Nội san

Quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Hà Tân huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

23 Tháng Sáu 2016

                                                                                       Lê Văn Trung [*]

 

   Di tích, danh thắng có vị trí vài trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Di tích là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích giúp cho con người biết được cội nguồn của dân tộc mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hoá của đất nước và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Chính vì vai trò quan trọng của nó mà Nghị quyết TW 5 khoá VIII đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”.

            Mặt khác, Di tích chứa đựng những giá trị kinh tế to lớn, nếu chúng ta biết khai thác và phát huy những giá trị của nó thì di tích còn là nguồn lực cho phát triển kinh tế, một nguồn lực sẵn có góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế đất nước, của tỉnh nhà nói chung và của địa phương Hà Tân nói riêng.

            Với ý nghĩa đó, trong nhiều năm qua, địa phương Hà Tân chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, di tích và danh thắng nói riêng ở những mức độ khác nhau. Với không gian phạm vi của một xã nhỏ, Hà Tân đã tồn tại hàng chục di tích, trong số những di tích còn lại đến ngày hôm nay có tới 6 di tích đã được công nhận, tu bổ, tôn tạo và rất nhiều di vật, cổ vật đã được bảo vệ. Một số di tích khác đã được kiểm kê bảo vệ, một số lễ hội làng truyền thống đã được gìn giữ và khôi phục, những trò chơi dân gian, phong tục, tập quán đã được phục hồi và phát triển…. Những thành tựu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng cũng như của toàn dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để xây dựng nền văn hóa “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã đề ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế với văn hoá và văn hóa với kinh tế là vấn đề còn nhiều khó khăn, và làm thế nào để bảo tồn và phát huy tốt những giá trị của di tích, danh thắng, biến nó trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là một câu hỏi cần phải có lời giải đáp, là một vấn đề lớn đặt ra cho các nhà quản lý văn hoá ở địa phương trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh những việc đã và đang làm được, công tác quản lý di tích và danh thắng trên địa bàn xã Hà Tân hiện nay còn nhiều mặt hạn chế, chưa khai thác và phát huy hết những giá trị của di tích, danh thắng, và chưa trở thành nguồn lực thật sự trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì vậy, muốn giải quyết tốt vấn đề này đòi hỏi cần phải có những giải pháp mới, hướng đi mới nhằm khắc phục hạn chế trong công tác quản lý di tích, đồng thời phát huy được những giá trị của di tích, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

            Thứ nhất, nhận thức xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các giá trị di sản có vai trò đặc biệt quan trọng. Để có được nhận thức đó, phải có những chính sách đúng đắn dựa trên lợi ích chung của toàn thể cộng đồng. Mỗi khi chính sách đi vào lòng dân thì sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn thể cộng đồng xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Việc nâng cao ý thức cộng đồng phải mang tính đồng bộ, từ cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhận thức của người dân dưới các hình thức như:

-  Nâng cao nhận thức cộng đồng về vị trí, vai trò của di tích đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, với sự phát triển kinh tế của quê hương đất nước và của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng. Sự nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của di tích, danh thắng sẽ hình thành tính tự giác, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ, khai thác di tích, danh thắng và chấp hành nghiêm Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định của nhà nước về bảo vệ Di sản văn hóa.

- Tổ chức tuyên truyền, học tập cho cộng đồng về Luật Di sản văn hóa, Nghị định hướng dẫn thi hành luật và các văn bản dưới luật về việc hướng dẫn thực hiện các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, khai thác di tích, danh thắng, đặc biệt là các chính sách của nhà nước đối với bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, danh thắng. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng làm cho cộng đồng thấy rõ việc gì mình được làm, việc gì không được làm, trách nhiệm, quyền hạn của mình đến đâu đối với di tích, có tác dụng ngăn ngừa các hành vi vi phạm di tích của cộng đồng do không hiểu biết về pháp luật gây ra.

- Việc tuyên truyền, giáo dục phải được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức khác nhau như trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản sách, giáo dục trong nhà trường thông qua các chương trình học tập, các cuộc thi tìm hiểu về di tích, về luật di sản…trong chương trình dạy và học môn lịch sử địa phương, giáo dục công dân hay tổ chức chương trình học ngoại khóa…đưa nội dung bảo vệ di tích vào tiêu chuẩn xem xét công nhận gia đình, làng xã đạt tiêu chuẩn văn hóa; lồng nội dung chương trình tìm hiểu về di sản văn hóa quê hương trong các buổi sinh hoạt của hội người cao tuổi; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, di tích, về danh nhân của quê hương Hà Tân cho các tầng lớp nhân dân mà nòng cốt là thanh niếu niên tham gia… từ đó có thể hình thành nên câu lạc bộ hoạt động về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Thứ hai, Hà Tân còn đang trên đà phát triển, nền tảng phát triển không thể dựa vào những tua du lịch nghỉ dưỡng dài ngày đắt tiền, mà phải dựa vào nguồn du lịch tự nhiên, những di tích, danh thắng của địa phương, những lễ hội văn hóa, khôi phục và phục dựng lại được các trò chơi dân gian trong lễ hội làng truyền thống như đánh đu, đấu vật, đánh cờ người, hát đúm, hát chèo đối đáp. v.v… đồng thời tạo ra các sản phẩm dịch vụ nghỉ ngơi, ẩm thực, những món ăn từ sản vật của Hà Tân như mắm tép, ốc nhồi, những món ăn được chế biến từ đặc sản đồng quê như lươn, thịt dê…để tạo nên sức hút đối với du khách trong và ngoài vùng, những người có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa, phong tục tập quán bản địa, hay những người có những ước muốn về tâm linh thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Thứ ba, ngoài việc hình thành các tua du lịch về văn hóa tâm linh thông qua hệ thống di tích trên địa bàn thì Hà Tân – Hà Trung còn có một nguồn tài nguyên vô cùng quý báu đó là khu bảo tồn thiên nhiên Quốc Gia rừng sến Tâm Quy, một trong hai khu rừng sến còn lại ở khu vực Đông Nam Á có thể khai thác để phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đây cũng là một loại hình du lịch, nếu biết khai thác tốt thì nó sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội tại Hà Tân. Đó là việc hình thành tuyến du lịch leo núi, kết hợp với đường tuần tra bảo vệ, tuyến du lịch này sẽ xuyên qua toàn bộ khu bảo tồn. Du khách sẽ có dịp tham quan các kiểu thảm thực vật rừng sến và toàn bộ cảnh quan ruộng đồng, hồ nước, núi đá, rừng thông, vườn trại, làng lâm nghiệp.v.v…Tạo ra cảnh quan cho khu bảo tồn phục vụ hoạt động du lịch, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn phải tôn tạo lại các vườn hoa quả, làng lâm nghiệp tại hai làng Thọ Lộc và Tâm Quy. Ban Quản lý khu bảo tồn rừng sến và Ban Quản lý di tích trên địa bàn cần có sự phối kết hợp với nhau để hợp tác, hình thành các tua du lịch tâm linh - sinh thái, xây dựng các khu du lịch khang trang, xây dựng những dịch vụ nghỉ dưỡng để đón tiếp du khách….Việc khai thác du lịch từ khu rừng sến Tâm Quy đòi hỏi đầu tư nhiều kinh phí, nguồn ngân sách lớn, phải có sự quy hoạch trước mắt cũng như lâu dài, phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng…..vì thế, cần phải thực hiện việc giao quyền quản lý và khai thác cho các tổ chức, doanh nghiệp để họ đầu tư vốn vào việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác, trong đó Nhà nước chỉ nắm khâu quản lý theo quy định của pháp luật. Đây có thể coi là giải pháp vừa mang tính chủ động trong việc tự quản cũng như trong việc thực hiện phương châm xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích, danh thắng.

Trong thời gian tới, để phát triển du lịch, Hà Tân – Hà Trung cần tập trung khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch và xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, huy động các nguồn lực tại địa phương cũng như của con em xa quê để đầu tư phát triển du lịch tại địa phương, cần có những chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp hay các công ty lữ hành... Bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch; tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch. Dần dần xây dựng Hà Tân không chỉ là điểm dừng chân của du khách trong và ngoài tỉnh mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo đối với du khách trong và ngoài nước, trong đó công tác bảo tồn, tôn  tạo di tích và danh thắng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

 

                                  

 

                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

            1. HĐND-UBND huyện Hà Trung, (2005), Địa chí huyện Hà Trung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

            2. Đỗ Thị Minh Thuý (2003), 60 năm đề cương văn hoá với văn hoá và phát triển ở Việt Nam hôm nay, Viện Văn hoá và Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

            3. Trịnh Minh Đức - Nguyễn Đăng Duy: bảo tồn di tích lịch sử văn hoá;  Bộ Văn hoá thông tin. Hà Nội 1993.

            4. Luật di sản văn hoá,(2001), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa