Nội san

Giải pháp quản lý cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài thơ gắn với phát triển du lịch thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

11 Tháng Năm 2016

 Nguyễn Thị Thanh [*]

 

Cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là một danh lam thắng cảnh đặc sắc với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo, vừa mang bản sắc dân tộc đậm đà, vừa ghi lại những dấu ấn lịch sử về mảnh đất và con người Hạ Long. Từ lâu núi Bài Thơ đã được coi là biểu tượng của thắng cảnh Hạ Long, nơi quần tụ của nhiều di tích nổi tiếng như: chùa Long Tiên, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh

Cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ gồm các hạng mục công trình đã trải qua nhiều thăng trầm và những biến cố của lịch sử, sự khắc nghiệt thiên nhiên, cùng với đó là những hành vi vô thức của con người đã làm cho các di tích bị tàn phá nặng nề, nguy cơ cao bị mai một. Cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1140/QĐ ngày 31/8/1992. Năm 1993, UBND thị xã Hòn Gai (UBND thành phố Hạ Long hiện nay) ra quyết định thành lập Ban Quản lý Cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ do 01 đồng chí cán bộ phòng Văn thể thành phố làm trưởng ban, nhưng Ban Quản lý cụm di tích lịch sử văn hóa danh thắng (DTLSVHDT) núi Bài Thơ không thực sự phát huy hiệu quả trong việc quản lý tổng thể cụm di tích, chủ yếu thực hiện công tác quản lý di tích chùa Long Tiên. Mặ dù UBND thị xã Hồng Gai đã có sự quan tâm quản lý, tuy nhiên do trình độ năng lực của cán bộ chuyên môn và công tác tham mưu còn nhiều hạn chế nên việc duy trì mô hình quản lý cả Cụm di tích vào năm 1993 không thực hiện được. Đến thời điểm hiện nay, núi Bài Thơ đang được UBND thành phố và Trung tâm viễn thông quản lý.

Đối với đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn: Chính thức tháng 12 năm 1998, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được trùng tu, tôn tạo và thành lập Ban Quản lý chuyên trách do UBND và Ủy ban MTTQ phường cử 01 người thường xuyên giúp việc cho Đền làm trưởng ban. Đến năm 2012, Trưởng ban Quản lý Đền mất và do yêu cầu của công tác quản lý, UBND và Ủy ban MTTQ phường thống nhất kiện toàn lại Ban Quản lý do Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách văn hóa, xã hội làm trưởng ban. Như vậy Ban Quản lý đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn dần chuyển đổi mô hình quản lý từ mô hình cộng đồng tự quản sang mô hình hoàn toàn do nhà nước đảm nhận quản lý.

 

Ảnh: Cụm di tích núi Bài Thơ (Nguồn: sưu tầm)

 

 Khu Văn hóa núi Bài Thơ mới được xây dựng và hoàn thành năm 2013, UBND thành phố Hạ Long giao cho Trung tâm Văn hóa, thể thao thành phố quản lý. Tuy nhiên trong quá trình quản lý và phối hợp thấy có nhiều điểm phức tạp, vì vậy, ngày 01/8/2014, UBND thành phố Hạ Long ban hành Quyết định số 2265/QĐ- UBND về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý Khu Văn hóa núi Bài Thơ cho UBND phường Hồng Gai. Hiện nay, UBND phường Hồng Gai đã thành lập Ban Quản lý thực hiện quản lý hai di tích đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn và Khu Văn hóa núi Bài Thơ.

Đối với chùa Long Tiên: UBND phường Bạch Đằng thành lập Ban Quản lý di tích chùa Long Tiên với mô hình giống như đền Đức ông.

 Đánh giá hai Ban quản lý di tích hoạt động theo quy định của Nhà nước, theo quy chế tổ chức và hoạt động riêng của Đền Chùa, hai di tích có tài khoản riêng mở tại Kho bạc nhà nước thành phố Hạ Long, các khoản thu chi được thực hiện theo nguyên tắc tài chính và quy chế chi tiêu rõ ràng.

Như vậy, từ năm 1993 đến nay, trên thực tế di tích núi Bài Thơ không thực hiện quản lý về mặt chuyên trách và không có mô hình Ban quản lý Cụm DTLSVHDT núi Bài Thơ theo đúng nghĩa. Hiện nay, UBND thành phố Hạ Long đang quản lý Cụm DTLSVHDT núi Bài Thơ theo hướng tự phát, từ đó nảy sinh nhiều bất cập như việc xâm lấn di tích, nhiều công trình bị xuống cấp mai một, vấn đề vệ sinh môi trường…

Trước thực trạng nêu trên, cần có một số giải pháp nâng cao hiệu quả Quản lý Cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ gắn với phát triển du lịch như sau:

Thứ nhất, về tổ chức xây dựng bộ máy, mô hình và cơ chế quản lý hợp lý là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng bộ máy quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa nói riêng chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ có trình độ và nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý văn hóa. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý Cụm DTLSVHDT núi Bài Thơ, việc đầu tiên là phải kiện toàn bộ máy quản lý. Bởi bộ máy quản lý không hợp lý, hoạt động không hiệu quả, sẽ làm cho di tích ngày càng bị tổn hại. Phải xây dựng Ban quản lý tổng thể Cụm di tích, với kế hoạch chiến lược trong việc bản tồn và phát huy giá trị các di tích phục vụ sự phát triển chung của cả Cụm di tích.  Quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ tốt. Đây là đội ngũ cán bộ nòng cốt góp phần vào sự nghiệp đổi mới theo hướng xã hội hóa biến Cụm di tích núi Bài Thơ trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Thứ hai, đổi mới mô hình quản lý. Hiện nay, công tác quản lý Cụm DTLSVHDT núi Bài Thơ đang tồn tại một số hạn chế về mô hình và cơ chế quản lý, đây là yếu tố quan trọng nhất kiến cho Cụm di tích chưa phát huy được đúng giá trị vốn có của mình. Mặt khác, Cụm DTLSVHDT núi Bài Thơ nằm trên địa bàn hai phường, với nhiều di tích với loại hình khác nhau tạo thành một quần thể di tích cũng là một yếu tố gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, nếu vẫn giữ mô hình quản lý như hiện tại sẽ không phù hợp. Cần thiết phải thành lập đơn vị quản lý trực tiếp trực tại khu di tích và có văn phòng làm việc riêng để thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành.

Thứ ba, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Trung tâm quản lý Cụm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ phải luôn xác định hoạt động bảo tồn, tôn tạo là một hoạt động đặc biệt quan trọng của các di tích. Do vậy, cần thực hiện ngay các hoạt động chiến lược và mang tính chất dài hơi. Cần xây dựng dự án trùng tu tôn tạo, tiến hành các bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan trong khuôn viên từng di tích, tạo khoảng đệm an toàn để bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Việc bảo tồn các di tích phải tuân thủ những nguyên tắc về bảo tồn, tôn tạo di sản do Bộ VHTTDL ban hành, yêu cầu bảo đảm tuyệt đối tính nguyên gốc. Trong thời gian tới, cần quan tâm lập phương án bảo tồn và khai thác giá trị tiêu biểu của với núi Bài Thơ, đặc biệt cần đầu tư kinh phí và các giải pháp kịp thời về bảo tồn, tu bổ hợp lý các bài thơ cổ đảm bảo sự tồn tại lâu dài, ổn định để sử dụng và phát huy giá trị của di tích, di vật.

Tiếp đến là lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án trung và ngắn hạn, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, bền vững môi trường; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt lối lên núi Bài Thơ, đường giao thông đến vùng bảo tồn và đến từng di tích. Hướng dẫn dân cư trong vùng phát triển ngành nghề phù hợp với mục tiêu khai thác và phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ, không ảnh hưởng đến môi trường khu bảo tồn di tích; giảm thiểu tối đa hoạt động gây ô nhiễm môi trường do hoạt động du lịch tại các điểm di tích.

            Đối với núi Bài thơ, cần tiến hành các phương án xây dựng phù điêu nhận diện điểm tham quan tại chân núi; bố trí trồng hoa, cây cảnh tạo không gian và làm đường lên đỉnh núi có lan can tay vịn đảm bảo an toàn cho du khách.

-Tu bổ nhà bưu chính ở chân núi thành nơi trưng bày và đón tiếp khách tham quan; cải tạo khu nhà tạm nằm ở lưng chừng núi thành nhà điều hành và khu điểm nghỉ chân giải khát; bố trí và xây dựng hệ thống điện lưới xuống dưới tầm mắt của du khách; lắp đặt hệ thống âm thanh giới thiệu về núi Bài Thơ trên dọc tuyến tham quan.

- Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh và thùng rác công cộng trên dọc tuyến đường lên núi; bố trí các biển báo nội quy tham quan di tích nhằm nhắc nhở ý thức của các du khách.

- Tiến hành các biện pháp chuyên môn để đảm bảo giữ hiện trạng nguyên gốc đặc biệt các bài thơ cổ còn lưu lại trên vách núi; lập dự án bảo tồn chi tiết đối với từng bài thơ; tổ chức các cuộc hội thảo, trên cơ sở thực tế tiến hành phục dựng các chữ, các đoạn thơ đã bị bào mòn.

Đối với khu Văn hóa núi Bài Thơ: Cần bố trí thêm không gian giới thiệu về xuất xứ và giá trị các bài thơ cổ trên núi. Tăng cường thêm các hoạt động văn hóa tại khu di tích nhằm tăng cường hoạt động quảng bá du lịch.

Đối với Chùa Long Tiên và đền Đức Ông: Cơ bản 02 di tích vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của công trình kiến trúc lúc khởi dựng. Tuy nhiên, sau nhiều lần tu bổ không đảm bảo nguyên tắc khoa học nên ít nhiều làm biến dạng di tích.

 Đối với văn hoá phi vật thể cần sưu tầm, đánh giá, làm rõ và làm phong phú thêm; lập thiết chế tổ chức hoạt động nhằm duy trì kết nối các di tích với các hoạt động văn hoá phi vật thể. Trên cơ sở đó lập bảng tổng điều tra và lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu văn hoá phi vật thể để bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản. Tiếp tục bảo tồn, duy trì các lễ hội dân gian, các hoạt động văn hóa, hình thức ca hát diễn xướng, các chương trình biểu diễn trong phong trào văn nghệ quần chúng thường niên như ngày thơ Quảng Ninh, Câu lạc bộ thơ Lê Thánh Tông 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Ban Chấp hành Thành ủy Hạ Long (2010), Chương trình Hành động             của Ban chấp hành Thành uỷ Hạ Long thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XIII- nhiệm kỳ 2010-2015.

2.     Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hòn Gai (1991), 60 năm chiến đấu, xây dựng-trưởng thành của Đảng bộ và nhân dân thị xã Hồng Gai (1930-1990), Nxb Quảng Ninh, Quảng Ninh.

3.     Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh (2010), Di tích lịch sử văn hóa Thương cảng Vân Đồn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4.        Luật di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành (2004), Nxb  Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa