Nội san

Bản sắc dân ca Nghệ - Tĩnh

30 Tháng Năm 2016

                                                                                    Nguyễn Bình Minh [*]

 

Nghệ - Tĩnh là vùng đất nằm ở Trung Bộ Việt Nam, gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Địa hình Nghệ - Tĩnh đa dạng, có biển, trung du, đồng bằng và rừng núi với nhiều tài nguyên phong phú có thể phát triển nhiều nghề sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp… và gắn bó với nhau về các mặt: địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ... Tất cả đã làm nên cho Nghệ - Tĩnh một bản sắc văn hóa đáng tự hào không thể trộn lẫn, và cũng từ bản sắc ấy đã sản sinh ra một vùng văn hóa dân gian, một vùng dân ca đặc trưng xứ Nghệ.

Nghệ - Tĩnh là quê hương của những điệu Hò, điệu Ví, của hát Giặm, hát Ru, Đồng dao…  Nổi tiếng và quen thuộc hơn cả là Ví, Giặm và Hò.Trên website của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng (ngày 02/7/2015) có nêu đại ý như sau: Sau phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Paris -Pháp, dân ca Ví, Giặm của Nghệ - Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 31/1/2015, tại TP Vinh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ đón bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví Giặm Nghệ - Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện tại dân ca Ví, Giặm  được phổ biến ở Nghệ - Tĩnh, tạo nên sức hút ngày càng mạnh mẽ.

Cho đến nay ở nước ta đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Ví, Giặm và Hò Nghệ - Tĩnh. Trong bài viết này, tác giả sẽ khái quát về đặc điểm của Ví, Giặm và Hò dựa vào kết quả nghiên cứu của những người đi trước cộng với nghiên cứu cụ thể trên bài bản các thể loại dân ca Nghệ Tĩnh của chính tác giả.

Ví là một trong những lối hát độc đáo, tiêu biểu của dân ca Nghệ - Tĩnh, được nảy sinh và gắn chặt với cuộc sống vùng này.Ở nước ta nhiều vùng có hát Ví như Việt Trì, Phú Thọ, Hải Dương… song Nghệ - Tĩnh là một trong những vùng mà hát Ví đặc sắc nhất.

Ví là thể loại dân ca trữ tình và không chỉ vậy, Ví còn là “dân ca lao động, dân ca nghề nghiệp”. Người Nghệ Tĩnh vừa lao động vừa hát Ví, hát khi đi gặt, đi cấy, khi chèo đò, hái củi, khi dệt vải, đan nón…, hát kết thành phường như Ví phường vải, Ví phường cấy, Ví phường nónNgay những cái tên của các làn điệu Ví cũng nói lên nghề nghiệp của chủ thể hát thể loại này.

Theo các nhà nghiên cứu thì Ví Nghệ - Tĩnh “có khoảng hơn hai mươi” loại, đó là: Ví phường vải, Ví đò đưa sông La, Ví đò đưa sông Lam, Ví đò đưa sông Phố, Ví phường chắp gai đan lưới, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường buôn, Ví phường vàng, Ví phường cấy, Ví phường gặt, Ví phường củi, Ví róc cau lau mía, Ví đò đưa chuyển phường vải, Ví nhổ mạ, Ví huê tình, Ví đò đưa nước ngược, Ví trèo non, Ví bện võng...

Có thể coi làn điệu hát Ví cổ truyền như một bài hát dân gian được xây dựng bởi một khổ hay nhiều hơn một khổ nhạc trên kết cấu chặt chẽ của một câu hay nhiều câu thơ lục bát (hoặc lục bát biến thể) mà nhịp của thơ là tiết của nhạc, vần của thơ là điệu của nhạc và nội dung của thơ gắn chặt với hình thức của nhạc. Có thể dựa vào từng câu thơ mà phân thành các tiết nhạc, câu nhạc khác nhau:

VD 1:                          VÍ PHƯỜNG VẢI 1

                                              (Trích)

Người hát: Bà Dần ở Thạc Hà

                                                                Ghi âm: Vi Phong

 

 

Bài Ví phường vải 1 có cấu trúc 2 câu nhạc ứng với 4 câu thơ, đoạn trích ở trên là một câu nhạc ứng với hai câu thơ: Thiếp thương chàng đừng cho ai biết/ Chàng thương thiếp đừng để ai hay.

Hát Ví thường được diễn xướng theo lối đối đáp hai bên nam nữ nên trước khi vào bài thường hay có một nét nhạc mở đầu ngắn như một lời dẫn dắt, một lời gọi, chào: “Người ơi…”, “Ơ là người ơi…” hoặc “Ơ..ơ..ơ”. Trong ví dụ bài Ví phường vải 1 ta thấy có nét nhạc mở đầu ngắn “Người ơi…”,rồi mới đến phần thân bài gồm một khổ nhạc.

Hát Ví còn có cấu trúc hỏi, đáp được sử dụng trong hát đối đáp, khi đó Ví có hai khổ, khổ thứ nhất là phần hỏi, khổ thứ hai là phần đáp (có thể lặp lại toàn bộ gồm nét mở đầu và phần thân). Bài Ví ghẹo là một trong những dẫn chứng cho cấu trúc hỏi đáp.

 Hát Giặm là thể loại khá phổ biến trong dân ca Nghệ - Tĩnh. “Có người cho Giặm nghĩa là điền vào, đệm vào như giặm lúa, giặm ngô; có người cho rằng Giặm xuất phát từ tính phân đoạn trong một bài hát, lại có người cho Giặm là khi hát, người ta có giẫm chân, đánh nhịp vì Giặm có tiết tấu rõ ràng”. Tác giả nghiêng về ý kiến Giặm nghĩa là điền vào, do lời ca trong Giặm có năm câu thơ, câu thứ năm nhắc lại câu 4, nói cách khác câu 5 là câu điền thêm, giặm thêm một lần nữa.

Về âm nhạc, căn cứ vào thực tế phân tích các bài bản đã được thu thập và những ý kiến của Đào Việt Hưng, Ninh Viết Giao, Nguyễn Đổng Chi, Tú Ngọc…, có thể khái quát đặc điểm tiêu biểu của giai điệu trong hát Giặm như sau:

Trước hết, giai điệu của Giặm thường đơn giản, gần với nói, yếu tố “nói” là chủ yếu, yếu tố “ngâm” chỉ có tính chất bổ sung (xuất hiện rõ nhất ở những chỗ kết đoạn). Tính chất “nói” trong giai điệu Giặm còn thể hiện ở nhịp điệu và nhịp phách tương đối rành mạch.

Tầm cữ của Giặm gốc thường hẹp trong một quãng 5 đúng, những bài Giặm khác có tầm cữ rộng hơn nhưng nhìn chung thường không quá một quãng 8, chẳng hạn như Toàn dân đánh Mỹ có tầm âm quãng 7 thứ: e1-d2. Bài Giặm xẩm dưới đây có tầm âm 1 quãng 5 đúng:

Ví dụ 2:                               GIẶM XẨM

(Khổ 1)

Người hát: Quang Nghĩa

Lời: Trung Phong, ghi nhạc: Thanh Lưu

 

 

Hát Giặm sử dụng những nốt hoa mỹ để luyến láy cho phù hợp với phương ngữ của người Nghệ - Tĩnh. Giai điệu của Giặm cũng giống Ví là có nhiều tiếng đệm, lót, tạo sự sinh động thay đổi trong nhịp thơ và mạch nhạc, khiến cho chu kỳ tiết tấu của Giặm có sự linh hoạt, tạo nét mới cho giai điệu. Trong bài Giặm cổ ta thấy có các từ đệm như “mà”, “chứ”, “rứa mà”, “thì”… Còn ở bài Giặm xẩm thì các tiếng đệm là ơ”,” mà”….

 

Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ (Nguồn: st)

 

Về điệu thức, giống như Ví, Giặm được viết nhiều ở thang 4 âm, một số bài ở thang 5 âm nhưng chủ yếu dùng 4 âm, âm thứ 5 thường ít xuất hiện trong bài. Ví dụ như Giặm xẩm được viết ở thang 4 âm: Son - Si giáng - Đô - Rê, bài Giặm vè là thang 5 âm Rê - Pha - Son - La - Si nhưng âm si chỉ dùng một lần lướt nhanh ở phần yếu của phách...

Hò là hình thức hát tập thể trong lao động. Chức năng chính của Hò là phục vụ lao động, thống nhất nhịp điệu để làm việc dễ hơn, nhịp nhàng hơn, đỡ mệt hơn. Từ chức năng thực dụng ấy, Hò được nâng lên một tầm cao hơn, để động viên, giãi bày tình cảm của người lao động. Hò Nghệ Tĩnh không chỉ hát trong lúc lao động mà còn được hát trong hội hè, thi đối đáp trai gái. Về điểm này Hò có phần giống với Ví và Giặm, Hò cũng được chia thành bên nam bên nữ để thi tài đấu trí. Khác với Ví và Giặm, Hò mang tính tập thể rất cao, không hạn định số lượng người tham gia cũng như địa điểm, thời gian diễn xướng mà tất cả những người có mặt trong cuộc đều là nghệ nhân. Nghệ nhân vừa hát, vừa thưởng thức, vừa là giám khảo. Điều đó đòi hỏi nghệ nhân phải có tài ứng tác nhanh, giọng khỏe khoắn, có tài sáng tạo độc đáo, khi diễn xướng làm sinh động cuộc hát.

Trước khi vào phần hát chính, Hò thường có nét mở đầu “Ơ…hò…” nhằm làm cho tập thể lắng nghe, tiếp theo là phần hát chính. Giống như các thể loại Hò khác của dân ca Việt Nam, Hò có cấu trúc theo kiểu Xướng - Xô, cứ một câu hát xướng rồi đến một câu hát xô. Người Nghệ -Tĩnh còn gọi lớp trống, lớp mái. Lớp trống của người hò cái (phần xướng), lớp mái của người hò con (phần xô). Phần xướng do một người hát và người này đòi hỏi phải có tài ứng tác nhanh, vì cuộc hò có sự đua tài đối đáp giữa hai bên nam nữ. Phần xô là do tập thể cùng hát. Hai phần này được thực hiện một cách nhịp nhàng và rất ăn ý, gồm câu mở đầu và vế xướng - vế xô. Phần xướng do một người hát và phải có tài ứng tác nhanh vì cuộc hò có sự đua tài giữa hai bên nam, nữ. Phần xô là của tập thể. Hai phần xướng - xô được thực hiện nhịp nhàng, ăn ý.

Ví dụ 3:                             HÒ TRÊN SÔNG

(Trích)

 

 

Trong bài Hò trên sông, nét mở đầu là ơ..ơ..ơ…; vế xướng là các câu như Nhớ bạn mà nỏ nằm…, Mượn con cá đi thăm…; vế xô là các câu là khoan dô khoan.

   Tóm lại, dân ca Nghệ Tĩnh có nhiều thể loại nhưng Ví, Giặm và Hò là những thể loại tiêu biểu và đặc sắc. Người dân xứ Nghệ tự hào với những điệu Ví trữ tình, mặn nồng, những bài Giặm rộn ràng, sinh động, những câu Hò mộc mạc, chắc khỏe. Sự phong phú ấy đã làm nên một bản sắc riêng cho dân ca Nghệ - Tĩnh.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1.                 Nguyễn Chung Anh (1959), Hát ví Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn - Sử - Địa, Hà Nội.

2.                 NguyÔn B¸ch, TiÕn Léc, H¹nh Thi (2000), ThuËt ng÷ ©m nh¹c, Nxb ¢m nh¹c, Hà Nội.

3.                 Đào Việt Hưng (1998), Hát Ví Nghệ Tĩnh, Nxb Âm nhạc- Hà Nội.

4.                 Đào Việt Hưng (1999), Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ, Viện Âm nhạc - Nxb Âm nhạc.

5.                 Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc - Hà Nội.

6.                 Nguyễn Trung Kiên (1980), Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa Hà Nội.

7.                 Hoàng Kiều (2001), Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền, Viện âm nhạc, Hà Nội.

8.                 Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển Bách Khoa, Đà Nẵng.

9.                 Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy học thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách Khoa, Đà Nẵng.

10.             Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam.

11.             Hoàng Kiều (2005), Giáo trình Hòa thanh học âm nhạc cổ truyền, tập 1, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Hà Nội.

12.             Nguyễn Văn Lợi (2005), Phụ âm tắc hữu thanh thở và vấn đề các phụ âm xát tiếng Việt (trên tư liệu phương ngữ BTB), Bản đánh máy.

13.             Nguyễn Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.

14.             Nguyễn Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội,  Nhà xuất bản Âm nhạc Hà Nội.

15.             Võ Văn Lý (2000), Tròn vành rõ chữ trong nghệ thuật hát dân tộc, Nxb Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh.

16.             Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà Nội.

17.             Đoàn Văn Phúc (2006), Vài đặc điểm âm đầu và thanh điệu các thổ ngữ An Lộc, Thịnh Lộc với nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2005, Hội ngôn ngữ học Việt Nam.

18.             Tô Ngọc Thanh (2007), Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

19.             T« Ngọc Thanh, Hồng Thao (1986), Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền, Nxb Văn hãa, Hà Nội.

20.             Trần Mai Tuyết (2010), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường Nâng cao chất  giảng dạy bộ môn Thanh nhạc cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc - Trưêng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ư¬ng, Trưêng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

* Trang website:

1.                 http://nghean.edu.vn, Tính cách con người xứ Nghệ, download 6:37:15 PM ngày 17/4/2015.

2.                 http://cautreo.gov.vn, Văn hóa Hà Tĩnh trong dòng chảy ngàn năm, download 7:15 AM ngày 06/5/2015.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc