Nội san

Hội hát đúm huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng

23 Tháng Sáu 2016

Phùng Văn Mạnh [*]

 

Thủy Nguyên là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Trong quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng dân cư nơi đây đã lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng, trong đó có loại hình di sản độc đáo là hội hát Đúm.

Hát Đúm là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian nằm trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, khá phổ biến ở vùng châu thổ Bắc Bộ như ở huyện Cát Hải, Kiến Thụy, Đồ Sơn - thành phố Hải Phòng; thị xã Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh; tỉnh Thái Bình…, nhưng ở mỗi vùng, miền, hát Đúm lại mang những nét đặc thù riêng. Hát Đúm ở Thủy Nguyên có nhiều điểm riêng biệt, tiêu biểu hơn cả, được thể hiện trong lối trang phục, âm ngữ, cách hát, các lề lối sinh hoạt văn hóa đi kèm. Hát Đúm Thủy Nguyên tập trung chủ yếu tại tổng Phục Lễ cũ, gồm các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng ngày nay. Hát Đúm ra đời từ quá trình lao động và sản xuất, thể hiện bản sắc văn hóa địa phương, gắn liền với đời sống tinh thần của cư dân vùng đất này qua nhiều thế hệ.

Huyện Thủy Nguyên có diện tích tự nhiên 242,79km2, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Nam giáp huyện An Dương và nội thành Hải Phòng, phía Đông Nam là cửa biển Nam Triệu. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng trên 4km về hướng Bắc, Thủy Nguyên có vị trí liền kề nội thành Hải Phòng, một trong ba trọng điểm thuộc “tam giác du lịch” được xác định của thành phố gồm: Cát Bà, Đồ Sơn và khu vực nội đô. Được thừa hưởng những thuận lợi trực tiếp từ các dạng thức giao thông, đặc biệt là đường bộ, đường hàng không và đường sắt, vị trí của Thủy Nguyên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Huyện là cầu nối giữa Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh với quốc lộ 10 chạy qua; đây là tuyến liên tỉnh quan trọng chạy dọc theo 6 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa; đồng thời giao lộvới nhiều tuyến huyết mạch của cả nước như: Quốc lộ 18, 5A, 1A,... đem lại cho Thủy Nguyên nhiều lợi thế trong giao thương với các tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng, duyên hải Bắc Bộ. Đặc điểm về vị trí địa lý cũng đem lại cho Thủy Nguyên điều kiện thuận lợi nhất định trong việc tiếp nhận, giao thoa, định hình và phát triển bản sắc văn hóa địa phương, trong đó có các loại hình văn hóa phi vật thể của huyện.

Với tư cách là vùng phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc, mảnh đất Thủy Nguyên đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc. Quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã ghi nhận nhiều đóng góp của nhân dân huyện Thuỷ Nguyên trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tiêu biểu là chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, năm 981 và năm 1288. Đến thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân toàn huyện đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước tạo nên truyền thống “Thủy Nguyên quật khởi 25-10”. Trên địa bàn huyện còn bảo lưu một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc. Bên cạnh sự phong phú về số lượng các loại hình di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng, Thủy Nguyên còn hội tụ sự đa dạng giá trị văn hóa phi vật thể với hàng trăm lễ hội, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian và nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu trong số đó phải kể đến hát Đúm tổng Phục.

Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú, Thủy Nguyên chứa đựng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được thể hiện thông qua nhiều phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, các tri thức, kiến thức dân gian, các truyền thuyết, thần phả, thần tích, ca dao, tục ngữ và đặc biệt nhất là hệ thống các lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống,… mang đậm bản sắc địa phương.

So với các địa phương khác thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ, hát Đúm tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) vẫn luôn duy trì được sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Đây vẫn là một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nhất trong những ngày hội Xuân ở các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Sức sống bền lâu của hát Đúm tổng Phục Lễ bởi đây là loại hình ca hát rất dễ tổ chức; gần gũi và phù hợp với điều kiện, nghề nghiệp, trình độ thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân lao động. Họ có thể hát đối đáp với nhau một cách tự do, thoải mái ở mọi nơi, mọi lúc. Dưới chế độ phong kiến, đặc biệt vào giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, ở Thủy Nguyên nói chung, tổng Phục Lễ nói riêng, nhiều người nông dân, ngư dân còn không biết đọc, biết viết; đại bộ phận nhân dân lao động bị mù chữ; một số ít được học cũng chỉ hạn chế ở trình độ thấp nhưng họ lại dễ dàng thuộc được rất nhiều lời hát Đúm được truyền lại từ thế hệ trước bằng hình thức truyền khẩu hoặc trong khi lao động sản xuất trên đồng ruộng, khi đi làm biển, họ nghe bạn bè hát, rồi nhập tâm, ghi nhớ và rồi hát theo.

 

Hội thi hát Đúm  (Nguồn: st)

 

Một nguyên nhân khác khiến hát Đúm còn được duy trì ở Thủy Nguyên, Hải Phòng chính là yếu tố “nội sinh” của nó, biểu hiện ở hình thức, cách thức họ sáng tác các lời ca mới phù hợp với điều kiện sống, điều kiện làm việc của họ. Ngoài những lời ca đã có sẵn được truyền lại từ các thế hệ trước hoặc những câu ca dao được du nhập từ những nơi khác về, trong quá trình thực hành hát Đúm, người dân tổng Phục Lễ còn sáng tác rất nhiều lời ca có nội dung đề cập đến cuộc sống, sinh hoạt và công việc thường ngày. Họ đã dùng những lời ca ấy để trao đổi tình cảm với nhau và cũng qua những nội dung lời ca, họ học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, vốn sống trong công việc làm ăn, trau dồi thêm những kiến thức, hiểu biết về thiên nhiên, về đất nước, về thời tiết, khí hậu, về đời sống, xã hội. Thậm chí, có những lời ca đơn giản chỉ thuần túy phản ánh chuyện làm ăn, công việc đánh cá, làm biển, chuyện đi buôn nhưng lại được người dân địa phương rất thích thú và tán thưởng. Đặc biệt, mặc dù tổng Phục Lễ là địa phương có bề dày về lịch sử hình thành, có truyền thống văn hóa lâu đời nhưng lại không có một loại hình dân ca nào tồn tại lâu bền, có sức sống mạnh mẽ và được người dân địa phương (đặc biệt là những người thuộc lớp trung niên và người cao tuổi) yêu thích như hát Đúm. Phải chăng, đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho hát Đúm ở tổng Phục Lễ vẫn có thể tồn tại được đến ngày nay.

Tuy nhiên, cùng với những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội, yếu tố văn hóa nước ngoài, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đang diễn ra nhanh chóng, tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa tới hệ thống di sản văn hóa đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải tạo lập sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Không gian nghệ thuật hát Đúm đã ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, bởi sự thay đổi trong xu hướng thị hiếu của công chúng nên dần thu hẹp thính giả, các nghệ nhân đã cao tuổi nên hạn chế về khả năng truyền dạy và thiết lập thế hệ kế tục. Hội hát Đúm theo đó cũng mất dần tầm ảnh hưởng trong đời sống hiện đại. Những giá trị văn hóa của hát Đúm chỉ được bảo tồn và lưu truyền trong chính những hoạt động biểu diễn mang đậm tính tập thể và dân gian đặc thù. Do vậy, ở Thủy Nguyên, tiêu biểu có Hội Hát Đúm trong giai đoạn hiện nay càng trở nên bức thiết, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là cư dân vùng có di sản. Hát Đúm là một loại hình nghệ thuật độc đáo của Thủy Nguyên, Hải Phòng nói riêng và của văn hóa Việt Nam nói chung cần được bảo tồn, phát huy. Để Hát Đúm được bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn của nó, chúng ta luôn phải đề ra biện pháp loại hình nghệ thuật này. Song để thực hiện được điều đó cần phải có thời gian lâu dài, nguồn kinh phí lớn, sự nỗ lực của các ban ngành chức năng và của toàn xã hội. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy hội hát Đúm là vấn đề cấp thiết cần thực hiện ngay bây giờ. Chính quyền địa phương cần phối hợp các biện pháp một cách đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của hội hát Đúm Thủy Nguyên.

Thứ nhất, về nguồn lực con người cho bảo tồn và phát huy hát Đúm: Nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, Tăng cường quảng bá hình ảnh hát Đúm.

Thứ hai, về nguồn lực kinh tế cho bảo tồn và phát huy Hát Đúm: Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý di sản, tăng cường việc huy động các nguồn đầu tư, Gắn hát Đúm với du lịch văn hóa địa phương.

Hát Đúm Thủy Nguyên - Hải Phòng, một di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu thổ Bắc Bộ là sản phẩm do những người nông dân tạo ra. Không những là giá trị văn hoá, nghệ thuật, văn học, hát Đúm còn bao hàm cả giá trị lịch sử, bởi thông qua đó giúp ta biết được nền tảng đời sống văn hóa và xã hội của người dân nơi đây đã sản sinh trong quá khứ. Tiếng hát có lúc sôi nổi, khi lại lắng xuống, nhưng một điều chắc chắn rằng, hát Đúm sẽ không bao giờ bị phai mờ trong tâm hồn của mỗi người nơi đây. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của tục hát Đúm trong đời sống ngày nay là việc làm cần thiết đã và đang được các nhà quản lý địa phương quan tâm thực hiện. Hội hát Đúm Thủy Nguyên - Hải Phòng là một trong những di sản văn hóa đặc sắc của Thủy Nguyên nói riêng và của Hải Phòng nói chung. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu riêng có của Hội hát Đúm cần có chiến lược cụ thể hơn để gìn giữ những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của hội hát Đúm.

            Là một di sản văn hóa tiêu biểu, Hội hát Đúm trải qua những chặng đường hình thành và phát triển đến nay đã trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hóa thường niên của nhân dân Thủy Nguyên vào mồi dịp đầu năm mới. Các câu lạc bộ hát Đúm, các nghệ nhân và thế hệ trẻ Thủy Nguyên cùng với lãnh đạo địa phương đã chung tay cùng nhau bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa vốn có của hát Đúm. Tiêu biểu nhất là thông qua Hội hát Đúm để Thủy Nguyên quảng bá hát Đúm đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là một hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả cao trong công tác xúc tiến du lịch. Thông qua đó, lời ca và làn điệu hát Đúm hình thành lên nét đẹp văn hóa trong nhân cách mỗi con người Thủy Nguyên - Hải Phòng nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Đảng ủy, Hội đồng nhân dân - Uỷ ban xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng (2006), Lịch sử xã Phục Lễ, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

2.   Đảng cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thủy Nguyên (1985), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên 1930 -1975, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

3.    Trịnh Minh Hiên (2006), Lễ hội truyền thống tiêu biểu ở Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

4.    Phạm Lê Hoà, Đỗ Lan Phương (2001), “Hát Đúm Thuỷ Nguyên, Hải Phòng”, Văn hoá nghệ thuật (7), tr. 46 - 53.

5.     Phạm Lê Hòa (2009), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6.    Hội đồng nhân dân huyện Thủy Nguyên (2015), Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 – 2016, Hải Phòng.

7.    Phạm Minh Khang (2004), “Nét đặc trưng trong nghệ thuật hát Đúm Thuỷ Nguyên”, Nguồn sáng dân gian (1), tr.32 - 35.

8.    Vũ Loan (2008), Hát Đúm Thủy Nguyên - Hải Phòng, Nxb Văn hóa Thông tin.

9.    Giang Thu, Trần Sản, Phạm Thị Huyền (2003), Tìm hiểu hội mở mặt, hội hát Đúm Hải Phòng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

10.    Phạm Trọng Toàn (2010), “Hát Đúm”, Văn hoá nghệ thuật (316), tr.54 - 114.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa