Nội san

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

21 Tháng Bảy 2016

                                                                        Nguyễn Ngọc Phương [*]

                                                                      

Khu Danh thắng Tây Thiên là di tích cấp Quốc gia đặc biệt thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây không chỉ là một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo lâu đời, một điểm hành hương nổi tiếng trong lịch sử mà còn là một thắng cảnh đẹp. Tây Thiên là một quần thể di tích, danh thắng tổng hợp có đủ các loại hình như: Di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Tại Tây Thiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được.

Trong những năm qua, công tác quản lý Khu Danh thắng Tây Thiên đã được các cấp các ngành quan tâm, đạt được những kết quả quan trọng; nhiều di tích được tu bổ tôn tạo thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình và người sử dụng, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích vẫn còn có những hạn chế, một số nơi để xảy ra hiện tượng tự ý tu bổ hoặc sơn thếp di tích không tuân theo quy định của pháp luật, đưa vào di tích đồ thờ tự không phù hợp với tính chất của di tích làm ảnh hưởng đến việc gìn giữ yếu tố gốc và tính tâm linh của di tích; công tác phát huy giá trị di tích, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường... còn hạn chế. Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, muốn nâng cao chất lượng quản lí Khu Danh thắng Tây Thiên cần có các giải pháp hiệu quả.

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

UBND huyện Tam Đảo cần xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ với những người trực tiếp quản lý di tích hoặc có công đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy các giá trị từ di tích. Huyện cần có chính sách trợ cấp hàng tháng từ ngân sách địa phương đối với người tham gia quản lý di tích do cộng đồng cử ra, đối với các vị thủ từ trông nom di tích. Bởi vì những người trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm hết sức to lớn, không những họ có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn di tích mà còn tham gia giám sát, tổ chức việc tu bổ, khai thác di tích, đảm bảo không làm sai lệch các giá trị vốn có của nó.

2. Đào tạo nguồn nhân lực

Hàng năm, Ban quản lý Khu Danh thắng Tây Thiên cử cán bộ đi học các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về bảo tàng, về quản lý di tích văn hóa (DSVH)… Ngoài ra, đối với những người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích phải được trang bị những kiến thức cơ bản về di tích, về Luật DSVH để họ có điều kiện tham gia bảo vệ, giám sát và phát hiện kịp thời tình trạng tu bổ, tôn tạo sai lệch kết cấu của di tích.

Các cấp các ngành cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, cần gắn đào tạo lý luận tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành với thực hành tại các bảo tàng, di tích nhằm đảm bảo “lý luận đi đôi với thực tiễn”.

3. Biện pháp trùng tu tôn tạo di tích

Đối với Khu Danh thắng Tây Thiên trong quá trình trùng tu tôn tạo di tích đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc khoa học từ khâu khảo sát đến khâu thiết kế cũng như thi công. Có thái độ trân trọng đối với các yếu tố nguyên gốc và các bộ phận của di tích được bổ sung sau này nhưng có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ.

Ban quản lý Khu Danh thắng Tây Thiên, UBND huyện Tam Đảo trước hết phải xây dựng tổ chức có đủ năng lực quản lý dự án. Quan trọng hơn là yếu tố nguồn lực con người được đào tạo chuyên sâu, có khả năng hoạt động độc lập và chuyên nghiệp. Ban quản lý Khu Danh thắng Tây Thiên, UBND huyện Tam Đảo cần sát sao hơn nữa, phân công trách nhiệm cụ thể từng phòng ban đơn vị, gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các quy trình trùng tu tôn tạo di tích. Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan tư vấn, cơ quan giám sát và đơn vị thi công cần tuân thủ các nguyên tắc khoa học trong quá trình xây dựng và triển khai dự án tu bổ di tích.  

Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, giáo dục kiến thức về Luật di sản văn hóa đến từng người, từng gia đình; đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi cố ý vi phạm di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.

4. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong những năm tới, UBND huyện Tam Đảo, Ban quản lý Khu Danh thắng Tây Thiên cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa.

Huyện Tam Đảo và Ban quản lý Khu Danh thắng cần chú trọng công tác phát huy giá trị di tích danh thắng gắn với phát triển du lịch bền vững. Cần xây dựng các chương trình du lịch, tuyến du lịch cụ thể, phong phú đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong tỉnh gắn với Tây Thiên; tổ chức các hoạt động văn hóa tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững; Khuyến khích việc duy trì phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Sán Dìu, các lễ hội truyền thống, bài trừ các hủ tục lạc hậu có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân.

Ban quản lý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu điểm đến, đầu tư kinh phí in ấn tài liệu, xây dựng trang Website quảng bá Khu Danh thắng Tây Thiên… làm tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích.

Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo cần tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư khai khác về tiềm năng vật lực và tài lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Tỉnh cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách về di tích, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt là những quy định của các Luật thuế cho phép các doanh nghiệp, cá nhân được giảm một phần thuế kinh doanh, thuế thu nhập… nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân đó có những đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng tài trợ cho những chương trình nghiên cứu về di tích... Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Cần có những quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, cần chú ý biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có đóng góp thiết thực mà không vì mục đích lợi nhuận. Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.

6. Công tác quản lý nhà nước và vai trò cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, các văn bản về bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dưới nhiều hình thức khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích.

Vai trò của cộng đồng cần được đề cao không chỉ đối với việc bảo vệ các di tích mà còn đối với các loại hình di sản văn hóa khác như lễ hội, nghề truyền thống, các loại dân ca, dân vũ... Chỉ có dựa vào sức mạnh của cộng đồng, chúng ta mới có thể bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa một cách có hiệu quả trong điều kiện hiện nay.

7. Quản lý hoạt động dịch vụ, tài chính

Ban quản lý Khu Danh thắng Tây Thiên phối hợp với các ngành chức năng đảm bảo công tác an ninh trật tự, quy hoạch sắp xếp hàng quán phù hợp, bãi trông giữ xe gọn gàng. Quy hoạch tập trung các hộ kinh doanh dọc tuyến đường từ đền Thỏng lên đền Thượng và đưa các hộ kinh doanh chịu sự quản lý của Ban Quản lý di tích để tạo sự thống nhất và trật tự. Cá nhân, tổ chức chỉ được mở các hoạt động dịch vụ sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản lý.

Các nguồn thu từ tiền tài trợ của các nhà hảo tâm, tiền công đức, tiền cung tiến đảm bảo sự minh bạch và sử dụng có hiệu quả. Nguồn thu công đức tu bổ, xây dựng Khu Danh thắng Tây Thiên cần được trích để lại không quá 5% cho Ban quản lý Khu Danh thắng Tây Thiên để tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, in ấn phiếu thu công đức, trang bị cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp công tác tiếp nhận công đức tu bổ, xây dựng.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về di sản văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa

Huyện Tam Đảo cần thực hiện việc phân cấp, phân công rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH để một mặt, các tổ chức, cá nhân nhận thức và thực thi đúng đắn trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền có căn cứ pháp luật rõ ràng trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

 

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (Nguồn: st)

 

Cần thực hiện có chất lượng và hiệu quả việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp liên ngành, trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về DSVH, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại việc xử lý dây dưa, kéo dài, thậm chí “rơi vào im lặng” hoặc trốn tránh trách nhiệm.

Phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về DSVH. Đồng thời xử lý kịp thời, thích đáng các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về DSVH.

 

                                               TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Hồng Lý (2010) chủ biên, Giáo trình Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

2. Sở Văn hóa, Thông tin Vĩnh Phúc (2007), tập san chuyên đề Di tích Danh thắng Vĩnh Phúc. Xưởng in Ba Nhất.

3. Trường Đại học Văn hóa (1993), Giáo trình Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Xưởng in Trung tâm thông tin Khoa học Kỹ thuật Quân sự.

4. Lê Kim Thuyên, Lê Kim Bá Yên (2008), Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.

5. Hoàng Vinh (1997), Một số vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí văn hóa