Nội san

Biện pháp rèn luyện kỹ năng kết hợp hát và tự đệm cho học sinh tại cung Thiếu nhi Hà Nội

27 Tháng Bảy 2016

                                                                                                  Hoàng Thị Ngân[*]

 

Hát và tự đệm hay đệm hát gồm hai phần chính đó là hát và đệm đàn. Học sinh cần thực hiện hai kỹ năng riêng lẻ và tuần tự theo các bước học hát và đệm đàn cơ bản cho tới khi có thể kết hợp hai kỹ năng lại với nhau. Khi hát học sinh cần chú ý thể hiện những đặc điểm như hát rõ lời, hát sao cho hòa quyện với giai điệu đệm, yêu cầu chắc nhịp và chủ động vào nhịp, nếu có khả năng sáng tạo, nhấn nhá khi hát càng tốt, làm cho bài hát thêm sinh động và mới mẻ.

Hiện nay, ở các trường phổ thông hay các câu lạc bộ năng khiếu thường có các ban, nhóm nhạc do học sinh tự thành lập. Các em tự đàn, hát một cách tự tin và các em cũng tự phối bè, hát đệm cho nhóm… Điều này kích thích trực tiếp đến hứng thú, nhu cầu học tập của tất cả các em học sinh, nó như một phong trào phát triển tất yếu của xã hội ngày nay.

Trên thực tế, học sinh lứa tuổi 14 -15 tham gia học tập tại Cung thiếu nhi Hà Nội (CTNHN) là những em đang tham gia tại các lớp thanh nhạc, múa, đàn phím điện tử nên các em đã có những kiến thức, kỹ năng nhất định về bộ môn hát và đàn phím điện tử. Việc kết hợp hai kỹ năng tại lớp đàn phím điện tử là điều kiện cho các em áp dụng những kiến thức đã học vào nội dung mới.

1. Rèn luyện kỹ năng hát

Khi hát, chúng ta khai thác các tính chất của âm thanh một cách cẩn thận và tỉ mỉ hơn khi nói. Muốn hát cho tốt, cần phải tập luyện kỹ hơn là khi nói bình thường. Chính vì vậy, với những người hát chuyên nghiệp như các ca sĩ, giáo viên dạy thanh nhạc… sẽ cần phải luyện thanh theo những mẫu câu nhất định giúp định hình âm thanh, mở rộng âm vực giọng hát, điều tiết hơi thở nhằm đạt hiệu quả cao trong hát. Một số kỹ năng và kỹ thuật hát cần lưu ý như: Khởi động giọng, phát âm, lấy hơi, kỹ năng nghe, gõ đệm, biểu diễn, kỹ năng hát (bao gồm hát đúng giai điệu, lời ca, hát diễn cảm, hát liền tiếng, hát gọn tiếng, hát nhanh, hát chậm, hát to, hát nhỏ…). Kỹ thuật hát liền tiếng, nảy tiếng và hát nhanh…

Ngoài việc chú ý đến khả năng hát thì đệm đàn là yếu tố then chốt cho sự thành công trong việc trình diễn tác phẩm, là điểm tựa để có thể dựa vào đó hát cho đúng với giai điệu và cao độ. Đàn kết hợp, hòa quyện giữa hòa thanh, giai điệu, lời ca và tình cảm của người hát để tạo ra một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Khi sử dụng đàn học sinh cần chú ý học cách điều chỉnh âm điệu và cách tạo âm vang, việc này sẽ giúp tạo nên sự khác biệt rất lớn trong khả năng ca hát. Chính vì vậy việc sáng tạo cách chỉnh âm thanh hay cách chọn tiết tấu phù hợp trong khi đệm sẽ thể hiện được sự sáng tạo về khả năng, năng lực chơi đàn của học sinh.

2. Rèn luyện kỹ năng đệm đàn

2.1. Luyện gam

Theo quan sát của tác giả khi cho học sinh luyện gam, chúng tôi thấy rằng đây là việc làm rất hiệu quả để phát triển kĩ thuật chơi đàn. Việc luyện tập này sẽ giúp ngón tay được linh hoạt, nhanh nhẹn. Hơn nữa, trong quá trình luyện sẽ phát hiện và khắc phục những lỗi chạy ngón khi chơi ở tốc độ nhanh, giúp cho việc sắp xếp ngón tay một cách thuận lợi khi chơi một tác phẩm, người học thường xuyên luyện gam sẽ chơi nhanh hơn những người không thường xuyên luyện tập. Khi chạy gam, học sinh có thể vận dụng vào trong tác phẩm mà mình chơi, vì các tác phẩm âm nhạc được xây dựng trên cơ sở hệ thống gam nên việc luyện gam là việc làm rất quan trọng trong quá trình tập bài.

Giáo viên có thể cho học sinh tập những bài luyện gam từ dễ đến khó theo sự tăng dần các dấu hóa với các giọng trưởng và thứ hòa thanh trong vòng một quãng tám.

Cách 1: Hai tay cùng chạy gam

Cách 2: Tay phải đánh giai điệu, tay trái đánh hợp âm theo vòng hòa thanh T - S - D - (T).

Với các dạng tiết tấu mới, giáo viên cần phân tích cho học sinh hiểu tiết tấu bằng cách chia nhỏ thời gian cho mỗi phách bằng một nhịp đập xuống và một nhịp nhấc lên tương ứng với hai nốt móc đơn, sau đó cho học sinh phân tích và áp dụng tự gõ vào tiết tấu mới.

2.2. Các bài luyện kỹ thuật

Bài luyện dành cho tay trái và tay phải: Với mỗi bài tập dành cho tay trái hay tay phải, giáo viên cần cho học sinh luyện ở cả hai kỹ thuật legato và staccato. Để đạt hiệu quả tốt nhất khi luyện, các em cần đọc nốt và vỡ tiết tấu trước khi tập bài.Tập với tốc độ thật chậm, thật chắc sau đó mới tăng nhanh  dần.

Luyện tập cách chạy hợp âm rải Arpeggio: Luyện hợp âm dải giúp cho học sinh co hoặc doãng ngón tay, phát triển quãng rộng, hẹp khi chạy ngón. Không những thế, chạy appe còn giúp cho việc sắp xếp ngón tay một cách hợp lý, không bị vấp khi đánh những tác phẩm với tốc độ nhanh, tạo sự mềm mại uyển chuyển cho kỹ thuật cổ tay.

Việc luyện ngón thường xuyên sẽ giúp học sinh tập bài mới nhanh hơn và linh hoạt hơn, tránh được nhiều lỗi khi chơi đàn. Chính vì thế, không nên coi nhẹ việc luyện kỹ thuật và cần phải bổ sung những bài tập này vào chương trình học, giúp học sinh có thể rèn được những kỹ năng khi chơi đàn.

2.3. Đệm hát

Thông qua quá trình luyện gam và các bài luyện kỹ thuật, giáo viên cần hướng học sinh đến khả năng ứng dụng vào đệm hát, vì khi chạy các hợp âm dải có thể ứng dụng vào trong các bài đệm như là những câu lót cho giai điệu, tạo màu sắc cho giai điệu. Dựa trên nền tảng đó giáo viên luyện cho học sinh những kỹ năng: khả năng nghe các hòa thanh đơn giản như các gam trưởng và thứ không có dấu hóa, giúp học sinh có thể phân biệt được màu sắc, tính chất, thể loại âm nhạc: hành khúc, ca khúc dân gian, các bài mang tính chất nhẹ nhàng như Ballad, Dance, Country…

Việc rèn luyện cách gõ tiết tấu, tập đệm những tiết tấu cho riêng tay phải và củng cố lý thuyết âm nhạc là rất quan trọng, giúp cho học sinh có được kỹ năng đệm và hệ thống kiến thức âm nhạc mang tính ứng dụng cao. Sau đây là một vài mẫu tiết tấu mà trong quá trình giảng dạy chúng tôi đã dùng mang hiệu quả cao trong việc đệm hát.

Với các bài mang tính chất nhanh vui như nhịp 2/4:

Mẫu 1: C dur

Các bài mang tính chất nhẹ nhàng uyển chuyển như nhịp ¾; 6/8:

Mẫu 2: C dur

Nhịp C (4/4) là loại nhịp phức, tùy vào tính chất của bài nhanh, chậm, vui tươi, sôi nổi hay nhẹ nhàng mà có thể chọn những tiết điệu và những âm hình đệm sao cho phù hợp với tính chất âm nhạc của bài. Tuy nhiên, các ca khúc thiếu nhi thường viết ở hình thức hai đoạn đơn: đoạn 1 thường nhẹ nhàng, đoạn 2 nhanh vui và tươi sáng hơn. Vì vậy, tùy từng tác phẩm mà chúng ta có thể kết hợp các mẫu này với nhau để có được phần đệm sinh động.

Phần nhạc mở đầu:

Cách 1: Đệm theo giai điệu với phần đệm tự động (intro, fill, ending): Có thể nói đây là cách đệm đơn giản nhất, học sinh hoàn toàn sử dụng các chức năng tự động của đàn. Để đệm hát một bài hoàn chỉnh, các em cần chú ý thực hiện đầy đủ các thao tác chỉnh hiệu ứng như chọn tiết tấu, âm sắc, tempo, ghi vào bộ nhớ, chỉnh tông giọng…

Cách 2.  Dạo đầu có sử dụng nét nhạc chủ đạo của bài: Đây là cách chọn nét nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc hay tiết nhạc chủ đạo, có thay đổi cao độ của bài để làm phần dạo đầu. Với cách này, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự lấy phần cao trào, điệp khúc của bài làm phần dạo đầu hoặc có thể lấy nét nhạc nổi trội trong bài để làm câu dạo đầu, câu gian tấu hay nhạc kết bài. Cách đệm này cũng rất phổ biến trong đệm hát thông thường cho học sinh, vì dễ nhớ và không quá phức tạp để tập.Với ưu điểm nổi trội là dễ cảm nhận được đường nét giai điệu quen thuộc của bài, làm cho người hát và người nghe cũng dễ bắt vào giai điệu của bài đệm. Vì vậy, đây là cách mà chúng tôi thường hướng dẫn cho các em khi học cách đệm hát.

Ví dụ: Khúc ca bốn mùa, tác giả Nguyễn Hải.

Cách 3. Dạo đầu bằng câu hát của bài

Dạo giữa/gian tấu: có thể dùng ngay nét giai điệu của câu cuối để làm câu dạo chuyển giữa hai lần hát.

Kiểu 1: giữa nguyên tiết tấu, cao độ, trường độ.

Kiểu 2: thay đổi hình tiết tấu, giữ nguyên cao độ.

2.4. Kết hợp kỹ năng hát và tự đệm

Các bước thực hiện kết hợp kỹ năng hát và tự đệm:

Tìm hiểu và phân tích cấu trúc của bài: Thông thường trong ca khúc thiếu nhi, các bài hát được viết ở hình thức một đoạn đơn hoặc hai đoạn đơn, giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh sau khi cho các em nghe về tác phẩm. Với hình thức hai đoạn thì thông thường phần một là phần mở đầu, âm nhạc mang tính chất nhẹ nhàng, phần hai là phần cao trào với tính chất âm nhạc mạnh mẽ hơn hoặc là trong sáng hơn phần mở đầu.

Nhớ hợp âm và cách đổi hợp âm: Với phần này học sinh cần thuộc thành thạo, tập chuyển hợp âm theo đúng vòng hòa thanh của bài, kỹ năng này cần tập nhiều vì khi kết hợp hát sẽ khó vì vừa tập trung hát, vừa tập trung đàn, vừa nhớ lời ca và giai điệu của bài… Điều đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của bài hát và tự đệm. Học sinh có thể kiểm tra lại phần này bằng cách vừa đệm tay hòa thanh vừa ngân nga hát theo giai điệu để đảm bảo không bị phân tán khi kết hợp hai kỹ năng.

Bước 1: Chọn và chỉnh hiệu ứng của đàn.

Với chức năng điều chỉnh tiết tấu đối với đàn phím điện tử thì học sinh cần chú ý chọn đúng tiết điệu và âm sắc phù hợp cho từng câu, đoạn nhạc nhằm tạo hiệu quả âm thanh như mong muốn. Việc xác định thể loại bài để chọn tiết tấu sao cho phù hợp với tính chất âm nhạc cũng như nội dung của bài là không quá khó, thông thường có một số bản nhạc đã có ghi sẵn hoặc học sinh cũng được nghe giáo viên phân tích về tính chất âm nhạc nên việc chọn tiết tấu và âm sắc là việc có thể thực hiện.

Với âm sắc, học sinh có thể khai thác, sáng tạo pha trộn các tiếng sao cho hay và phù hợp với âm nhạc, các âm sắc cần rõ ràng và sinh động, thể hiện được ý nghĩa, nội dung của tác phẩm.

Bước 2: Gõ âm hình tiết tấu - đọc xướng âm - ghép lời ca với giai điệu (gõ đúng âm hình tiết tấu, gõ phách, nhịp, đọc ký hiệu âm nhạc, đọc được cao độ nốt nhạc…).

Giáo viên hướng dẫn học sinh gõ chính xác 2 âm hình tiết tấu như trên. Sau đó, hướng dẫn đọc xướng âm theo từng tiết nhạc, câu nhạc hoặc theo đoạn (trong trường hợp gặp khó khăn khi đọc cao độ, giáo viên hướng dẫn các em dựa vào gam rải của bài, để có thể đọc được chính xác cao độ của nốt, áp dụng kiến thức tổng hợp của môn xướng âm vào đọc bài mới). Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ năng trên, các em ghép lời ca với giai điệu và âm hình tiết tấu vừa đọc. Với những phần có tiết tấu khó hay lời ca khó nhớ, yêu cầu học sinh đọc xướng âm và ghép đi ghép lại nhiều lần (giáo viên chú ý hướng dẫn học sinh tự tìm và phân tích những tiết tấu, lời ca khó trong bài để sử lý riêng.)

Ví dụ về hình tiết tấu khó trong bài:     

Ở bước này, giáo viên chú ý hướng dẫn học sinh hát kết hợp gõ đúng nhịp hoăc phách hoặc tiết tấu. Vì đây là yếu tố quan trọng, quyết định học sinh hát có đúng giai điệu hay không, khi đúng giai điệu và lời ca thì học sinh có thể, thể hiện cảm xúc khi hát, hát có sắc thái, tình cảm.

Bước 3: Tập riêng hai tay kết hợp ghép lời ca.

Sau khi đã đọc và gõ nhịp, phách, tiết tấu thì học sinh thực hành trên phím đàn, chú ý xác định đúng vị trí nốt tương ứng trên khuông với phím đàn.

Sau khi tập riêng tay phải với những mẫu đệm trên, theo vòng hòa thanh, học sinh tiến hành ghép lời ca với mẫu đệm đã được hướng dẫn.

Bước 4: Củng cố kỹ năng, đây là bước cuối cùng của kỹ năng kết hợp hát và tự đệm. Nếu không thuộc nhuần nhuyễn lời ca của bài hát và không tự tin khi kết hợp hai kỹ năng thì học sinh có thể vừa đàn giai điệu và vừa ngân nga theo giai điệu. Đối với các câu khó cần luyến láy nhiều hoặc các từ có nhiều âm tiết, học sinh có thể nghe lại bài gốc hoặc đàn lại tiết tấu của câu đó sao cho thuộc lòng và nhớ chính xác khi nào cần chuyển hợp âm, giúp cho giai điệu và hòa âm hòa quện với nhau. Đảm bảo thực hiện đúng các bước học hát và đệm hát trước khi kết hợp cả hai kỹ năng.

Hát và tự đệm là một nội dung khá mới mẻ tại Cung thiếu nhi Hà Nội, nhưng nó lại đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của phụ huynh, học sinh. Sự ra đời nội dung này cũng xuất phát từ nhu cầu của xã hội phát triển. Tuy nó chưa tách biệt là một bộ môn riêng, nhưng để đáp ứng theo nhu cầu xã hội, chúng tôi đã phát kiến ra những nội dung, giáo trình lên lớp phù hợp và đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập của các em học sinh đang theo học.

                             TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    B.P. Exipov (1997), Những cơ sở của lý luận dạy học, Tập 2. Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.    Đào Ngọc Dung (2001), Phân tích tác phẩm âm nhạc,Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.    Đào Ngọc Dung (2003), Chùm hoa nắng, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

4.    G.Frarino (1989), Vai trò tiết tấu trong giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em Matxcova, Nxb Xô Viết.

5.    Phạm Thị Hòa – Ngô Thị Nam (2015), Giáo dục âm nhạc - tập I, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

6.    Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.    Cù Minh Nhật (2012), Giúp giáo viên sử dụng tốt đàn phím điện tử trong thiết kế bài giảng, Nxb Âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội.

8.    Xuân Tứ (2004), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

9.    Nguyễn Xuân Tứ (2007), Giáo trình đệm đàn phím điện tử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp giảng dạy Âm nhạc