Nội san

Tăng cường công tác quản lý lễ hội truyền thống Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai thành phố Hà Nội

01 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Thu Hằng [*]

 

Lễ hội là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ đạo của người Việt, lễ hội dân gian phản ánh tâm thức, nỗi niềm của cư dân nông nghiệp “mong cho mưa thuận, gió hòa”. Lễ hội thường gắn với những di tích, truyền kỳ, những bậc tiên liệt bất tử trong tâm thức nhân gian, do vậy chứa đựng những trầm tích văn hóa của mỗi vùng đất và phản ánh tâm thức của mỗi cộng đồng dân cư. Tâm thức ấy tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người, lễ hội cũng chính là dịp để con người có cơ hội gặp gỡ, giao lưu cộng cảm, là nơi kết nối cộng đồng, nơi con người thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Lễ hội với những ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của nhân dân, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy hết giá trị của lễ hội và để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, công tác quản lý, tổ chức lễ hội là một yếu tố quan trọng để lễ hội và những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội tồn tại và phát huy tác dụng trong đời sống đương đại.

Lễ hội truyền thống Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) là một lễ hội đã tồn tại từ rất lâu đời, những năm gần đây đã thu hút du khách từ nhiều vùng miền trong nước về chiêm bái. Lễ hội Bình Đà trong đời sống tinh thần của người dân xã Bình Minh có tầm quan trọng rất lớn. Với những giá trị văn hóa đặc sắc và ý nghĩa của lễ hội, ngày 01/4/2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 959/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Bình Đà - lễ hội đầu tiên của Thành phố Hà Nội vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Điều này một phần ghi nhận những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng, độc đáo và có ý nghĩa lịch sử đối với cộng đồng của lễ hội Bình Đà, một phần đặt ra đối với địa phương trách nhiệm cần phải tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Trong đó, làm thế nào để quản lý lễ hội Bình Đà một cách khoa học, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, giải trí của người dân và bảo vệ, phát huy giá trị của di sản là hết sức quan trọng.

Đền Nội thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội (Nguồn: st)

Bình Đà có hai ngôi đình lớn: đình Nội (nay còn gọi là đền Nội) và đình Ngoại. Đình Nội thờ Lạc Long Quân, người dân vẫn tôn kính gọi là Đức Quốc Tổ; đình Ngoại thờ Linh Lang Đại vương, Đương Cảnh Thành Hoàng của dân làng. Lễ hội Bình Đà là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của cộng đồng người dân nơi đây. Từ xa xưa, người dân đã lập đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân để ghi nhớ công ơn của người khai sinh ra đất Việt và có công giáo dân làm ăn trồng cấy. Bình Đà cũng là một trong những làng hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có hai vị thành hoàng làng, một là Quốc tổ Lạc Long Quân, hai là Linh Lang Đại Vương. Lễ hội làng cùng lúc tưởng nhớ đến hai vị Thành Hoàng. Hội làng nhưng lại có đến 7 thôn tham gia với một số lượng người đông đảo. Mặc dù là một lễ hội độc đáo, có giá trị lịch sử song nhiều năm nay lễ hội Bình Đà không được nhắc đến lý do là bởi chiến tranh loạn lạc trong một thời gian dài đã khiến cho lễ hội không được tổ chức. Mãi đến đầu những năm 1990, lễ hội mới dần được khôi phục. Từ đó đến nay, mặc dù hội làng Bình Đà mỗi năm được thực hành to hơn, hoành tráng hơn nhưng vẫn giữ được những nghi lễ chính, cốt chuyện chính do lịch sử để lại. Điểm nổi bật nhất của lễ hội Bình Đà trước đây tập trung vào việc quảng bá cho nghề làm pháo cổ truyền, một nghề truyền thống mang lại sự hưng thịnh cho làng. Hội thi pháo xưa kia được tổ chức rất lớn, với việc thi pháo lớn, pháo bông, pháo hoa... Đặc biệt, trước đây trong hội có sử dụng 16 quả pháo lệnh tượng trưng cho 16 đời Vua. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị số 406-TTg năm 1994 về cấm đốt pháo, sản xuất pháo, người dân Bình Đà đã nghiêm túc chấp hành nên tục thi pháo này đã được bỏ từ lâu, chỉ còn trong ký ức của người dân.

Lễ hội Bình Đà là một lễ hội lớn và khá nổi tiếng trong vùng, vốn có tiếng tăm từ lâu đời, chiếm một vị trí đáng kể trong sinh hoạt văn hóa của người dân sở tại. Trong đời sống xã hội hiện đại, thực tế cho thấy lễ hội truyền thống làng Bình Đà đang dần được khai thác mạnh mẽ, để phục vụ đời sống mới hiện đại của nhân dân. Tác động của quá trình đô thị hóa đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống nhân dân và lễ hội Bình Đà. Tuy nhiên, do giữ được truyền thống, mà người dân Bình Đà đã giữ lại được gần như nguyên vẹn không gian di tích và lễ hội. Là một nơi giữ được truyền thống làng xã mạnh, thì không gian di tích nơi đây được giữ gìn rất tốt, tuy rằng mức độ đô thị hóa nhanh, nhưng không vì thế mà truyền thống làng xã bị ảnh hưởng nặng nề.

            Việc tổ chức lễ hội ngày nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của các phe, giáp và dòng họ trong làng, bên cạnh đó, vai trò của chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã được phát huy, chính quyền sở tại biết dựa vào làng xã và dựa vào các yếu tố truyền thống, nên những giá trị văn hóa được gìn giữ tốt hơn. Cũng là bệ đỡ, chất xúc tác tạo điều kiện và phát huy tối đa vai trò của tổ chức xã hội. Vậy nên, lễ hội Bình Đà vẫn là lễ hội giữ được nhiều bản sắc truyền thống. Những nét văn hóa mới, các kỹ thuật hiện đại và các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi hiện đại mới cũng đang dần chiếm vị trí đáng kể trong lễ hội. Đây là việc không thể tránh khỏi, song mức độ của nó vẫn tương đối ít hơn so với các trò chơi truyền thống. Điều này nói lên vai trò quan trọng của ban tổ chức và công tác quản lý lễ hội tại làng. Lễ hội Bình Đà với những giá trị đặc sắc đã được ghi nhận đã góp phần làm cho bộ mặt văn hóa của xã Bình Minh, huyện Thanh Oai nói chung, cũng như niềm tự hào của nhân dân làng Bình Đà nói riêng.

Mô hình quản lý dựa vào cộng đồng tại lễ hội Bình Đà là tập hợp tổ chức hình thành theo nguyên tắc tự nguyện, do người dân tự lập ra để giải quyết nhu cầu về tổ chức lễ hội, là đầu mối liên kết với chính quyền cơ sở. Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội Bình Đà đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy giá trị lễ hội xứng tầm di sản phi vật thể cấp Quốc gia và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2015, Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và nhân vật về thời đại “Hùng Vương” thờ tại Đền Nội Bình Đà đã được công nhận “Bảo vật Quốc gia”. Thông qua việc tổ chức lễ hội góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tổ chức lễ hội đã tạo điều kiện tốt cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, đồng thời phát huy được giá trị của di tích cũng như lễ hội trong đời sống của nguời dân.

Lễ hội Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội

(Nguồn: St )

 

Tuy nhiên, do bị gián đoạn một thời gian dài, vì chiến tranh và vì nhiều yếu tố, lễ hội nay phục hưng trở lại cũng không tránh được lệch lạc, khiếm khuyết; công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, nhiều hạn chế và tồn tại. Để cho lễ hội Bình Đà thật sự đem lại những hiệu quả văn hóa xã hội và kinh tế thiết thực, tôi xin đưa ra một số giải pháp cơ bản dưới góc độ quản lý như sau:

Thứ nhất, cần đổi mới, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, hoàn thiện văn bản pháp quy và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lễ hội. Để quản lý lễ hội Bình Đà tốt hơn nữa, trước hết, cần có chương trình, kế hoạch để các nhà nghiên cứu phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung và giá trị của lễ hội, về quy trình tổ chức lễ hội, về nguy cơ tổn hại, sai lệch, biến dạng, biến mất di sản do “phát triển”, “sáng tạo” và do thương mại hóa lễ hội. Địa phương cần đầu tư kinh phí để nâng cao năng lực cho cộng đồng. Cần có những chương trình và công cụ truyền thông liên tục để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Tài liệu hỏi và đáp về lễ hội là một trong những công cụ cần biên soạn để phổ biến, để giáo dục. Để lễ hội phản ánh đúng bản chất tốt đẹp truyền thống, thì chính quyền địa phương cần đổi mới phương thức tổ chức, lập kế hoạch chi tiết cho lễ hội, lấy yếu tố truyền tải bản sắc văn hóa riêng biệt của địa phương, thực hành trung thực, sinh động phong tục, tập quán cổ truyền nhằm gây ấn tượng cho những người cùng tham gia lễ hội.

Thứ hai, phát huy vai trò của cộng đồng. Muốn quản lý tốt các hoạt động văn hoá trong lễ hội truyền thống, thì sự tôn trọng cộng đồng là cần thiết. Để thực hiện điều đó, các cơ quan quản lý văn hoá cần xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hoá cho cộng đồng, phối hợp với cơ quan báo chí có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giúp người dân hiểu đúng giá trị văn hoá, hướng tới những mục tiêu, hành vi đúng đắn trong các hoạt động lễ hội.     

            Thứ ba, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa, kiện toàn tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

            Thứ tư, nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các nguồn tư liệu nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng nội dung các chương trình trong lễ hội. Hiện nay lễ hội Bình Đà được chính quyền và nhân dân địa phương đứng ra tổ chức rất tốt, có quy mô lớn, công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo.  Các nghi thức, nghi lễ trong lễ hội đã định hình, trở thành khuôn mẫu, được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ cho lễ hội. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan, cho đến nay, một số hình thức thực hành nghi lễ vốn có trong quá khứ đã bị giản lược hoặc lãng quên. Vì thế, nếu trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch các tư liệu cổ, rất có thể sẽ tìm được cách khôi phục lại đúng cách các nội dung này của lễ hội.

   Thứ năm, cần tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ cảnh quan di tích và lễ hội, ưu tiên lập quy hoạch tổng thể cho quần thể di tích Bình Đà, cả về văn hoá vật thể và phi vật thể có liên quan để làm cơ sở cho việc bảo tồn tôn tạo di tích. Đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể lễ hội Bình Đà, kêu gọi các nguồn lực để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích. Các sinh hoạt văn hoá, các giá trị văn hoá chỉ phát huy tác dụng tối đa khi chúng trở thành tế bào sống trong nền văn hoá đương đại, được Nhà nước quan tâm đầu tư giữ gìn, bảo vệ và nhân dân hoàn thiện, phát triển mang những chất lượng mới, làm cơ sở cho sáng tạo hôm nay góp phần tiếp nối và phát triển văn hoá dân tộc.

               Thứ sáu, có kế hoạch quảng bá lễ hội Bình Đà, khai thác và phát triển du lịch văn hoá bền vững. Lễ hội được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống cư dân văn hóa bản địa. Bởi vậy, việc tuyên truyền quảng bá sâu rộng, trước mắt, cũng như lâu dài về di tích lịch sử - văn hóa góp phần giữ gìn, kế thừa truyền thống của dân tộc là hết sức cần thiết. Để lễ hội Bình Đà và quần thể di tích Bình Đà trở thành một điểm du lịch văn hóa bền vững cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp trong thành phố và đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong đó.

Lễ hội dân gian có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của đất nước. Để lễ hội truyền thống ở mỗi địa phương thực sự không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hoá dân tộc, mà còn là môi tr­ường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hoá dân tộc, nơi trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, là bảo tàng sống của văn hoá dân tộc, hơn bao giờ hết, các cơ quan quản lý, những người làm công tác văn hóa cần phát huy vai trò quản lý nhà nước, khôi phục, tổ chức lễ hội theo nguyên bản góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân một cách trọn vẹn, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh tươi đẹp của quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Toan Ánh (2005), Nếp cũ hội hè đình đám, Nxb Trẻ, Hà Nội.

2.  Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998), Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Hà Nội.

3.   Ban chấp hành Trung ương Đảng (2009), Kết luận số 51-KL/TW ngày 12/05/2009 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Hà Nội.

4.   Ban Bí Thư TW Đảng (2015), Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 về tăng cường các biện pháp giữ gìn, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông; khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các lễ hội, Hà Nội. 

5.   Ban Bí thư TW Đảng (2015), Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/03/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, Hà Nội.

6.  Bộ Văn hóa Thông tin (1988), Quy chế mở hội truyền thống ban hành kèm theo Qđ số 54/VHQH ngày 04/10/1988.

7. Bộ Văn hóa - Thông tin (2001), Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/08/2011 về việc ban hành quy chế tổ chức lễ hội, Hà Nội.

8. Bộ Văn hóa Thông tin (2004), Tài liệu học tập bồi dưỡng kiến thức quản lý ngành văn hóa thông tin, Hà Nội. 

9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12/02/2015 về việc tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Hà Nội.

10.  Nguyễn Doãn Trường (2008), Miền Đất Cổ Bình Đà, Nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội.

11. UBND huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội (2014), Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân di tích và lễ hội, Nxb Lao Động, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa