Nội san

Quản lý hoạt động câu lạc bộ trong Cung thiếu nhi Hà Nội

03 Tháng Ba 2016

Phạm Minh Hằng [*]

 

"Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai", trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là vốn quý của một quốc gia. Đầu tư cho sự phát triển toàn diện của trẻ em chính là đầu tư cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1991 quy định “Thiếu nhi có quyền vui chơi giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi”. Việt Nam đã có những chương trình mục tiêu cụ thể để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, qua đó đã thu được những kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo thiếu nhi được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nhấn mạnh “Củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú và đa dạng…Tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở các cấp, đồng thời có kế hoạch cải tạo, nâng cấp xây dựng mới một số công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của đất nước...” Xây dựng và phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ. Nhà Văn hóa, Cung Văn hóa, các Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi chính là các trường học thứ hai, có tác động sâu sắc đến việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho thế hệ trẻ hiện nay [2.tr 24].

Cung Thiếu nhi Hà Nội là một thiết chế văn hóa đặc thù dành riêng cho thiếu nhi và là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa phát triển. Cung Thiếu nhi Hà Nội là thiết chế văn hóa cơ sở, là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của thiếu nhi trong địa bàn Hà Nội, giữ vai trò nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu, rộng trong xã hội.

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, thiết chế văn hóa đã và đang chuyển mình trở thành thiết chế văn hóa đa năng các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thông tin triển lãm và tổ chức hội họp, sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB), đoàn thể… Hoạt động của các CLB trong Cung Thiếu nhi rất đa dạng bao gồm: CLB nghệ thuật, CLB mỹ thuật, CLB kĩ năng sống, CLB ngoại ngữ, CLB toán văn… các CLB này đều hoạt động có hiệu quả thu hút rất nhiều thiếu nhi tham gia. Trong những năm gần đây, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã được quan tâm, đầu tư tốt hơn, xây dựng khang trang, kiến trúc đẹp hơn. Trước đòi hỏi của cuộc sống ngày càng được nâng cao, hoạt động của các thiết chế văn hóa ít nhiều đã có những bước chuyển mình, đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức và hoạt động.

Trên cơ sở nghiên cứu quản lý hoạt động CLB trong Cung Thiếu nhi Hà Nội, từ đó tìm ra những nguyên nhân hạn chế trong quản lý hoạt động thực tiễn ở đơn vị, nhằm đưa ra những định hướng, những giải pháp mang tính hệ thống, bền vững trong việc quản lý hoạt động CLB trong Cung Thiếu nhi Hà Nội; Tạo cơ sở khoa học giúp các nhà lãnh đạo, quản lý hoạch định chính sách và cơ chế quản lý hiệu quả để các hoạt động của CLB trong Cung Thiếu nhi đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu học tập vui chơi giải trí của đông đảo thiếu nhi trong và ngoài thành phố, xứng tầm là đơn vị tiêu biểu dẫn đầu cùng với hệ thống các Cung, Nhà văn hóa trên toàn quốc.

Là hệ thống có cơ cấu tổ chức, hình thức, phương pháp quản lý thực hiện có những đặc thù riêng bởi đối tượng của nó là những công dân có cùng nhu cầu, sở thích, tự nguyện và lứa tuổi cũng khác nhau đặc biệt là đối tượng thiếu nhi…Do đó, người làm công tác quản lý phải nắm vững cơ sở lý luận để vận dụng vào thực tiễn sao cho hiệu quả nhất. Với xu thế phát triển hội nhập của xã hội đến chóng mặt, sự học của học sinh trong nhà trường ngày một quá tải, áp lực, việc các em cần một địa điểm để thư giãn xả stress lành mạnh là rất cần thiết. Cung Thiếu nhi chính là trường học thứ hai của các em, đến đây các em được học những gì mình thích và cũng chính điều này cũng tác động trở lại giúp các em hứng thú thoải mái hơn để tiếp tục nhiệm vụ học tập ở nhà trường của mình.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính, kinh tế của cả nước. Vì vậy, nhu cầu học tập vui chơi giải trí của thiếu nhi là rất lớn. Do đó, việc nghiên cứu mô hình, phương pháp quản lý, tổ chức thực hiện phù hợp là vấn đề cấp bách cần đặt ra với các nhà quản lý văn hóa. Đặc biệt là các CLB trong Cung Thiếu nhi, bởi đây là đối tượng mà Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng quan tâm hàng đầu vì trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là vốn quý của một quốc gia. Đầu tư cho sự phát triển toàn diện của trẻ em chính là đầu tư cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

 

Ảnh: Chương trình liên hoan nghệ thuật của cung thiếu nhi Hà Nội (Nguồn: st)

 

Cung Thiếu nhi sau 60 năm hoạt động đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục toàn diện cho thiếu nhi thành phố. Là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, Cung Thiếu nhi đã tập hợp được đông đảo thiếu nhi hoạt động văn nghệ thể thao, vui chơi giải trí bằng các hình thức tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Thông qua các hoạt động đào tạo bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đã phát huy tính sáng tạo của thiếu nhi, nâng cao năng lực thẩm mỹ, góp phần hình thành và phát triển nhân cách thiếu nhi.

Quản lý hoạt động CLB tại Cung Thiếu nhi thời gian qua đã thu nhận được nhiều kết quả đáng kể, được các cơ quan chức năng đánh giá cao và ngày càng tạo được sự tín nhiệm từ phía phụ huynh. Việc quản lý tốt hoạt động CLB Cung Thiếu nhi góp phần phát triển những hoạt động tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực ngoài giờ học trong nhà trường phổ thông và là cách quản lý thời gian rảnh rỗi của thiếu nhi một cách hiệu quả nhất. Thông qua các hoạt động này, Cung Thiếu nhi đã góp phần tạo nguồn tài năng văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cho Thủ đô.

Thế kỷ 21 trước những cơ hội và thách thức, trên cơ sở nhìn nhận những ưu điểm và những biểu hiện phức tạp về đạo đức, lối sống, nhân cách của lớp thanh thiếu nhi hiện nay, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải thường xuyên quan tâm đến công tác thanh thiếu nhi, thể hiện bằng những chủ chương, chính sách cụ thể, phù hợp có tác động tích cực tới lứa tuổi này, góp phần xã hội hóa công tác thiếu nhi, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Để đảm bảo những quyền cơ bản của trẻ em, phấn đấu cho một môi trường an toàn để thiếu nhi Việt Nam nói chung và thiếu nhi Thủ đô nói riêng được bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện. Hơn lúc nào hết, CLB tại Cung Thiếu nhi phải nỗ lực không ngừng, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác thiếu nhi, tranh thủ sự ủng hộ của các ban, ngành đoàn thể TW và địa phương, tích cực tham mưu cho lãnh đạo thành phố tạo cơ chế thu hút mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu ở trên, nhanh chóng từng bước thay đổi diện mạo của CLB tại Cung Thiếu nhi góp phần tạo môi trường học tập, vui chơi giải trí lành mạnh giúp trẻ phát triển toàn diện, đáp ứng được  nhu cầu học tập, vui chơi gải trí ngày càng cao của thiếu nhi Thủ đô, hòa chung với sự phát triển trong giai đoạn mới hiện nay.

Mỗi quốc gia đều nhận thức và có những chính sách về thanh, thiếu niên bởi họ luôn có vai trò hết sức to lớn, là lực lượng dự bị và xung kích trong các cuộc đấu tranh sinh tồn cũng như các cuộc đấu tranh cách mạng. Đồng thời, họ còn là lực lượng cho sự bứt phá mới mẻ, họ có mặt trong mọi tầng lớp xã hội và mọi lĩnh vực đời sống.

Đất nước ta trong giai đoạn phát triển hiện nay, nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một trong nguồn nhân lực tương lai là trẻ em. Vì vậy, trẻ em cần được đào tạo và phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Để làm được điều đó các em phải không ngừng nỗ lực học tập rèn luyện dưới mái trường, gia đình và tự hoàn thiện mình trong môi trường xã hội.

Thành phố Hà Nội trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tổ chức các hoạt động dành riêng cho thiếu nhi, đặc biệt là hoạt động học tập vui chơi giải trí. Thành phố đã đầu tư nhiều khu vui chơi dành cho thiếu nhi, điều này mang một ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hình thành phát triển nhân cách toàn diện những chủ nhân tương lai của đất nước.

Cung thiếu nhi Hà Nội cũng đang nỗ lực không ngừng để quyết tâm làm thay đổi diện mạo hiện nay, mục đích hướng tới ngôi nhà chung của thiếu nhi, có đủ mọi điều kiện tốt nhất nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập vui chơi giải trí của thiếu nhi. Từ nơi đây các em có nhiều cơ hội được giao lưu học hỏi, hợp tác đoàn kết cùng sáng tạo, làm cho thế giới tuổi thơ của các em trở nên đa sắc màu, mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Đây cũng là những mong muốn của tập thể Ban Giám đốc, cán bộ giáo viên Cung thiếu nhi đang nỗ lực không ngừng để một ngày không xa sẽ thực hiện được nó.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động CLB Cung thiếu nhi, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý hoạt động CLB, tạo cho trẻ sự hứng thú khi đến với các lớp năng khiếu  và nuôi dưỡng cho trẻ niềm yêu thích và đam mê nghệ thuât. Bởi công tác giáo dục nghệ thuật tại Cung Thiếu nhi có thể nói là công cụ góp phần không nhỏ vào việc phát triển khán thính giả tiềm năng cho các đơn vị nghệ thuật.

Muốn thực hiện được nội dung trên, đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới không ngừng của chính tập thể cán bộ giáo viên Cung thiếu nhi. Bên cạnh đó rất cần sự quan tâm chỉ đạo của các ban, ngành, đoàn thể, tạo cơ chế, xã hội hóa hoạt động văn hóa và sự chung tay giúp sức, ủng hộ của toàn xã hội để tuổi thơ thành phố được thụ hưởng các sản phẩm văn hóa bổ ích. Các em được học tập vui chơi thực hiện đúng theo chủ chương chính sách mà Đảng, Nhà nước đã và đang chỉ đạo.

Tổ chức quản lý hoạt động CLB trong Cung thiếu nhi đòi hỏi những điều kiện vừa và đủ để thực hiện đúng với ý nghĩa và đặc trưng của nó trong hoạt động của thiếu nhi. Tổ chức hoạt động CLB trong Cung thiếu nhi là biện pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, góp phần giáo dục nhân cách toàn diện, chuẩn bị cho thế hệ trẻ tiềm năng bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước hiện nay.

.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Ánh (2002), Đại cương công tác Nhà Văn hóa, Nxb Văn hóa Hà Nội.

2. Ban chấp hành TW Đảng, Nghị Quyết TW 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội

3. Nguyễn Duy Bắc (2011), Tập bài giảng quản lý các thiết chế văn hóa (Tài liệu lưu hành nội bộ), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

4. Bộ Văn hóa Thông tin (1986), Nhà Văn hóa mấy vấn đề Lý luận xây dựng và hoạt động, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

5. Các Mác và Anghen toàn tập, tập 23 (1993), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

6. Cung Thiếu nhi Hà Nội (2015), Cung Thiếu nhi Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển, Nxb Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa