Nội san

Biện pháp ghi cao độ trong môn Kí – Xướng âm cho sinh viên ngành đại học sư phạm âm nhạc trường đại học Đồng Tháp

08 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Huy Bình [*]

 

Trong chương trình đào tạo âm nhạc, môn Ký- Xướng âm có vai trò rất quan trọng. Đây là một trong những môn có tính chất nền tảng của giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp và sư phạm, là môn học mang tính chất tiên quyết để học các môn học  khác như: Thanh nhạc, Nhạc cụ, Phân tích tác phẩm...

Sinh viên ĐHSP Âm nhạc nói chung và Trường ĐH Đồng Tháp nói riêng thường lúng túng khi tự học ghi âm. Đặc điểm năng khiếu của sinh viên không đồng đều và đầu vào hầu hết chưa được học Ký-Xướng âm nên khi dạy môn này có những khó khăn nhất định. Mặt khác, trường đang đào tạo theo học chế tín chỉ, với các môn chuyên ngành Nghệ thuật, sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu, tự thực hành nhiều. Nhưng đặc thù của môn Ký-Xướng âm là sinh viên phải thực hành theo học nhóm, cá nhân. Vì vậy, rất cần có những phương pháp dạy học phù hợp, giúp các em học tốt môn học. Bên cạnh đó, môn ghi âm đòi hỏi khá cao về năng khiếu âm nhạc song vấn đề rèn luyện cũng rất cần thiết. Vì vậy, phải có phương pháp hướng dẫn rèn luyện kỹ năng ghi âm cho sinh viên. Phương pháp tốt sẽ giúp các em hình thành được kỹ năng, kỹ xảo, nâng cao khả năng tư duy âm nhạc, phát triển tai nghe, khả năng thị tấu, đọc cao độ, phán đoán âm thanh...

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày về phần biện pháp ghi cao độ tách riêng trường độ. Đây là yếu tố quan trọng để chuẩn bị ghi vào một bài ghi âm hoàn chỉnh.

Ghi âm là hoạt động sử dụng thính giác, là dạng mã hóa lại những âm thanh thành nốt nhạc song vẫn cần nhiều đến trí nhớ. Khi thực hành ghi âm, người học phải xác định cao độ, trường độ, quãng, lưu giữ âm thanh, giai điệu... rồi ghi lại bằng những kí hiệu âm nhạc. Để thực hiện điều đó, sinh viên cần phải được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, theo các bước cơ bản, từ thấp đến cao. Các biện pháp, phương pháp ghi âm rất đa dạng, phong phú, mỗi người dạy có thể có những phương pháp riêng của mình. Các phương pháp dưới đây của chúng tôi chỉ là những đúc rút qua kinh nghiệm dạy học cho hệ ĐHSP Âm nhạc ở ĐH Đồng Tháp.

Ghi cao độ từng âm đơn lẻ

            Trước khi học một bài ghi âm hoàn chỉnh, việc đầu tiên sinh viên phải có khả năng xác định được từng âm đơn lẻ trong điệu thức. Phương pháp ghi này giúp sinh viên nhận biết tốt các cao độ trong một giọng nào đó và thường được thực hiện nhiều ở thời kỳ đầu khi học ghi âm. Nghe các âm đơn lẻ cũng có thể chia thành hai giai đoạn và có thể thực hiện liền nhau ngay trong một giờ ghi âm.

+ Giai đoạn 1: Nghe và xác định từng âm có kèm theo nghe âm chủ. Sở dĩ phải nghe kèm theo âm chủ để sinh viên có điểm tựa, từ âm chủ mà xác định các âm.

Bước 1: Cho sinh viên đọc gam của giọng

Bước 2: Đàn từng âm, sinh viên nghe và xướng âm lại bằng nốt. Chẳng hạn như nghe và ghi tên nốt các âm trong giọng C-dur.

Ví dụ số 1:

Với ví dụ trên, giảng viên đàn nốt c1 là nốt được biết trước, yêu cầu SV nghe và lưu giữ cao độ, SV phải ghi được các nốt c2, d1, g1 , a1 và f1 dựa vào c1.

+ Giai đoạn 2: Xác định âm trong giọng không kèm theo nghe âm chủ.

Giai đoạn này khó hơn so với giai đoạn 1.

Ví dụ số 2:

 

Theo ví dụ trên ta thấy: âm chủ Đô vẫn được thực hiện lúc đầu và dần dần tách khỏi thay vào một âm khác và được xuất hiện lại thêm hai lần nữa. Đối với những âm không có điểm tựa âm chủ, cần dựa vào tên nốt đã xác định trước để tìm và xướng âm nốt còn lại.

 Nghe xác định màu sắc hai âm liền nhau

Nghe hai âm liền nhau là bước cao hơn nghe từng âm đơn lẻ, nâng cao khả năng xác định nhanh các âm trong điệu thức. Giảng viên cần cho luyện đọc gam để sinh viên nhớ cao độ của các bậc trong giọng. Trước khi ghi, cần có thao tác đàn âm chủ ngân dài để sinh viên lưu giữ âm thanh, làm điểm tựa trong suốt quá trình ghi âm, sau đó mới đàn chính thức vào bài.  Trong bài cho ghi phải đảm bảo thỉnh thoảng có xuất hiện âm chủ để sinh viên có điểm tựa.

Nghe xác định màu sắc quãng (giai điệu)

Trong ghi âm một giai điệu hoàn chỉnh, nghe xác định quãng là một trong những yếu tố quan trọng. Rèn luyện nghe quãng giúp sinh viên nhận biết được màu sắc và khoảng cách giữa hai âm thanh nối tiếp nhau. Do vậy, chúng tôi chỉ hướng dẫn sinh viên xác định khoảng cách và màu sắc giữa hai âm thanh chứ không nhất thiết phải xác định được tên nốt. Chỉ nên giới hạn cho rèn luyện các quãng phù hợp với khả năng nghe của sinh viên ĐHSP Âm nhạc Đồng Tháp là quãng 2T, 2t, 3T, 3t ; với các quãng 4 và 5 thì chủ yếu nghe trong một giọng trưởng hay thứ cụ thể với phần lớn là các quãng 4Đ và 5Đ. Hình thành được màu sắc các quãng này cho sinh viên sẽ rất tốt khi áp dụng vào bài ghi âm hoàn chỉnh.

Nghe và xác định màu sắc quãng 2 trưởng (2T), 2 thứ (2t)

Về lý thuyết, độ lớn chất lượng của quãng 2T là 1 cung, quãng 2t là 1/2 cung. Ban đầu, cho sinh viên luyện nghe và phân biệt các quãng 2T và 2t có chung âm gốc hay âm ngọn.

Ví dụ số 5:

Ở ví dụ trên, nhịp số 1 là quãng 2T và nhịp số 2 là quãng 2t có chung âm gốc là đô (c1). Dựa vào âm đô, SV dễ dàng nhận thấy khoảng cách rộng hẹp và phân biệt được màu sắc của 2T và 2t. Tương tự như vậy, nhịp số 3 và 4 có cùng âm gốc là g1, nhịp số 5 và 6 có cùng âm ngọn là c2. Chú ý là không nhất thiết SV phải đọc được tên nốt trong quãng mà chỉ cần phân biệt được là quãng trưởng hay thứ.  

 Nghe và xác định màu sắc quãng 3 trưởng (3T), 3 thứ (3t):

Độ lớn chất lượng của quãng 3T là 2 cung, quãng 3t là 1,5 cung. Quãng 2 và 3 thuộc nhóm quãng hẹp, phương pháp rèn luyện nghe quãng 3 có thể áp dụng tựa như nghe quãng 2, cụ thể là ban đầu luyện cho sinh viên nghe các quãng 3T và 3t có chung âm gốc hay âm ngọn để phân biệt được màu sắc trưởng hay thứ của các quãng 3. Tương tự quãng 2, chú ý là không nhất thiết sinh viên phải đọc được tên nốt trong quãng mà chỉ cần phân biệt được là quãng trưởng hay thứ.  

Ví dụ số 8:

Tiếp theo, cho nghe quãng 3T và 3t bao quanh một âm đi lên và đi xuống.

Ví dụ số9:

Sau khi sinh viên đã phân biệt được âm hưởng quãng 3 trưởng và 3 thứ được so sánh cạnh nhau như trên thì chuyển sang giai đoạn nghe xác định các quãng 3 trong một giọng cụ thể, pha trộn cả quãng 3 trưởng lẫn 3 thứ và cũng không cần phải đọc được tên cao độ trong quãng. Chẳng hạn như các quãng 3 trong giọng C-dur:

Ví dụ số 10:

Dạng này khó cho nên trước khi luyện các quãng 3 bất kỳ của giọng nên cho sinh viên nghe lại các quãng 3 dựa vào bước lần theo gam, khi nghe cần xác định các quãng nào là 3T, quãng nào là 3t.

 Nghe và xác định màu sắc quãng 4 và quãng 5 trong một giọng cụ thể:

Đây là những quãng thuộc nhóm quãng tương đối rộng, việc nghe xác định có thể sẽ khó hơn so với quãng 2 và 3. Thông thường, với sinh viên chuyên nghiệp, luyện nghe các quãng 4 và 5 bất kỳ là một kỹ năng quen thuộc không quá sức nhưng với sinh viên ĐHSP Âm nhạc Trường ĐH Đồng Tháp thì khó khăn hơn do năng khiếu hạn chế hơn. Vì vậy, nội dung chương trình môn Ký-Xướng âm của Trường ĐH Đồng Tháp chỉ giới hạn luyện nghe loại quãng 4 và 5 trong một giọng cụ thể. Khi luyện nghe các quãng này, cần dựa nhiều vào xướng âm. Trước khi nghe, yêu cầu sinh viên xướng âm các quãng 4 và quãng 5 (đi lên và đi xuống dựa theo gam) trong giọng để nhớ âm hưởng của các quãng. Sau đó, đàn chậm các quãng (đi lên và đi xuống theo gam) để sinh viên nghe và nhắc lại

Ví dụ số 13:

Quãng 4

            Quãng 5

Trong số các quãng trên phần lớn là 4Đ và 5Đ, có một quãng từ bậc IV đến VII là quãng 4 tăng (pha - si), nếu sinh viên đọc tốt xướng âm thì nhận biết được quãng này không khó khăn. Giảng viên chú ý phân tích màu sắc của quãng này, so sánh với 4Đ để sinh viên nhận ra.

Sau khi nghe theo bước lần của gam, có thể cho nghe quãng 4 hoặc 5 bất kỳ trong một giọng cụ thể (như C-dur, G-dur...). Đây là kỹ năng nghe tương đối khó nhưng nghe trong một giọng đã học và luyện qua nhiều giọng thì theo thời gian, sinh viên vẫn có thể thực hiện được. Chỉ cần phân biệt được màu sắc và loại quãng mà không cần xác định tên nốt. Với trường hợp này, phải cho nghe pha trộn quãng 4 với quãng 5 vì phải có hai loại để so sánh. Với sinh viên ĐHSP Âm nhạc Trường ĐH Đồng Tháp chỉ cần cho phân biệt quãng 4Đ với 5Đ:

Ví dụ số 15:

 

 Ghi một chuỗi nốt nhạc

Phương pháp này được thực hiện khi sinh viên đã được luyện từng âm đơn lẻ và quãng. Ở giai đoạn này, mức độ rèn luyện khó hơn, sinh viên phải  nghe nhận biết nhiều âm thanh phát ra cùng một lúc, giúp sinh viên phản xạ nhanh khi nghe một chùm nốt vang lên liên tục. Như vậy, để xác định tốt một chuỗi âm thì cần phải kết hợp sử dụng nhiều kỹ năng.

Khi một chuỗi âm vang lên cần dựa vào những yếu tố để xác định như: Âm chủ, âm ổn định, hợp âm rải, quãng, dựa vào bước tiến liền bậc của các âm phát ra... Ngoài ra, còn phải dựa vào năng lực phán đoán âm thanh và trí nhớ cao độ của sinh viên, đây là yếu tố cốt lõi không thể thiếu khi rèn luyện ghi âm.

Phương pháp đánh đàn của giảng viên cũng vô cùng quan trọng để có thể giúp sinh viên nhận biết tốt khi ghi âm. Khi thực hiện đàn một chuỗi âm, bước đầu giảng viên có thể đàn chậm, với các âm chủ yếu liền bậc (đàn chuỗi âm từ dể đến khó)

Ví dụ số 17:

            Trong ô nhịp số 1, từ âm chủ c1 sinh viên sẽ xác định các âm liền bậc đi lên d1, e1, f1, g1. Trong ô số 2, sinh viên lưu giữ âm vang của nốt g1 ở cuối ô thứ nhất và xác định được nốt g1 ở đầu ô số 2 và căn cứ theo sự di chuyển liền bậc đi xuống lưu giữ âm hưởng cao độ của âm trước để xác định âm sau f1, e1, d1, g1. Với những ô tiếp theo, sinh viên căn cứ vào những yếu tố được nêu trên để xác định tiếp các âm.

Với người học ghi âm, việc xác định cao độ của âm thanh rất quan trọng và tương đối khó, những phương pháp được nêu trên, sinh viên phải trải qua quá trình rèn luyện trong thời gian dài dần dần trở nên quen thuộc thì có thể thực hiện được, lúc này không cần lệ thuộc vào các bước và giai đoạn, chỉ cần nghe thì có thể xác định được ngay.

Việc ghi cao độ là kỹ năng quan trọng rất cần thiết trước khi thực hiện một bài ghi âm hoàn chỉnh. Trong những phương pháp được nêu ở trên, là một phần của nội dung ghi âm. Ngoài ghi cao độ, còn ghi trường độ, tiết tấu, xác định giọng nhịp, điệu thức, màu sắc hòa thanh... Đối với, sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp, với năng khiếu âm nhạc chủ yếu chỉ ở mức trung bình, vì vậy việc ghi âm có những hạn chế nhất định, cần có quá trình rèn luyện sinh viên mới có đạt được những kỹ năng và trở thành kỹ xảo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Phạm Tú Hương (2004), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội

2.    Đỗ Hải Lễ (2001), Lý thuyết cơ bản về Âm nhạc – Giáo trình lưu hành nội bộ (in lần 2)Trường Cao đẳng nhạc họa TW , Nxb Hà Nội

3.    Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb ĐHSP, Hà Nội

4.    Nguyễn Thị Tố Mai - Nguyễn Đắc Quỳnh - Nguyễn Thị Phương Mai - Nguyễn Khải (2015), Tài liệu môn Xướng âm giọng C-dur và a-moll cho hệ ĐHSP Âm nhạc – Lưu hành nội bộ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội

5.    Doãn Mẫn (1980), Phương pháp xướng âm, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

6.    Nguyễn Đắc Quỳnh (1993), Giáo trình xướng âm năm thứ nhất, Trường CĐSP nhạc họa TW, Hà Nội

7.    Nguyễn Đắc Quỳnh (2006), Phương pháp dạy Âm nhạc tập II (phần ký xướng âm), Nxb Giáo dục, Hà Nội

8.    Trịnh Hoài Thu (chủ biên), Nguyễn Thị Tố Mai, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Thị Thu Anh (2011), Phương pháp dạy học Ký Xướng âm trong đào tạo giáo viên âm nhạc phổ thông, Nxb Âm nhạc, Hà Nội

9.    Trịnh Hoài Thu (2013), Lý thuyết Âm nhạc hệ Đại học Sư phạm, Giáo trình lưu hành nội bộ trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội

10.  Phạm Thanh Vân, Nguyễn Hoành Thông (2003), Đọc - Ghi nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

 

______________________________

[*] Lớp Cao học K4 – Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc