Nội san

Vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An

29 Tháng Hai 2016

 Nguyễn Thị Quỳnh Anh[*]

 

Nằm ở cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, Quần thể danh thắng Tràng An (Tràng An) có diện tích 6.172ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, chiếm gần như toàn bộ khối đá vôi Tràng An với tuổi địa chất trên 250 triệu năm - một khu vực hòa lẫn giữa văn hóa và thiên nhiên. Tràng An có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh thắng và công trình kiến trúc nổi tiếng, tiêu biểu là: Khu di tích Lịch sử Văn hoá Cố Đô Hoa Lư, khu Văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc -Bích Động.

Với những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hoá và tự nhiên, ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới dựa trên 3 tiêu chí: Tiêu chí 5 về văn hoá; tiêu chí 7 về vẻ đẹp thẩm mỹ và tiêu chí 8 về địa chất địa mạo và trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào rất lớn của Ninh Bình nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung.

1. Sự cấp thiết của việc cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản

Cộng đồng là một tập hợp công dân cư trú trong cùng một khu vực địa lý, hợp tác với nhau về những lợi ích chung và chia sẻ những giá trị văn hoá chung. Một số tổ chức chính trị - xã hội cũng có thể đại diện cho cộng đồng như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân...

Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khác với sự tham gia của từng cá nhân, bởi vì trước hết cộng đồng là một tập hợp dân cư có lịch sử gắn bó lâu dài và chia sẻ nhiều đặc điểm chung. Chính vì vậy, cộng đồng là một tổng thể nên có những nét chung mà từng cá nhân tạo nên cộng đồng không có. Những tính chất có sức mạnh nổi bật của cộng đồng là: tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung (sức mạnh tập thể bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh cá nhân); sự sáng tạo và duy trì các kiến thức bản địa (đây là một đặc trưng văn hoá phi vật thể, lan truyền và bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo ra sức sống của cộng đồng trong quá trình sản xuất và bảo vệ cuộc sống); lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, của quê hương gắn với tình yêu dân tộc, đó cũng chính là cuội nguồn lớn nhất của sức mạnh cộng đồng.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Tràng An đang đứng trước thách thức to lớn, khi nhu cầu về đời sống tinh thần luôn mâu thuẫn với nhu cầu hưởng thụ một đời sống vật chất sung túc. Hay nói cách khác, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đang phải đối mặt với các mẫu thuẫn trong suy nghĩ, thái độ, hành vi về quản lý, bảo vệ di sản giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội, giữa người này với người khác và ngay cả trong bản thân một con người. Để quản lý di sản Tràng An có hiệu quả, trước hết cần dựa vào các cộng đồng. Các mục tiêu kinh tế, xã hội và văn hóa phải là thể thống nhất, hài hoà và có sự tham gia của tất cả các cá nhân cũng như các tổ chức trong việc bảo vệ di sản gắn với phát triển du lịch ở cơ sở để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống tối thiểu của cộng đồng dân cư sở tại.

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản Tràng An ở Ninh Bình nói chung và ở cơ sở cấp xã, phường nằm trong vùng di sản nói riêng là một vấn đề còn mới mẻ, nhưng rất bức bách và gắn liền với lợi ích của cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Tràng An là một trong những giải pháp quan trọng của công tác quản lý di sản ở địa phương, vì qua các cấp quản lý hành chính (từ Trung ương đến cơ sở) thì càng xuống cấp thấp hơn vai trò của người dân càng trở nên quan trọng. Sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn và phát huy di sản Tràng An không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản, mà còn là lực lượng giám sát nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan  quản lý di sản giải quyết kịp thời nhiều hành vi vi phạm liên quan đến di sản.

Trong những năm qua, công tác giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sở tại cùng các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Tràng An đã đạt được những kết quả và tiến bộ nhất định. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân ở các xã vùng đệm cũng đã hưởng ứng và tham gia nhiệt tình vào trong công tác bảo tồn các giá trị về văn hóa, thiên nhiên,  tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại đáng kể đó là;

- Việc giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản Tràng An vẫn chưa đồng bộ, không liên tục, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan;

- Giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát huy di sản Tràng An chưa đến được với các cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa, nơi rất cần tăng cường nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản Tràng An đặc biệt là công tác bảo tồn các giá trị thiên nhiên;

- Phương pháp và hình thức giáo dục chưa phong phú và chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, những nguyên nhân khách quan cũng đóng vai trò quan trọng, là những thách thức trong việc nâng cao nhận thức của người dân:

- Sức ép của gia tăng dân số, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Đói nghèo cũng là một thách thức quan trọng, hạn chế trình độ nhận thức của người dân, do đó giáo dục để thay đổi nhận thức cũng như hành vi trở nên cực kỳ khó khăn.

Do vậy, sự cùng tham gia của cộng đồng ngày càng được nhân rộng như một nguyên tắc bền vững để quản lý di sản trên phương diện quốc gia và quốc tế. Mục đích chính của sự tham gia cộng đồng là lôi kéo mọi người đóng góp tài năng, trí tuệ và công sức vào quá trình quản lý di sản gắn liền với phát triển kinh tế. Sự tham gia của người dân địa phương và bản địa trong quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là cần thiết bởi hai lý do có tính nguyên tắc:

Thứ nhất, nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương thì sự bền vững lâu dài của di sản sẽ bị đe doạ.

Thứ hai, người dân địa phương và bản địa có quyền được hưởng lợi nhờ khai thác di sản cho sinh kế, nghỉ dưỡng, các nhu cầu văn hoá xã hội và các lý do tâm linh của họ.

Đây là những lý do chính cho sự tham gia của địa phương vàọ quản lý di sản còn rất nhiều những lợi ích về quản lý khác cũng cần được cân nhắc. Những quyết định về quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Tràng An sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cộng đồng. Những người trong cộng đồng chịu ảnh hưởng do họ là những người sinh sống, làm việc, học tập và thường qua lại trong khu vực đó. Do đó, sự cần thiết phải có được những ý kiến của họ về những gì họ đang làm, những gì họ đang muốn có và trong nhiều trường hợp chính cộng đông là những người ra quyết định. Thực tiễn đã cho thấy nếu những kế hoạch và phát triển các giá trị về địa chất, địa mạo, về văn hóa có phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của cộng đồng thì cộng đồng cũng sẽ tự hào về hành vi ứng xử của mình do đó để cộng đồng địa phương đưa ra được ý kiến tư vấn của họ cấn thiết phải có 02 yếu tố quan trọng:

- Thông tin thu được từ cộng đồng về ý kiến, thái độ của họ phải được chuyển tới các nhà lập kế hoạch các nhà ra quyết định. Về phía mình, các nhà ra quyết định, lập quy hoạch có trách nhiệm thu thận các thông tin này một cách nghiêm túc và xem xét trong mối quan hệ với quá trình lập kế hoạch.

- Các nhà lập kế hoạch, quy hoạch thông qua việc tham dự các cuộc họp toàn dân để nghe ý kiến cộng đồng, hoặc những ý kiến cộng đồng được trình bày báo cáo, có trách nhiệm phải đảm bảo giúp cộng đồng hiểu được ý kiến của họ đóng góp cho các bản kế hoạch bảo tồn, phải có trách nhiệm đạt được thoả hiệp qua việc giải thích cho cộng đồng hiểu được lý do và chấp nhận việc ra quyết định như vậy.

 

Ảnh: Quần thể danh thắng Tràng An (Nguồn: sưu tầm)

 

 Các hệ thống quản lý kết nối được nhiều bên liên quan, đặc biệt là cư dân địa phương và cộng đồng bản địa, thường sẽ bền vững hơn so với các hệ thống được xây dựng mà thiếu sự tham gia của địa phương. Thông qua sự gắn kết người dân địa phương trong các việc: xác định vấn đề, quyết định giải pháp, thực hiện kế hoạch quản lý, giám sát tính hiệu quả của biện pháp đã thoả thuận nhằm đáp ứng các vấn đề và các cơ hội sẽ giúp nâng cao tính bền vững của hoạt động quản lý.

Tuy nhiên, cần nhận thức được rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hình thức quản lý ngoài các lợi ích cũng có thể đòi hỏi phải có các chi phí nhất định. Rõ ràng cộng đồng tham gia vào nhiều bước khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, nhiều mức độ khác nhau. Cộng đồng địa phương cùng bàn bạc để tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nói chung. Sự tham gia của cộng đồng trước hết thể hiện ở việc một cộng đồng được tham gia tư vấn ý kiến, tỏ thái độ và mối quan tâm của họ về một kế hoạch phát triển, hay một quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên. Đó là cơ hội để người dân có thể bày tỏ ý kiến của mình và bằng cách đó, họ có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Cộng đồng địa phương là những người thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị như đa dạng sinh học, địa chất, hang động... Tuy vậy việc bảo tồn các giá trị của khu Di sản được đạt kết quả tốt trước hết phải xuất phát từ nhận thức của cộng đồng, sau đó biến thành hành động và trở thành nhu cầu, mong muốn của mỗi người trong cộng đồng.

Việc xác định ra các giá trị và nhận thức đúng về công cuộc bảo tồn các giá trị của khu Di sản thế giới khi đó cộng đồng sẽ nhận thức trong mọi hành động của mình, từ các hoạt động sản xuất đến sinh hoạt hàng ngày. Sự thay đổi trong các hoạt động hàng ngày của cộng đồng chính là sự tham gia một cách đắc lực vào việc bảo tồn khu Di sản. Phải xác định cộng đồng địa phương là người theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát triển các giá trị của khu Di sản. Người dân địa phương đã thực hiện quản lý di sản qua nhiều thế kỷ và các tập quán truyền thống của người dân địa phương là nền tảng đối với việc quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Với những quy định mới của pháp luật hỗ trợ quyền pháp lý của các cộng đồng địa phương, vai trò của họ chắc chắn sẽ được tăng cường.

Vai trò chính quyền cấp xã: Chính quyền cấp xã là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương trong việc quản lý di sản. Tuy nhiên do cơ chế còn nhiều bất cập cũng như sự phối hợp chưa nhuần nhuyễn nên vai trò của chính quyền cấp xã chưa phát huy hết hiệu quả. Để nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá tị của khu Di sản, chúng ta cần phải đưa ra một số mô hình điểm nhằm đồng quản lý di sản dựa trên nền tảng là chính quyền cấp xã và sự hậu thuẫn của cộng đồng người dân địa phương. Trong khung quản lý này, chính quyền cấp xã được đặc biệt chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch đến việc thực hiện các hoạt động và giám sát mô hình. Chính quyền cấp xã có cơ hội thể hiện vai trò và thực lực của mình trong việc quản lý di sản tại địa phương thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan.

Vai trò của các tổ chức đoàn thể: Hiện nay, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và một số tổ chức hội khác đang dần phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Các đoàn thể thông qua sự tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng đã từng bước thể hiện mình như một tổ chức chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị của khu Di sản.  

Vai trò của cộng đồng dân cư địa phương: Một thực tế hiển nhiên là đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân phải dựa vào di sản thông qua các hoạt động săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản làm nhà, chất đốt, thuốc chữa bệnh, thức ăn hằng ngày, khai phá đất đai làm nương rẫy sản xuất lương thực,... Tài nguyên thiên nhiên trong vùng đệm với nhiều loại có giá trị thương phẩm cao nên khi nhu cầu thị trường đòi hỏi đã thôi thúc nhiều tầng lớp nhân dân, các tổ chức trong và ngoài địa bàn khai thác dưới mọi hình thức, cả lén lút và công khai, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Có thể khẳng định, di sản Tràng An đang bị sức ép rất lớn từ nhiều phía, nhất là cộng đồng người dân địa phương. Từ đó chúng ta phải xác định được vấn đề là cần phải xây dựng nhiều mô hình đồng quản lý di sản với việc đề cao vai trò của người dân địa phương đến hiệu quả quản lý. Các tiêu chí hoạt động, hình thức hoạt động và đối tác thực hiện cho các hoạt động đều lấy người dân địa phương làm tâm điểm. Hình thức quản lý mới này không mang tính áp đặt từ trên xuống, mà các nhà quản lý nhạy bén đã biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển sinh kế của người dân địa phương. Cộng đồng người dân địa phương tham gia nhiều lĩnh vực trong hoạt động bảo tồn di sản, họ chính là những người sống ở gần di sản nhất, có điều kiện theo dõi, kế thừa thông tin lịch sử diễn biến, có kiến thức bản địa truyền thống. Lợi ích của di sản thật sự gắn bó trực tiếp, thường xuyên đối với cộng đồng người dân địa phương nên chính họ sẽ là lực lượng thường xuyên tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy nó. Cộng đồng địa phương là tấm lá chắn thép, là tai mắt, là lực lượng nòng cốt chính trong tất cả các hoạt động nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại đến di sản cũng như góp phần phát triển bền vững di sản trong tương lai.

Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An dù có hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, khoa học và thẩm mỹ đặc sắc đến đâu cũng chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng du lịch. Muốn phát huy hiệu quả giá trị di sản, phải làm cho nó trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa có giá trị cao, UBND tỉnh Ninh Bình và Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cần tiếp tục có các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa tính cộng đồng trách nhiệm, xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.            Phạm Duy Đức (Chủ biên) (2010), Thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam 25 năm đổi mới (1986-2010), Nxb Chính trị quốc gia, HN.

2.            Phạm Duy Đức (2012), Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình: thực trạng và giải pháp, Kỷ yếu Hội thảo “Ninh Bình 20 năm đổi mới và phát triển”.

3.            Quý Đức (1998), “Di sản văn hoá nhìn từ góc độ kinh tế”, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2.

4.            HĐND tỉnh Ninh Bình (2006), Nghị quyết số 27/2006/NQ-HĐND ngày  12/7/2006 về ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

5.            Hội đồng Khoa học kỹ thuật – Tổng cục du lịch (2006), Cẩm nang về phát triển du lịch bền vững.

6.            Hội đồng Nhà nước, Pháp lệnh số 14/LCT/HĐNN7 ngày 04/4/1984 Về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

7.            Hà Văn Siêu, Đào Duy Tuấn (2012), “Hướng đột phá phát triển du lịch Ninh Bình trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông bắc”, Kỷ yếu Hội thảo “Ninh Bình 20 năm đổi mới và phát triển”.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa