Nội san

Nghệ thuật diễn xướng hát trống quân Khánh Hà

15 Tháng Sáu 2016

Đào Văn Thực [*]

 

Hát Trống quân là thể loại dân ca giao duyên khá phổ biến ở các làng quê vùng trung du và châu thổ sông Hồng. Hát Trống quân là cuộc hát đối đáp trao đổi tình cảm giữa nam và nữ, đồng thời là cuộc hát thi tài đua trí về những nhận biết và kinh nghiệm trong thiên nhiên, trong lao động, sản xuất, trong sinh hoạt đời sống của nhân dân ta.

Khánh Hà là một xã thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội có 7 thôn (làng) là: Đan Nhiễm, Khánh Vân, Nhị Khê, Hoàng Xá, Đỗ Hà, Liễu Ngoại, Liễu Nội, Vị trí địa lý xã Khánh Hà phía Bắc giáp Xã Đại Áng, phía Nam giáp Xã Hiền Giang và Xã Hòa Bình, phía Đông giáp Xã Nhị Khê, phía Tây giáp Xã Mỹ Hưng và Xã Thanh Thùy, diện tích 481ha, dân số 8.864 người. Nghề nghiệp chính của người dân Khánh Hà là làm nông nghiệp, trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, trồng các cây hoa màu như: ngô, lạc, đỗ, vừng, mía… kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, người dân Khánh Hà còn làm các nghề phụ như: nghề đan mây tre, nghề mộc, nghề xây… Ở Khánh Hà có tục khao vọng, tục mừng thọ, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng, thờ tổ tiên, tục hút thuốc lào, tục nhuộm răng ăn trầu… như nhiều làng xã khác thuộc châu thổ Bắc bộ. Đời sống tâm linh của người dân Khánh Hà khá phong phú, ngoài tín ngưỡng thờ tổ tiên, người dân Khánh Hà còn thờ thần, Phật, thờ Mẫu, thờ thành hoàng làng tại các đình chùa, đền, miếu… Không những là một làng trù phú bởi giỏi nghề trồng lúa, chăn tằm, nổi tiếng nghề làm đồ gỗ, đồ mây tre đan, xây dựng nhà cửa, đền chùa, Khánh hà còn có những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật phong phú như Hát Chèo, Hát Xẩm, đặc biệt là Hát Trống quân.

Trống quân Khánh Hà là lối hát giao duyên vô cùng phong phú về nội dung lời ca, hình thức diễn xướng. Trong quá trình khảo sát, điền dã tìm hiểu Hát Trống quân khánh Hà, chúng tôi được biết, ngày trước ở đây có nhiều hình thức diễn xướng Hát Trống quân như: hát ở giữa sân đình, hát trên bãi cỏ đầu làng, ven đôi bờ sông Nhuệ, sông Tô Lịch, đặc biệt là hát trên thuyền.

1.  Diễn xướng Hát Trống quân ở sân đình

Vào những ngày mùa xuân, mùa thu khi làng mở hội, người ta thường tổ chức Hát Trống quân. Hát Trống quân trong hội làng ở Khánh Hà thường diễn ra sau phần tế thần ở trong đình của các quan viên, cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ, làng tổ chức nhiều trò chơi đánh cờ, chọi gà… và hát Trống quân. Bảy làng (thôn) trong xã Khánh Hà đều có hát Trống quân, các làng đều mời nhau tham dự những cuộc hát này. Cuộc Hát Trống quân ở hội làng được tổ chức bài bản. Người ta chọn những chàng trai, cô gái thường là chưa vợ, chưa chồng khôi ngô, khỏe mạnh, xinh tươi, duyên dáng có giọng hát hay, có tài ứng đối văn thơ. Mỗi nhóm tham gia Hát Trống quân có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu, nữ mặc yếm trắng, yếm đào bên trong, áo cánh nâu bên ngoài, thắt lưng hoa đào, hoa lý, váy nâu, đầu quấn khăn nhung đen. Người ta mang một chiếc thùng gỗ rồi úp ngược trên một tấm gỗ dài ở giữa sân đình, căng một sợi dây mây được xe rất săn trên một chiếc chạc nhỏ bằng gỗ ổi, gim hai đầu dây thật chặt vào tấm gỗ dài có đặt thùng gỗ. Khi hát, mỗi khi bên nam, bên nữ cất lên một câu hát thì gõ vào dây mây điểm nhịp, dây mây tác động vào thùng gỗ tạo ra những tiếng thình thùng thình âm vang cả một vùng không gian rộng khắp sân đình. Lề lối Hát Trống quân ở hội làng hay ở các địa điểm diễn xướng hát của Trống quân Khánh Hà đều tuân thủ theo các chặng:

- Chặng mở đầu, chào hỏi

- Chặng giữa, đố họa, đối đáp tâm tình, xe kết

- Chặng kết, hát hẹn, chia tay.

Hát Trống quân trong hội làng có thi thố, bên nam, bên nữ đưa ra được những câu hát có nội dung hay về một vấn đề nào đó như hiện tượng thiên nhiên, bốn mùa xuân hạ thu đông, hay về cỏ cây hoa lá, tình cảm lứa đôi… mà một bên không đối được thì thua. Giải thưởng cuộc hát rất giản đơn chỉ là tấm lụa hoặc cái khăn, cái áo ..

2. Diễn xướng hát Trống quân ở bãi cỏ đầu làng và trên bờ sông Tô Lịch, sông Nhuệ

Khác với Hát Trống quân ở hội làng được diễn ra giữa sân đình, vào những đêm trăng sáng mùa thu, trai gái các làng trong xã Khánh Hà thường rủ nhau ra các bãi cỏ, trên bở sông Tô Lịch, sông Nhuệ mang một cái thuổng khoét xuống đất một cái hố theo kiểu hình chum, bề ngang miệng hố rộng khoảng 35-40 phân, sâu độ 45-50 phân, đặt một tấm gỗ mỏng lên trên, căng một sợi dây mây hoặc dây chão được xe thật săn trên một chiếc nạng gỗ nhỏ đặt chính giữa tấm gỗ, cột chắc hai đầu dây bằng hai cọc tre xuống đất. Khi hát người ta làm dùi trống là một thanh tre nhỏ, bằng hai ngón tay, dài độ 35-40 phân được mài nhẵn gõ vào sợi dây, dây tác động vào hố tạo nên những tiếng thình thùng thình rất trầm, ấm, âm vang trong lòng đất. Lề lối Hát Trống quân diễn ra trên bãi cỏ đầu làng hay trên bờ sông đều gồm 4 chặng như hát ở sân đình, chỉ khác về cấu tạo chiếc trống. Chiếc trống được khoét dưới đất ở đây người ta gọi là Thổ cổ, tiếng Hán Việt, nghĩa là Trống đất. Mở đầu cuộc hát, đại diện cho bên nam, một chàng trai lấy dùi gõ vào dây trống hát:

Này cô cả, cô hai đấy ơi.

Lạ lùng anh mới tới đây

Chân ướt, chân ráo, chân dầy bùn đen.

Thấy nàng anh muốn làm quen.

Còn ai má phấn, răng đen hỡi nàng? ...

Đại diện bên nữ, lấy dùi gõ vào dây trống hát đáp:

Ở nhà em mới ra đây

Chân ướt, chân ráo, chân dầy bùn khô.

Ở đây có bưởi non ăn

Tìm đâu cho được đào tơ chốn này.

Bưởi non chấm muối đậm đà

Chàng ăn nhớ mãi bưởi làng Khánh Vân ...

Bên nam và bên nữ cứ từng đôi một, thay nhau hát đối đáp hết chặng chào hỏi, khoảng độ nửa canh giờ, thì chuyển sang chặng hát đố họa. Những câu đố họa thường mượn cảnh vật trăng sao, núi sông, hoa lá, cây cỏ để thử tài trí thông minh, bày tỏ tình cảm nam nữ.

3.  Diễn xướng hát Trống quân trên thuyền

 

 

Hát Trống Quân (Nguồn: st)

 

Hát Trống quân trên thuyền ở Khánh Hà, theo tìm hiểu của chúng tôi có lẽ là hình thức diễn xướng dân gian thuộc loại thơ mộng nhất, lãng mạn nhất. Vào những đêm trăng sáng mùa thu, trong khi có các tốp trai gái hát Trống quân ở bãi cổ đầu làng, có tốp hát trên bờ sông thì lại có tốp con trai, con gái ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ thường được để chở lúa, chèo dọc sông Tô Lịch, sông Nhuệ từ đầu làng này đến cuối làng kia, rồi lại quay ngược nhiều vòng, từ chập tối đến tận mờ sáng thì mới kết thúc cuộc hát. Mỗi khi tốp con trai hay tốp con gái cất lên một câu hát thì họ lấy một thanh gỗ nhỏ, gõ vào thành thuyền vừa để lấy nhịp vừa để đệm. Lề lối hát trên thuyền của các tốp con trai, con gái Khánh Hà cũng tuân thủ theo trình tự 4 chặng. Mở đầu, thuyền của đám con trai làng lượn đi lượn lại cạnh thuyền của một đám con gái nào đó hát ướm hỏi:

Này cô cả, cô hai đấy ơi.

Thuyền tình vừa ghé tới nơi,

Khác tình sao chẳng ra chơi với tình.

Đi đâu từ tối chẳng ra

Để chờ, để đợi sương xa lạnh lùng ...

Đáp lại lời chào ướm hỏi của đám con trai trên thuyền muốn đến kết bạn hát, đám con gái ngồi trên thuyền nếu nhận lời thì gõ vào thành thuyền một nhịp trống rồi hát đáp:

Thuyền ai đi ngược về xuôi

Có về Đan Nhiễm (một làng ở xã Khánh Hà) với tôi thì về.

Đan Nhiễm có bóng cây đề

Có sông tắm mát, có nghề chẻ nan

Chẻ nan đan dậm cho ngoan

Mài dao cho sắc vót nan cho đều.

Anh cả, anh hai đấy ơi...

Sau những câu hát chào, đám con gái, con trai trên hai thuyền vừa chèo dọc sông bên nhau, vừa hát những câu đố họa.

Nam hát đố:       Đố em lúa có mấy loài (loại),

Sông có mấy khúc, mây bay mấy tầng?

Nữ hát đáp:       Lúa thì có rất nhiều loài (loại)

Lúa tẻ, lúa nếp, lúa chiêm, lúa mùa.

Sông thì nhiều khúc quanh co,

Sông qua Đan Nhiễm, sông vào Khánh Vân.

Mây bay tầng thấp, tầng cao,

Tầng chờ, tầng đợi trên thuyền (đấy) chàng ơi.

Nữ hát đối:       Đố anh núi có mấy hòn,

Tua rua mấy rễ, trăng tròn mấy hôm?

Nam hát đáp:     Núi thường chỉ có một hòn,

Hai hòn liền cạnh, gọi là núi đôi.

Tua rua chỉ một rễ thôi,

Báo mưa, báo nắng để em làm đồng.

Trăng trời tròn nhất hôm rằm,

Mặt em vừa sáng,vừa tròn hơn trăng.

Những câu hát đố, đáp vừa thử tài trí thông minh, vừa bày tỏ tình cảm của đám con trai, con gái cứ hết câu này sang câu khác, cùng với tiếng cười ròn tan vang khắp dòng sông, say sưa, mê mẩn như vô tận.

Cuộc vui nào rồi cũng có hồi kết, khi trăng nhẹ nhàng, dần dần áp xuống ngọn tre đầu làng thì đám con trai, con gái dừng thuyền giữa dòng sông hát những câu kết chia tay:

Nữ hát:         Bây giờ trời đã sáng rồi

Trăng tròn đã xuống đầu cây tre làng.

Chàng về nhớ tối hôm nay,

Những lời chàng nói, em ghi trong lòng.

Nam hát:        Bây giờ trăng lặn, sao tàn,

Thuyền em ghé bến, lòng anh bồi hồi.

Thà rằng không gặp thì thôi.

Thuyền em ghé bến, anh ngồi đợi ai?

Hẹn em đến tối ngày mai,

Chung thuyền ta hát để thầy mẹ vui...

Qua những câu hát và những lời miêu tả của các nghệ nhân Hát Trống quân chúng tôi vừa trình bày ở trên, đã thể hiện rõ nét tâm hồn, tính cách, trí tuệ, thẩm mỹ, tính nhân văn của người nông dân Việt Nam, mà đại diện là người dân Khánh Hà. Chúng tôi cứ suy nghĩ bâng khuâng với câu nói bao giờ cho đến ngày xưa, mà tiếc nuối.

Có thể nói, lời ca trong Hát Trống quân Khánh Hà có những nội dung chung với nhiều nội dung hát Trống quân ở các địa phương. Nhưng có những nội dung rất riêng, nói về làng quê tươi đẹp của vùng đất này. Âm nhạc trong Trống quân Khánh Hà có những nét tương đồng với Trống quân ở nơi khác, song lại có những nét đặc trưng riêng, biểu hiện của sự thống nhất trong đa dạng của nghệ thuật Hát Trống quân.

Trên đây là một số hình thức diễn xướng Hát Trống quân Khánh Hà, với những nét riêng, độc đáo, đặc sắc, đậm tính nhân văn, Trống quân Khánh Hà là một di sản quý của nhân dân ta.

Người dân xã Khánh Hà tự hào về Hát Trống Quân đã trường tồn trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, giờ đây Hát Trống quân ở Khành Hà đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bởi lớp nghệ nhân từng tham gia Hát Trống quân trong xã thuở trước hầu hết đã mất, hiện chỉ còn lại một số ít, tuổi cao, sức yếu. Nếu không có giải pháp để bảo tồn, phát huy thì sẽ mất hẳn lối hát này.

 

                                              Tài liệu tham khảo

1.   Phạm Lê Hòa (2000), Hát Trống Quân nơi đền hóa Dạ Trạch, Kỷ yếu Hội thảo Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao Hưng Yên.

2.Bùi trọng Hiền (2012), " Hát Trống Quân người Việt", Văn hóa nghệ thuật, (322).

 3. Phạm Minh Hương (2004), Trống quân Đức Bác, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

4. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc