Nội san

Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hóa Sơn Tây

30 Tháng Năm 2016

Lê Tuấn Đạt [*]

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (Khoá XI) và các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Trong đó quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hóa đóng vai trò then chốt.

Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, cụ thể là trung tâm văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được quan tâm từ đó tạo nên diện mạo mới, góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế xã hội đang có nhiều chuyển biến, sự tác động của những yếu tố văn hóa bên ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, việc cắt giảm ngân sách đặt ra đòi hỏi cần phải thay đổi về cơ chế cũng như phương thức tổ chức hoạt động văn hóa. Chính vì vậy mà cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể phương thức hoạt động của một số trung tâm văn hóa thị xã thị xã lớn.

Toàn thành phố Hà Nội có 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã. Hàng năm, các trung tâm văn hóa (TTVH) đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi, nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhà. Trung tâm VHTT được đầu tư xây dựng, có trang thiết bị và phát huy hiệu quả hoạt động. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đã được một số Trung tâm phát huy được hiệu quả. Hội thi, hội diễn về văn hóa - văn nghệ và thi đấu thể dục - thể thao phong trào được duy trì tổ chức với số lượng và chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo mọi đối tượng, mọi lứa tuổi quần chúng nhân dân tham gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Với những kết quả đã đạt được, thành phố Hà Nội đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình trên con đường xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trung tâm Văn hóa thị xã Sơn tây là một thiết chế nằm trong hệ thống văn hóa, nó gắn liền với cộng đồng dân cư trên địa bàn thị xã. Trong nhiều năm hoạt đông, cán bộ công nhân viên của trung tâm đã bám sát định hướng, chức năng nhiệm vụ, vì vậy mọi hoạt động văn hóa của trung tâm đều đi vào chiều sâu và gắn với thực tiễn. Hoạt động văn hóa của trung tâm đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và các tầng lớp tham gia đặc biệt là thanh thiếu niên, tạo ra tính quần chúng và xã hội hóa ngày càng cao.

Bằng các biện pháp và phương thức hoạt động văn hoá, nghệ thuật, các Trung tâm VHTT ở Hà Nội đã thực hiện tốt các chức năng chủ yếu của mình: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hướng dẫn phương pháp công tác cho cơ sở. Tổ chức các hoạt động tại chỗ với các loại hình câu lạc bộ; các lễ hội; giáo dục trực quan; văn nghệ quần chúng; mở các lớp năng khiếu; tổ chức vui chơi giải trí…phục vụ cán bộ và nhân dân trên địa bàn thị xã.

Đội ngũ cán bộ, đa phần đều có bằng trung cấp trở lên, cộng tác viên hàng năm cũng được bồi dưỡng, công tác đào tạo, hệ thống thiết chế văn hoá thị xã đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây, tập hợp được nhiều cộng tác viên hạt nhân phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng, làm nòng cốt để đẩy mạnh phong trào ở cơ sở. Các nội dung hoạt động của các Trung tâm từng bước được phong phú, thiết thực đã tạo điều kiện cho sinh hoạt văn hoá cộng đồng, phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều Trung tâm VHTT cấp quận, huyện thị xã phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc phát triển Trung tâm VHTT thị xã còn có một số tồn tại như: Chư­a hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách, về tổ chức và hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá cấp thị xã, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá còn nhiều khó khăn. Chưa có nhiều công trình văn hoá và khu vui chơi giải trí phù hợp với mức sống của nhân dân. Việc đầu tư­ kinh phí phát triển Trung tâm VHTT cấp thị xã chư­a đáp ứng đư­ợc yêu cầu thực tế…

Công tác quản lý, tổ chức hoạt động theo Thông tư liên tịch 43/2008/TTLT/ BVHTTDL- BNV ngày 06/6/2008 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ, ở các Trung tâm VHTT cấp thị xã chưa phát huy tính hiệu quả trong việc vận động các doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân quan tâm đến công tác xã hội hóa cùng hợp tác để phát triển, chỉ có ít chương trình hoạt động tạo được quy mô và hiệu quả của chương trình.

Hiện nay, Trung tâm VHTT thị xã hoạt động chưa hiệu quả giữa cán bộ quản lý nhà nước và viên chức hoạt động sự nghiệp không rõ chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ văn hoá tác nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được sự phát triển của xã hội.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa với mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân. Xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; Xây dựng con người, gia đình, cộng đồng và môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

 Trong những năm tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động TTVH thị xã Sơn Tây cần đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao để phát triển văn hóa. Đồng thời, Trung tâm VHTT thị xã Sơn Tây phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở và người dân về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình phát triển văn hóa. Đặc biệt, cần có sự quan tâm sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện những giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để phát triển văn hóa, đó là:

            Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy ước văn hóa, xây dựng Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể thật sự trong sạch vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, từ đó tạo niền tin và nâng cao vai trò của nhân dân tích cực hưởng ứng xây dựng phát triển đời sống văn hóa cơ sở, tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa-văn nghệ, thể dục- thể thao nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại; phấn đấu xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa đạt chỉ tiêu Nghị quyết địa phương đề ra hàng năm, xây dựng từ thị xã làm tốt công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực ở nông thôn: Hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

 Hai là, hoàn thiện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp quận, huyện, thị xã theo quy hoạch, đảm bảo các xã và thị trấn được chọn để xây dựng nông thôn mới đều có Trung tâm văn hóa - thể thao để tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn như: liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu, thi diễn các môn thể thao ở nông thôn, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia các hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; là nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, các chương trình tuyên truyền về đề tài nông nghiệp, nông dân; đồng thời đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Đầu tư xây dựng các sân luyện tập và thi đấu thể dục - thể thao cấp xã, đảm bảo 100% các xã nông thôn mới đều có sân bóng đá và sân bóng chuyền. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch, nhằm phát triển phong trào ở cơ sở, tạo điều kiện  nhân dân tham gia luyện tập, rèn luyện sức khỏe nâng cao thể chất.

 Ba là, đầu tư xây dựng Trung tâm VHTT Thị xã Sơn Tây và phát huy hiệu quả hoạt động của cộng đồng dân cư, làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của nhân dân tại địa bàn dân cư, nơi tổ chức phổ biến, triển khai đưa các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các hoạt động phát triển văn hóa nông thôn đến người dân địa phương để tham gia thực hiện.

Bốn là, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo điều kiện để khôi phục lễ hội, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.

            Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở cần phải có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặt khác, quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, các trang thiết bị được đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, thể thao.

            Sáu là, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa - thể thao – du lịch. Tăng cường làm tốt công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

 Trên cơ sở những thành quả đạt được của thiết chế văn hoá cấp thị xã ở thành phố Hà Nội trong thời gian qua, ngành VHTTDL Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trong những năm tiếp theo. Điều này, đòi hỏi lực lượng cán bộ làm công tác VHTTDL từ thị xã đến cơ sở cần phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Kiêu (1983), Trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2. Phạm Quang Nghị (2005), Công cuộc đổi mới động lực phát triển văn hóa, Viện văn hóa thông tin và Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

            3. Nhiều tác giả (1984), Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, Nxb Văn hoá, Hà Nội.

4. Phòng Văn hóa thông tin thị xã Sơn tây, Báo cáo tổng kết công tác văn hóa - thông tin năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

5. Nguyễn Hữu Thức (2009), Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa