Nội san

Sự độc đáo của nghệ thuật Book Art

10 Tháng Năm 2016

Trương Thanh Thủy [*]

 

Nghệ thuật Book Art là câu chuyện về sách và phương thức xử lý kỹ thuật tạo hình trên sách, trên giấy kết hợp cùng các vật dụng đi kèm để tạo nên những sản phẩm mang ý nghĩa, giá trị riêng biệt. Những cuốn sách cũ “cô đơn” trên những kệ sách bị bỏ quyên được hồi sinh nhờ bàn tay sáng tạo của những người nghệ sĩ; Việc tận dụng những cuốn sách cũ để tạo nên một thứ mới mẻ hơn, mang giá trị bảo tồn, sáng tạo và nghệ thuật là việc làm đầy tính nhân văn và sáng tạo của các nghệ sĩ Book Art.

Lịch sử nghệ thuật thế kỷ XX là câu chuyện về những khả năng vô hạn về cuộc tìm kiếm những tiêu chuẩn mới. Những tiêu chuẩn này ra đời mang theo những quan niệm vượt qua các thế kỷ trước, cái này mới lại có cái khác mới hơn dần dần thay thế. Sở dĩ có tên gọi Book Art là bởi sự thay thế chất liệu mới - papercuting (nghệ thuật khắc giấy hoặc cắt giấy), với nguyên liệu đặc biệt là sách thay vì một vài tờ giấy như papercutting thì Book Art sở hữu chất liệu với phương thức tạo hình đa dạng hơn....

Đặc điểm vượt trội của chất liệu “sách” chính là hàng trăm trang giấy tạo ra vô số các lớp (layer). Người nghệ sỹ thỏa sức chạm trổ theo ý mình. Ngoài vô số lớp thì những con chữ, hình ảnh và màu sắc sống động trên trang giấy cũng tạo ra những hiệu ứng đặc biệt. Các nghệ sỹ thường chọn sách dày như từ điển bách khoa, sách nghiên cứu đã cũ bởi chúng có độ dày với hàng nghìn trang, đa dạng về màu sắc. Người nghệ sĩ miệt mài xử lý từng chi tiết trên mỗi trang sách và kết quả họ gặt hái được là những tác phẩm đẹp “mê hoặc” người xem.

Ngoài nguyên liệu chính là sách, người nghệ sĩ tạo hình còn sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau kết hợp cùng sách để tạo nên những tác phẩm mang tính biểu đạt cao. Dựa vào phương thức tạo hình, Book Art được chia làm ba hình thức biểu hiện: Sculpture (Nghệ thuật điêu khắc), Painting (Vẽ) và (nghệ thuật sử dụng chất liệu) Metarial. Hình thức Sculpture là một hình thức mà ở đó người nghệ sĩ Book Art sử dụng chủ yếu là các công cụ như dao trổ, dao phẫu thuật, máy cắt, máy mài, hồ hóa chất liệu để tạo nên các tác phẩm có không gian 3D.

Hình thức Sculpture chia thành hai nhánh nhỏ theo phương tiện tạo hình, đó là hai cách thức làm việc khác nhau của người nghệ sĩ:

* Hình thức sử dụng phương tiện là những yếu tố tạo hình sẵn có từ sách.

* Hình thức sử dụng phương tiện hoá chất để hồ hóa sách trước khi gia công.

Trong phần mở đầu của cuốn sách Art Made from Books Brian Dettmer cho rằng:

Mối quan hệ của người và sách đang dần thay đổi. Những cuốn sách không còn thống trị hệ thống thông tin của nhân loại nữa. Giờ đây ai cũng có thể online và đọc những gì mình muốn. Chúng ta không thể bỏ phí những cuốn sách ấy. Chúng ta cần phải tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị bảo tồn, lưu giữ đến những thế hệ sau trong các viện bảo tàng [7, tr.81]

Nghệ sĩ tạo nên các tác phẩm Book Art bằng cách gấp, uốn, cán, hoặc xếp chồng một hoặc nhiều cuốn sách trước khi niêm phong và cắt chúng hoặc, trong một số trường hợp, chà nhám chúng để tạo ra một loạt các hình thức tạo hình mới.

 …sách, bị xem là dư thừa, chúng ta cần phải tạo nên sự thay đổi để tận dụng những giá trị của cuốn sách cũ đó. Các nghệ sĩ Book Art cho rằng cần phải tận dụng lợi của những cuốn sách… khi chúng ta khi phải đối mặt với sự thay đổi công nghệ kỹ thuật số [4, tr.54].

Book Art cõ khi được vẽ nên nhiều hình tượng mộng mơ về con người và thú vật trên các cuốn sách bị bỏ đi tại các thư viện “… khắc ghi câu chuyện vào những cuốn sách có câu chuyện riêng… nôm na là tường thuật trong tường thuật” [7, tr66].

Một đại diện cho các nghệ sĩ Book Art là Shoe Blackwell, nữ nghệ sĩ  nâng niu những “phẩm chất khiêm tốn” và “vô thường” của giấy để thỏa sức khám phá nghệ thuật với nhiều cung bậc cảm xúc kỳ diệu. Với đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng của mình, cô đã tạo ra những cảnh quan độc đáo yên tĩnh từ các trang sách cũ. Công việc của cô luôn luôn được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích và văn hóa dân gian. Tác phẩm " Once Upon A Time " của nghệ sĩ Shoe Blackwell được thực hiện năm 2015, trên nguyên liệu chính là cuốn “Truyện cổ Grim”.

Nghệ thuật Book Art là câu chuyện về sách và phương thức xử lý kỹ thuật tạo hình trên sách, trên giấy kết hợp cùng các vật dụng đi kèm để tạo nên những sản phẩm mang ý nghĩa, giá trị riêng biệt. Những cuốn sách cũ “cô đơn” trên những kệ sách bị bỏ quyên được hồi sinh nhờ bàn tay sáng tạo của những người nghệ sĩ; Việc tận dụng những cuốn sách cũ để tạo nên một thứ mới mẻ hơn, mang giá trị bảo tồn, sáng tạo và nghệ thuật là việc làm đầy tính nhân văn và sáng tạo của các nghệ sĩ Book Art. Những cuốn sách in truyền thống mà ở thời đại công nghệ thông tin ít người động đến lại là những nguyên liệu quý giá cho các họa sĩ, điêu khắc gia, họ khéo léo giữ lại, trân trọng, tạo hình trên sách.

Khắc trổ và vẽ trên sách cũ thậm chí có lúc thể nghiệm in độc bản trên bìa sách pho to, sự cuốn hút của những nét sáng tạo trên sách đã đưa người nghệ sĩ từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác . Tri thức từ những cuốn sách giúp cho người nghệ sĩ sáng tạo Book Art trưởng thành, những ký ức của tuổi thơ ùa về mang theo những cung bậc cảm xúc mới cho nghệ sĩ khi họ trực tiếp tạo hình trên những cuốn sách nhuốm màu năm tháng.

Book Art có khi được lấy cảm hứng từ các nốt nhạc với những nhân vật trong những câu chuyện cổ, gợi cảm xúc hoàn toàn mới mẻ trong tâm hồn nghệ sĩ. Book Art đôi khi chỉ đơn giản là tình yêu nghệ thuật thật dung dị với hình ảnh “thiên thần nhỏ mang đôi cánh chơi nhạc bên cửa sổ” với tên gọi “Halelujah”. Ý tưởng nảy sinh từ bản nhạc "Halelujah" của nghệ sĩ Jeff Buckley. Book Art “thổi hồn” và “chắp cánh” thêm cho thiên thần nhỏ trên bầu trời với đôi cánh nhẹ nhàng xinh xắn đang hát về những điều tốt đẹp của cuộc sống. Thiên thần thúc giục người nghe rời khỏi cái tháp giam cũ kỹ của sự ích kỷ, của sự bon chen để tận hưởng cuộc sống đích thực ngay trên từng tramng sách qua bàn tay sáng tạo của nghệ sĩ Book Art.

Sự độc đáo của nghệ thuật Book Art được thể nghiệm dưới nhiều hình thức sáng tạo, vẫn là cảm xúc từ tình yêu sách vô điều kiện, có khi được lấy cảm hứng từ vở kịch “Hồ Thiên Nga”. Một thiên nga mang nét hiền lành mềm mại đại diện cho cái đẹp dịu dàng, thiện lương, bên cạnh một chú thiên nga với đôi cánh giương rộng và chiếc cổ ngẩng cao thể hiện cho cái mạnh mẽ, đối lập. Sự đối chọi dữ dội giữa cái xấu ẩn mình và một cái thiện thuần chất nhất, giữa cái âm và cái dương như một thông điệp của sách về tích truyện cổ; Book Art đã cất lên tiếng nói đầy chất tạo hình về “hình hài của cái thiện” thông qua ngôn ngữ tạo hình...

 

Tác phẩm “Hồ Thiên nga” ( Tác giả: Trương Thanh Thủy)

 

Book Art có khi còn là sự “phiêu lưu ánh đèn vàng ấm áp” qua câu chuyện Hobbit. Góc đọc sách nhỏ bé tượng trưng cho sự an toàn, ham hiểu biết cũng như sự bình yên trong lòng anh chàng người lùn Hobbitt, từ kho kiến thức vô tận của sự khám phá học thức từ sách, Book Art  đã làm được việc mà ngôn ngữ văn học không chuyển tải đó là yếu tố tượng hình sống động.

 

Tác phẩm “ The Hobbit”  (Tác giả: Trương Thanh Thủy)

 

Sự cuốn hút của Book Art từ những công trình kiến trúc bằng sách đến những danh lam thắng cảnh, từ yếu tố huyền bí phương Đông đến hòn đảo xanh giữa biển khơi hay không gian cổ tích mộng mơ, những câu chuyện đó được kể lại bằng một hình thức hoàn toàn mới trên sách, sống động, hấp dẫn, gây không ít sự hứng thú cho người thưởng thức nghệ thuật.

             Có thể nói, Book Art không chỉ đơn thuần là sự kết hợp của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật mà nó còn vượt lên những giá trị thẩm mỹ thông thường về kỹ - mỹ thuật với nguyên liệu chủ yếu là những cuốn sách dường như đã hết giá trị sử dụng. Book Art có khả năng nâng giá trị sử dụng của những cuốn sách cũ, tái tạo những giá trị mới - thể hiện tính nhân văn sâu sắc.  “Sự độc đáo của nghệ thuật Book Art” không chỉ dừng lại ở phương thức tạo hình trực tiếp bằng ngôn ngữ đường nét, màu sắc, hình khối, không gian… mà loại hình nghệ thuật này còn vượt xa những giới hạn thông thường của ngôn ngữ tạo hình, nó là sự kết hợp tài khéo giữa điêu khắc và hội họa, giữa yếu tố trang trí, đường nét và yếu tố không gian tạo nên một “vòng đời” mới và cất lên “những lời thì thầm”  của thời gian trên từng trang sách.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Anh

1.      Ayn Rand (1971), Philosophy of Literature.

2.       A Signet Book- New American Library. New York. NY USA.

3.       Alex Coles (2007), Design and Art. London, April. ISBN: 9780262532891

4.       Antony Briant and Griselda Pollock, eds (2010). Digital and Other Virtualities: Renegotiating the image. London and NY: I.B.Tauris. ISBN 9781441676313

5.       Ashley Hackshaw (July 3, 2009), Making a composition book art journal.

Tài liệu tiếng Việt

6.       Anh em nhà Grimm (1812), Truyện cổ tích Grimm, Nxb Văn học.

7.       Bùi Như Hương và Phạm Trung (2012), Nghệ thuật Việt Nam đương đại, NXB Mỹ Thuật, Từ điển họa sĩ Việt Nam.

8.       Cty sách Tuổi Thơ (2015), Ba chú lợn con – Sách hình nổi 3D.

9.       Đại học mỹ thuật Hà Nội (2005), Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam..

10.   Lê Trang (2003), Nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản.

11.   Leo Brown và Poly Bernatene (2007), Bi book of pirates – những tên cướp biển – Sách hình nổi 3D.

12.   Nguyễn Phúc, Xem, hiểu và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật tạo hình

13.   Nhiều tác giả (2011), Cô bé quàng khăn đỏ - Sách hình nổi 3D, Nxb Kim Đồng

14.   Thanh Hương (2014),Từ điển Tiếng Việt, Nxb Thanh Niên

15.   Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (2006), 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới.

16.   Vương Hạo Thiên (1990), Những kiệt tác của Michelangelo.

Tài liệu internet

<http://ape.gov.vn/khai-luoc-lich-su-nghe-thuat-thi-giac-hoa-ky-nghe-thuat-the-ky-xx-va-dau-the-ky-xxi-d725.th>

17.   Nghệ thuật điêu khắc từ sách 

<https://www.feedthedinos.com/2015/10/06/sculpture-nghe-thuat-dieu-khac-tu-sach/>

18.   Origami mini book :<http://www.instructables.com/id/Origami-Mini-Book/>.

19.   PGS. TS Nguyễn Ngọc Dũng, Tìm hiểu về ngôn ngữ điêu khắc <http://ape.gov.vn/tim-hieu-ve-ngon-ngu-dieu-khac-ds231.th>

20.   Tác phẩm nghệ thuật từ sách cũ

<http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/anh/tac-pham-nghe-thuat-tu-sach-cu-2140668.html>.

 

____________________________

[*] K6 A- Thiết kế Thời trang