Nội san

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nghệ thuật trong du lịch ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

22 Tháng Tư 2016

Phạm Quang Khải [*]

 

Nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa nhằm góp phần giáo dục, định hướng thẩm mỹ, lối sống của nhân dân. Không những vậy, nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc còn là một trong những phương tiện biểu đạt hình ảnh con người của mỗi quốc gia, dân tộc trong giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa. Vì vậy, Nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc đã gắn liền với du lịch và được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện khá hiệu quả.

Trong những năm gần đây, ở thành phố Hạ Long, các hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn ca – múa – nhạc chuyên nghiệp gắn với các hoạt động du lịch đã phát triển đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung, góp phần quạn trọng trong việc quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Hạ Long với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Qua đó, nghệ thuật ca – múa – nhạc đã góp phần đáng kể thúc đẩy sự phát triển văn hóa – xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động biểu diễn ca – múa – nhạc trong du lịch ở thành phố Hạ Long còn nhiều bất cập, hạn chế như: đời sống của đội ngũ nghệ sĩ còn gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý còn bộc lộ nhiều yếu kém…. Do đó, sự phát triển loại hình nghệ thuật này chưa xứng tầm với lợi thế sẵn có của vùng đất du lịch Hạ Long, Quảng Ninh.

Về thành tựu đạt được

Thứ nhất, hoạt động biểu diễn ca – múa – nhạc tại thành phố Hạ Long luôn được Tỉnh Ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, Sở VHTT&DL cũng luôn sát sao trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Từ việc thẩm định, xét duyệt chương trình biểu điễn để cấp phép đến việc phối hợp với UBND thành phố và các ngành hữu quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và giải quyết các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động biểu diễn ca – múa – nhạc đều được sở VHTT&DL thực hiện theo một quy trình chặt chẽ và hiệu quả. Do vậy, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca - múa - nhạc trên địa bàn thành phố Hạ Long mấy năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho mọi tầng lớp công chúng, mọi thành phần xã hội, làm cho thành phố  ngày càng sôi động hơn, trẻ trung hơn, khách đến Hạ Long du lịch nhiều hơn.

Thứ hai, nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách du lịch đến thành phố Hạ Long. Với ba đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp (Đoàn nghệ thuật Chèo, đoàn nghệ thuật Cải lương, đoàn Kịch), hai đơn vị cũng có chức năng hoạt động biểu diến ca – múa – nhạc (Trung tâm văn hóa thành phố, Trung tâm thực hành biểu diễn trường Đại học Hạ Long) và gần 10 nhóm biểu diễn nghệ thuật hoạt động tự do ở Thành phố thì có đến hàng trăm chương trình biểu diễn ca – múa – nhạc lớn nhỏ khác nhau, với đủ các thể loại từ độc tấu, hòa tấu các loại nhạc cụ đến đơn ca, hợp ca các tiết mục hát mới, các ca khúc nước ngoài, hát chầu văn, hát xẩm, hát quan họ, hát chèo, hát cải lương, các tiết mục dân vũ, các tiết mục múa dân gian đương đại… đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và nước ngoài. Như vậy, khách du lịch đến với Hạ Long không chỉ để thăm một Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mà trong thời gian lưu trú lại, họ còn được đáp ứng nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật của địa phương.

Thứ ba, việc gắn nghệ thuật ca – múa – nhạc với du lịch đã phần nào đáp ứng nhu cầu vật chất – tinh thần của nghệ sĩ. Từ việc biểu diễn các tiết mục trong chương trình ca – múa – nhạc phục vụ khách du lịch, người nghệ sĩ sẽ được trả công theo hợp đồng hoặc hoặc theo thỏa thuận. Các khoản thù lao này góp phần nâng cao đời sống vật chất của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, chính việc đi diễn này đã góp phần rèn giũa chuyên môn, tạo động lực trong sự đam mê nghề nghiêp cho các nghệ sĩ.

Thứ tư, nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc đã đáp ứng nhu cầu của các tổ chức du lịch ở thành phố Hạ Long. Đối với một số đơn vị tổ chức du lịch thì nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc như là một “sản phẩm” để họ nâng cao chất lượng cạnh tranh với các đơn vị khác. Theo các tổ chức du lịch này thì nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc có thể thu hút thêm khách du lịch, giữ chân họ ở lại Hạ Long lâu hơn, làm tăng thời gian lưu trú của khách.

Về hạn chế, khó khăn

Thứ nhất, công tác quản lý đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc trong du  lịch tại thành phố Hạ Long còn lỏng lẻo, việc tổ chức hoạt động biểu diễn của loại hình nghệ thật này còn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Đa số các chương trình ca – múa  - nhạc không được kiểm soát về giá cả, không được kiểm duyệt về nội dung chương trình.

Thứ hai, cơ chế phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ, trách nhiệm không rõ ràng. Do đó, đôi lúc những cá nhân, tập thể có phát hiện những biểu hiện vi phạm cũng tỏ ra làm ngơ, bởi trách nhiệm chẳng phải của ai. Chính vì vậy, giai đoạn vừa qua, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc trong du lịch ở thành phố Hạ Long diễn ra một cách tự do, thiếu sự quản lý.

Thứ ba, thành phố Hạ Long chưa có một địa điểm nào tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc thường xuyên để phục vụ nhu cầu của du khách. Do đó, không có những tụ điểm để thưởng thức nghệ thuật, khiến cho các chuyến du lịch của du khách trở nên kém phần sinh động, thời gian lưu trú của du khách tại Hạ Long ít đi, doanh thu của các loại hình dịch vụ không được tăng lên.

Thứ tư, các đơn vị tổ chức du lịch không ấn định cho du khách được thưởng thức một chương trình ca – múa – nhạc. Chỉ khi khách có nhu cầu thì họ mới mời nghệ sĩ đến biểu diễn. Điều đó làm cho các tour du lịch trở nên kém phần hấp dẫn. Mặt khác, không tạo được mối quan hệ mật thiết giữa các nhà tổ chức du lịch với nghệ sĩ biểu diễn ca – múa – nhạc trong việc gắn kết nghệ thuật với du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo định hướng của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long.

Thứ năm, cácgiá trị nghệ thuật ca – múa – nhạc truyền thống ở Hạ Long chưa được đầu tư khai thác dẫn đến tình trạng còn thiếu và còn yếu. Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khách du lịch.

Thứ sáu, do những quy định về tiền lương và các chế độ dành cho nghệ sĩ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên đời sống vật chất của các nghệ sĩ ở thành phố Hạ Long rất khó khăn.Thành phố cũng chưa có một chế độ ưu đãi đặc biệt nào dành cho đội ngũ nghệ sĩ trong chính sách về nhà ở, dẫn đến tình trạng không tâm huyết với nghề, mải miết mưu sinh, chất lượng chuyên môn dần bị mai một.

 

Ảnh: Biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách Quốc tế ở Hạ Long

(Nguồn: tác giả)

 

Từ những tồn tại, bất cập trên, bài viết xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc trong du lịch ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh như sau:

Một là, nghệ thuật ca – múa – nhạc trong du lịch ở thành phố Hạ Long phải được nhận thức là “sức mạnh mềm văn hóa” của Quảng Ninh – Việt Nam. Vì, đối tượng được phục vụ ca – múa – nhạc trong du lịch ở thành phố Hạ Long cơ bản là khách nước ngoài của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội “vàng” để “sức mạnh mềm – văn hóa Việt Nam”  được thể hiện, tuyên truyền, thu hút trước bạn bè thế giới và lôi cuốn sự đam mê, cảm phục, tình yêu thương của họ đối với “sức mạnh mềm – văn hóa Việt Nam”. Ca – múa – nhạc phục vụ du lịch ở thành phố Hạ Long phải mang trong mình thiên sứ đó để tự vươn lên đỉnh cao hơn vốn có thường ngày.

Hai là, đổi mới cơ chế quản lý, trước hết là về tổ chức. Cần phải thiết lập ra một tổ chức mới phù hợp với nhiệm vụ hoạt động ca – múa – nhạc – “sức mạnh mềm văn hóa” trong du lịch hiện nay. Đó là một tổ chức gồm ba thành tố cơ bản: Nhà quản lý văn hóa nghệ thuật thành phố Hạ Long – Nhà tổ chức Du lịch ở thành phố Hạ Long – các đơn vị nghệ thuật ca – múa – nhạc ở thành phố Hạ Long (gồm cả chuyên nghiệp và không chuyên). Chức năng của Nhà quản lý văn hóa nghệ thuật – theo đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng và Nhà nước Việt Nam; chức năng của Nhà tổ chức du lịch – xác định nhu cầu thẩm mỹ ca – múa – nhạc của khách du lịch theo các tour; chức năng của các đơn vị nghệ thuật ca – múa – nhạc là đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của Nhà quản lý và Nhà tổ chức du lịch.

Từ đổi mới về tổ chức sẽ dẫn đến đổi mới về chương trình hoạt động ca – múa – nhạc phục vụ khách du lịch. Bởi vì, thiết kế một chương trình biểu diễn ca – múa – nhạc phục vụ khách du lịch, đặc biệt người nước ngoài là một việc làm hết sức quan trọng, nó đòi hỏi người làm chuyên môn, chuyên trách phải hiểu biết cả về văn hóa, nghệ thuật và cả đường lối chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước.  Hiểu được văn hóa của các quốc gia, dân tộc và văn hóa của các vùng miền mới có thể xây dựng được một chương trình biểu diễn ca – múa – nhạc phù hợp với từng đoàn khách đến từ các quốc gia dân tộc hay các vùng miền khác nhau; hiểu về nghệ thuật mới có thể sắp xếp được một chương trình ca – múa – nhạc hấp dẫn người thưởng thức, không làm cho người thưởng thức cảm thấy nhàm chán;  hiểu được đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước mới có thể xây dựng được một chương trình ca – múa – nhạc đúng với định hướng của Đảng và Nhà nước, không vi phạm hay đi ngược lại với những định hướng đó.

Ba là, nâng cao văn hóa - ứng xử cho các nghệ sĩ và nhân dân Hạ Long để chương trình “Nụ cười Hạ Long” với thông điệp “từ nụ cười đến trái tim” do tỉnh Quảng Ninh phát động sớm trở thành hiện thực để nhân dân Hạ Long nói chung và nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc nói riêng được nâng cao văn hóa ứng xử đối với du khách đến Hạ Long, và dành cho họ nhiều cử chỉ thân thiện nhất, những dịch vụ  hoàn hảo nhất nhằm góp phần phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long. 

Bốn là, xây dựng những quy định về hoạt động biểu diễn ca – múa - nhạc trong du lịch trên địa bàn thành phố Hạ Long. Trước hết cần xây dựng đề án cấp thẻ hành nghề cho đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn ca - múa - nhạc trong du lịch để góp phần làm tốt công tác quản lý và tăng phần trách nhiệm nghề nghiệp cho các nghệ sĩ. Sau đó, cần xây dựng hệ thống các văn bản quy định cụ thể để điều chỉnh mọi hành vi của hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca – múa – nhạc trong du lịch ở Thành phố.

Năm là, Nhà nước cầnxây dựng chính sách nâng cao mọi quyền hưởng thụ của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật ca – múa – nhạc, kết hợp với sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí của tỉnh Quảng Ninh trong việc tăng thêm tiền bồi dưỡng cho diễn viên trong các buổi tập và biểu diễn, tạo mọi điều kện thuận lợi cho các nghệ sĩ tự do sáng tạo. Mặt khác, khuyến khích thành lập các đơn vị tổ chức sự kiện, trung tâm biểu diễn ca – múa – nhạc nhằm mục đích gia tăng sức cạnh tranh cho các đơn vị nghệ thuật công lập, thúc đẩy sự phát triển trong hoạt động biểu diễn ca – múa – nhạc trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Tóm lại, những thành tựu đạt được của hoạt động nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc trong du lịch đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Hạ Long với bạn bè khắp nơi trên thế giới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nghệ sĩ; đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách du lịch….Với phương hướng tiếp tục đẩy mạnh việc gắn kết nghệ thuật với du lịch, trên cơ sở các giải pháp đưa ra được triển khai, công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn ca – múa – nhạc trong du lịch ở thành phố Hạ Long sẽ thu được kết quả cao hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của du khách, để từ đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển của ngành du lịch, tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, làm hạt nhân cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Văn hóa Thông tin (2004), Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02 tháng 7 năm 2004, Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

2. Bộ Văn hóa – thông tin (2006), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020,  Hà Nội.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009), Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009, Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế.

4. Chính phủ (2009), Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ngày 06 tháng 11 năm 2009 về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Hà Nội.

5. Chính phủ (2012), Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, ngày 05 tháng 10 năm 2012 Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, Hà Nội.

6. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2014), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương (2009), Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Hà Huy Thành (2000), Những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường ở Việt Nam,  Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9.Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.

10. Tỉnh ủy Quảng Ninh (2013), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

11. Trần Trí Trắc (1994), Sân khấu - loại hình kỳ diệu, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

12. Trần Trí Trắc (2003), Nghệ thuật sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

13. Trần Trí Trắc (2015), Cơ sở văn hóa của Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa