Nội san

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình hiện nay

01 Tháng Sáu 2016

                                                         Nguyễn Trọng Vinh [*]

 

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được ngành văn hóa thực hiện trong nhiều năm trở lại đây. Đảng ta đã xác định việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là bước đi ban đầu, là nền tảng để xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa.

Ngày 3-5-1995, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tư 04 hướng dẫn triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" sau này đổi tên là “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo tinh thần Nghị quyết trung ương V khóa VIII, được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Cuộc vận động đã xác định đúng những nội dung công việc phải làm, hướng vào những mục tiêu quan trọng của địa phương, cơ sở, có sức lôi cuốn các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia, góp phần động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

   Trong nhiều năm qua, huyện Yên Mô luôn ý thức được vấn đề đó nên có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo mọi điều kiện để người dân được hưởng những điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Quá trình tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, có ý nghĩa sâu sắc đối với việc phát triển đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân.

1. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Thực hiện Chỉ thị số 27- CT/TW của BCH Trung ư­ơng; Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ t­ướng Chính Phủ và Chỉ thị 14/1998/CT-TU của tỉnh ủy Ninh Bình về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc c­ưới, việc tang và lễ hội. Trong những năm qua việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị nói trên đã đạt đ­ược nhiều kết quả tốt đẹp, nhận thức của nhân dân trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được thực hiện nghiêm túc.

*  Về việc cưới

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trong việc cưới hỏi nên đa số các đám cưới của người dân trên địa bàn huyện Yên Mô hiện nay được tổ chức trang trọng, vui tươi lành mạnh, tiết kiệm; không có tình trạng tảo hôn, nghi thức tổ chức theo phong tục  được rút gọn. Đoàn Thanh niên đã đi đầu trong phong trào, tích cực tuyên truyền cho Đoàn viên- thanh niên, vận động gia đình tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh, đề ra các tiêu  chí để vận động, ban đầu với tiêu chí: 2 chậm, ba không; gần đây với sáng kiến mới là 2 chậm 5 không( 2 chậm: chậm kết hôn, chậm sinh con; 5 không: Không ăn uống, không thuốc lá, không sinh con thứ 3 trở lên, không đốt pháo, không tổ chức quá giờ quy định). Tiêu biểu như các xã Mai Sơn, Khánh Thượng, Khánh Thịnh, Khánh Dương, Yên Phong, TT Yên Thịnh,Yên Hòa, Yên Thái đã thực hiện tốt các tiêu chí này.

*  Về việc tang

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Yên Mô đã chỉ đạo, vận động người dân thực hiện việc tang ma theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay có 100% xã, thị trấn đã xây dựng được quy chế tang lễ, gắn với hương ước, quy ước của thôn, xóm. Các đám tang đều thành lập ban tang lễ do bí thư chi bộ hoặc thưởng thôn, xóm làm trưởng ban cùng với nhà hiếu lo phần lễ tang theo đúng quy định, đã hạn chế  các trường hợp tế lễ rườm rá, để thi hài quá 48 giờ; Việc  cử hành tang lễ được tiến hành nghiêm trang, tổ chức phúng viếng không còn nặng nề như trước đây. Đối với các hộ gia đình chính sách được cấp uỷ, chính quyền quan tâm giải quyết tạo điều kiện tổ chức tang lễ đúng phong tục tập quán, nếp sống văn hoá mới. Hiện tượng xây dựng cơi nới lấn chiếm đất tại các nghĩa trang cơ bản được hạn chế. Nhiều xã đã xây dựng được Quy chế quản lý nghĩa trang nhân dân.

*  Về lễ hội

Đây là loại hình sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian phát triển khá mạnh trong những năm vữa qua, nhiều lễ hội được khôi phục trở lại. Thực hiện Quyết định số 39/ 2001 của Bộ Văn hoá và Thông tin về Quy chế tổ chức lễ hội, các lễ hội theo phân cấp quản lý đều phải xin phép và báo caó với ngành Văn hoá thể thao và du lich và UBND các cấp theo thẩm quyền: phần lễ theo đúng nghi lễ, phần hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh, có nhiều các hoạt động văn hoá thể thao và các trò chơi dân gian, phong phú, hấp dẫn du khách. Tiêu biểu như: lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê xã Yên Từ, lễ Hội đền Vua đôi xã Yên Phú, lễ hội Kỳ phúc làng Phương Nại Yên Nhân, lễ hội đền La xã Yên Thành, lễ hội kỳ phúc  làng Ngọc Lâm xã Yên Lâm; lễ hội đền La, Đình Lộc xã Yên Thành.

2. Xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa

*   Xây dựng làng, thôn, xóm văn hoá

Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác xây dựng đời sống văn hoá đã được xã hội hoá cao, gắn liền cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” do UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động. Nếu như trước đây đơn vị cơ sở là xã thì nay linh hoạt hơn uyển chuyển hơn. hầu hết các địa phương đều lấy làng,  thôn,  xóm để xây dựng đời sống văn hoá và lấy tiêu chí xây dựng làng văn hoá bao chùm tất cả các tiêu chí và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

 Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá huyện và các xã, Thị trấn đã triển khai các tiêu chí cụ thể và sát thực về xây dựng làng văn hoá, gắn phong trào xây dựng đời sống văn hoá với cuộc vận động xây dựng khu dân cư tiên tiến. Cụ thể:

- Năm 1999 – 2001 số làng, khu phố đạt đơn vị văn hoá: làng Nộn khê Yên Từ và làng Yên thượng xã Khánh Thịnh.

- Năm 2000 có 7 làng được tỉnh công nhận làng văn hoá: làng Nộn khê, làng Quảng Từ xã Yên Từ, làng Yên Thựơng xã Khánh Thịnh, làng Vân Mộng, thôn Khương Dụ xã Yên Phong, làng Bình Hải xã Yên Nhân, làng Trinh Nữ xã Yên Hoà

- Năm 2009 toàn huyện đã có 202 /233 làng, thôn, xóm khu phố văn hoá đạt 86,6%. Tiêu biểu như các xã Yên Từ, Yên Phong, Yên Phú, Yên Hoà, Yên Thắng. Có 36 làng, thôn xóm giữ vững được danh hiệu văn hoá từ 5 năm đến 10 năm liên tục.

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" do UBTW MTTQ phát động từ 1995 đã được nhân dân tích cực, tự giác tham gia đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hàng năm số khu dân cư tiên tiến đạt bình quân 83% Năm 2009 đạt tỷ lệ 83,6%. Các đơn vị có phong trào tốt đó là các xã; Yên Phong, Yên Phú, Yên Hoà, Yên Lâm, Yên Thắng.

 Xây dựng hương ước làng, thôn, xóm là một nội dung hết sức quan trọng trong công tác xây dựng làng văn hoá, do đó đi đôi với việc triển khai thực hiện quy chế đân chủ ở cơ sở, Quy chế dân chủ có tốt thì phát huy được quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Huyện đã quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai xây dựng hương ước các thôn, xóm, trên cơ sở hướng dẫn quy trình biên soạn và thực hiện hương ước, quy ước, thành lập các ban dự thảo, xây dựng xong tổ chức cho nhân dân góp ý kiến bổ sung, mời các ngành có liên quan, như  Phòng Văn hoá- thông tin, Phòng Tư pháp, Ban Dân vận huyện uỷ đóng góp ý kiến. Sau khi thống nhất ý kiến trình UBND huyện phê chuẩn.

Thông qua việc thi hành hương ước, quy ước vận động giáo dục nhân dân tự giác là thực hiện, tạo dư luận quần chúng ủng hộ sự tiến bộ và phê phán những hành vi tiêu cực lạc hậu.

*   Xây dựng gia đình văn hoá

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có bền vững thì xã hội mới phồn vinh, văn hóa gia đình là nền tảng của văn hóa làng, xã. Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng nếp sống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư­. Trong 20 năm qua huyện đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ từ việc tăng cường công tác tuyên truyền vận động từ huyện đến cơ sở đến hư­ớng đẫn tổ chức đăng ký, kiểm tra, bình xét công nhận một cách công khai dân chủ đúng với tiêu trí, quy định nên đã thúc đẩy phong trào phát triển cả về chất lượng và quy mô của gia đình văn hoá. Việc bình xét gia đình văn hoá có tác động rất lớn đến phong trào xây dựng làng văn hoá; đã xuất hiện nhiều tấm gư­ơng ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng sống hoà thuận, hạnh phúc, bình đẳng, thư­ơng yêu, giúp đỡ lẫn nhau, có trách nhiệm nuôi dạy con cái, gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nư­ớc.

Từ năm 2007 đến nay, Ban chỉ đạo đời sống văn hoá từ huyện đến cơ sở luôn đư­ợc kiện toàn và hoạt động thư­ờng xuyên; Ban vận động của các thôn xóm cũng được kiện toàn do đ/c trư­ởng Ban công tác Mặt trận ( Bí thư­ chi bộ, trư­ởng thôn xóm) làm trư­ởng ban, đại diện các ngành  đoàn thể và một số ng­ười có uy tín là thành viên, do đó đã góp phần đư­a phong trào phát triển đi vào chiều sâu.

Th­ường xuyên tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng về nội dung cuộc vận động; tổ chức nhiều các hội nghị để triển khai quán triệt mục tiêu cuộc vận động và các nội dung gia đình văn hoá, đọc các sách báo có nội dung gia đình về nuôi dạy và giáo dục con tốt; Tổ chức kẻ vẽ hàng ngàn khẩu hiệu tường, hàng trăm tấm pa nô cột điện để tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hóa, giúp cho mọi ngư­ời, mọi ngành, giới, đoàn thể nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí, chức năng của gia đình trong xã hội; tiếp nhận lư­u chuyển nhiều tài liệu, văn bản, chỉ thị, nghị quyết của TW, của tỉnh tới các xã, thị trấn làm tài liệu tuyên truyền vận động, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm về gia đình cho các thành viên trong việc giữ gìn, xây dựng và bảo vệ sự phát triển gia đình cả về vật chất, tinh thần làm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hoá, văn minh hiện đại.

Hàng năm tổ chức h­ướng dẫn cho các gia đình đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá; chỉ đạo chặt chẽ việc tiến hành bình xét ở thôn xóm. Ban vận động ở khu dân cư­ tập hợp, báo cáo  ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá xã xét duyệt đề nghị Chủ tịch UBND xã ra quyết định và cấp giấy chứng nhận gia đình văn hoá.

3.  Xây dựng và tổ chức các hoạt động thiết chế văn hóa thể thao

UBND huyện đã chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch các khu thể thao, xây dựng mạng lưới các thiết chế văn hóa từ huyện đến các xã gắn liền với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần phát huy nội lực là chính, cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp tiền của, công sức để xây dựng các thiết chế văn hoá, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hoá của nhân dân. Đến nay toàn huyện có 1 nhà văn hoá huyện, 01 nhà văn hóa thiếu nhi đang được xây dựng, có 06 nhà văn hoá xã, 181 nhà văn hoá thôn, xóm đạt. Huyện có 01 sân vận động trung tâm, 29  sân bóng đá, 70 sân bóng chuyền, 66 sân cầu lông, 04 sân bóng rổ, 04 nhà tập thi đấu thể thao trong nhà, 02 sân tenits, xây dựng được 04 điểm vui chơi cho trẻ em cấp xã, 04 điểm vui chơi cho trẻ em cấp thôn xóm, thường xuyên hoạt động có hiệu quả. Số kinh phí đầu tư cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ năm 2011 đến tháng 6/2013 ước tính 19,75 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa ước tính 7,4 tỷ đồng.

Huyện đã thành lập Trung tâm Văn hoá- Thể thao và đi vào hoạt động từ năm 2008, xây dựng phòng thư viện, phòng truyền thống của huyện. Các xã, thị trấn, nhà trường đều có tủ sách, phòng thư viện, có các khu trung tâm thể thao phục vụ cho nhu cầu văn hoá, thể thao của mọi tầng lớp nhân dân. Hàng năm các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động văn hóa và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Nhìn chung các thiết chế văn hóa cơ sở đã được cấp Ủy Đảng, chính quyền quân tâm đầu tư về con người và cơ sở vật chất nên hoạt động của nhà văn hóa xã đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cổ động bằng đài truyền thanh, bảng thông tin, sinh hoạt các câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng; triển khai có hiệu quả hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoạt động của nhà văn hóa các xã đều có nội dung khá đa dạng, phong phú, gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng dân cư. Các nội dung hoạt động đã tạo điều kiện cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tụ điểm sinh hoạt thiết thực với đời sống cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa cấp xã đã có tác động đến nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, vì vậy đã được người dân đồng tình, hưởng ứng cao.

Từ khi huyện Yên Mô thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” đến nay, nhiều phong tục tập quán và đức tính tốt đẹp được phát huy, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao từ đó góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Thông qua việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, các yếu tố văn hoá và nhân tố con người đã được phát huy tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đơi sống văn hóa, Trung ương (2000), hỏi và đáp về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

2.      Cục văn hóa cơ sở (2008), Văn bản của Đảng và Nhà Nước về nếp sống văn hóa, Nxb Hà Nội

3.      Nguyễn Khoa Điềm (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chinh trị Quốc Gia, Hà Nội.

4.      Hoàng Vinh (1998), Mấy vấn đề thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta hiện nay, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa