Nội san

Hướng dẫn một số thao tác soạn đệm trên đàn phím điện tử cho sinh viên sư phạm âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

05 Tháng Bảy 2016

                                                                  Nguyễn Thị Huyền Trang [*]

                          

Soạn đệm ca khúc là công việc không phải dễ dàng đối với người học đàn phím điện tử. Soạn đệm là sự kết hợp kiến thức của nhiều bộ môn như Nhạc lý, Hòa thanh, Phối khí...  Đối với sinh viên sư phạm âm nhạc thì việc soạn đệm chỉ yêu cầu ở mức độ đơn giản thông qua cách chọn nhạc dạo đầu, nhạc nối, cách đặt hợp âm, chọn voice, chọn style.

Muốn soạn đệm được một ca khúc thì việc đầu tiên phải hướng dẫn cho sinh viên cách tiếp cận văn bản ca khúc (hay còn gọi là bản phổ). Tiếp cận văn bản ca khúc là để hiểu được nội dung, ngôn ngữ và giá trị nghệ thuật của mỗi tác phẩm.

Việc soạn câu đoạn nhạc dạo đầu, câu dạo giữa, câu nối, câu kết, âm hình đệm, tiếp đó là lựa chọn âm sắc, tiết điệu phù hợp cho tác phẩm, đây được coi là khâu khó nhất cũng là khâu quyết định sự thành công của quá trình soạn đệm hát.

+  Chọn âm sắc:

Cách chọn âm sắc (voice) là một trong những yếu tố để làm tăng giá trị nghệ thuật của mỗi bài hát, do đó cần lưu ý 4 vấn đề sau:         

 Đối với những bài hát có tính chất trữ tình, chúng ta nên chọn những âm sắc có tính chất nhẹ nhàng, du dương như tiếng: Piano, Saxophone, Guitar, Violin, Strings, Flute...

Ví dụ :

Những bài hát vùng núi phía Bắc có tốc độ vừa phải như bài Mưa rơi chúng ta chọn âm sắc Clarinet, Strings...

Với những bài hát thiếu nhi và mang yếu tố dân gian có tính chất vùng miền, thì thường sử dụng những âm sắc gần giống với tiếng nhạc cụ đặc trưng của các vùng miền đó. Chẳng hạn, những bài hát viết về Tây Nguyên như bài Niềm vui của em của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng; Em nhớ Tây Nguyên của nhạc sĩ Văn Tấn - Trần Quang Huy... người soạn đệm phải tư duy tiếng Xylophone, Vibraphone, Viber, Marimba... để thay thế cho tiếng đàn đá, đàn T'rưng.

+ Chọn tiết điệu:

Việc chọn tiết điệu (style) cho bài hát được tiến hành sau khi xác định được giọng điệu thức, loại nhịp, tốc độ, âm hình tiết tấu, tính chất âm nhạc của từng thể loại bài hát khác nhau. Những bài hát thông thường được các tác giả sáng tác ở những loại nhịp cơ bản như 2/4, 3/4, 4/4, 6/8 thì có thể ứng dụng nhiều loại tiết điệu khác nhau. Để chọn được tiết điệu phù hợp cho bài hát, giảng viên cần lưu ý cho sinh viên 2 vấn đề sau:

Đối với những bài thường có tiết tấu chủ yếu được biểu hiện bằng các nốt trắng, nốt đen thì đa phần bài hát thường có tốc độ chậm. Trường hợp này, chúng ta nên chọn tiết điệu có tốc độ chậm.

Những bài có tiết tấu chủ yếu thể hiện bằng âm hình nốt móc đơn, nốt móc kép thì bài hát thường có tốc độ nhanh, do đó khi soạn đệm nên chọn tiết điệu có tốc độ nhanh. Trên phương diện lý thuyết thì như vậy, nhưng còn tùy thuộc vào từng bài, đặc biệt phải căn cứ vào chỉ dẫn tốc độ của bài hát do nhạc sĩ quy định để có những phương án cho phù hợp.

Ví dụ :

MÙA XUÂN TÌNH BẠN

(Trích)

Cao Minh Khanh

 

Bài hát này được viết chủ yếu là âm hình những nốt móc đơn với nhịp 2/4, tính chất âm nhạc vui tươi, nên chúng ta chọn tiết điệu (style) Slowphox hoặc Phoxtrol với tốc độ 120 là phù hợp.

+  Đặt hợp âm cho giai điệu:

Khi đặt hòa âm đệm cần phải lưu ý: dù bài hát viết bởi chất chất liệu âm nhạc dân gian của vùng miền, dân tộc nào đi chăng nữa thì vẫn phải luôn dựa trên sức hút của điệu thức. Do đó, vòng hòa thanh chủ yếu được xây dựng trên bậc I - IV - V hoặc trên bậc I - VI - II - V.

 

Ví dụ:

Nhìn vào bài hát có thể thấy ô nhịp đầu tiên (F) được xây dựng trên bậc IV của bài, sang ô nhịp thứ hai là bậc VI (Am), sau đó quay về C (bậc I) tiếp đó quay về bậc II (D), (G) bậc V rồi quay về bậc I (C).

Trục âm phải luôn gắn liền với giai điệu của bài hát, hợp âm phải đặt ở đầu mỗi ô nhịp và căn cứ vào các âm trong gam rải (là âm 1 hoặc âm 3, âm 5) của hợp âm nào đó. Tuy nhiên, đối với sinh viên có khả năng thì giảng viên nên hướng dẫn cho các em có thể dùng hợp những hợp âm song song để thay thế cho những chỗ có sự đảo lộn trật tự của vòng hòa thanh chính như C/Am, E/C#m, D/ Bm...

Trong việc hướng dẫn sinh viên cách soạn đệm, giảng viên cũng cần lưu ý: âm đầu tiên và âm kết thúc của bài hát phải đặt hợp âm chủ để đảm bảo tính ổn định. Đối với những phần kết câu, kết đoạn thường đặt các hợp âm không ổn định như ở bậc IV và V. Trong soạn đệm cho ca khúc có những bài hợp âm được đặt ở phách nhẹ, tuy nhiên hợp âm đó chỉ mang tính lướt nên thường chuyển đến những hợp âm cách chúng một quãng 4 đúng: GC, FB, AD, BE...

+ Soạn nhạc dạo đầu (intro):

Nhạc dạo đầu là yếu tố vô cùng quan trọng giúp người hát xác định được cao độ, tốc độ, nhịp điệu, sắc thái... của bài hát. Nhạc dạo đầu còn hỗ trợ, khơi gợi cho người nghe cảm nhận được nội dung và cảm xúc của bài hát một cách nhanh nhất.

Nhạc dạo đầu có thể viết khoảng từ 4 đến 8 ô nhịp. Câu hay đoạn nhạc có thể nhanh hay chậm, điều này phải phụ thuộc vào tính chất âm nhạc và nội dung của bài hát. Dẫu vậy, nhạc dạo đầu phải thể hiện tinh thần cũng như vai trò của câu dẫn dắt. Để viết câu/đoạn nhạc dạo đầu được tốt, sinh viên cần nhớ một số vấn đề:

Sử dụng vòng hòa âm trong bài (vòng thuận đặc trưng để tiến trình không bị lệch ra ngoài).

Nên lấy giai điệu bài hát rồi cho thêm hoặc lược đi một số nốt để làm cho nét nhạc thêm uyển chuyển, phong phú.

Ví dụ :

Nhìn vào ví dụ trên ta thấy: nhạc dạo đầu của bài hát Tiếng chim trong vườn Bác giai điệu hầu hết được tiến hành theo lối quãng hai và có cùng cao độ, được lấy nét nhạc chính của giọng D dur làm tạo câu dạo, đồng thời nhạc sĩ thêm chùm nốt móc kép trong ô nhịp số 7, cũng như thay đổi âm hình tiết tấu giống như nhịp chiêng của dân tộc Tây Nguyên để tăng thêm tính nghệ thuật trong bài. 

 Nhạc dạo đầu của bài hát được lấy nét nhạc chính của giai điệu, mà trong thành phần của nó có nốt F ô nhịp số 1, nốt C ô nhịp số 4... Sang câu dạo thứ hai, cũng âm hình tiết tấu và nét giai điệu đó được đưa lên quãng 8 thứ hai, đồng thời thêm chùm nốt móc kép, móc tam trong ô nhịp số 5 và những nốt hoa mỹ trong ô nhịp số 9 để tạo sự mềm mại không lặp lại nguyên dạng. Với cách làm như vậy, sẽ giúp người hát cảm nhận được nét nhạc chính và khi hát sẽ không bị lạc giọng, mặt khác còn tạo nên sự phong phú cho câu dạo.

Một vấn đề nữa cần chú ý là: người đệm đàn có thể sáng tạo ra những nét nhạc mới để làm nhạc dạo đầu, nhưng phải phù hợp với bài hát. Câu dạo phải phù hợp với tính chất và tiết tấu của bài. Ví dụ những bài có tiết tấu nhanh hoặc bài có tính chất hành khúc, nên sử dụng những nét nhạc dạo đầu khỏe khoắn, dứt khoát.

+ Soạn nhạc dạo giữa:

Soạn nhạc dạo giữa, giảng viên cần hướng cho sinh viên chú ý tới ba phương án cơ bản sau:

Thứ nhất, thông thường đoạn nhạc dạo giữa thường chọn solo trên phần điệp khúc của bài. Có thể lấy 4 đến 6 (hoặc nhiều hơn) ô nhịp của dạo đầu làm đoạn dạo giữa.

Ví dụ :

Ví dụ trên là đoạn dạo của bài hát Đi học được nhạc sĩ viết sẵn phần nhạc dạo. Tuy nhiên, trong phần soạn đệm chúng tôi soạn thêm 5 ô nhịp để phần dạo phong phú. Do đó nên chọn 4 ô nhịp của tác giả viết sẵn làm câu dạo giữa để giúp người nghe dễ nhớ bài hát hơn.

Thứ hai, với những bài có cấu trúc a, b, a thì có thể viết nhạc dạo theo vòng hòa thanh của phần a hoặc solo trên phần a để hát vào phần b. Đối với những bài có cấu trúc a, b thường đoạn dạo là phần b.

Thứ ba, có thể đặt công năng theo vòng hòa thanh song song để vào phần b của bài hát.

Bài hát Tuổi đời mênh mông được viết ở giọng Ddur, tuy nhiên để  được nét phong phú, có lẽ nên đặt công năng cho đoạn nhạc dạo giữa bằng giọng song song của bài như: D // Bm... và thêm nốt để tạo nên đoạn dạo.

   + Nét nhạc nối cho nốt ngân dài và các ô nhịp nghỉ dài:

Những nốt ngân, nốt nghỉ dài thường được xuất hiện nhiều trong mỗi bài hát. Những nốt ngân dài và nghỉ có thể lên đến vài ô nhịp, thường hay xuất hiện ở cuối câu, hết đoạn, hoặc hết một ý nhạc. Lúc này người soạn đệm cần phải linh hoạt để tạo nên những nét nhạc nối, giúp người hát lấp những khoảng trống, đồng thời định lượng được những số nhịp ngân hoặc nghỉ trong bài. Vấn đề thực hiện soạn các nét nhạc nối có nhiều cách thức khác nhau. Có những nét nối được thực hiện lại y nguyên một nét nhạc vừa kết thúc câu nhạc, hoặc mô phỏng nét nhạc chính thêm nốt có sự thay đổi tiết tấu, hay dùng thủ pháp diễn tấu bằng âm rải các hợp âm trong hợp âm ở cùng thời điểm để tạo nên nét nhạc nối của bài hát.

Bài Reovang bình minh ta thấy, nét nhạc làm câu nối cho đoạn ngân dài được lấy lại giai điệu của ô nhịp số 5.

    + Soạn nhạc kết (ending):

Câu kết có nhiệm vụ tạo nên sự ổn định cho toàn bài hát, mang đến cho người nghe những ấn tượng khó quên. Không những thế, câu kết còn tạo ra cảm xúc mạnh mẽ cho người biểu diễn,

Cũng như câu nhạc dạo đầu và dạo giữa, khi soạn câu kết cũng phải tuân thủ theo vòng hòa thanh và sức hút của điệu thức. Tuy nhiên để bài hát có một đoạn kết ổn định và gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả, ngoài việc câu kết đã được soạn, thì còn một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm, đó là cách hát kết (ending) của người biểu diễn: có thể hát theo lối tự do hoặc đúng theo tiết tấu của bài hát.

Trên đây là các bước cơ bản để soạn đệm một số ca khúc. Các bước soạn đệm đã đề cập chủ yếu từ cách tiếp cận văn bản, chọn tiếng, tiết điệu, đặt hợp âm cho giai điệu, soạn nhạc dạo dầu, dạo giữa, các nét nhạc nối, nhạc kết.

 

                                           TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Hải Lễ (2003), Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Nhà in Khoa học và Công nghệ Hà Nội xuất bản, Hà Nội.

2. Thái Thị Liên (1974), Phương pháp học đàn Piano tập 1, 2, Tài liệu tại Thư viện Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

3. Nguyễn Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Lưu Minh- Phúc Linh (2005), Tuyển tập tác phẩm Việt Nam và Quốc tế cho Accordion và Keyboard- tập 1,2, Trung tâm thông tin- Thư viện Âm nhạc Nhạc viện Hà Nội xuất bản, Hà Nội.

5. Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Tú Ngọc - Nguyễn Thị Nhung - Vũ Tự Lân - Ngọc Oánh - Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam - Tiến trình và thành tựu,Viện Âm Nhạc xuất bản, Hà Nội.

7. Cù Minh Nhật (2015), Học đệm organ tập 1, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

8. Cù Minh Nhật (2015), Học đệm organ tập 2, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

9. Cù Minh Nhật (2015), Học đệm organ tập 3, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

10. Cù Minh Nhật (2010), Organ Thực hành cho học sinh Trung học cơ sở, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc