Nội san

Thử bàn về ứng xử với biến đổi nghi thức “Rước người” ở lễ hội Tiên Công, Quảng Ninh

10 Tháng Năm 2016

Lê Biên Thùy [*]

 

Đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là một vùng quê khá đặc biệt. Các xã phường Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải trên đảo được hình thành từ năm 1434 do 17 vị Tiên công quê ở kinh thành Thăng Long ra cửa biển Bạch Đằng quai đê lấn biển lập làng. Làng quê Hà Nam trước năm 1984 còn bảo lưu khá nguyên vẹn các yếu văn hóa làng cổ truyền của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Đó là không gian của làng; là các di tích đình, chùa, đền, miếu, văn từ văn chỉ, từ đường họ, nhà ở; là các phong tục, tập quán trong ứng xử cộng đồng và lao động sản xuất; là các lễ nghi, hội hè đình đám. Mà trong đó độc đáo là lễ hội Tiên công diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 7 tháng Giêng.

Từ ngày mùng 4 tháng Giêng đến ngày mùng 5 tháng Giêng, các gia đình có cha, mẹ thọ tròn 80, 90, 100 tuổi đều được con cháu đưa tới từ đường họ nội, họ ngoại lễ tạ ơn tổ ban cho tuổi thọ. Ngày mùng 6 tháng Giêng khai mạc lễ mừng thọ, cha- mẹ ngồi lên ghế thọ cạnh bàn thờ sống và được con cháu, họ hàng, lối xóm, bạn hữu tới kính cẩn chúc thọ “cụ Thượng”, dâng lễ vật và lễ sống cụ Thượng (một lễ sống bằng một đống lễ chết). Cụ Thượng nhận lễ vật rồi ban lộc thọ (ban tuổi thọ) cho mọi người. Hôm sau, Sáng ngày mùng 7 tháng Giêng, gia đình có cha mẹ thượng thọ sẽ cùng làng xóm tổ chức đoàn rước cụ Thượng về miếu Tiên công lễ tổ, gọi là “đoàn rước thọ”(rước thọ các nhân), dân gian còn gọi là rước thọ truyền thống. Nếu cha mẹ cùng tròn 80, 90 tuổi thì gọi là “đoàn rước song thọ”. Lễ hội Tiên công có nhiều đặc trưng độc đáo, nhưng độc đáo nhất là nghi thức “rước thọ”.

Có một hiện tượng trái ngược. 16 năm qua (2000- 2016), số lượng các cụ Thượng ở các xã phường Cẩm La, phường Phong Cốc, phường Phong Hải và thôn Yên Đông (phường Yên Hải), thôn Đồng Cốc, thôn Bến Đò phường Nam Hòa, năm sau nhiều hơn năm trước, nhưng số lượng đoàn “rước thọ- rước người” lại giảm dần. Đây cũng là mối quan ngại của một bộ phận cộng đồng, do vậy, từ năm 2012 đã xuất hiện hình thức rước thọ tập thể của các cụ Thượng của làng Yên Đông, phường Yên Hải và họ Lê xóm Cống phường Phong Cốc.

1. Rước thọ truyền thống

Trình tự một đoàn rước thọ

Đi đầu đoàn rước là đội trống cà rồng não bạt gồm: trống cái, trống con, thanh la, não bạt, mõ và có ba chú tễu đi trước múa gậy, múa quạt làm nhiệm vụ dẹp đường. Đi sau đoàn trống cà rồng não bạt là hai hàng cờ ngũ sắc do 5 nam thanh niên đầu quấn khăn rìu, lưng thắt đai hoặc 5 nữ tú đầu vấn tóc mặc dài tứ thân cầm cờ.

Tiếp theo hàng cờ là trống cái do hai nam thanh niên khênh, một ông đánh trống cái cầm nhịp cho đoàn rước. Đi sau hai hàng cờ ngũ phương, trống cái là hai hàng bát biểu. Tiếp đến là đội nhạc nhị huyền bát âm, gồm tám loại nhạc dân tộc. Nhạc công đội khăn xếp áo lương, vừa đi vừa cử điệu “Lưu thuỷ hành vân”. Đi sau là các con hoặc cháu gái cụ Thượng đội mâm lễ vật lễ Tiên côngmột ông đánh trống khẩu cầm nhịp cho đoàn rước.

Trong rước thọ truyền thống còn có án gian (bàn thờ sống cụ Thượng) trên có con Long mã. Án gian do tám thanh niên đầu quấn khăn rìu, thắt lưng đai khênh; đi sau là võng đào cụ Thượng bên cạnh có một thanh niên đi bên cạnh cầm lọng vàng che. Các cụ Thượng mặc trang phục thọ. Thường là các cụ Thượng cầm gậy đi bên cạnh võng đào. Cũng có cụ ông, hoặc cụ bà chân yếu nằm lên võng đào con cháu khênh. Các con cháu cụ Thượng đi cùng đoàn rước còn bưng cơi trầu mời bà con đứng xem rước ở hai bên đường.Khi các đoàn rước thọ đến miếu Tiên Công, các cụ Thượng ngồi nghỉ ở nhà Nghi môn (miếu ngoài) phía ngoài sân đợi 12 giờ trưa dự lễ tế tam thôn. Sau lễ tế tam thôn các cụ Thượng mới vào miếu trong lễ Tiên công.

Quán trạm con rể và nghi lễ đón cụ Thượng

Xưa kia, ở ven đường từ nhà cụ Thượng lên miếu Tiên Công, các con rể của cụ Thượng làm các quán trạm nhỏ bên đường để đón cụ Thượng nghỉ chân. Quán trạm thường được làm bằng vải như kiểu lều trại, trang trí câu đối mừng thọ, cành đào, có bàn uống nước. Khi đoàn rước cụ Thượng đi qua trạm, người con rể nghênh đón mời cụ Thượng vào trạm nghỉ chân; người con rể dâng lễ vật chúc thọ và lễ sống cụ Thượng, cụ Thượng ban lộc cho con rể rồi lại cùng đoàn rước lên đường về miếu Tiên công lễ tổ. Nay không còn quán trạm con rể ven đường nghênh đón cụ Thượng.

2. Rước thọ tập thể, nghi thức mới

Làng Yên Đông xưa nay là khu 3, 4, 5, 6, 7 và khu 8 của phường Yên Hải. Dân cố năm 2015 là 4301 người với 975 hộ; năm 2016 dân số 4.336 người, với 1.120 hộ. Trước năm 2003, ở làng Yên Đông, các gia đình có cha mẹ thượng thọ đều tổ chức “dẫn thọ” hoặc “rước thọ” cha mẹ tới miếu Tiên công lễ tổ theo nghi thức cổ truyền. Nhưng số lượng các đoàn rước mỗi năm giảm dần. Vì nhiều nguyên nhân, năm 2002 làng chỉ có một gia đình tổ chức rước thọ cho cha. Do vậy năm 2003, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa của làng đã bàn với các dòng họ và dân làng tổ chức rước tập thể cho các cụ Thượng của làng, năm đó có 3 cụ Thượng tham gia. Sau đó hình thức rước tập thể cụ Thượng được nhân dân trong thôn hưởng ứng, nên từ năm 2003 đến năm 2016, thôn Yên Đông duy trì được rước tập thể các cụ Thượng của làng với số lượng ngày một nhiều.

Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa của làng phối hợp với Hội đồng gia tộc các họ chuẩn bị lễ vật lễ Thành hoàng ở đình Yên Đông và lễ Tiên công. Làng mượn các nghi trượng ở các từ đường dòng họ; thuê làm các biểu tượng tranh thọ, chữ thọ, danh sách thọ, hoa rước thọ.v.v. và huy động thanh niên trai tráng trong làng tham gia mang vác, khênh rước các nghi trượng và biểu trượng như thống kê trong biểu.

 

Ảnh: Lễ Rước thọ (Nguồn: tác giả)

 

Các gia đình có cha mẹ thọ đều tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Mỗi gia đình cụ Thượng đóng góp với làng 5 triệu đồng để làng sắm lễ vật và lo đoàn rước. Trang phục của cụ Thượng và võng đào của từng cụ Thượng do gia đình sắm sửa.

Rước tập thể các cụ Thượng của dòng họ Lê xóm Cống

Tương tự như làng Yên Đông, dòng họ Lê xóm Cống phường Phong Cốc đã duy trì tổ chức rước tập thể các cụ Thượng của dòng họ từ 6 năm nay (2010 – 2016). Trình tự của đoàn rước tương tự như đoàn rước tập thể của làng Yên Đông. Các gia đình chỉ đóng góp 5 triệu đồng và sắm sửa võng đào, trang phục cho cụ Thượng. Còn lại toàn bộ lễ vật, nghi trượng, biểu tượng, đội nhạc, đội xênh.v.v. do Ban khánh tiết dòng họ lo. Lực lượng mang vác, bưng khênh của đoàn rước, huy động con cháu trong dòng họ.

3. Xu thế không còn đoàn rước thọ truyền thống (rước thọ cá nhân)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dự Trưởng ban khánh tiết đình làng Yên Đông, ông Dương Văn Miền thủ từ miếu Tiên công và ông Lê Đồng Sơn nguyên Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên và nhiều người dân trong cộng đồng đều thừa nhận:

Nếu không còn đoàn rước thọ sẽ không còn người về với lễ hội và cũng sẽ không còn lễ hội Tiên công. Ngày mùng 7 tháng Giêng người dân trong vùng về với lễ hội trong tâm thế đi xem các đoàn rước người, độc nhất vô nhị ở đất nước này. Còn về miếu Tiên công lễ Tổ, ai cũng đi, nhưng từ mùng 1 đến mùng 7 tháng Giêng đi lễ ngày nào cũng được, không nhất thiết cứ phải vào buổi sáng ngày mùng 7 tháng Giêng.

4. Nguyên nhân biến đổi văn hóa của lễ hội Tiên công

Tự thân lễ hội cổ truyền luôn có sự biến đổi: theo quy luật, bản thân lễ hội theo thời gian và giao lưu tiếp biến văn hóa. Lễ hội Tiên công cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Dân số ngày một tăng, số lượng cụ Thượng ngày một nhiều cũng là nguyên nhân quan trọng làm biến đổi lễ hội. Năm 1471 cộng đồng tổ chức lễ hội mới có khoảng 500 người. Năm 2015 dân số khu vực này là 25.748 người.Tuổi thọ người dân ngày một cao, số lượng cụ Thượng ngày một nhiều. Đường giao thông nhỏ hẹp của không gian làng xã thuở xưa chưa được mở mangcũng là một nguyên nhân dẫn đến những biến đổi của lễ hội.

Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin phát triển, giao lưu văn hóa trong nước và thế giới diễn ra manh mẽ, cộng với đô thị hóa làng xã ở Quảng Yên và biến đổi nghề nghiệp diễn ra rất nhanh khi huyện nông nghiệp trở thành thị xã (2012). Bên cạnh những mặt tích cực cũng kéo theo những mặt trái: Sự phân hóa giàu nghèo gia tăng trong làng xã. Có gia đình tổ chức mừng thọ lớn, gia đình tổ chức mừng thọ nhỏ.,v.v. là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến biến đổi lễ hội. 

Qua 14 năm, lễ hội Tiên công tồn tại ba hình thức rước thọ: gia đình rước thọ cá nhân cụ Thượng (rước thọ truyền thống), rước thọ tập thể các cụ Thượng theo làng cổ và rước thọ theo dòng họ. Các đoàn rước tập thể đều dựa trên nền truyền thống của lễ hội, thực tế đã được cộng đồng chấp nhận. Do vậy, trong những năm tới lễ hội nên tồn tại ba hình thức rước thọ này. Nên động viên các gia đình có điều kiện tổ chức đoàn “rước thọ” cá nhân trong sự tương trợ của tình làng nghĩa xóm như “cơ chế” giúp đỡ việc tang của thôn- khu hiện nay. Động viên các Hội đồng gia tộc họ, nếu trong dòng họ có từ 02 cụ Thượng trở nên, nên tổ chức rước tập thể theo dòng họ như họ Lê xóm Cống. Chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức chính trị- xã hội ở xã phường nên động viên các thôn, khu liên kết với nhau để rước các cụ Thượng theo địa giới làng cổ như làng Yên Đông. Nhà nước cần quy hoạch và đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe đáp ứng cho 4 đến 5 vạn người dự lễ hội trong sáng mùng 7 tháng Giêng. Chính quyền thị xã và các xã phường nên hỗ trợ kinh phí trong giới hạn để động viên các đoàn rước cá nhân và tập thể. Chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Ninh phải làm tốt công tác quản lý lễ hội để an ninh, trật tự, môi trường văn hóa của lễ hội Tiên công thực sự lành mạnh, lễ hội phải trở thành một “biểu tượng văn hóa” của thị xã trong mắt khách du lịch, để cộng đồng phát triển được kinh tế du lịch, thì họ mới tham gia bảo tồn tốt lễ hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Toan Ánh (1991), Phong tục Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Cục Di sản văn hóa (2007), Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Nxb Thế giới, Hà Nội.

3. Phan Hữu Dật (1992), Văn hoá  Lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

4. Hà Tiến Hùng (1997), Lễ hội và danh nhân lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

5. Hồ Hoàng Hoa (1998), Lễ hội một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng,  Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Lê Như Hoa, Trần Bình Minh (2001), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

7. Lê Đồng Sơn (2008), Văn hóa Yên Hưng tập 1 lịch sử hình thành và phát triển, Nxb Chính trị sự thật Quốc gia, Hà Nội.

8. Lê Đồng Sơn (2008), Văn hóa Yên Hưng  tập 2 Di tích  thần tích sắc phong văn bia câu đối đại tự,  Nxb Chính trị sự thật Quốc gia, Hà Nội.

9. Bùi Thiết (2000), Từ điển Hội lễ Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin,  Hà Nội.                    

10. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóavà Thông tin, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa