Nội san

Quản lý hoạt động Graffiti trên địa bàn quận Tây Hồ, thực trạng và giải pháp

08 Tháng Ba 2016

Trần Thị Thanh Nga [*]

 

Tây Hồ là một quận nằm ở phía bắc thủ đô Hà Nội, nơi đây có nhiều hoạt động Graffiti, để lại dấu ấn tương đối  rõ nét trong hoạt động Graffiti trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Việc quản lý hoạt động Graffiti trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội rất cần thiết trong bối cảnh hiện này nhằm phát huy những mặt tích cực cũng như hạn chế của dạng thức thực hành nghệ thuật này, để phục vụ cho công tác quản lý văn hóa trong lĩnh vực này trên địa bàn được tốt hơn.

1.    Thực trạng hoạt động Graffiti trên địa bàn quận Tây Hồ

Hoạt động Grafiti tiêu biểu trên địa bàn quận Tây Hồ chủ yếu xuất hiện ở các khu vực xung quanh Hồ Tây. Trong thời gian qua, những phong trào vẽ Graffiti nở rộ, xuất hiện nhiều ở các tụ điểm vui chơi, quán bar, nhà hàng, thậm chí cả trên cánh cửa sắt một số tiệm kinh doanh. Trong đó, khu vực nổi tiếng ven hồ Tây, được giới trẻ đặt tên là "đường Hàn Quốc"  xuất hiện hoảng hơn trăm mét nền đường dày đặc những hình vẽ Graffiti, từ vụng về đến tinh xảo. Đây là đoạn đường cụt, chủ yếu là chỗ hẹn hò của giới trẻ, và theo thời gian, các hình vẽ cái sau đè lên cái trước, tạo nên một không gian Graffiti độc đáo. Bức "tranh nền đường" này thực sự là không gian công cộng lý thú của giới trẻ đam mê hoạt động Graffiti, bởi tại đây họ có thể thỏa sức sáng tạo theo những ý tưởng riêng của mình. Ngoài ra, những bức tường công cộng, bao quanh sân bóng Võng Thị, nhà dân, trường mầm non một số khu vực đường Xuân Diệu, Quảng Bá, cầu Nhật Tân, đường Lạc Long Quân…  cũng đầy dẫy những hình ảnh liên quan đến Graffiti.Ngoài ra, khu vực ven hồ còn có những quán cà phê là điểm hẹn cho những nhóm, cá nhân trao đổi, chia sẻ và thực hành liên quan đến hoạt động Graffiti. Cũng không thể không kể đến gần đây các quán ăn, nhà hàng cũng đã thuê một số họa sĩ sử dụng loại hình Graffiti vào việc trang trí không gian kinh doanh tại một số quán bia, cà phê nằm trên đường Võng Thị và một số quán ăn dọc đường Lạc Long Quân.

Tại khu vực này thường xuyên xuất hiện những nhóm nghệ thuật đường phố tụ tập theo những người có cùng chung sở thích nhưng tựu chung họ là những con người trẻ, yêu thích sự khám phá, thể hiện và muốn chứng tỏ bản thân qua những hoạt động như nhảy Hip hop, breakdancing, vẽ tranh tường hay những dự án về nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt… Trong một tinh thần xã hội ngày càng cởi mở, giới trẻ được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật trên thế giới thông qua quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa thì những dạng thức thực hành mới lạ (đối với người dân Hà Nội) xuất hiện ngày càng nhiều. Và chính trong một không gian thoáng đãng, nhiều người trẻ với tinh thần nhiệt huyết quả là một địa điểm lý tưởng cho nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó có hoạt động Graffiti. Những bạn trẻ cùng đam mê loại hình này tụ tập về đây để cùng trao đổi, chia sẻ với nhau về những chủ đề, những bức vẽ dự định thực hiện hay đơn giản chỉ là khoe nhau về những dụng cụ vẽ Graffiti vừa đặt mua qua các trang thương mại điện tử như Amazon, Ebay, Alibaba… Cũng tại đây, những câu chuyện về kỷ niệm vẽ Graffiti trong những giai đoạn đầu xuất hiện ở Hà Nội cũng được các thế hệ đàn anh chia sẻ, hay kể lại những tác phẩm Graffiti làm nên tên tuổi của từng nhóm. Chính trong khung cảnh những bức vẽ Graffiti xung quanh cùng với những câu chuyện kể liên quan về hoạt động này truyền cảm hứng, sự nhiệt huyết cho những ai đang tìm hiểu, muốn làm quen với loại hình này.

1.1. Những mặt tích cực của hoạt động Graffiti

Hoạt động Graffiti trên địa bàn quận Tây Hồ không chỉ góp phần vào cải thiện môi trường sinh thái mà rõ ràng nó đã tạo nên nét đẹp mới, độc đáo riêng cho mỗi không gian, công trình kiến trúc. Nó không chỉ mang đến gía trị về tính sáng tạo phong phú, mà còn thể hiện nghệ thuật thẩm mĩ phong phú của mỗi cộng đồng, hay của từng nhà sáng tạo bởi sự sáng tạo của con người luôn vươn tới cái hoàn mĩ hơn, vì vậy họ luôn luôn cải thiện, sáng tạo hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ.

Một trong những mặt tích cực của hoạt động Graffiti chính là loại hình này làm đa dạng, phong phú hơn trong cách biểu đạt nghệ thuật thông qua yếu tố của đường nét, màu sắc với những ngôn ngữ riêng của nó.Nhiều tác phẩm Graffiti đích thực góp phần làm đẹp cho không gian công cộng bằng cách xuất hiện trên khu vực bình thường có thể nhìn thấy, chẳng hạn như một bức tường trong một lô đất trống hoặc một tòa nhà bỏ hoang. Cũng bởi những sáng tạo của Graffiti chủ yếu cho chính người vẽ nên những tác phẩm Graffiti không bị giới hạn bởi yếu tố “đầu ra” nên có những giá trị đích thực trong diễn tả cảm xúc. Đồng thời, tác phẩm Graffiti đáp ứng được đầy đủ những thuộc tính thẩm mỹ để được xác định là một tác phẩm nghệ thuật.

Với những tác phẩm Graffiti đích thực sẽ thuyết phục công chúng thưởng ngoạn bởi chính nội dung mà chủ đề mà nó muốn truyền tải. Điểm lý thú là hầu hết các tác phẩm này được sáng tác bởi chính đam mê, ý thích cá nhân (nhóm) mà không bị lệ thuộc vào những ràng buộc từ bên ngoài. Những người nghiêm túc theo đuổi Graffiti không cho rằng mình “bôi bẩn” cảnh quan đô thị mà họ mong muốn những sáng tác của mình giúp cho cộng đồng có thêm niềm vui hay tìm kiếm sự thừa nhận của công chúng. Như vậy, ban đầu, Graffiti được sử dụng với mục đích thuần túy là công cụ đánh dấu lãnh thổ của những nhóm thanh niên trẻ sống trong thành phố hay thể hiện quan điểm chính trị, hiện đang dần thay đổi như một phương tiện làm đẹp và trang trí cho cảnh quan đô thị. Đôi khi, Graffiti còn được sử dụng như mục đích truyền thông hoặc thương mại bởi những công ty bắt đầu sử dụng nghệ thuật đường phố - Street Art như một công cụ quảng cáo và tiếp thị.Có thể nói, khi Graffiti đạt được đúng mục đích và phô bày được vẻ đẹp đích thực của nó thì loại hình này sẽ nhanh chóng đón nhận sự quan tâm rất lớn từ giới nghệ thuật cũng như công chúng yêu cái đẹp.Và các nghệ sĩ đường phố, thông qua những hoạt động Graffiti thoát khỏi sự gò bó trong thế giới nghệ thuật chính thống.

1.2.Những mặt hạn chế của hoạt động Graffiti

Cùng với những mặt tích cực thì hoạt động Graffiti ở quận Tây Hồ hiện nay cũng còn một số mặt hạn chế.Hạn chế lớn nhất chính là từ tính ngẫu hứng của loại hình này nên nhiều khi không kiểm soát được hành vi của mình, cả trong sáng tác và địa điểm thể hiện. Nhiều bức vẽ Graffiti trở nên nhem nhuốc chính bởi sự dở dang do nhiều yếu tố, trong đó có cả sự thiếu quyết tâm, không có ý tưởng và công kiên trì theo đuổi đến cùng một bức vẽ. Qua trao đổi, nhiều bạn trẻ rất muốn thể hiện một bức vẽ Graffiti khổ lớn nhưng bị giới hạn về vật tư thi công hay đang vẽ thì có việc khác nên bỏ dở. Điều này để lại tác hại cho cảnh quan và góp phần mang tiếng xấu cho cả cộng đồng Graffiti. Không chỉ vậy, việc tự do vẽ Graffiti ở những bức tường, cửa cuốn… tại một số địa điểm chưa có sự cho phép đã gây phản ứng tiêu cực của chủ sở hữu cũng như cộng đồng xung quanh, dẫn đến những hệ quả không mong muốn. Đặc biệt, một số người thiếu ý thức mang bình sơn xịt tạo những ký hiệu tại bảng chỉ dẫn, biển chỉ báo giao thông gây mất mỹ quan đô thị.

Một số người vẽ cũng chưa tìm và hiểu hết tính chất của loại hình nghệ thuật này đã vội vã thực hành dẫn đến cho ra đời những tác phẩm lem nhem, không đúng tinh thần của Graffiti. Bản thân Graffiti là một loại hình mới nên chưa hình thành được một tầng lớp công chúng nghệ thuật riêng của nó, do đó Graffiti cũng bị chỉ trích vì quá khó hiểu, nhiều tác phẩm để cá tính của người vẽ lấn át sự hài hòa trong một chỉnh thể chung cũng tạo nên sự phản cảm đối với người xem. Ngoài ra, với những người vẽ Graffiti, sự ham hố thể hiện bản thân khiến họ quên đi cả việc mình đang vẽ gì, không cần biết xung quanh mình và cảnh quan xung quanh có ăn nhập gì không?. Thậm chí, họ ngang nhiên vẽ lên tường nhà người khác mà không quan tâm phản ứng của gia chủ. Không những thế, nhiều bức Graffiti ở quận Tây Hồ mới chỉ dừng lại như những hình mẫu bắt chước theo những phong cách của những người đi trước mà chưa tìm ra được một phong cách riêng, phù hợp với cảnh quan riêng ở khu vực này. Một trong những địa điểm gây bức xúc đối với hoạt động Graffiti trong thời gian qua là khoảng gần một trăm mét dài của bức tường chùa Thiên Niên đã bị nhiều hình vẽ Graffiti bôi bẩn, gây mất mỹ quan, không phù hợp với văn hóa Phật giáo Việt Nam.Nhiều người cho rằng việc vẽ những hình này lên tường bao quanh nhà chùa là không phù hợp với những không gian tâm linh, tôn nghiêm. Nhà sư trụ trì chùa Thiên Niên khẳng định: việc vẽ graffiti lên tường nhà chùa như vậy là hành động thiếu ý thức, vi phạm nơi tôn nghiêm, không phù hợp với văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo. Hành vi ấy đương nhiên không thể ủng hộ.

Tóm lại, hoạt động Graffiti ngày càng trở lên quen thuộc với giới trẻ.Các loại hình Graffiti trở nên sinh động, phong phú với những hình thức, thể loại đa dạng, nội dung hấp dẫn... tạo sinh khí và sắc thái, tạo dấu ấn mới cho đời sống tinh thần xã hội của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động Graffiti hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập chính bởi những nhận thức và thị hiếu về nghệ thuật, thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ đã bị lệch chuẩn về văn hóa, dẫn đến những hình vẽ thiếu tính văn hóa, thẩm mỹ làm mất mỹ quan đô thị…

2.    Một số giải pháp nhằm quản lý hoạt động Graffiti hiện nay

Hiện nay, công tác quản lý không gian nghệ thuật công cộng trên địa bàn quận Tây Hồ còn chưa có sự đồng bộ, đặc biệt chưa có những giải pháp hiệu quả đối với những hoạt động nghệ thuật đường phố, trong đó có hoạt động Graffiti. Hoạt động Graffiti chưa được quy định cụ thể mà vô hình chung được hiểu với những hoạt động xâm hại cảnh quan, môi trường văn hóa cho nên tạo ra những điều chưa hợp lý trong phát huy giá trị của hoạt động Graffiti. Chúng tôi xin lấy một minh chứng để có thể dễ hình dung hơn về vấn đề này, đó là một nhóm/ cá nhân muốn thể hiện một bức vẽ Graffiti tại một bức tường trong một công viên (hay một địa điểm công cộng) thì họ phải làm thế nào để được chấp nhận được thực hiện và cơ quan quản lý căn cứ vào đâu để cấp phép (chấp nhận) cho hoạt động của nhóm/ cá nhân. Hiện nay, việc thực hiện một bức vẽ Graffiti là hoàn toàn do nghệ sĩ/ người vẽ tự liên hệ (hoặc không liên hệ) với đơn vị/ người chủ sở hữu bức tường, hè đường và miễn sao không có khiếu kiện hay không có nội dung phản cảm, dung tục thì không bị xử lý, hay nói cách khác là được chấp nhận. Và rõ ràng, đây là điều mà chúng ta đều cảm thấy là không được bình thường bởi khi không ai được biết (hoặc được xin phép) về những nội dung của một nhóm/ cá nhân thực hiện tại nơi công cộng thì khi có bất kỳ vấn đề gì liên quan, kể cả bức vẽ có nội dung không lành mạnh hay bức vẽ đẹp bị hủy hoại, thì ai hay cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? Phòng Quản lý Văn hóa - Công an - phòng Quản lý đô thị Quận hay chính chủ sở hữu những bức tường có hình vẽ này phải chịu trách nhiệm?

Như vậy, vai trò của cơ quản quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ở quận Tây Hồ là hết sức cần thiết để đảm bảo đồng thời thực hiện những mục tiêu:

Một là, khuyến khích sự sáng tạo của một dạng thức thực hành nghệ thuật mới

Hai là, đảm bảo được cảnh quan, không gian công cộng được sạch, đẹp

Ba là, đảm bảo được sự tự do hoạt động của những nghệ sĩ thực hành Graffiti cũng như không được xâm hại đến thẩm mỹ chung của cộng đồng, không gian riêng hay những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn

Bốn là, có được sự đồng thuận của người dân sinh sống tại những không gian sáng tác Graffiti

Năm là, xác định được cơ chế hoạt động Graffti để đảm bảo hoạt động này diễn ra phải được kiểm soát

Để hoạt động này được phát huy được những thế mạnh cũng như hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đối với cộng đồng, trước khi có những văn bản hướng dẫn cụ thể từ trung ương, trong thời gian tới, phòng Văn hóa thông tin Quận cần tham mưu với UBND quận Tây Hồ ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo các UBND phường trong quận đẩy mạnh quan tâm tới công tác này trên những phương diện sau:

Thứ nhất, phối hợp với chính quyền sở tại để thống kê những hoạt động Graffiti đã diễn ra. Đặc biệt lưu tâm đến những đơn thư khiếu nại liên quan đến tài sản bị xâm hại bởi các bức vẽ Graffiti (tường nhà, cửa cuốn, xe ô tô, biển quảng cáo…). Từ đó phân loại những hoạt động Graffiti tích cực, đem lại diện mạo khang trang, tô điểm thêm cho cảnh quan đô thị, được người dân hưởng ứng, tán dương và những hoạt động Graffiti được coi là vẽ bẩn, làm tổn hại đến tài sản của cá nhân hay cộng đồng.

Thứ hai, phối hợp với cộng đồng dân cư trong việc giám sát các hoạt động Graffiti đang diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt chú ý đến những hoạt động có nội dung không lành mạnh, vi phạm thuần phong mỹ tục hay diễn ra ở những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.

Thứ ba, tổ chức những cuộc gặp với cộng đồng Graffiti trên địa bàn quận Tây Hồ để vận động, tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến những hoạt động tại không gian công cộng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của những nhóm, cá nhân liên quan đến hoạt động Graffiti.

Thứ tư, phối hợp với cơ quan công an để xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc tái diễn hành vi vẽ Graffiti bẩn lên tài sản của người khác mà không được phép.

Như vậy, vai trò của cơ quan quản lý văn hóa rất quan trọng trong việc phát triển các nghệ sĩ/người vẽ Graffiti theo đúng những giá trị của dạng thức thực hành nghệ thuật này, bởi chỉ có thể hiểu đúng được bản chất, kỹ thuật, hình thức thể hiện… và thể hiện chúng đúng chỗ thì các bức vẽ Graffiti mới “sống khỏe” được trong môi trường nghệ thuật công cộng, trong không gian chung của cộng đồng.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Đinh Gia Lê (2016), Tìm hiểu nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội

2.    Manco, Tristan (2005), Lost Art & Caleb Neelon, Graffiti Brazil, Nxb Thames và Hudson, Anh

3.    Walsh, Michael (1996), Graffito, Nxb Berkeley, Hoa Kỳ

4. W. H. Auden(1971), Academic Graffiti, Filippo Sanjust, London

            * Trang thông tin điện tử

            5. George C. Stowers (1997), Graffiti Art: An Essay Concerning The Recognition of Some Forms of Graffiti As Art, http://www.graffiti.org/faq/stowers.html, truy cập 14 giờ ngày 15 tháng 11 năm 2015

6. Trang thông tin điện tử Quận Tây Hồ, http://tayho.hanoi.gov.vn/tayho/portal/vi/, truy cập 17 giờ ngày 23 tháng 10 năm 2015

7.Graffiti Diplomacy,http://graffitidiplomacy.com/, truy cập vào 20 giờ ngày 15 tháng 9 năm 2015

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa