hiếu thảo, trưởng thành,… Những người làm nghề Then, Pụt thì làm nghề được linh nghiệm, được dân làng bản tín nhiệm mang lại vẻ vang cho gia tộc,… những ước nguyện trên được thể hiện chủ yếu qua lời cầu khấn và qua nội dung từng nghi lễ cụ thể, như qua các lễ kỳ an đầu năm, lễ chúc thọ cho cha mẹ, lễ cúng tạ mẹ hoa, lễ cấp sắc của Then nói riêng, lẩu Then nói chung,…và trong Then còn khá nhiều nội dung có tính phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Thông qua việc phê phán, khuyên răn, ca ngợi được thực hiện bằng hình thức diễn xướng hát có đệm đàn, Then đã đạt được hiệu quả tích cực trong giáo dục cộng đồng mà không phải hình thức tuyên truyền nào cũng đạt được.

Then và Then cấp sắc phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân trong xã hội có giai cấp: Cũng như Then của người Tày ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Then của người Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện khá rõ chế độ vua quan áp bức dân lành (nạn bắt phu phen, tạp dịch qua lời Then Khảm hải (vượt biển); cảnh đi sứ đầy gian nan được phản ánh trong văn bản lời Then Pây sử (đi sứ). Việc dâng cúng các lễ vật cống nạp các vị thần linh cũng là một cách hiện thực hoá từ các hình thức cống nạp của người dân đối với các tầng lớp vua quan. Bên cạnh hiện thực hoá đời sống của người dân Tà trong xã hội có giai cấp xưa, Then cũng tỏ rõ thái độ phê phán ý thức phản kháng của người dân đối với kẻ cầm quyền ác độc. Then mỉa mai châm biếm những kẻ là tham quan “ăn trên ngồi chốc”, Then ca ngợi phẩm chất cao quý của người lao động trong việc nghĩa, giữ chữ tín, thuỷ chung,… Qua Then, đặc biệt là Then cấp sắc bộ mặt thật của xã hội phong kiến với những tệ tham quan ô lại, ăn của đút lót dối trên, lừa dưới ở chốn quan trường một phần cũng được thể hiện trong Then. Như vậy, nội dung Then đã chuyển tải trong nó những thông điệp của một thời quá khứ. Ngày nay, có thể có một số vấn đề trong Then không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, song những giá trị nhân bản trong giáo dục đạo đức của Then thì vẫn mãi mãi có giá trị.

Thứ ba, Then và Then cấp sắc tích hợp các giá trị văn hoá, phản ánh các truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Tày

Với tính chất là một lễ hội của nghề Then, Then cấp sắc đã thể hiện trong nó khá nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Tày. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản. Để làm được một lễ cấp sắc, bản thân thầy Then và gia đình thầy phải nhờ đến sự trợ giúp về công sức của nhiều người không chỉ trong gia đình, dòng họ mà trong cả bản làng của thầy. Sự giúp đỡ vô tư, sự cổ vũ nhiệt tình và trân trọng của cộng đồng đã chứng tỏ rằng Then có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Tày.

Tinh thần tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá khá nổi bật thể hiện trong lễ cấp sắc. Với lễ cấp sắc, cùng với sự nhận đỡ đầu của thầy cha (Tào), thầy mẹ (Then) người đệ tử như đứa trẻ mới được sinh ra được các thầy chia sẻ binh quyền để đi hành nghề. Then là tượng trưng cho việc “cắt rốn” cho đứa trẻ mới sinh! vì vậy, trong tình thầy trò của các thầy Then còn bao hàm tình cảm cha mẹ với con cái. Lễ cấp sắc đã thiết lập nên một mối quan hệ cao hơn cả quan hệ thầy trò - đó là quan hệ vừa là thầy vừa là cha mẹ, vừa là trò vừa là con cái mà qua đó rất có tác dụng đối với việc giáo dục truyền thống tôn sự trọng đạo cho thế hệ trẻ với ý nghĩa “không thầy đố mày làm nên”. Một ý nghĩa khác trong Then cấp sắc của người đàn ông là đã thể hiện được sự tôn trọng vai trò của người đàn bà trong gia đình - một nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Tày. Lòng biết ơn và sự tôn trọng người vợ được thể hiện qua một số nghi thức điển hình của Then cấp sắc ở Bình Liêu: khi thầy Then (đàn ông - người chồng) nhận sắc thì bên cạnh phải có người vợ chứng kiến, các đồ dùng mà thầy trao cho anh ta như quạt, ấn, chùm nhạc xóc,… lần lượt được bỏ vào vạt áo trước của người vợ với ý nghĩa rồi đây người vợ sẽ làm nhiệm vụ “giám hương” trông coi hương khói ở nhà để người chồng đi hành nghề. Hay một chi tiết khác là khi đệ tử được tặng quà và phong bao, người chồng sẽ đưa lại hết cho người vợ ngồi cạnh với ý nghĩa “của chồng công vợ”.

Then và Then cấp sắc tích hợp các giá trị văn hoá đặc trưng của người Tày: Then và đặc biệt là Then cấp sắc là sinh hoạt văn hoá dân gian tập trung cao độ nghệ thuật nguyên hợp của người Tày với sự tham gia của nhiều thành tố nghệ thuật khác nhau mà tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với môi trường diễn xướng mang đậm màu sắc tâm linh. Có thể nói Then là nơi hội tụ những tài hoa nghệ thuật trong dân gian. Bằng công việc của mình, những thầy Then đã góp phần đắc lực trong việc phổ biến và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn Then từ đời này sang đời khác. Ở trong các lễ Then thường phần diễn chính của các nghệ nhân là đàn và hát, thì ở trong Then cấp sắc họ đã thực sự thể hiện hết mình thông qua các hình thức diễn xướng khác như hát, múa, diễn trò, nhập đồng,… Sự kết hợp các thành tố trong nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát, nhạc (đàn tính, xóc nhạc), xướng, múa, trò diễn,… một cách đan xen, hoà nhập đã tạo nên một hình thức diễn xướng Then khá đặc trưng của người Tày.

Then cấp sắc là một nghi lễ tập trung đông đảo các nghệ nhân cùng tham gia nên là dịp các thầy Then trổ hết tài nghệ cùng khả năng diễn xướng của mình qua các thể loại độc tấu, song tấu, hoà tấu, hỗn tấu,…

Trong diễn xướng Then, cùng với các thủ tục nghi lễ, phần nội dung hành lễ được dẫn dắt từ đầu đến cuối chủ yếu thông qua lời hát Then tức văn bản hành lễ. Về hình thức, lời hát Then được sáng tác chủ yếu theo thể loại thơ hoặc văn vần mà dựa trên đó thầy Then có thể hát, xướng, đọc hoặc tụng niệm. Lời ca trong Then còn là những áng thơ ca hay mang đậm yếu tố trữ tình vốn là đặc trưng cơ bản của văn học nghệ thuật Tày.

Với sự tham gia của các môn nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình dân gian, Then và Then cấp sắc đã thực sự khắc hoạ được sắc thái văn hoá tâm linh của người Tày, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đó là một thế giới hàm chứa sức tượng tượng sinh động của dân gian về mối quan hệ giữa trời và đất, giữa cõi nhân gian và cõi người, giữa cõi đời thực và một thế giới siêu phàm ở bên ngoài.

Có thể nói, toàn bộ nghệ thuật diễn xướng nghi lễ Then đều không nằm ngoài sự tác động của các nghi lễ tôn giáo. Nếu tước bỏ yếu tố nghi lễ tôn giáo tức là tước bỏ đi sự huyền bí thiêng liêng của nó thì diễn xướng Then cũng không thể phát huy được hết các giá trị thẩm mỹ của mình. Qua đó ta thấy rằng môi trường diễn xướng nghi lễ Then được tạo bởi các yếu tố: Không khí nghi lễ, không gian nghi lễ, cách bố trí hệ thống thờ cúng, phương thức hành lễ và cách thức tiến hành các thủ tục nghi lễ của thầy Then và những người phục vụ trong quá trình hành lễ,… Và diễn xướng Then, đặc biệt là Then cấp sắc đã huy động và thể hiện được trong nó những nghệ thuật trình diễn khá độc đáo của người Tày.

 Then và Then cấp sắc phản ánh sự đa dạng văn hoá ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Do sự ảnh hưởng của việc di chuyển dân cư và nhất là do sự truyền nghề mà Then cũng có sự giao lưu trong các địa phương cư trú của người Tày. Ngay ở trong cùng tỉnh Quảng Ninh, ở huyện bình Liêu có nhiều nhóm hành nghề Then và các nhóm này cũng có sự khác nhau về cửa Then và trật tự sắp xếp các cửa Then. Hình thức diễn xướng Then cũng rất đa dạng phụ thuộc vào từng dòng, từng địa phương, thậm chí phụ thuộc và từng bản thân người hành nghề và cả giới tính người hành nghề. Vì vậy, Then của mỗi địa phương là sự thể hiện những sắc thái và phong cách diễn xướng của từng địa phương. Nhìn chung các chương đoạn trong then là cố định nhưng tuỳ từng nời mà lời Then được thêm bớt dài ngắn khác nhau nên Then có rất nhiều dị bản. Giọng hát ở mỗi vùng lại chịu ảnh hưởng của các làn điệu dân ca khác nhau nên âm điệu, cung bậc cũng khác nhau. Cây đàn tính là dụng cụ độc đáo trong diễn xướng Then cũng được nghệ nhân từng địa phương chế tạo và sử dụng một cách sáng tạo trong quá trình diễn xướng của mình (cây đàn tính của người Tày Quảng Ninh chỉ có 2 dây, nhưng cây đàn tính của người Tày ở Cao Bằng lại có 3 dây). Tuỳ từng địa phương mà giai điệu trong Then cũng được thể hiện khác nhau. Như vậy, với đặc trưng riêng của mình, Then đã góp phần làm nên sự đa dạng phong phú về văn hoá nói chung ở các khu vực cư trú của người Tày, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Then cho cộng đồng dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh nói chung và dân tộc Tày nói riêng đòi hỏi phải có hệ thống các giải pháp mang tính chất tổng thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và đòi hỏi quá trình lâu dài. Giá trị nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có ý nghĩa không chỉ đối với việc phát triển đời sống văn hóa, ổn định chính trị, phát triển kinh tế của địa phương, mà còn đóng góp một phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đó là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Yếu tố tiên tiến là sự tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Yếu tố đậm đà bản sắc dân tộc chính là phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Đảng ta chủ trương cho các dân tộc anh em có quyền phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đóng góp vào sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

                                                    

 

 

 

 

 

                                               TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Triều Ân (sưu tầm) (2011), Huyền thoại dân tộc Tày, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

2.    Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Những giải pháp thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, đưa Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) về văn hoá đi nhanh vào cuộc sống, Hà Nội.

3.       Trần Văn Bính (chủ biên) (2006), Đời sống văn hoá các dân tộc thiểu số trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.

4.    Mấy vấn đề về Then Việt Bắc (1978), Nhiều tác giả, Nxb Văn hóa     dân tộc.

5.     Hoàng Nam (1998), Bước đầu tìm hiểu văn hóa tộc người văn hóa tộc người văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

6.    Mấy vấn đề về Then Việt Bắc (1978), Nhiều tác giả, Nxb Văn hóa dân tộc.

7.    Hà Đình Thành chủ biên (1999),Văn hóa tín ngưỡng Then, Tào, Mo của người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc Việt Nam, nhiều tác giả, Viện Văn hóa dân gian, Bản đánh máy.

8.    Nguyễn Thị Yên (2006), Then Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 

-------------------------------------------------------------

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa