Nội san

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát trống quân Bùi Xá - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

30 Tháng Năm 2016

                                                                                        Nguyễn Thị Luyên [*]

                                                           

          Bùi Xá thuộc xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một làng cổ giàu truyền thống lịch sử và văn hiến. Bùi Xá từng nổi tiếng với quần thể di tích đình chùa cổ kính, với nghề làm nem đặc sản, và đặc biệt còn nổi tiếng với môn nghệ thuật hát Trống quân truyền thống. Những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương đã được kết tinh trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt của Trống quân Bùi Xá. Với giá trị tiêu biểu đó, ngày 19 tháng 01 năm 2016, hát Trống quân làng Bùi Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL.

            Tìm về với các nghệ nhân hát Trống quân làng Bùi Xá, chúng tôi được biết: Hát Trống quân làng Bùi Xá được hình thành từ khoảng thời nhà Trần (nửa sau thế kỷ XIII). Đây là loại hình dân ca hát đối đáp giao duyên giữa nam và nữ. Tiếng hát mộc mạc, thuần túy với lối phổ nhạc cho thơ theo một trình tự truyền thống của người dân lao động trong một không gian bình dị nơi làng quê, trước bãi đất giữa làng, dưới đêm trăng của mùa thu trong sáng. Hát Trống quân truyền thống ở Bùi Xá chỉ đơn giản là một hình thức diễn xướng, nhưng ẩn chứa trong cách diễn xướng đó là một nét sinh hoạt văn hóa thuộc về giao lưu, ứng xử (cách chào hỏi, tiếp xúc, kết bạn…). Lời ca mộc mạc, là những câu ví, mượn cảnh vật trăng gió, mây, mưa, hoa lá để bày tỏ tỉnh cảm lứa đôi, thi tài đố giảng. Lời hát trong Trống quân làng Bùi Xá giàu hình ảnh, đậm chất trữ tình, dưới hình thức hát thơ. Thể thơ chủ yếu là lục bát và lục bát biến thể. Âm nhạc âm thang trong Trống quân Bùi Xá bao gồm có âm thang 3 và âm thang 4. Loại nhịp hát trống quân gắn liền với tiếng gõ nhịp của trống, nên nhịp phách khá rõ ràng, chủ yếu là nhịp 2/4, tiết tấu mạch lạc khúc triết. Giai điệu trong hát Trống quân Bùi Xá trong sáng, tươi vui, mền mại, uyển chuyển. Một điểm đặc biệt trong hát Trống quân ở Bùi Xá là đến chặng cuối có sử dụng nghệ thuật hát “giở giọng” - Tức là đưa các loại hình dân ca, nhạc cổ của mọi miền vào hát.  Mục đích của hát giở giọng là làm phong phú, sôi động hơn không khí của cuộc hát vừa kiểm nghiệm tài năng hiểu biết, giao lưu rộng của người thi hát.    

            Tuy lời ca, giai điệu rất bình dị, mộc mạc, nhưng lối chơi trong sinh hoạt hát Trống quân Bùi Xá lại phải tuân theo quy định, lề lối của cuộc chơi. Mỗi một cuộc hát, canh hát gồm 3 chặng: chặng hát lề lối (chào chào, hát gọi, hát mời nước, mời trầu…), hát giao duyên (hát họa, hát vận, hát thách cưới - dẫn cưới, hát đố) và hát giã bạn .v.v… Việc sắp xếp trình tự như trên theo tiến triển của tình cảm nam nữ, từ chỗ tìm hiểu ý tứ xa xôi (hát họa) rồi đến tình tự say đắm nhau (hát vận), cuối cùng dẫn tới thành vợ, thành chồng (hát thách cưới – dẫn cưới). Trong cái lối chơi công phu ấy, đã hình thành nên phong cách riêng, cách đối nhân xử thế thông qua giao tiếp và ca hát. Phong cách ấy trở thành nề nếp của cả cộng đồng.

Trải lịch sử, với bao sự thay đổi của xã hội, dân làng Bùi Xá vẫn gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ con cháu về văn hóa sinh hoạt và nghệ thuật hát Trống quân, bởi đó là nét thuần phong mỹ tục, là đặc trưng văn hóa của cộng đồng nơi đây. Trong những năm qua, cộng đồng nhân dân làng Bùi Xá cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống này. Năm 1995, để việc sinh hoạt được bài bản, có tổ chức, những người yêu thích Trống quân trong làng đã tập hợp lại thành lập nên Câu lạc bộ hát Trống quân thôn Bùi Xá. Câu lạc bộ lúc đầu với 24 thành viên, nay đã có trên 50 người với đủ ba thế hệ tham gia. Câu lạc bộ thường xuyên luyện tập, truyền dạy, tổ chức tham gia biểu diễn ở các hội thi, hội diễn của huyện và của tỉnh; biểu diễn trong những ngày hội làng, hội nghị của xã… Các nghệ nhân trong câu lạc bộ đã lưu giữ và thực hành được trên 200 bài hát cổ, điều đó đã thể hiện được giá trị và sức sống của hát Trống quân trong làng Bùi Xá. Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học cho di sản đã được tỉnh UBND tỉnh Bắc Ninh quan tâm chỉ đạo thực hiện.

 

Hát Trống Quân làng Bùi xá, Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh (Nguồn: st)

 

 Tuy nhiên, đứng trước một thực tế của thời kỳ mở cửa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làng Bùi Xá cũng không tách khỏi được thực tại đó, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, dòng nhạc hiện đại du nhập, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân cũng có những thay đổi, không gian văn hóa làng ngày càng thu hẹp. Do vậy, vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn, nhất là sự cân bằng phù hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với việc bảo vệ các giá trị của di sản hát trống quân. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ về giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vai trò của cộng đồng nhân dân có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo tồn di sản hát Trống quân Bùi Xá. Điều này phụ thuộc vào nhận thức, hành vi và thái độ ứng xử của cộng đồng dân cư. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách quản lý của nhà nước đối với di sản hát Trống quân Bùi Xá, đặc biệt là tuyên truyền về giá trị của hát Trống quân cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

2. Khuyến khích câu lạc bộ hát Trống quân Bùi  Xá phát triển

            Để khuyến khích câu lạc bộ hát Trống quân Bùi Xá phát triển, trước tiên phải củng cố, tổ chức các hoạt động trong câu lạc bộ. Phải phát hiện và dựa vào những nghệ nhân tài năng, nhiệt tình, có uy tín cả về phẩm chất lẫn chuyên môn để quán xuyến, điều hành câu lạc bộ. Đặc biệt cần thể hiện thái độ trân trọng xứng tầm với loại hình nghệ thuật này và những nghệ nhân đang tâm huyết với nó.

            Câu lạc bộ hát Trống quân Bùi Xá và các nghệ nhân cần được tài trợ nguồn kinh phí để duy trì và mở mộng hoạt động. Quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước. Đây không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là sự động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và cơ quan chuyên môn với cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn xã hội hóa, vận động tài trợ của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức xã hội…

3. Tôn vinh và đãi ngộ đối với nghệ nhân

Việc bảo tồn hát Trống quân Bùi Xá phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo, thực hành và sở hữu di sản. Do vậy, vai trò của các nghệ nhân là những nhân tố mang tính quyết định sự trường tồn của hát Trống quân Bùi Xá. Bảo vệ nghệ nhân, đồng nghĩa với việc bảo vệ di sản. Xác đinh rõ vai trò, tầm quan trọng của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, lưu truyền hát Trống quân Bùi Xá, nhằm tôn vinh, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa góp phần đảm bảo sự trường tồn của di sản hát Trống quân. Vậy nên, cần sớm triển khai có hiệu quả bộ tiêu chí về công nhận và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân được tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ di sản.

4. Giới thiêu, quảng bá hát Trống quân với đông đảo công chúng

            Để có thể tồn tại và phát triển, hay nói cách khác để có sức sống vươn lên trong môi trường xã hội hiện đại vốn tồn tại nhiều loại hình ca nhạc và giải trí, thì phải đưa được hát Trống quân đi vào tâm lý, sở thích, đời sống của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ trong cuộc sống đương đại bằng nhiều hình thức giới thiệu, quảng bá khác nhau, không chỉ có truyền thanh, truyền hình mà cần phải thực hành biểu diễn trực tiếp để người xem cảm thụ như: tổ chức, tham gia các cuộc hội thi, hội diễn của huyện, của tỉnh và toàn quốc; gắn kết thông qua các tour du lịch cộng đồng bằng việc tổ chức biểu diễn tại các điểm văn hóa - du lịch, các di tích di tích lịch sử trọng điểm để giới thiệu về hát Trống quân. Có như vậỵ mới dần dần thu hút được khán giả lẫn các nghệ nhân biểu diễn và đặc biệt làm cho hát Trống quân Bùi Xá trở thành một sản phẩm du lịch trên miền quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Điều này không chỉ tôn vinh, bảo tồn, phát huy được giá trị hát Trống quân mà còn làm cho người yêu nghề có thể sống được bằng nghề. Người yêu hát Trống quân có không gian để diễn xướng.

5. Giải pháp về truyền dạy tăng cường nguồn nhân lực cho phong trào

Song song với truyền dạy theo kiểu truyền nghề, truyền khẩu truyền thống trong các gia đình, trong câu lạc bộ của làng để ông bà, cha mẹ dạy truyền khẩu cho các lớp con cháu kế tiếp, thì cần phải xây dựng các chương trình, giáo trình truyền dạy, phục hồi kỹ thuật hát Trống quân theo lề lối hát truyền thống cũng như các giải pháp để hát Trống quân thích ứng với sự phát triển của của đời sống âm nhạc đương đại đưa vào truyền dạy trong các trường học phổ thông, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch của tỉnh là hết sức cần thiết nhằm phát huy, tăng cường nguồn lực cho phong trào.

6. Kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các bài hát trống quân Bùi Xá

Tiếp tục kiểm kê làm rõ các giá trị của di sản; sức sống của di sản hát Trống quân trong đời sống cộng đồng. Kết quả công tác kiểm kê sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đồng thời giúp cộng đồng thôn Bùi Xá có những biện pháp hữu hiệu để duy trì, phát huy giá trị di sản trong cuộc sống. Thực hiện nghiên cứu, sưu tầm các bài bản, lề lối, phong tục và các hình thức diễn xướng của hát Trống quân Bùi Xá; ghi âm, ghi hình các bài bản hát Trống quân cổ; ký âm các lời ca Trống quân đã sưu tầm được... Từ đó, phân loại những tư liệu nào có thể bảo tồn được bằng hình thức tĩnh, hình thức động. Đưa các tư liệu vào lưu trữ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận chúng.

7. Củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước là nhân tố quan trọng quyết định kết quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đây cũng là nhân tố trực tiếp tiếp thu và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về việc quản lý, bảo tồn hát Trống quân Bùi Xá. Củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác quản lý di sản từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

            Có thể nói, hát Trống quân Bùi Xá đã đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh trong đời sống tinh thần của người dân lao động sau những mùa vụ vất vả, động viên nhân dân vào việc phát triển kinh tế - xã hội quê hương, đất nước. Hát Trống quân làng Bùi Xá còn thể hiện được những nét đẹp chân - thiện - mỹ thông qua cách giao tiếp, ứng xử, lời hay ý đẹp trong lời hát của người hát và cộng đồng dân cư, đồng thời còn trao truyền cho các thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước. Do vậy, muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Trống quân Bùi Xá hiệu quả hơn nữa trong đời sống đương đại cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến giải pháp tôn vinh nghệ nhân, khuyết khích cộng đồng tích cực giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị của di sản, bởi đây là chủ nhân của di sản./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Thành (2007), Lịch sử Đảng bộ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - Tập 1. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2.    Cục Di sản Văn hóa (2007), Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - Tập 1, Nxb Thế giới, Hà Nội.

3.    Phạm Lê Hòa (2009), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc.

4.    Lê Danh Khiêm (2004), Tìm hiểu hát Trống quân Bắc Ninh, Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh Bắc Ninh.

5.    Trần Đình Luyện (2006), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Kinh Bắc, Sở Văn hóa – Thông tin Bắc Ninh.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lí văn hóa