Nội san

Hò ở Đồng Tháp và việc truyền dạy cho sinh viên sư phạm tại địa phương

08 Tháng Sáu 2016

                                                                                 Nguyễn Bích Hằng [*]                                               

                        

 

Việt Nam – một đất nước của hơn 4000 năm Văn hiến, ngày nay đã và đang từng ngày từng bước hội nhập cùng sự phát triển của thế giới. Cùng với bề dày của lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam có một cộng đồng văn hóa khá rộng lớn, phong phú, đa dạng nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Trong cộng đồng văn hóa ấy, văn hoá âm nhạc dân gian nói chung và thể loại hò ở Đồng Tháp nói riêng được coi là một di sản phi vật thể quý báu cần được lưu giữ.

Có thể nói, loại hình ca hát dân gian được nhiều người ưa thích và là món ăn tinh thần của cộng đồng cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đó là các loại hò. Khác với các loại hò trên cạn của miền Trung như hò Hụi, hò kéo thác, hò giã vôi, hò giã gạo,… gắn với công việc cụ thể, Hò ở Nam Bộ nói chung và hò ở Đồng Tháp nói riêng không có hình thức hò lao động đúng nghĩa, không nhằm phát huy sức người để làm một công việc cụ thể nào đó mà chủ yếu là hò để giải khuây cho vơi đi sự mệt nhọc. Người dân Đồng Tháp quen sống trên sông nước, xem ghe xuồng là nhà, họ coi Hò là để chơi hơn là xem nó như một động lực để hoàn thành công việc. Nếu như hò Hụi, hò kéo thác, hò giã vôi, hò giã gạo,… có tính chất vui tươi thì hò ở Đồng Tháp lại nhẹ nhàng, uyển chuyển. Hò ở Đồng Tháp cũng khác với hò Sông Mã, là loại hò gắn với sông nước ở Thanh Hóa có tính chất nặng nhọc, khỏe khoắn, do chức năng thực hành xã hội của nó gắn với công việc chèo đò chở khách buôn bán dọc theo con sông có nhiều ghềnh thác hiểm trở. Dường như yếu tố cảm xúc có phần lấn át hơn yếu tố nhịp điệu, nặng về thơ ca nên hò ở Đồng Tháp mang tính trữ tình hơn hò Sông Mã và các thể loại hò trên cạn kể trên.

Tuy nhiên, ngày nay trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế thì văn hóa dân tộc cổ truyền đang đứng trước những thách thức gay gắt của xu thế toàn cầu hóa, có nguy cơ bị mai một và mất dần theo năm tháng.

Qua thực tế khảo sát cho thấy, mặc dù Đồng Tháp là đất hò đã nổi từ từ lâu và đã có rất nhiều dự án nghiên cứu sưu tầm các làn điệu hò ở Đồng Tháp được triển khai thực hiện thành công, những mãi đến những năm gần đây phong trào truyền dạy hò mới được triển khai thực hiện. Chương trình truyền dạy hò tại nơi đây chưa có sự thống nhất về nội dung dẫn đến sự chênh lệch về số lượng làn điệu và số lượng bài bản được truyền dạy. Điều này chưa thể đảm bảo cho việc bảo tồn những vốn cổ ở địa phương, chưa phát huy hết tiềm năng của các làn điệu đã được sưu tầm và khai thác trong thời gian qua, vẫn còn để cho các bài bản đó tàn phai theo thời gian, chìm vào quên lãng, mai một những giá trị tinh thần qúi giá của ông cha ta.

 Trong quá trình truyền dạy hò, phương pháp truyền khẩu luôn là lựa chọn hàng đầu ở các đơn vị truyền dạy tại địa phương. Với phương pháp này, thầy làm thị phạm trước, trò quan sát và làm theo. Người dạy sẽ hát mẫu toàn bộ bài hát, sau đó dạy từng câu, từng từ có luyến láy dược người dạy thể hiện một cách mượt mà, tinh xảo. Những thuận lợi từ cách dạy này mang đến là: người học được tiếp cận với âm nhạc bằng tai nghe thông qua “giọng hát thật” của người dạy, một ưu điểm tiếp theo của hoạt động truyền dạy truyền thống là người học không cần thuộc hoặc không cần biết nốt nhạc vì đã được người dạy luyện tập cho từng câu, hướng dẫn cách luyến láy nhằm thể hiện đạt cốt cách của bài bản.

Bên cạnh những thuận lợi của phương pháp truyền thống mang lại, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những mặt hạn chế như sau: trong suốt quá trình truyền dạy, người học phải dựa hoàn toàn vào tai nghe và trí nhớ vì vậy quá trình dạy và học sẽ diễn ra rất chậm, thời gian học và thực hành kéo dài, người học sẽ gặp khó khăn đối với những bài có khuôn khổ lớn. Vì học theo lối truyền khẩu nên người dạy phải hát bằng giọng thật, có khi cũng một câu nhạc ấy nhưng người dạy có thể thể hiện nó bằng nhiều cách khác nhau vì thế người học sẽ có cảm giác không nhất quán, mơ hồ, khó nắm bắt. Khi học theo lối truyền khẩu người học sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người dạy, vì khi đã được thầy truyền cho bài bản và kỹ thuật hát người học phải hoàn toàn trung thành theo cách dạy của thầy, cách dạy này sẽ dẫn đến sự thụ động trong quá trình học và tiếp nhận kiến thức khiến người học học đến đâu thì biết đến đấy, không chủ động. Cách dạy này cũng nặng về tính truyền dạy theo sự nhận thức riêng của từng người dạy, chưa có cơ sở khoa học thống nhất.

            Phương pháp thứ hai được sử dụng trong quá trình truyền dạy hò là cho người học nghe băng đĩa của ca sĩ biểu diễn dân ca. Người dạy cho học viên nghe các băng đĩa đã thu sẵn giọng hát mẫu, người học nghe và tập hò theo giọng hò mẫu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phương pháp này tại các cơ sở chúng tôi nhận thấy có những hạn chế như sau: khi áp dụng phương pháp này người dạy đã không sử dụng giọng hát thật để thị phạm hò mẫu và dạy hò cho người học, người học tiếp thu làn điệu hò mẫu thông qua băng đĩa và sau đó tập hò trên nền bài hò mẫu đã được nghe. Khó khăn của người học trong quá trình thực hành hò là không được người dạy cung cấp nhiều giọng hò mẫu và sự khác nhau trong am vực tầm cữ giọng nên người học gặp khó khăn trong việc thực hành bắt chước làm theo. Vì vậy, kết quả truyền dạy với hai phương pháp trên thu được kết quả chưa đáng là bao và với việc chỉ sử dụng hai phương pháp cho cả quá trình truyền dạy vẫn chưa phát huy hết khả năng  chủ động, sáng tạo ở người học, phần lớn sự tham gia của người học với tư cách là “khán giả thụ động” nhiều hơn là một chủ thể sáng tạo.  Bên cạnh đó, công tác truyền dạy hò ở Đồng Tháp vẫn chưa thực sự được thực hiện sâu rộng trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là chưa tiếp cận với giới trẻ tại địa phương. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu, bảo tồn và lưu truyền dân ca nói chung và hò ở Đồng Tháp nói riêng cho thế hệ trẻ, trước hết là đối tượng sinh viên Sư phạm là điều vô cùng cần thiết.

Mặc dù có những thuận lợi và tiềm năng về con người nhưng đến nay các làn điệu dân ca Đồng Tháp, mà đặc biệt là thể loại hò của địa phương vẫn chưa được quan tâm đưa vào giảng dạy, chưa có biện pháp truyền dạy tại môi trường giáo dục như trường Đại học, Cao đẳng hay các trường Phổ thông trong tỉnh. Một thực tế cho thấy, thế hệ thanh niên ngày nay hầu như không biết về các làn điệu hò ở Đồng Tháp, trong khi đó các nghệ nhân hò ở Đồng Tháp nay tuổi đã quá cao và ngày một ít dần. Cần có những biện pháp bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc này thông qua các biện pháp truyền dạy hợp lý để thu được kết quả tốt nhất. Đối với trường Đại học Đồng Tháp là một trường đại học đa ngành, trong đó có khoa Sư phạm Nghệ thuật với chức năng đào tạo cử nhân Sư phạm Âm nhạc trình độ Đại học. Chuyên ngành này đòi hỏi phải trang bị cho các em có những kiến thức và trình độ âm nhạc phổ thông nhất định. Tuy nhiên, việc truyền dạy các làn điệu dân ca tại địa phương thì vẫn đang còn bỏ ngỏ về vấn đề này. Bên cạnh đó, hò ở Đồng Tháp không nằm trong chương trình chính khóa và theo khảo sát của chúng tôi môn Hát dân ca trong chương trình của sinh viên Sư phạm Âm nhạc cũng không dạy các làn điệu hò tại địa phương nên các bạn sinh viên không có điều kiện để tiếp cận và học các làn điệu hò độc đáo mà cha ông để lại. Một nguyên nhân dễ nhận thấy nữa là môn Hát dân ca trong chương trình đào tạo dành cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc được nằm trong danh mục môn tự chọn. Đây cũng là lý do dân ca Việt Nam nói chung và dân ca Đồng Tháp nói riêng và đặc biệt là các làn điệu hò ở Đồng Tháp ngày càng khó tiếp cận với sinh viên hơn. Vì vậy dẫn đến tình trạng sinh viên không hiểu biết được nguồn gốc của những làn điệu dân ca tại địa phương mình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn và phát huy dân ca địa phương vốn đã có từ xa xưa mà ông cha ta để lại.

            Từ việc tìm hiểu thực trạng của công tác truyền dạy hò tại địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất bổ sung nội dung học phần Hò Đồng Tháp vào chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Đồng Tháp. Cùng với những đề xuất trên chúng tôi tiến hành xây dựng nội dung chương trình và những phương pháp truyền dạy hò với mong muốn đem lại kết quả tốt trong công tác giáo dục, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống mà ông cha ta đã để lại và góp phần giải quyết những khó khăn của công tác truyền dạy hò ở Đồng Tháp như sau:

Truyền dạy theo phương pháp truyền miệng: với phương pháp này, giáo viên hoàn toàn có thể ứng dụng vào quá trình truyền dạy các làn điệu hò ở Đồng Tháp. Với lối dạy truyền khẩu sẽ giúp sinh viên cảm nhận trọn vẹn âm nhạc của các làn điệu hò được học, cảm nhận được nhịp điệu và tính chất của bài hò.

Phương pháp thuyết trình: giảng viên dụng phương pháp thuyết trình để miêu tả, giải thích vấn đề, hướng dẫn vấn đề, hay giới thiệu về xuất xứ, đặc điểm nghệ thuật làn điệu, giải thích những âm vần, thanh điệu, cấu trúc, ngôn ngữ của vùng miền của từng làn điệu, nội dung lời ca trong bài hò. Nếu như trước đây người học tiếp thu quá trình học từ các nghệ nhân theo phương pháp truyền miệng các làn điệu, trong quá trình truyền miệng đó chưa có thuyết trình, chưa có giới thiệu tính chất và xuất xứ làn điệu… thì ngày nay quá trình truyền dạy các làn điệu dân ca cần kết hợp với phương pháp thuyết trình, điều này sẽ giúp sinh viên dễ hiểu các làn điệu hơn.

 



Tiết mục Hò huê tình Đồng Tháp - Hò cấy Đồng Tháp - Hò Đồng Tháp (Nguồn: st)

 

Phương pháp vấn đáp: nếu như trước đây người học tiếp thu quá trình dạy học từ giáo viên theo hướng một chiều một cách rất thụ động, thì ngày nay quá trình truyền dạy các làn điệu dân ca cần có sự trao đổi, thảo luận giữa giáo viên với sinh viên và giữa sinh viên với nhau nhằm khắc phục được lối truyền dạy một chiều. Trong quá trình truyền dạy hò giáo viên đặt một số câu hỏi để dẫn dắt vào bài, giáo viên cần chuẩn bị hệ thống những câu hỏi sao cho không quá dễ hoặc quá khó, hoặc không đúng trọng tâm,… sẽ không kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.

Phương pháp thực hành luyện tập: phương pháp này giúp người học được rèn luyện thực hành kỹ năng ca xướng và biểu diễn, khích lệ những sinh viên nhút nhát và thiếu tự tin khi đứng trước tập thể. Có thể ứng dụng phương pháp thực hành luyện tập ở nhiều nội dung trong quá trình truyền dạy chẳng hạn như ở nội dung luyện tập thang âm, cao độ, những âm luyến, láy, ngân…

Phương pháp sử dụng bản kí âm: có thể sử dụng phương pháp này cho quá trình tự nghiên cứu và tự học của sinh viên. Bằng những bản ký âm, sinh viên có thể tự tập bài độc lập (luyện tập ở nhà) ngay cả khi không có giáo viên hướng dẫn. Mặc dù bản ký âm chỉ ghi lại “lòng bản” của làn điệu  nhưng người học vẫn có thể dựa vào bản ký âm và hát lại làn điệu đó dù trải một thời gian dài không thực hành.

Ngoài các phương pháp đã nêu trên, thì phương pháp sử dụng các bản phổ được kí âm từ những chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân gian sẽ góp phần không nhỏ trong quá trình dạy học và tự học của sinh viên.

            Trong quá trình dạy học có rất nhiều phương pháp, mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và hạn chế riêng. Cho nên, việc kết hợp các phương pháp dạy học là điều cần thiết nhằm giúp sinh viên tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất. Trong mỗi tiết truyền dạy hò giáo viên có thể kết hợp các phương pháp dạy học với nhau như: sử dụng phương pháp thuyết trình để miêu tả, nêu vấn đề, giải thích các vấn đề hướng dẫn vấn đề, diễn giải để giải thích những âm vần, thanh điệu, ngôn ngữ vùng miền cho sinh viên thực hiện  hay sử dụng phương pháp thực hành luyện tập ở các nội dung xử lý kỹ năng các âm hình có dấu luyến, láy, dấu hoa mỹ, … 

Bên cạnh năm nhóm phương pháp chúng tôi vừa đề xuất, giảng viên cần tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình truyền dạy hò cho sinh viên. Ngoài việc cho sinh viên xem tranh, ảnh minh họa, xem và nghe đĩa các ca sĩ cũng như nghệ nhân biểu diễn dân ca, người dạy còn có thể sử dụng các phương tiện như dùng ghi âm, máy quay phim trong quá trình truyền dạy. Trên cơ sở kết quả thu được từ những phần ghi âm, ghi hình sinh viên có thể nhận thấy những ưu khuyết điểm bản thân trong quá trình tiếp nhận truyền dạy của giáo viên, từ đó có những điều chỉnh hợp lý nhất theo yêu cầu của người dạy.

Thông qua quá trình truyền dạy hò tại giảng đường Đại học, sinh viên dần trang bị kiến thức âm nhạc nói chung và kiến thức về âm nhạc dân gian tại Đồng Tháp nói riêng. Đó là những vấn đề thiết thực trong công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục. Đồng thời, đây cũng là những hành động hữu ích góp phần bảo tồn và phát huy nhưng làn điệu cổ tại địa phương  nói riêng và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc nói chung. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian gần nhất trên mảnh đất Đồng Tháp - Thủ phủ đất Sen hồng những điệu hò Đồng Tháp sẽ được vang lên sôi nổi như một thời rực rỡ vốn có của nó.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ đề tài (2012), Sưu tầm – nghiên cứu – phục hồi điệu hò Đồng Tháp của Tỉnh Đồng Tháp, Sở VHTT&DL Tỉnh Đồng Tháp.

2.   Bảo Đinh Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (1984), Ca dao – Dân ca Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

3.   Lê Giang – Lư Nhất Vũ (1995), Dân ca Đồng Tháp, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.

4.      Nguyễn Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm

5.      Sơn Nam (1966), Văn nghệ dân gian vùng Đồng Tháp Mười, Nxb Chính trị Quốc gia.

6.      Huyền Nga (2012), Cấu trúc dân ca người Việt, Nxb Lao động Hà Nội

7.      Nhiều tác giả (1995), Địa chí Đồng Tháp Mười, Nxb Chính trị Quốc gia.

8.      Nhiều tác giả (2009), Đồng Tháp đất và người, Nxb Trẻ.

9.      Lư Nhất Vũ – Lê Giang (1983), Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

 

______________________________

[*] Lớp Cao học K4 – Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc