Nội san

Gốm Phù Lãng – Bước đi từ thử thách

15 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Thị Bích [*]

     

Làng nghề được xác định là một thành tố kinh tế - văn hóa quan trọng của đất nước, việc gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề không chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân và thay đổi bộ mặt làng xã mà nó còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cả dân tộc. Cần đặt làng nghề trong mối quan hệ với văn hóa - du lịch và các ngành kinh tế khác để đưa ra hướng đi phù hợp cho sự phát triển của làng nghề đó.

Làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ là một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và của cả nước nói chung. Với sự tài ba, khéo léo, óc sáng tạo và tình yêu của người dân nơi đây với đất, những người thợ làng Phù Lãng đã cho ra những sản phẩm gốm đầy tinh xảo mà người dân gọi đó là: “tinh hoa từ đất”. Để có thể biến những khối đất vô tri, nặng nề thành những sản phẩm đầy thẩm mỹ và mang đậm hồn quê hương, dân tộc thì người thợ làm gốm ngoài sự đam mê với nghề còn cần sự nắm bắt nhanh nhạy để ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào trong sản xuất. Một mặt làm tăng năng suất sản phẩm, giảm thiểu sức người, mặt khác nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội, cùng với đó là sự đáp ứng những yêu cầu ngày một cao hơn từ thị trường tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là làm sao để nghề truyền thống của làng có được chỗ đứng thực sự vững chắc trên thị trường, cạnh tranh được với rất nhiều sản phẩm được chế tác bằng các nguyên vật liệu hiện đại mà vẫn bảo đảm giữ gìn những yếu tố văn hóa vốn có của nó, vẫn giữ được vai trò là thành tố quan trọng của nền văn hóa Việt.

Phù Lãng có nghĩa là nổi bập bềnh trên sóng nước. Một vùng đất trũng với những gò đồi đất nổi lên trên sự lô xô chen lấn của nước sông Cầu dâng lên hàng năm trong mùa nước lũ. Trên những đồi gò ấy, người dân tìm thấy những mỏ đất sét tự nhiên rất phù hợp với sản xuất đồ gốm và rồi những lò gốm ven đồi, ven sông cứ hình thành, đỏ lửa và phát triển theo dòng thời gian. Nguyên liệu, đất, củi, than và gốm thành phẩm cứ theo những con thuyền lướt trên sóng  mà đến và đi muôn nơi để làng nghề còn mãi đến hôm nay...

Với Phù Lãng, nghề gốm không chỉ là nguồn thu chính, mà còn là nguồn thu nhập duy nhất của người thợ. Mọi khoản chi tiêu trong sinh hoạt gia đình, xã hội đều từ “gốm” mà ra. So với những người làm nông, người làm gốm vất vả hơn rất nhiều, bù lại, các khoản thu từ sản xuất gốm đã đem lại cho người dân nơi đây một cuộc sống ổn định và sung túc hơn người làm ruộng.

Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trong, thanh nhã và bền đẹp, (Nay màu sắc trang trí đã được tạo mẫu phong phú như màu trắng, màu đỏ, màu đen... được chế từ chất liệu tự nhiên) trong vừa thanh nhã vừa bền đẹp.

Hiện nay sự phát triển gốm Phù Lãng gặp rất nhiều khó khăn và chính những khó khăn chồng chất đang tồn tại đã tác động trực tiếp đến nghề gốm truyền thống Phù Lãng. Nếu như trước đây người Phù Lãng sống chết, ăn ngủ cùng gốm thì giờ đây chỉ còn rất ít lò gốm “sáng lửa và tỏa khói”. Các sản phẩm gốm Phù Lãng ngày nay đa phần là đồ gia dụng cấp thấp được chất lên xe thồ bán dạo phục vụ nhu cầu địa bàn và một vài tỉnh lân cận.

 Việc giảm dần các lò gốm, cùng giá trị kinh tế thấp của sản phẩm đã tác động không nhỏ đến tâm lý người làng nghề đặc biệt là chất lượng sản phẩm. Cùng với sự thu nhỏ làng nghề, gốm Phù Lãng cũng phải đối mặt với thực trạng mất chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng bởi chất lượng mẫu mã sản phẩm.

 Nhiều người tâm huyết với gốm Phù Lãng không khỏi xót xa lo lắng khi chứng kiến gốm Phù Lãng cứ đều đều ra lò song lại theo một quy trình cẩu thả, trượt xa về mặt chất lượng so với các sản phẩm của các nước trong khu vực như: Trung QuốcNhật Bản... Trước kia người Phù Lãng luôn đặt công thức sản xuất: “Nhất xương nhì da, thứ ba dạc lò” hay “Đời cha luyện đất đời con làm đồ” lên hàng đầu. Ngày nay, dưới sức ép của thời hạn hợp đồng, người sản xuất gốm đã không ngần ngại bỏ qua các khâu xử lý kỹ thuật về xương, men gốm... Thậm chí, đất luyện đến đâu được cho vào lò đến đó, các công đoạn chế tạo men, bí quyết của nghệ nhân bị bỏ qua và thất truyền. Sẵn khuôn sẵn mẫu, người thợ chỉ có công việc đắp, nặn... rồi cho vào lò nung bởi vậy mẫu mã hàng hoá ngày càng đơn điệu, thiếu sáng tạo.

 Một vài cơ sở có quy mô lớn, hướng tới mục tiêu sản xuất tạo ra những nét mộc mạc của làng gốm Phù Lãng trên các mặt hàng trang trí, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do chạy theo nhu cầu thị trường lại thiếu hụt đội ngũ nghệ nhân lành nghề nên gốm trang trí phần nhiều là những mẫu sao chép, nhái lại...

 Khi nghề truyền thống không đủ sức mạnh để nuôi sống, lôi cuốn, để người lao động tâm huyết với nghề thì cũng đồng nghĩa với việc mất dần nghệ nhân. Cho đến nay số nghệ nhân còn lại của Phù Lãng nhiều lắm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tre thì cứ già mà măng thì chẳng mọc. Việc đào tạo nghệ nhân, lưu giữ nghề truyền thống, xây dựng một thương hiệu gốm Phù Lãng dường như vẫn là bài toán khó giải mà các cấp có thẩm quyền đang bỏ ngỏ. Và, cũng thật khó mà đòi hỏi sự bình tâm sáng tạo của các nghệ nhân trong bối cảnh thị trường gốm sứ luôn sôi động mà người làng nghề thì vẫn nghèo khó nên không thể dành nhiều thời gian cho các ý tưởng ra đời.

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề luôn là bài toán, là thách thức đồng thời cũng là mục tiêu hướng đến của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, làng nghề trong điều kiện mới, thời kỳ CNH – HĐH đất nước. Các giải pháp tác giả đưa ra dưới đây hi vọng sẽ phần nào đó giúp các làng nghề và những đơn vị liên quan giải quyết được những khó khăn, bất cập đang tồn tại, mặt khác đó cũng là những việc làm cần thiết cho công tác bảo tồn và phát triển làng nghề hiện nay.

Thứ nhất, cơ chế chính sách và nguồn vốn

Ngày 24 tháng 11 năm 2000 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; tiếp đó là Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7 tháng 7 năm 2006 về phát triển ngành nghề nông thôn với các chính sách, chủ trương quan trọng nhằm khuyến khích ngành nghề nông thôn, các doanh nghiệp, làng nghề phát triển. Cần đề ra những chính sách mềm dẻo, có cơ chế thông thoáng, khuyến khích sự đầu tư của các nguồn vốn trong  và ngoài nước vào các hoạt động phát triển du lịch làng nghề, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa tại đây.

Thứ hai, tìm đầu ra cho sản phẩm

Việc tìm kiếm thị trường, dự báo và phân khúc thị trường là những công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng để tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề. Hiện nay, nhiều sản phẩm tại các làng nghề sản xuất ra nhưng lại bị tồn kho không có hướng giải quyết, điều cần thiết trước mắt là tìm thị trường cho các sản phẩm ấy, kích cầu trong nước là giải pháp trước tiên và lâu dài. Cần thiết phải có các khu trưng bày sản phẩm của làng nghề.

Việc ký kết bán hàng độc quyền cho 1 số quốc gia ví như việc làm của cơ sở sản xuất gốm Nhung đang làm với Nhật Bản được xem là hướng đi mới, bền lâu và hiệu quả để các cơ sở sản xuất gốm khác cần học tập và đi theo. Cùng với đó là công tác đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phát triển hoạt động du lịch làng nghề đây là con đường nhanh nhất để đưa khách hàng tới với sản phẩm làng nghề, là biện pháp quảng cáo hữu hiệu nhất và có sức lan tỏa lớn không chỉ đối với người dân đất Việt mà còn với bạn bè thế giới.

Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực

Cần có các biện pháp tôn vinh và gìn giữ các nghệ nhân tài năng như những báu vật của quốc gia, như giữ những giá trị văn hóa dân tộc đang tồn tại trên từng sản phẩm của làng nghề. Ngoài việc truyền nghề, dạy nghề theo lối cầm tay chỉ việc cần phải có các lớp học trong nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả làm nghề trong giai đoạn hiện nay, tạo ra một đội ngũ thợ thủ công có trình độ tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày một cao của xã hội.

Khuyến khích các làng nghề truyền thống tự mở các lớp, trung tâm dạy nghề. Thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm tại các làng nghề nhằm giúp người lao động có thêm các thông tin, cơ hội tìm được việc làm phù hợp với năng lực và đam mê của mình. Kết hợp với các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo mang tính đặc thù như Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp,.... giúp người lao động có cơ hội được tiếp cận với những ứng dụng nghệ thuật, công nghệ để nâng cao trình độ kỹ thuật, bồi dưỡng kỹ năng quản lý doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương dân tộc  trong đó có giáo dục về lòng tự hào và yêu mến nghề thủ công truyền thống, làng nghề truyền thống là rất quan trọng.

Bốn là, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

 “Làng nghề truyền thống được xem là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao gồm trong nó cả nội dung giá trị vật thể và phi vật thể” Phát triển du lịch làng nghề chính là giải pháp tạo xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm của làng nghề thông qua việc tham quan mua sắm của du khách trong các chương trình du lịch làng nghề. Các cơ quan chức năng của Tổng cục Du lịch phải có biện pháp phối hợp quản lý, chỉ đạo giữa địa phương với các công ty lữ hành tiến hành mở tour đến Phù Lãng. Hình thành tuyến du lịch gốm sứ: Hà Nội – Bát Tràng – Phù Lãng (Bắc Ninh) – Chu Đậu (Hải Dương). Tuyến du lịch văn hóa tâm linh – làng nghề ví dụ như: Hà Nội – Đền Đô – Chùa Dâu – gốm Phù Lãng.

   Nghiên cứu về mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, tại khu vực có thể phù hợp với những thị trường khách như: khách du khảo đồng quê, khách du lịch tìm hiểu về làng nghề, khách dã ngoại....; Khai thác các sản phẩm hàng hóa trong vùng (do người dân địa phương sản xuất) phục vụ nhu cầu mua sắm hàng, quà lưu niệm của du khách...

Thứ năm, đầu tư, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật

          Nâng cấp xây dựng hoàn thiện các cơ sở vật chất dọc theo tuyến đường từ Quốc lộ 18 đi vào làng và tới các xưởng sản xuất.  Xây dựng khu tập kết nguyên liệu chung. Tăng cường các dịch vụ vận chuyển thô sơ tại địa phương vào hoạt động du lịch như xe đạp, xe bò, thuyền bè chèo tay… vừa tạo tính gắn kết vừa tạo nét độc đáo của làng nghề.

Thứ sáu,xây dựng thương hiệu cho làng nghề

          Đối với làng nghề truyền thống như làng nghề gốm Phù Lãng thì việc tạo dựng thành công thương hiệu sẽ kéo theo hiệu quả kinh doanh tăng lên và đòi hỏi chất lượng sản phẩm tương ứng để có thể cam kết giữ vững niềm tin nơi khách hàng; thương hiệu chính là kênh quảng cáo hiệu quả nhất, nhanh nhất cho sản phẩm; tránh được những rủi ro trong việc bị mất thương hiệu vào tay các cơ sở sản xuất khác.

Thứ bảy, liên kết, hợp tác bền vững theo thế kiềng ba chân: Nhà thiết kế, sản xuất – Nhà doanh nghiệp – Nhà quản lý

Quá trình liên kết, hợp tác để đưa từ ý tưởng, sáng tạo đến sản xuất rồi tiêu thụ sản phẩm dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp quản lý diễn ra nhuần nhuyễn bao nhiêu thì hiệu quả kinh tế, xã hội của quá trình phát triển nghề thủ công truyền thống càng thuận lợi và tốt đẹp bấy nhiêu.

Thứ tám, chiến lược cạnh tranh

          Cạnh tranh bằng sự khác biêt (differentiation)

Cần xem đây là phương hướng, chiến lược cạnh tranh cơ bản, quan trọng và lâu dài nhất.

Cạnh tranh bằng giá (cost leadership)

Là phương thức quen thuộc của các đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay không nên xem đây là chiến lược cạnh tranh chính.

          Đầu tư tập trung, đúng mực (Investment focus)

Nói tóm lại, làng nghề là tài sản quý giá không chỉ của địa phương nói riêng mà của cả nước nói chung, cần thiết phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại đó. Tuy quan trọng là vậy nhưng, sự quan tâm đầu tư phát triển làng nghề còn chưa được chú trọng, ưu tiên. Những năm gần đây, làng nghề nói chung và làng nghề gốm Phù Lãng nói riêng đang có những bước phát triển đồng đều trên các bình diện về kinh tế - văn hóa – xã hội và môi trường, hướng gần nhất đến sự phát triển bền vững. Đó là tín hiệu vui và là hi vọng cho sự phát triển mạnh mẽ trở lại của các làng nghề Việt trong bối cảnh kinh tế - văn hóa – xã hội hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Trương Minh Hằng (2006), Gốm sành nâu ở Phù Lãng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2.      Lê Văn Hương (2010), Phát triền làng nghề ở Bắc Ninh theo hướng công nghiệp hóa nông thôn, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Địa lý học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

3.      Phạm Trung Lương (2006), Du lịch làng nghề: Thực trạng và định hướng phát triển ở Việt Nam, Tài liệu hội thảo Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC phát triển nghề thủ công địa phương.

4.      Phạm Côn Sơn (2004), Làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội

5.      Đinh Công Tuấn (2015), Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Luận án tiến sỹ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa