Nội san

Các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

01 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Xuân Trung [*]

 

Bắc Ninh là một tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, vùng đất có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến và Cách mạng. Nơi đây là quê hương của 9 vị Vua nhà Lý - Triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh quốc gia Đại Việt.

 Với vị trí là phên dậu phía Bắc của Kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, từ ngàn xưa, vùng đất “Địa linh nhân kiệt” này luôn chứa đựng đầy ắp những dấu ấn lịch sử được hun đúc, bồi đắp và kết tinh trong những dấu ấn và các di sản văn hóa. Dưới các triều đại phong kiến, nơi đây đã sinh ra nhiều bậc khoa bảng hiền tài có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước, phát triển văn hoá dân tộc. Những yếu tố về tự nhiên, lịch sử xã hội, đồng thời vốn là Trung tâm Phật Giáo đầu tiên của nước ta, trải qua trường kỳ lịch sử dân tộc đã kiến tạo cho nơi đây một hệ thống di tích, các danh lam cổ tự mà kết tinh ở đó những nét tinh hoa văn hóa rất đặc trưng và tiêu biểu của xứ Bắc.

Theo thống kê (năm 2015) của Ban Quản lý di tích tỉnh, hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 1558 di tích lịch sử văn hóa, gồm 529 ngôi đình, 493 ngôi chùa, 146 ngôi đền và 160 các loại hình di tích khác. Trong số các di tích trên, đã có 193 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 368 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 5 nhóm bảo vật quốc gia, tiêu biểu là các di tích: Chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa Dâu còn gọi là chùa Cả, nay thuộc làng Dâu - tức làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Dâu là công trình có quy mô to lớn gồm hàng trăm gian với hệ thống thờ tự mang đậm kiến trúc chùa tháp dân tộc. Trung tâm thờ tự của chùa Dâu là tòa Thượng Điện với tượng Pháp Vân đặt ở giữa. Đây là pho tượng lớn, cao 1,85m trong tư thế người "bán kiết" khuôn mặt đậm chất nữ tính. Chùa Dâu nổi tiếng về hệ thống các tượng, đều là những sản phẩm nghệ thuật điêu khắc tượng Phật khá tiêu biểu của dân tộc thế kỷ XVIII - XIX. Nổi bật nhất trong kiến trúc chùa Dâu là ngọn tháp Hòa Phong cao 15m, gồm 3 tầng. Mặt ngoài phía Tây của tầng thứ hai gắn biển đá khắc nổi 3 chữ Hán "Hòa Phong Tháp" và dòng lạc khoản: "Hoàng triều vĩnh hựu tứ niên tuế thứ Mậu Ngọ mạnh hạ cốc nhật", cho biết tòa tháp được xây vào năm 1738. Đặc biệt, chùa Dâu còn lưu giữ được các bộ mộc bản cổ rất có giá trị, đây là nguồn tài liệu văn tự cổ có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử của Phật giáo Luy Lâu và lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chính với những giá trị tiêu biểu nêu trên, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và cấp bằng di tích quốc gia đặc biệt cho chùa Dâu (Quyết định số 2383/QĐ-TTg).

 

Chùa Dâu  (Nguồn: tác giả)

 

Chùa Bút Tháp có tên Hán Việt là Ninh Phúc tự, nay thuộc làng Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa nằm trên mặt bằng rộng tới hơn 10.000m2, các công trình của chùa được liên kết với nhau theo kiểu thức "nội công ngoại quốc" với hàng trăm gian nên nhân dân vẫn quen gọi là chùa Trăm gian. Theo quan sát cho thấy, các công trình chính của chùa đều nằm trên trục "Thần đạo" từ Nam lên Bắc với kiến trúc tầng tầng lớp lớp theo kiểu "trùng thiền điệp ốc" tạo không gian của chùa vừa thâm nghiêm, vừa cổ kính. Kiến trúc nổi bật nhất của chùa Bút Tháp là tháp Báo Nghiêm. Công trình được dựng sau nhà thờ Tổ đệ nhất, nơi đặt tượng phật bằng đá. Các tầng tháp được ngăn cách bởi các góc mái nhô ra và uốn cong như đầu đao, bên dưới có cột đá chống đỡ ở 8 góc. Tầng trên cùng là một búp nhọn cao tới 3,18m như chiếc bút đá vẽ lên trời xanh. Giá trị của chùa Bút Tháp không chỉ ở quy mô to lớn, kiến trúc độc đáo mà còn bảo giữ nhiều tượng thờ, các cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật đạt tới trình độ tiêu biểu của kỹ thuật tạc tượng Phật thế kỷ XVII. Trong số đó, pho tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay đặt trong nhà Thượng điện là kiệt tác độc nhất vô nhị trong các pho tượng Phật ở nước ta đã được Chính phủ xếp hạng Bảo vật quốc gia năm 2012. Cùng với chùa Dâu, chùa Bút Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và cấp bằng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg).

Chùa Phật Tích với tên chữ là Vạn Phúc tự, nay thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Từ các nguồn tài liệu, các nhà nghiên cứu đã xác định Phật Tích là một trung tâm Phật giáo cổ xưa. Truyền tích kể rằng, từ trước thời Lý, ở Phật Tích đã có chùa lớn và tháp đá cao ngất, nên gọi là chùa Tháp. Sau này, cây tháp bị đổ lộ ra pho tượng Phật bằng đá, vì thế chùa mang tên Phật Tích. Những dấu tích, di vật còn lại cùng kết quả các cuộc nghiên cứu, khảo sát và khai quật khảo cổ học tại Phật Tích đã cho thấy quy mô đồ sộ của kiến trúc cùng với những giá trị đặc sắc về nghệ thuật của một công trình đại danh lam cổ tự. Đặc biệt, trong đợt trùng tu, phục dựng lại chùa Phật Tích năm 2008 đã phát hiện trong nền tòa Tam Bảo (nơi đặt pho tượng A di đà) là một chân móng tháp cổ có quy mô lớn với chất liệu bằng gạch. Đây là dấu tích của tòa tháp cổ có quy mô to lớn nhất trong các chùa thời Lý. Tại chùa Phật Tích hiện còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật tiêu biểu, như: Tượng phật A di đà bằng đá đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2012; Tượng 10 linh thú bằng đá; Chân tảng bằng đá xanh hình vuông chạm dàn nhạc công...Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định liệt hạng chùa Phật Tích là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2048/QĐ-TTg).

Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý nằm trên địa bàn phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thứ nhất, về Khu lăng mộ: Gọi là khu lăng mộ, nhưng thực chất là những gò đất cao nổi lên trên cánh đồng ở phía Đông của phường Đình Bảng, gần với đền Đô. Từ xưa, nơi đây là khu sơn lăng cấm địa vì là nơi an táng các vua và hoàng tộc nhà Lý. Căn cứ vào các nguồn sử liệu cho biết ngay sau khi lên ngôi vua năm 1009, thì năm sau (1010) Lý Thái Tổ đã về quê yết lăng Thái hậu và sai quan đo đất vài mươi dặm đặt làm cấm địa Sơn lăng. Đây là nơi an táng Thái hậu Phạm Thị (thân mẫu Lý Thái Tổ), sau đó là các vua Lý và Thái hậu Ỷ Lan. Theo di huấn của vua Lý Thái Tổ, các vua Lý sau khi băng hà đều được an táng tại đây, nhưng lăng mộ chỉ đắp đất trồng cây, không xây cất cầu kỳ. Theo di huấn đó, khu Sơn lăng cấm địa được bảo vệ nghiêm ngặt và trở thành rừng Thọ lăng. Thứ hai, về đền Đô:  Tức Cổ Pháp điện hay còn gọi là đền Lý Bát Đế được xây trên khu đất cao ở phía Đông phường Đình Bảng. Đây là ngôi đền duy nhất ở nước ta thờ tám vị vua Lý. Đền Đô được tu bổ nhiều lần vào thời Lý và các triều đại sau. Đợt tu dựng lại đền Đô với quy mô lớn vào đầu thế kỷ XVII và được duy tu nhiều lần vào các thế kỷ sau. Những năm gần đây, đền Đô đã được nhân dân Đình Bảng phục dựng lại với sự đầu tư lớn của nhà nước và sự công đức của nhiều người hảo tâm ở trong nước và nước ngoài. Đến nay, toàn bộ các công trình của đền Đô xưa đã được phục dựng lại khá hoàn chỉnh. Đây là khu điện thờ duy nhất thờ các vua Lý ở nước ta hàng năm đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng nhiều vị khách quốc tế, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài về dâng hương tưởng niệm. Năm 2014, toàn bộ khu di tích lịch sử - văn hóa này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2048/QĐ-TTg).

Nhà Tiến tế, đền Đô  (Nguồn: tác giả)

 

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi tỉnh được tái lập (năm 1997), các di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh đã được nhiều cơ quan của Trung ương và địa phương, nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Công tác quản lý các di tích này được tăng cường thông qua việc tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành một số các văn bản liên quan quy định về công tác quy hoạch, tu bổ di tích; quy chế quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, trong đó có việc thành lập Ban Quản lý di tích các cấp, thành lập Phòng Quản lý di tích quốc gia đặc biệt. Các hoạt động này đã đem đến những kết quả bước đầu trong việc quản lý và phát huy giá trị các di tích. Các di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh đã và đang trở thành trung tâm văn hóa tâm linh và du lịch văn hóa tiêu biểu của tỉnh và của quốc gia.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng tác động mạnh mẽ của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa ở Bắc Ninh, những hệ lụy mặt trái của cơ chế thị trường là những yếu tố nảy sinh những bất cập, hạn chế trong hoạt động quản lý ở các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với các di tích này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: nhà nước chưa có chiến lược hoặc cơ chế đặc thù riêng biệt cho việc bảo tồn, khai thác phát huy giá trị đối với các di tích; cơ cấu tổ chức bộ máy thực thi nhiệm vụ quản lý ở các di tích này còn những bất cập, hiệu quả quản lý chưa cao; công tác quy hoạch, trùng tu tôn tạo di tích còn nhiều thiếu sót; có di tích vẫn còn hiện tượng bị lấn chiếm đất đai, mất cắp cổ vật, di vật...

Để giải quyết vấn đề này, sau khi nghiên cứu, phân tích những lý thuyết cơ bản liên quan về vấn đề quản lý di tích, trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý di sản văn hóa nói chung, đồng thời tham khảo mô hình quản lý di tích quốc gia đặc biệt ở một số địa phương, đặc biệt là thực trạng công tác quản lý các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn, theo chúng tôi, tỉnh Bắc Ninh cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần nghiên cứu ban hành chủ trương mang tính đặc thù riêng đối với hoạt động quản lý các di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, bên cạch việc nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo dưới góc độ quản lý, đồng thời khuyến khích các nguồn lực trong xã hội tích cực tham gia bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị các di tích này ở các phương diện và góc độ khác nhau, thiết thực góp phần mang lại những lợi ích về kinh tế, văn hóa và xã hội trong cộng đồng.

Thứ hai, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Quản lý ở các di tích đảm bảo cơ cấu theo “phân cấp quản lý di tích” tại Quyết định số 242/2014/QĐ-UBND ngày 11/6/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành “Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; Xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích, theo đó, quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các thành viên trong Ban Quản lý, đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm của Trưởng Ban Quản lý và vai trò của người trực tiếp trông nom di tích (nhà sư trụ trì hoặc người thủ từ); Nghiên cứu, thực hiện việc chi trả chế độ thù lao hàng tháng cho người trực tiếp trông nom di tích nhằm thiết thực động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ các tài liệu, hiện vật, cổ vật và bảo vật quốc gia của di tích.

Thứ ba, tiếp tục quan tâm nâng cao nguồn lực quản lý các di tích: Tăng số lượng cán bộ chuyên môn cho Phòng Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt, tăng cán bộ chuyên môn về quản lý di sản văn hóa quản lý di tích lịch sử văn hóa cho Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ở các đơn vị quản lý di sản, quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố học tập nâng cao trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ về chuyên ngành quản lý di sản văn hóa, về bảo tàng học. Yêu cầu các cán bộ lãnh đạo và chuyên môn ở các đơn vị quản lý di sản, quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ để sử dụng thông thạo một số ngoại ngữ và tin học trong tác nghiệp chuyên môn.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo tại các di tích với một số nhiệm vụ cơ bản như: Đầu tư kinh phí ưu tiên cho việc thực hiện các quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích theo các đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giới đất đai các di tích, theo đó, UBND tỉnh cấp kinh phí cho việc lập quy hoạch quỹ đất, cắm mốc giới bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích; Hoàn thiện việc cắm biển chỉ dẫn, các bảng, biển giới thiệu về di tích, trong đó cần có sự thống nhất về vị trí, kết cấu nội dung và hình thức các biển chỉ dẫn, các bảng, biển giới thiệu di tích...; Thực hiện nghiêm túc việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, định kỳ kiểm tra, báo cáo hiện trạng với cơ quan quản lý cấp trên.

Thứ năm, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy giá trị các di tích dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vào những giá trị tinh hoa mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của các di tích này; Khuyến khích các nhà nghiên cứu xuất bản, công bố các kết quả nghiên cứu về các di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Bắc Ninh; Phối hợp với các nhà xuất bản, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và của tỉnh thực hiện các chương trình tuyên truyền, giới thiệu  quảng bá rộng rãi cho nhân dân trong nước và quý khách nước ngoài hiểu rõ về những giá trị của các di tích.

Di sản văn hóa nói chung, các di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh nói riêng là tài sản quý giá của địa phương và dân tộc. Các di tích này không những chỉ mang ý nghĩa to lớn về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục, mà còn là nguồn lực quan trọng, những giá trị nền tảng để tỉnh Bắc Ninh kế thừa, khai thác phát huy trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại mang đậm đà bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc.

 

 

                                                 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.   Bắc Ninh, bacninh.gov.vn.

2.   Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh (2008), Di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh, Nxb Văn hóa Thông tin.

3.   Ban Bí thư TW Đảng (1956), Về việc bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh ban hành kèm Thông tư số 38-TT/TW ngày 28/6/1956.

4.   Ban chấp hành Trung ương 5 khoá VIII (1998), Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

5.   Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (2014), Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chương trình hành động số 64-CTr/TU ngày 25/7/2014.

6.   Ban QLDT (2014), Về việc thành lập Phòng Quản lý di tích quốc gia đặc biệt kèm theo Quyết định số 123/QĐ-BQLDT ngày 17/9/2014.

7.   Bộ Văn hóa (1962), Công nhận di tích chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành); di tích chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành); di tích chùa Phật tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) là di tích lịch sử - văn hóa kèm quyết định số 313/VH-VP ngày 28 tháng 4 năm 1962.

8.   Bộ Văn hóa (1991), Công nhận đền Đô là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia kèm Quyết định số 154/BVH ngày 25/01/1991.

9.   Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (2009), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

10.   Trần Đình Luyện (1997), Văn hiến Kinh Bắc, Sở Văn hóa – Thông tin Bắc Ninh.

11.   Trần Đình Luyện (2006), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Kinh Bắc, Sở Văn hóa – Thông tin Bắc Ninh.

12.   Lê Hồng Lý (chủ biên) (2010), Giáo trình Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa