Nội san

Quản lý hát Nhà tơ ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

04 Tháng Ba 2016

 Bùi Bá Quảng[*]

 

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, dân ca nói chung, “Hát Nhà tơ – Cửa đình” Quảng Ninh nói riêng là một dòng văn nghệ dân gian độc đáo có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, xã hội và nghệ thuật. Đây thực sự là một di sản văn hoá và là đóng góp riêng của tiểu vùng văn hoá Quảng Ninh cho kho tàng di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây,  sự tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển kinh tế ở nước ta đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực xã hội  trong đó có lĩnh vực  văn hóa Nghệ thuật. Hát Nhà tơ – Cửa đình một loại hình nghệ thuật truyền thống ra đời tại Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, như một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở nước ta cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Sức mạnh của kinh tế đã ít nhiều làm biến đổi chức năng một số loại hình nghệ thuật, mục đích sử dụng và các hình thức thể hiện độc đáo vốn có của nó cũng  bị bẻ cong bóp méo. Những nghệ nhân ngày càng  già yếu và mai một dần theo qui luật của đời người; lớp trẻ không hào hứng với những loại hình nghệ thuật này  mà chạy theo những loại hình âm nhạc mới, của một thời đại mới.

Hiện tại, các dự án nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy hát Nhà tơ trong lễ hội ở Quảng Ninh đã triển khai và đạt được kết quả cao với sự có mặt của nhiều Nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu trong cả nước quan tâm, nghiên cứu mô hình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể hát Nhà tơ trong đời sống đương đại. Hơn nữa, với chủ trương và định hướng của giáo dục nước ta hiện nay, cần phải tăng cường việc giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc, chú trọng việc tuyên truyền và đưa các di sản văn hóa vào các trường chuyên nghiệp, Nhà trường phổ thông, các chương trình giáo dục v.v... Đây chính là một hình thức bảo tồn và phát huy có tính thiết thực nhất.

Xây dựng đề án cụ thể nghiên cứu, đưa hát Nhà tơ vào công tác quản lý, phát triển và phương án cụ thể cho hoạt động biểu diễn trên địa bàn thành phố Móng Cái góp phần phục vụ du lịch tốt hơn. Hát Nhà tơ đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại. Ngày  01/10/2009, nghệ thuật này đã  trở thành di sản văn hóa thứ tư của Việt Nam, được UNESCO công nhận và được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Năm 2015, di sản văn hóa phi vật thể “Hát Nhà tơ - Cửa đình tỉnh Quảng Ninh”  đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cùng 25 di sản khác trên cả nước vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 Thực trạng hoạt động hát Nhà tơ ở Móng Cái

Hiện nay, dân số ở Móng Cái khoảng hơn mười vạn người (108.016 người); mật độ bình quân khoảng 164 người/km2. Móng Cái có 5 dân tộc anh em cùng chung sống như: Kinh, Dao, Tày, Hoa, Sán Dìu (dân tộc kinh “Việt” chiếm ưu thế 80%). Ngoài ra, có rất nhiều cư dân từ mọi miền đất nước đến đây làm ăn sinh sống. Là một địa bàn vùng biên giáp với Trung Quốc lại có nhiều dân tộc cùng chung sống trong đó có người Hoa gốc Trung Quốc, nên Móng Cái có những nét văn hóa đặc trưng và nổi bật, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.

Với lợi thế là một thành phố biên giới cửa khẩu, có điều kiện thuận lợi, lĩnh vực thương mại - du lịch - dịch vụ được quan tâm đầu tư. Chính vì vậy hoạt động thương mại - du lịch - dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động và đạt được những kết quả to lớn đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Cùng với sự phát triến kinh tế, thành phố luôn coi trọng phát triến văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng. Thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Móng Cái phối hợp với Sở văn hóa thể thao và du lịch; CLB văn nghệ dân gian triển khai phục dựng, duy trì loại hình hát Nhà tơ – Cửa đình, hát đối trên địa bàn; hiện nay có 03 CLB với tổng số trên 100 nghệ nhân tham gia.

Thành phố chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với các di sản văn hóa phi vật thể. Trên địa bàn Thành phố có 16 lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo diễn ra hàng năm. Bên cạnh đó, một số loại hình văn hóa phi vật thể mang đặc trưng vùng miền như lễ hội Đình Trà Cổ, lễ hội Đình Vạn Ninh, hát Nhà tơ, hát đối và các trò chơi văn hóa dân gian…, được sưu tầm, tuyển chọn, khôi phục, phát huy tác dụng. Hát Nhà tơ - Cửa đình gắn liền với quá trình lao động và sự tồn tại của những cư dân ven biển từ vùng đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung di cư và mang theo; nguồn gốc từ hát ca trù, hát Nhà tơ - Cửa đình trong 46 làn điệu hát ca trù, sau đó có sự cải biên, thông qua các ngư dân làm nghề chài lưới.

Những khó khăn, tồn tại

 Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian theo một đặc điểm chi phối hiện nay là của lớp người cao tuổi, nữ giới hát nhiều hơn nam giới, lứa tuổi trung bình 50 – 60 tuổi trở lên. Ở một số địa phương truyền thống, những người hát trước đây hầu hết đã qua đời, những người say sưa nhiệt tình, tâm huyết còn lại rất ít.

 Lứa tuổi thanh niên vẫn là lớp người ít tham gia hoạt động sinh hoạt hát Nhà tơ – Cửa đình nên sự kế tiếp trực tiếp còn mỏng. Họ chỉ quan tâm xu hướng âm nhạc thị trường thịnh hành như: Nhạc Rốc, Ráp, Híp Hốp…không thích học những làn điệu dân ca, trong đó có hát Nhà tơ, hát cửa đình.

 Ở xã Hải Tiến, Hải Xuân, 2 xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái), trước đây có đình làng và các lễ hội của đình làng có hát cửa đình, nhưng quá trình phát triển của xã hội, nhất là sau những năm 1962 – 1964 và đến chiến tranh biên giới ở cuối thế kỷ XX (1979 – 1989) đình chùa bị phá hủy và không có chính sách để tu chỉnh giữ gìn, bảo tồn (bảo tồn nguyên trạng hiện vật, bảo tồn nghệ nhân - Ả đào) nên hầu hết đã bị mất đi và những người hát cửa đình do tuổi cao đã qua đời mang theo, mặt khác do tác động du nhập của văn hóa đương đại; hát cửa đình nhẹ nhàng, vừa mang tính trang nghiêm vừa mang tính dân ca, trữ tình, thấm đậm lòng người nên phần lớn lớp người trẻ sau này không hấp dẫn. Mặt khác không có chính sách để bồi dưỡng kế thừa nên đã bị mai một và mất đi, và một số người đã sang bên các làng người Việt bên Trung Quốc tham gia sinh hoạt văn hóa này vào dịp các lễ hội của họ. Riêng những người chuyên đánh đàn đáy, gõ trống và gõ phách phục vụ cho hát cửa đình không còn ai. Ở đảo Vĩnh Thực trước đây có một ngôi đình to và hàng năm tổ chức lễ hội vào giữa tháng 6 âm lịch, do không được đầu tư đã bị mất dần, sau này là chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 – 1989 đã bị phá bỏ hết, tất cả các đồ thờ cúng trong đình đã bị lấy đi, hiện nay đã bị mất hết. Còn những người biết hát (hát cửa đình) trong lễ hội đình làng cũng đã già và qua đời, hiện nay ở đây không còn ai biết hát nữa, và hiện nay chỉ còn lại một nền móng bằng đá ở trung tâm của xã.

 Mặt khác, hiện nay, hát Nhà tơ đang có nguy cơ mai một mất dần do tác động của văn hóa hiện đại xâm nhập và trước sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tác động của kinh tế thị trường…đặc biệt trong văn hóa hát Nhà tơ, hát cửa đình có 3 loại nhạc cụ để phục vụ cho hát cửa đình đã bị mất đi cái gốc. Nhiều người kể cả những người hát cửa đình, nhiều người cũng không biết khi hát cần những nhạc cụ gì để vào đàn lễ (qua nghiên cứu, sưu tầm đã xác định được đó là loại đàn Đáy, Trống con và Phách). Những người sử dụng những nhạc cụ này ở các địa phương duy nhất hiện nay ở xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái chỉ còn lại cụ Phạm Văn Lận, cư trú tại thôn Bắc, cụ đã cao tuổi, có người trong làng nói cụ đã 102 tuổi.

 

Ảnh: Hát nhà tơ ở Vạn Ninh, Móng Cái  (Nguồn: Baoquangninh.com)

 

Quan điểm bảo tồn, phát huy hát Nhà tơ

Quan điểm thứ nhất: Bảo tồn nguyên trạng là cách thức và biện pháp để bảo vệ sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng nào đó mà vẫn giữ nguyên trạng thái tồn tại như vốn có của nó trong thời điểm nhất định của lịch sử. Bảo tồn nguyên trạng giữ được hình ảnh gốc nói lên thuộc tính, ý nghĩa và phản ánh được lịch sử gắn với di sản đó.

 Quan điểm thứ hai: Cách tân văn hóa là những cách thức và biện pháp để “làm mới”, “làm thêm”, bổ sung các yếu tố văn hóa mang ý nghĩa bổ trợ vào những hình thức và loại hình văn hóa trên cơ sở những cái đã có.

Từ các quan điểm trên, giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị cần thực hiện một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, muốn bảo tồn, phát huy được giá trị của hát Nhà tơ - Cửa đình phải chú trọng đến các nghệ nhân dân gian "báu vật nhân văn sống" của các giá trị di sản văn hóa phi vật thể này;

Thứ hai, cần tập trung trọng điểm là Vạn Ninh, từ đó nhân kết quả ra các địa phương khác ở Móng Cái;

Thứ ba, phải truyền dạy và đào tạo được nhiều ca nương trẻ, múa dẻo, hát hay đúng hồn cốt của hát Nhà tơ - Cửa đình;

Thứ bốn, cần truyền dạy hết các "giọng", các điệu múa và các bài mà các nghệ nhân dân gian (nhóm các nghệ nhân cao tuổi) còn thuộc;

Thứ năm, phải tuyệt đối coi trọng cái nguyên gốc, cái cổ. Không tùy tiện thêm, bớt, sửa chữa. Lời nhiều bài hát có thể có sai so với nguyên gốc, có thể chỉnh sửa được nhưng phải có căn cứ khoa học.

Thứ sáu, phải nghiên cứu sâu những thể thức trình diễn hát Nhà tơ - Cửa đình ở Móng Cái có tính đặc trưng riêng không giống các nơi khác là nguyên gốc hay đã bị pha tạp, hỗn hợp, phải cắt nghĩa được các giá trị, đánh giá đúng các giá trị rồi trân trọng giữ gìn.

Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy theo bài bản, khoa học, sát với thực tế, huy động tốt nguồn lực từ xã hội, chắc chắn di sản hát Nhà tơ - Cửa đình ở Móng Cái sẽ có sức sống và phát triển.

Định hướng, giải pháp để phát triển

             Thứ nhất, muốn duy trì được di sản văn hóa phi vật thể hát Nhà tơ, Cửa đình cần có cơ chế, chính sách để chăm lo bảo tồn di sản văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể hát Nhà tơ, Cửa đình nói riêng.

            Thứ hai, thường xuyên chăm lo, động viên, xây dựng và bồi dưỡng hạt nhân làm nòng cốt, nhất là những người trực tiếp tham gia có tâm huyết, có trách nhiệm ở ngay tại địa phương để giữ gìn văn hóa hát Nhà tơ – hát,múa cửa đình ở Móng Cái hiện nay. Mỗi địa phương thành lập gọi là Câu lạc bộ văn nghệ dân gian, có từ 25 đến 30 người, có nam nữ, có trẻ, có già,tầng lớp trung niên và thanh niên để luôn luôn có sự kế thừa. Cần chú ý, quan tâm đến các Nghệ nhân dân gian, những người đã từng có công giữ gìn và truyền dạy để bảo tồn văn hóa phi vật thể hát Nhà tơ, Cửa đình ở các địa phương và được tồn tại đến ngày nay.

            Câu lạc bộ dân gian hình thành các đội chuyên sâu: Đội múa (múa đèn, múa dâng hoa, dâng hương); Đội hát (gồm có các nghệ nhân và lớp trẻ kế tiếp, nên hình thành 3 thế hệ); Đội nhạc công (đánh đàn đáy, đánh trống, đánh phách).

            Về kinh phí cho hoạt động, vừa đảm bảo được ba yếu tố: Đầu tư của chính quyền các cấp, vận động các Nhà hảo tâm tài trợ và có sự đóng góp, hỗ trợ của mọi người mang tính chất xã hội hóa.

             Thứ ba, thường xuyên duy trì và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Nhà tơ, Cửa đình ở làng xã, gắn xây dựng làng xã về mọi mặt với xây dựng mô hình hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, xây dựng câu lạc bộ văn nghệ dân gian đồng bộ các hoạt động văn nghệ dân gian khác (các thể loại: hát Nhà tơ, Cửa đình, hát giao duyên, hát đúm, hát dân ca chèo, hát ca trù...) để tránh không bị Nhàm chán một hoạt động và đồng thời tránh khuynh hướng coi nhẹ văn hóa đặc sắc riêng của người Quảng Ninh là di sản văn hóa hát Nhà tơ - Cửa đình. Câu lạc bộ cần có lịch trình về thời gian hoạt độngvà phân công trách nhiệm cho từng thành viên phù hợp với điền kiện và khả năng của từng người.

Thứ tư, cần nhận thức sâu hơn về sự biến đổi và sự phát triển làng xã ở Quảng Ninh qua các thời kỳ, có nhận thức đúng  và cách nhìn về văn hóa văn nghệ dân gian với các loại hình khác, giữ gìn bản sắc văn hóa tiên tiến của dân tộc trước hết và bắt đầu từ văn hóa văn nghệ dân gian. Nói về “lấy dân làm gốc” cần nhìn và đánh giá đúng hơn về vị trí, vai trò của văn hóa văn nghệ dân gian đang cần sự đầu tư và quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cấp.

                 Thứ năm, nhận thức rõ và sâu hơn về những đặc trưng sinh hoạt làng xã ở mỗi địa phương hiện nay, nó phụ thuộc vào tập quán, điều kiện phát triển kinh tế và sinh hoạt vật chất, văn hóa gia đình, văn hóa dòng tộc (văn hóa họ) và cộng đồng dân cư để có biện pháp và chủ trương bảo tồn.

               Đề xuất cụ thể về không gian, tổ chức trình diễn: Trên cơ sở nghiên cứu và tổ chức lại của các nhà quản lý văn hóa để bảo đảm dung nạp được giữa yêu cầu bảo tồn di sản với yêu cầu khai thác, phát huy giá trị và nhu cầu thưởng thức của hoạt động về hát Nhà tơ – Cửa đình. Cần bố trí kinh phí cần thiết để duy trì tổ chức trình diễn hát Nhà tơ – Cửa đình phục vụ du lịch tại Móng Cái. Địa điểm trình diễn có thể là đình Trà Cổ hoặc đình Vạn Ninh. Móng Cái, với lợi thế của cửa khẩu quốc tế biên giới, thương mại, bãi biển đẹp, và cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, lễ hội văn hóa đặc sắc. Lượng khách du lịch đến Móng Cái khá đông, trong đó, số khách du lịch nội địa và khách Trung Quốc đi du lịch trong ngày chiếm tỷ trọng lớn.

               Việc thu hút khách du lịch đến điểm trình diễn hát Nhà tơ - Cửa đình ở Móng Cái sẽ hướng chủ yếu thị phần khách Trung Quốc và khách trong nước thông qua lữ hành đưa đến. Xét tình hình thực tế hiện nay, việc đưa mô hình trình diễn hát Nhà tơ – Cửa đình tại thành phố Móng Cái phục vụ khách du lịch để từng bước đóng góp cho sự phát triển du lịch quê nhà – nhưng chưa thể là sự quyết định hay chủ đạo thay thế các chương trình nghệ thuật chính thống. Vẫn phải cần biên tập kết hợp chặt chẽ giữa các dòng âm nhạc truyền thống với hiện đại, cần đưa những yếu tố hiện đại để tăng tính hấp dẫn của bố cục chương trình nghệ thuật, không gây nhàm chán hay không có điểm nhấn của chương trình nghệ thuật, như vậy mới đảm bảo chất lượng tốt phục vụ khách du lịch.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh (2012), Kế hoạch; Hướng dẫn số 07- HD/TG, ngày 26/9/2012 của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,(số 33- KH/TU).

2.   Lê Ngọc Cầu (1983), "Từ Ca trù đến hát Bội", Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (số 2).

3.   Nguyễn Duy Dương (2014), Đưa hát Nhà tơ ở Móng Cái vào giảng dạy tại trường CĐVHNT và Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh”, Luận văn Thạc sỹ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sự phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

4.   Nguyễn Trung Hà (2012), Hát Nhà tơ - Cửa đình tỉnh Quảng Ninh, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh.

5.         Hội VNDG Quảng Ninh (2012), Báo cáo tổng hợp kết quả Dự án Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Nhà tơ-  Cửa đình tại huyện Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn và thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

6.         Nhiều tác giả (2008), Lịch sử Đảng bộ thị xã Móng Cái (1946-2006), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7.         Thành ủy Móng Cái (2014), Báo cáo sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về một số chủ trương, giải pháp phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2011 – 2015,(số 502-BC/TU).

8.         Thành ủy Móng Cái (2014), Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-Ctr/TU ngày 09/10/2008 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, (số 524-BC/TU).

9.         Tỉnh Quảng Ninh (2010), Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “hát Nhà tơ - Cửa đình”,(số 4774/UBND-VX1).

10.     Nguyễn Quang Vinh (2015), Văn hóa dân gian làng Vạn Ninh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa