Nội san

Rèn luyện kỹ năng biểu diễn nhạc nhẹ cho học sinh khoa Âm nhạc và múa trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc

20 Tháng Tư 2016

Trần Văn Bình [*]

 

Bước sang thế kỷ XXI, trong xu thế hội nhập, phát triển toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, việc đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật, các thể loại âm nhạc, dòng nhạc là điều tất yếu. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các cuộc thi, các gameshow ca nhạc giải trí trên truyền hình… không chỉ tập chung vào một hoặc hai dòng nhạc, mà đa dạng hóa các loại hình, các dòng nhạc khác nhau, trong đó có nhạc nhẹ, đang được đông đảo khán thính giả đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích và đón nhận.

Nhạc nhẹ được sinh ra tại châu Âu từ đầu thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển của các vũ hội sang trọng hoặc bình dân. Nhiều thể loại nhạc nhảy múa, sinh hoạt, hành khúc, những bản ouverture nhỏ (khúc mở màn), các tổ khúc, các rhapsodie, fantaisie dựa theo những chủ đề lấy từ các vở operet, những bài hát hài hước, hát estrade, nhạc khiêu vũ, nhạc jazz, nhạc pop - rock… được xếp vào loại nhạc nhẹ. Trong cuốn Lịch sử âm nhạc (Histoire de la musique), của Jean Combarieu, một sử gia âm nhạc nổi tiếng của Pháp, ở tập III cuốn sách của ông đã dành cả một chương cho nhạc nhẹ và nhạc ngoài trời, tác giả Combarieu đã xếp nhạc nhẹ  gồm những thể loại như: operette, opera hài, những folies musicales, nhạc nhại (parodie), pochade (nhạc tếu), những ca khúc dân gian, nhạc vui chơi giải trí cho công chúng ở ngoài trời. Tác giả quan niệm, nhạc nhẹ là loại nhạc dân dã, dễ hiểu, thậm chí là những loại nhạc “rẻ tiền”.

Còn từ điển Larousse của Pháp đã định nghĩa "... nhạc nhẹ bao gồm các loại nhạc tạp kỹ, nhạc giải trí nằm giữa hai loại nhạc tiêu thụ thông dụng và nhạc nghiêm túc, nhằm làm vui tai, vui lòng người nghe, đem lại sự bình tĩnh, tái tạo sức khỏe, thu hút giải trí tinh thần, là loại nhạc được đông đảo quần chúng dễ tiếp thu, tính chất âm nhạc thường vui tươi, yêu đời"(tập I, tr.362,sđd).

 Nhạc nhẹ chủ yếu dùng để giải trí, thường gắn liền với các động tác (vũ đạo) của diễn viên (ca sĩ và nhạc công), nghĩa là nhạc đó phải có tính luân vũ, chu kỳ, buộc ca sĩ, nhạc công và động tác ngoại hình phải ăn khớp với nhau tạo nên sự hấp dẫn, thu hút, khiến công chúng và diễn viên cùng hoạt động với tất cả niềm hứng thú, say mê. Đối tượng thưởng thức không phải bằng trạng thái thụ động, tĩnh tại, suy tư, đạo mạo, người thưởng thức nhạc nhẹ phải ở trong một trạng thái chủ động, náo hoạt như sự náo hoạt trên sân khấu biểu diễn của các nghệ sĩ.

Là người thường xuyên cộng tác, giảng dạy thanh nhạc ở trường Trung cấp VHNT Vĩnh Phúc, tôi thấy, việc đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp ở nước ta nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, với nội dung, chương trình đào tạo ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn về chất lượng. Từ sự tiếp thu những tiên tiến, tinh hoa thanh nhạc thế giới để áp dụng và tìm ra phương pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất đưa vào chương trình giảng dạy, làm nên một nền âm nhạc mới của Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và mang hơi thở của thời đại mới. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì dòng nhạc nhẹ "nhạc giải trí", đang tồn tại cùng với nhạc dân gian dân tộc truyền thống, nhạc chuyên nghiệp bác học, thành ba trào lưu âm nhạc được công nhận trong nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, công tác đào tạo, giảng dạy nhạc nhẹ ở trường Trung cấp VHNT Vĩnh Phúc còn rất mờ nhạt, không có giáo trình, chương trình đào tạo khoa học, thời lượng cho giảng dạy, học tập và rèn luyện kĩ năng biểu diễn (KNBD) nhạc nhẹ chỉ mang tính chung chung, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong cả thầy và trò, tính hiệu quả và nhận thức của học sinh còn rất mơ hồ. Để thực hiện được những vẫn đề nêu trên, đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng đắn, nghiêm túc từ Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, các em học sinh về sự cần thiết trong học tập, rèn luyện KNBD nhạc nhẹ. Phải xây dựng chương trình đào tạo khoa học, thống nhất, phải có đội ngũ những người thầy giỏi, nhiệt huyết, yêu nghề, có môi trường đào tạo thân thiện, chính quy, chuyên nghiệp, phải định hướng rõ ràng cho học sinh về lĩnh vực phù hợp với mục đích cho tương lai. Vì trên thực tế, rất nhiều em có khả năng ca hát và yêu thích nhạc nhẹ, nhưng bài vở trên lớp thì số lượng những bài hát cổ điển, dân ca… lại chiếm thời gian nhiều hơn, không được định hướng theo khả năng, sở trường, cho nên chưa phát huy hết những đam mê và sự yêu thích đối với nhạc nhẹ. Phải đổi mới phương pháp dạy học, đưa các ca khúc nhạc nhẹ vào chương trình cho học sinh được tiếp xúc, được rèn luyện KNBD nhiều hơn, để các em được thỏa mãn niềm đam mê với tình yêu âm nhạc, đổi mới nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại.

Để trở thành ca sĩ biểu diễn nhạc nhẹ chuyên nghiệp, ngoài yếu tố cần là giọng hát, thì yếu tố quan trọng chính là phải biết vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc, các kỹ năng biểu diễn, giải phóng hình thể, vũ đạo, nhảy múa… một cách nhuần nhuyễn, phù hợp trong từng tác phẩm. Một ca sĩ ngoài hát hay, múa giỏi còn cần phải học tập, am hiểu về các mặt xã hội thì mới có thể thẩm âm, tiết tấu bài hát đúng với ý nghĩa của nó. Một ca sĩ muốn làm nghề nghiêm túc thì việc học là quan trọng và rất cần thiết, học không chỉ ở trong trường lớp, mà có thể bằng nhiều hình thức khác nhau, đa số các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, những người được cho là có đẳng cấp, họ đều được học hành bài bản. Ở những người này, ngoài bản năng sẵn có, họ có căn bản về kỹ thuật, có đầy đủ các kỹ năng, có tâm hồn và có sự lao động sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc, bài bản. Tất cả những điều này, học sinh trường Trung cấp VHNT Vĩnh Phúc còn chưa có điều kiện để học tập và tiếp thu, chính vì vậy, việc đưa ra những định hướng, phương pháp học tập rèn luyện KNBD nhạc nhẹ là hết sức cần thiết và đáng được quan tâm.

1. Khái niệm kỹ năng

Trong cuộc sống hiện tại, khi làm bất cứ một công việc gì cũng cần phải có những kỹ năng nhất định, phù hợp và bổ chợ cho công việc đó. Trong âm nhạc, khi đứng trên sân khấu biểu diễn, muốn sản phẩm của mình được công chúng đón nhận, đòi hỏi người nghệ sĩ phải được trang bị các kỹ năng cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Kỹ năng là năng lực, khả năng của một cá thể có được sau quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó, khi ứng dụng hành động ấy vào thực tiễn sẽ đem lại kết quả như mong đợi.

Trong nhạc nhẹ có nhiều tác phẩm ở những thể loại khác, mỗi một thể loại đều có những tính chất, cách biểu hiên và các KNBD khác nhau. Ngoài giọng hát, ca sĩ phải biết kết hợp nhiều kỹ năng như:  kỹ năng giải phóng hình thể, làm chủ sân khấu, kỹ năng làm việc nhóm, các động tác vũ đạo, nhảy múa… bên cạnh đó phải có một tâm lý ổn định, bản lĩnh, sức khỏe tốt mới có thể biểu diễn thành công tác phẩm, chính vì vậy người thầy cần trạng bị, kiểm tra và theo dõi chặt chẽ trong quá trình học tập, rèn luyện ngay ở trên lớp để các em thể hiện theo đúng tính chất tác phẩm, phát triển tốt các KNBD, tránh để các em bị cố tật hoặc không định hình và thể hiện đúng tính chất của tác phẩm.

2. Kỹ năng giải phóng hình thể

Nhạc pop - rock là một trong những thể loại nhạc nhẹ, mang tính đại chúng, với tiết tấu âm nhạc sôi động gắn với nhảy múa, chính vì vậy, nghệ sĩ biểu diễn phải biết vũ đạo, biết các điệu nhảy, những bài tập giải phóng hình thể giúp cho cơ thể mềm mại, duyên dáng, nâng cao năng khiếu thẩm mỹ, rèn luyện khả năng và tinh thần sáng tạo. Nhảy múa cũng là giải pháp tốt nhất để rèn luyện KNBD, để có một cơ thể đẹp và sức khỏe tốt, giúp con người được phát triển toàn diện cả trí tuệ và thể lực.

Trong nhiều năm giảng dạy tại trường Trung cấp VHNT Vĩnh Phúc tôi thấy, các em học sinh bị hạn chế nhiều trong KNBD. Các em có thể hát thuộc bài, đúng tiết tấu, giai điệu âm nhạc nhưng chưa truyền tải được cái hồn, cái hay, cái đẹp của tác phẩm, chưa thể hiện được các kỹ thuật biểu diễn hình thể. Có những ca khúc nhạc nhẹ sôi động nhưng các em cũng chỉ đứng im để hát, các động tác biểu hiện không phù hợp với âm nhạc và nội dung tác phẩm. Chính vì vậy, giải phóng hình thể là rất cần thiết trong quá trình giảng dạy, học tập của bộ môn nhạc nhẹ. Giải phóng hình thể không chỉ là nhảy múa tự do theo điệu nhạc, mà cần phải học các động tác cơ bản, cảm nhận cơ thể, cảm nhận giai điệu âm nhạc, thực hành với các điệu nhảy quốc tế: swing, bolero, pasodoble, tango, mambo, be-bop, chachacha, samba, rumba, disco, salsa, hip- hop, sexy dance… qua đó, giúp các em nắm được phong cách, đặc điểm luật động của các bộ phận trên cơ thể như đầu, cổ, vai, ngực, bụng, eo, mông, tay, chân, … nhằm tăng sức biểu hiện, tính thẩm mỹ, sự cảm thụ nhạy bén với các loại tiết tấu, đồng thời nắm vững kỹ năng khi thực hiện các động tác vũ đạo, nhảy múa kết hợp trong thể hiện tác phẩm.

3. Kỹ năng làm chủ sân khấu

Khi bước ra sân khấu biểu diễn lần đầu, đối với các em học sinh, các nghệ sĩ không chuyên, sẽ không tránh khỏi sự lo lắng, hồi hộp, thiếu tự tin, bởi một không gian biểu diễn mới, choáng ngợp ánh đèn sân khấu, số lượng khán giả đông, chắc chắn tim sẽ đập nhanh hơn, nhịp thở cũng trở nên nhanh và nông hơn. Vì vậy, dễ bị hụt hơi hoặc lấy hơi không đủ khi hát. Ngoài ra, khi quá hồi hộp, sẽ dễ bị run, cơ bụng, cơ hầu, họng thường co cứng làm ảnh hưởng đến cả chất giọng và khả năng biểu diễn. Chính vì vậy, các em phải được rèn luyện bản lĩnh tự tin, làm chủ bản thân, làm chủ sân khấu. Đứng trên sân khấu không đủ bản lĩnh, tự tin, không làm chủ được bản thân, hay bị run, thường có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, không tự tin về kĩ thuật.

Thường các em học sinh khi lên sân khấu biểu diễn cảm thấy mình hát không hay, hoặc với một số tác phẩm áp dụng các kỹ thuật thanh nhạc, các động tác vũ đạo khó, không đủ tự tin về kỹ thật, trình độ nên không thực hiện được.

Thứ hai, không tự tin về ngoại hình, phong cách biểu diễn, hoặc chỉ đơn giản vì không thoải mái, tự nhiên trước đám đông.

Thứ ba, có một số em tuy “không sợ” nhưng “vẫn run”. Trường hợp này do các em chưa quen, chưa được thực hành biểu diễn nhiều trên các sân khấu lớn.

4. Kỹ năng làm việc nhóm

Trong thời đại ngày nay, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển thì yêu cầu làm việc theo nhóm là cần thiết hơn bao giờ hết. Nhờ các hoạt động trong nhóm, chúng ta vừa phát triển các kỹ năng cá nhân, thu nạp những kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời góp phần vào các hoạt động đem lại những giá trị về vất chất và tinh thần cho cá nhân, tập thể.

Trong âm nhạc, nếu không có kỹ năng làm việc nhóm thì tác phẩm sẽ khó có thể đem ra biểu diễn phục vụ công chúng. Một tác phẩm nhạc nhẹ khi đem ra biểu diễn, có sự tham gia của nhạc sĩ sáng tác, hòa âm, phối khí, ca sĩ, ban nhạc, nhóm nhảy, biên đạo… tất cả các thành phần trên là những nhóm nhỏ kết hợp với nhau thành một nhóm lớn. Chính vì  vậy, các em cần được trang bị thật tốt kỹ năng làm việc nhóm, thường xuyên tổ chức tập luyện theo nhóm để phục vụ trong quá trình học tập, làm việc cũng như trong biểu diễn. Tùy theo nhu cầu, mục đích được đề ra cho nhóm và số lượng cũng như năng lực của các thành viên trong nhóm, các nhóm được hình thành và phát triển theo nhiều hình thức và thời gian hoạt động khác nhau.

5. Rèn luyện tư duy khả năng sáng tạo

Nếu nói nhạc sĩ sáng tác là người sáng tạo nên tác phẩm lần thứ nhất, thì nghệ sĩ biểu diễn chính là người sáng tạo nên tác phẩm lần thứ hai. Trong âm nhạc, khán giả chính là những người sáng tạo nên tác phẩm lần thứ ba, với tư duy, cảm xúc, trí tưởng tượng và những trải nghiệm cuộc sống của bản thân mình. Khi bàn về phong cách trong nghệ thuật biểu diễn nhạc nhẹ, theo chúng tôi, có hai khía cạnh cần bàn.

Một là, Học sinh cần học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc về phong cách thời đại, tác giả, tác phẩm. Một tác phẩm biểu diễn có kỹ thuật tốt nhưng phần minh họa, trang phục, đạo cụ xa rời phong cách thời đại, tác giả và tác phẩm thì ý nghĩa sẽ chẳng còn gì.

Hai là, sau khi đã trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong biểu diễn, các kiến thức cần thiết cho việc hiểu sâu về tác giả, tác phẩm, để trở thành người nghệ sĩ thực thụ, học sinh không thể chỉ phấn đấu để trở thành một “phiên bản” thứ hai của người thầy, các em phải tự nghiên cứu, từng bước xây dựng “phong cách biểu diễn” của riêng mình, “phong cách biểu diễn” của người nghệ sĩ khiến họ tạo cho mình sự khác biệt so với những nghệ sĩ khác khi cùng biểu diễn một tác phẩm. Vì vậy, người thầy cần làm tăng thêm tính độc lập, sáng tạo và biểu cảm trong quá trình biểu diễn của các em, tất nhiên việc truyền thụ của người thầy không nên mang tính cơ học. Những quy định của bản trong âm nhạc sẽ trở nên sống động hơn khi học sinh thành chủ thể sáng tạo. Mặt khác, cùng một tác phẩm âm nhạc, trong chương trình học, qua các thế hệ học sinh khác nhau cũng không tìm thấy sự giống nhau qua các lần thi và biểu diễn. Yếu tố tâm lý trong thời gian, không gian, hoàn cảnh, con người khác nhau đã góp vai trò quan trọng trong việc hình thành sức sáng tạo và biểu cảm riêng của từng em.

Người thầy cần khai thác những yếu tố này để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo, góp phần xây dựng phong cách biểu diễn riêng cho từng học sinh trong quá trình học, đây chính là đặc điểm tâm sinh lý để tạo nên sự hấp dẫn, thuyết phục riêng của từng nghệ sĩ biểu diễn trong tương lai. Chúng tôi cho rằng mỗi em có thể thích hợp và có thế mạnh riêng đối với một tác giả, một thể loại nhất định, hiếm có học sinh thể hiện và làm chủ phong cách âm nhạc của nhiều thể loại, nhiều tác giả ở các thời kỳ khác nhau. Vì vậy, xác định cho bản thân hướng đi riêng theo một phong cách, một thể loại nhất định phù hợp với khả năng, bản lĩnh của từng em sẽ giúp học sinh có một phong cách biểu diễn riêng biệt, hấp dẫn, thuyết phục người nghe. Việc người thầy định hướng, xây dựng phong cách biểu diễn của học sinh gắn với tư duy và khả năng sáng tạo của cá nhân với những cảm thụ về thẩm mỹ âm nhạc, với tư duy, xúc cảm âm nhạc riêng biệt là một vấn đề quan trọng trong quá trình đào tạo.

Khán thính giả sẽ cảm nhận được cái đẹp của tác phẩm khi lời ca vang lên bởi thẩm mỹ âm nhạc tinh tế, sự rung cảm sâu sắc trong tâm hồn của người nghệ sĩ với những cá tính độc đáo, sáng tạo không bị lặp lại, nhàm chán. Nói cách khác, đó là con đường đi từ những rung động trong trái tim người nhạc sĩ sáng tác, đến những rung cảm trong trái tim người nghệ sĩ biểu diễn và được truyền tải đến trái tim của khán thính giả.  Một tác phẩm âm nhạc khi đưa ra biểu diễn trước công chúng, thì người nghệ sĩ có nhiều cách để thể hiện tư duy sáng tạo: cách hát, cách phiêu, cách phối khí, những phần nhạc dạo đầu, nhạc kết, cách sử dụng các động tác vũ đạo, nhảy múa, sử dụng trang phục, đạo cụ... những sáng tạo đó phải có hiệu quả, tạo được hứng thú, phù hợp với khả năng của các em. Đây là công việc mà thầy cô, các nhà đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ… nên động viên, khuyến khích các em chủ động phát huy khả năng tư duy sáng tạo trong quá trình học tập và rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi. 

Phát triển tư duy sáng tạo là một việc hết sức cần thiết đối với học sinh các ngành khác nói chung, với chuyên ngành biểu diễn ca hát nhạc nhẹ nói riêng. Sự sáng tạo có vai trò rất lớn trong việc nhận thức, nó giúp các em đủ mạnh dạn, tự tin để theo đuổi một ý định về cách hát, cách thể hiện, cách kết hợp vũ đạo, nhảy múa… và tìm mọi cách để thể hiện tốt nhưng ý định đó, lôi cuốn những người bạn đồng diễn trong nhóm, lớp cùng làm để tạo ra hiệu quả tốt nhất như mong muốn trong quá trình học tập và biểu diễn.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Bách (2001),  Để thành công trong nghệ thuật ca hát, Nxb trẻ.

2. Bộ Văn hóa – Thông tin (1999), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc: Thực tiễn và giải pháp,Văn phòng Bộ Văn hóa, Thông tin, Báo văn hóa và Tạp chí văn hóa nghệ thuật xuất bản, Hà Nội

3. Phạm Lê Hòa (2009), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc.

4. Nguyễn Trung Kiên (1996), Phấn đấu vì một nền nghệ thuật hát tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật – Số 10.

5. Nguyễn Trung Kiên (2009), Chủ nhiệm công trình, “Đa dạng hóa mô hình đào tạo âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đề tài trọng điểm cấp Bộ, Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.

6. Vũ Tự Lân (2006),“Công chúng và thẩm mỹ âm nhạc”,Văn hóa nghệ thuật.

7. Vũ Tự Lân (2007), Lịch sử nhạc Jazz, Rock, Pop, Giáo trình bậc Đại học, ĐHVHNT Quân Đội.

8.  Vũ Tự Lân (2009), Âm nhạc Việt Nam - tác giả - tác phẩm, Nxb Văn hóa dân tộc.

9. Nguyễn Thị Tố Mai (1995), Tìm hiểu những ca khúc Việt Nam có tiếp thu phong cách nhạc rock, luận văn tốt nghiệp Đại học.

10. Nhiều tác giả (2005), Truyền thống âm nhạc Việt Nam, Viện Âm nhạc và Múa.

11. Phụ trương âm nhạc (1990), Tuổi trẻ với nhạc nhẹ jazz, pop, rock. Nhà xuất bản âm nhạc.

Sách nước ngoài

1.    Histoire Jean Combarieu. Histoire de la musique, Tập III.

2.    Từ điển Larousse

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3 – Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc