Nội san

Nâng cao hiệu quả dạy học đàn bầu ứng dụng trên làn điệu chèo

20 Tháng Tám 2016

Trần Thị Huyền Trang [*]

 

Cùng với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa rộng lớn, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Âm nhạc truyền thống Việt Nam hình thành và phát triển gắn liền với những thăng trầm của xã hội, mang đậm bản sắc dân tộc và hơn thế nữa, nó còn mang phong cách riêng của mỗi sắc tộc trên khắp mọi miền đất nước. Cho đến ngày nay, âm nhạc truyền thống vẫn giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền văn hóa nước nhà.

Âm nhạc truyền thống Việt Nam phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc. Cùng một thể loại âm nhạc song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng. Chúng ta có thể nghe những điệu hát ru, những bài đồng dao của trẻ nhỏ, những thể loại trong các nghi thức cúng lễ hoặc trong giao tiếp giữa các thành viên cộng đồng, trong lao động, trong vui chơi giải trí,… Trải qua bao biến thiên, ngày nay chúng ta còn lưu giữ một kho tàng âm nhạc truyền thống với đủ các thể loại từ đơn giản đến phức tạp, nó tồn tại trong những làn điệu dân ca, những bài hát, điệu hò, nhạc cụ,… của từng tộc người.

1. Về Chèo và đàn bầu

Là loại hình nghệ thuật lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, phương pháp nghệ thuật biểu hiện tính cách nhân vật của Chèo bao gồm yếu tố kịch tính, tự sự, tính chất ước lệ và cách điệu. Các tích trò của Chèo chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ dân gian;... và âm nhạc Chèo là một trong những bộ phận cốt lõi tạo nên nghệ thuật sân khấu Chèo. Âm nhạc Chèo gồm hai bộ phận: Hát và đàn. Trong đó, phần hát có nhiều làn điệu, được chia thành các hệ thống khác nhau, như: Sắp, Sa lệch, Đường trường, Sử, Hề, Văn, Hát cách, Bài ca lẻ, làn điệu Huế,...

Với những đặc điểm mang đậm tính dân tộc, Chèo thực sự đã đồng hành cùng tâm hồn và văn hóa của người Việt, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử, Chèo ngày càng khẳng định là một thể loại sân khấu đặc sắc và chiếm phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Đàn bầu, còn có tên gọi “độc huyền cầm”, là loại đàn một dây của người Việt. Âm thanh của đàn bầu gần với âm điệu tiếng nói của người Việt, bởi vậy mà đàn bầu trở thành nhạc cụ được mọi người ưa thích. Âm thanh đó được phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây dựa theo cấu tạo của hộp cộng hưởng.

Trong kho tàng âm nhạc dân tộc, đàn bầu được xem là nhạc cụ độc đáo bởi cấu tạo của nó tuy đơn giản nhưng âm thanh lại rất du dương, tình cảm, trầm lắng và đầy sức quyến rũ. Đàn bầu có thể chơi được những bài dân ca có giai điệu trữ tình, êm dịu, hoặc có tính chất tươi vui, dí dỏm, giai đoạn gần đây còn thể hiện giai điệu của những ca khúc mới, mang tính tươi sáng.

Chèo và đàn bầu là hai hình thức âm nhạc truyền thống tiêu biểu được đưa vào chương trình dạy học tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc trong toàn quốc. Đến nay hai hình thức nghệ thuật này đã có những thay đổi về diện mạo nhằm phù hợp với nhu cầu thưởng thức chung của công chúng, và vì sự thay đổi về cơ chế, chức năng khác nhau.

2. Phương pháp dạy học đàn bầu

Hiện nay, giáo viên dạy đàn bầu thường áp dụng phương thức dạy học trên bản phổ. Về cơ bản, người học tiếp thu và làm khá tốt những thao tác mà giảng viên hướng dẫn. Tuy nhiên, sản phẩm của họ là những bản đàn khô cứng, ít có sự biến hóa một cách linh động trên lòng bản của giai điệu chính. Phương pháp này góp phần chỉ ra được khung bài bản, còn gọi là “lòng bản”; Tuy nhiên, dạy học theo bản phổ có một hạn chế là không lột tả được những nét tinh tế và cái “hồn” của âm nhạc dân gian. Nói chính xác, lối ghi nhạc trên bản phổ sẽ không ghi được một cách tuyệt đối toàn bộ những nốt nhạc mà nghệ nhân thể hiện.

Với tính chất trữ tình mộc mạc, đàn bầu có quan hệ chặt chẽ với thanh điệu, ngữ điệu lời ca. Các kỹ thuật diễn tấu thiên về nhấn nhá như: láy, vỗ, rung, vuốt, luyến,... Vì vậy, khi học đàn bầu phải học ngón đàn, kỹ xảo của tiếng đàn một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, do các bài bản được ghi thành bản phổ nên các làn điệu Chèo không lột tả được hết những kỹ thuật đã nói trên. Từ thực trạng đó, để dạy nhạc cổ hiện nay, cần kết hợp cả phương pháp truyền thống và các phương pháp dạy học mới. Để làm được điều đó, người giáo viên không chỉ cần có ngón đàn giỏi mà còn phải có vốn kiến thức âm nhạc sâu rộng, am hiểu sâu sắc các phong cách âm nhạc dân gian theo từng vùng miền, từng thể loại nói chung, âm nhạc Chèo nói riêng.

Thứ  nhất, dạy học theo bản phổ

Dạy nhạc cụ dân tộc theo bản phổ ký âm có ưu điểm là giúp cho người học dễ nắm bắt được lòng bản, nhưng khó có thể biến hóa theo kiểu dị bản, đó là khiếm khuyết dẫn đến thiếu đi phần hồn của tác phẩm. Tuy nhiên, đứng trên phương diện âm nhạc học, học trên lòng bản là thao tác cần thiết, giúp cho người học có thể đi sâu tìm hiểu được những đặc điểm, của “khung xương” của âm nhạc dân tộc. Do đó, dạy học trên bản phổ là cần thiết cần được thực hiện trong quá trình truyền dạy nhạc cổ trong giai đoạn hiện nay.

Để dạy học theo bản phổ, giáo viên cần kết hợp linh hoạt các phương pháp thuyết trình, thị tấu và thực hành một cách hài hòa. Khi dạy đàn bầu nên hướng cho người học nắm vững lòng bản qua cách xướng âm và ghép lời hát, sau đó mới đến cách đàn. Để hát đúng âm điệu Chèo, cần hướng dẫn cách hát “tròn vành, rõ chữ”, cách ngắt câu văn rõ ngữ điệu, giữ hơi đầy đặn, âm lượng vừa vặn theo ngữ cảnh, biết cách đập nhịp (đảo phách, nghịch phách, Lưu không, Xuyên tâm…).

Thứ hai, phương pháp truyền ngón, truyền nghề

Truyền ngón, truyền nghề là phương pháp truyền thống của cha ông ta đúc kết qua nhiều đời trên nền tảng lòng bản, gọi là phương pháp trực truyền. Để trở thành người truyền nghề, giáo viên phải thực sự vững vàng và điêu luyện về ngón đàn, đồng thời phải nắm rõ năng khiếu, năng lực của người học để có cách dạy sát hợp.

Tính ưu việt của phương pháp truyền thống này là giúp cho người học có thể cảm nhận, nắm bắt được mọi yếu tố của tác phẩm, từ cách tiến hành giai điệu, nhịp điệu đến hơi nhạc, cách luyến láy, cách nhả chữ trong tiếng đàn,… giúp cho người học cảm nhận được những nét tinh tế được thể hiện qua giọng ca, tiếng đàn chứ không bị gò vào khuôn khổ quy chuẩn theo ký hiệu chính xác trên bản nhạc. Tất cả những đặc điểm đó người học chỉ có thể được tiếp thu thông qua tai nghe, mắt thấy trực tiếp từ người thể hiện. Để có thể phát huy tối ưu phương pháp này, giáo viên cần hướng dẫn cho người nắm vững lòng bản và cách ứng tấu thêm bớt, lèo láy, nhằm giúp cho họ biết cách biến hóa phù hợp với ngón đàn của mình.

Thứ ba, truyền bá di sản văn hóa âm nhạc trong dạy học

Để giúp cho người học cảm nhận tốt tính chất của bản nhạc, giáo viên cần thu thập những băng đĩa nhạc cổ do chính các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện. Bên cạnh đó là hệ thống các tư liệu hành văn, tư liệu tĩnh về âm nhạc dân gian có liên quan cũng cần được trang bị cho những người theo học chuyên ngành đặc thù này. Chúng tôi gọi chung cho những tư liệu đó là tư liệu về di sản văn hóa âm nhạc. Đây là một trong những hoạt động cần thiết trong dạy học âm nhạc truyền thống. Khi hướng dẫn nghe và xem các tư liệu âm nhạc này, giáo viên cần thuyết trình, phân tích sự chuyển động của các mô hình luyến, láy, vuốt, vỗ, giật,… cũng như phong cách âm nhạc của Chèo. Đây là những đặc điểm âm nhạc Chèo được tái hiện trên các kỹ thuật của đàn bầu mà bản phổ ký âm không thể hiện rõ.

Sử dụng di sản ứng dụng hỗ trợ trong dạy học, phương pháp thực dùng một cách hữu ích nhất là kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, trực quan) với phương tiện hiện đại (sử dụng máy chiếu, loa đài, Internet trong dạy học, ...). Như vậy, để đẩy mạnh công tác dạy học, giảng viên cần trang bị đầy đủ các loại tư liệu di sản trong quá trình lên lớp nhằm đảm bảo tính khả thi, linh hoạt và hiệu quả. Trong quá trình sưu tầm di sản, cần chú ý tới tính đa dạng về loại tư liệu.

Thứ tư, dạy học đàn bầu ứng dụng trên làn điệu Chèo

Hiện nay, giáo viên thường cho người học vỡ bài từ đầu tới cuối trên bản phổ, sau đó mới sửa kỹ thuật và sắc thái. Cách thực hiện này làm cho họ vỡ bài một cách thụ động, không nắm bắt được một cách vững vàng phong cách âm nhạc dân gian nói chung và nhạc Chèo nói riêng. Theo chúng tôi, để ứng dụng hiệu quả làn điệu Chèo trên đàn bầu, cần phải nắm vững cách xử lý kỹ thuật phù hợp, nắm bắt được đặc điểm của từng thành phần cấu tạo nên làn điệu đó.

Ứng dụng kỹ thuật đàn bầu trên làn điệu Chèo

Như đã trình bày, hệ thống kỹ thuật của đàn bầu khá phong phú, có thể diễn tả được nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Để cho tính chất âm nhạc Chèo được lột tả một cách trung thực trên đàn bầu, cần thiết phải hướng dẫn cho người học một cách khéo léo và kỹ lưỡng về kỹ thuật ứng dụng.

      Nhấn luyến: hoặc

Là một trong những kỹ thuật được sử dụng nhiều trong các bài bản đàn bầu, trong hát Chèo, kỹ thuật này được nhấn vào âm chính của lời ca sau đó mới luyến xuống cao độ liền kề. Để tạo hiệu quả như vậy, phải kéo thẳng cần tăng hoặc giảm tới âm qui định bằng cách gảy ở âm vang chính sau đó dùng tay trái uốn cần đàn lên hoặc xuống đến cao độ của nốt cần luyến tới.

Tuy nhiên, để tạo nên sự mềm mại, duyên dáng cho giai điệu cần phải luyến mềm hơn. Kỹ thuật luyến lúc này được thực hiện bằng cách gảy âm thực sau đó kéo cần đàn từ từ, miết chậm đến cao độ nốt luyến cần đạt. Luyến mềm có thể gặp trong các làn điệu Luyện năm cung, Làn thảm, Đường trường duyên phận,…

Kỹ thuật nhấn (nhấn lên)

Thao tác của kỹ thuật nhấn lên là khi gảy đàn, đồng thời cùng một lúc vừa gảy âm thực (âm dây buông) vừa kéo căng dây đàn bằng ngón cái tay trái đến âm chính. Với phong cách Chèo, kỹ thuật nhấn cần phải thực hiện động tác dứt khoát, còn với phong cách Huế chỉ nhấn vừa tới, kéo cần đàn từ từ, cao độ hơi non so với Chèo.

Kỹ thuật chùng (nhấn xuống)

Kỹ thuật chùng cũng được thực hiện bằng cách kết hợp hai tay cùng một lúc. Vừa gảy âm thực vừa ấn chùng dây đàn bằng ngón trỏ tay trái đến cao độ chuẩn cần đạt, với mục đích tạo ra những âm có cao độ thấp hơn âm vừa gảy mà không thực hiện bằng điểm nút.

Kỹ thuật giật: hoặc

Giật được dùng để tạo những cảm giác đau xót, uất ức, hoặc gây ấn tượng khẩn trương, sửng sốt. Để tạo ngón giật, phải làm căng hoặc chùng dây đàn, sau khi gảy một âm, sử dụng kỹ thuật nhấn nhanh làm âm thanh thứ hai phát ra đột ngột, đến nốt cần giật thì chặn dây lại ngay. Giật thường được dùng từ âm thấp lên âm cao.

Kỹ thuật rung:  

Trong hệ thống kỹ thuật đàn bầu, rung tạo nên tính chất làn điệu rõ nhất. Đây là ký hiệu được dùng để biểu hiện nội dung, tình cảm và tính chất của từng làn điệu. Do đó, phải hướng dẫn cho người học thật kỹ các thao tác thực hiện.

            Kỹ thuật vỗ (đập):

Vỗ là kỹ thuật được dùng để tạo ra âm thanh hãm, ngắt quãng do dao động âm tắt nhanh. Kỹ thuật này dùng tay trái đập nhanh, nhẹ nhưng dứt khoát vào cần đàn, làm cho âm thanh phát ra nghe đứt đoạn như tiếng nấc. Ngón vỗ chỉ sử dụng âm thanh ở điểm nút, thường được dùng ở các nốt nhấn lên hoặc xuống các quãng gần, cũng có thể dùng ở các nốt không nhấn.

            Kỹ thuật láy: 

Láy là một trong những kỹ thuật cơ bản của đàn bầu, được thể hiện bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ liên tiếp làm căng dây đàn lên hoặc chùng dây đàn xuống một quãng 2, nhanh hay chậm tùy thuộc vào tính chất của làn điệu. Láy có vai trò quan trọng trong việc diễn tấu các làn điệu Chèo, thường xuất hiện ở những âm kết câu, kết trổ,...

Kỹ thuật vuốt:

Kỹ thuật này được biểu hiện bằng cách dùng ngón trỏ và ngón cái miết vào cần đàn để tạo độ trượt qua các âm từ cao xuống thấp hoặc từ thấp lên cao, sau đó dừng lại ở âm qui định. Vuốt thực hiện gần giống luyến nhưng trượt qua nhiều cao độ, được dùng nhiều ở những âm đưa hơi.

Thứ năm, ứng dụng dạy theo phần làn điệu Chèo

Khác với các thể loại dân ca khác, trổ hát của Chèo có một lối kết cấu riêng, ngoài thành phần chính là giai điệu của bài ca, còn có các thành phần khác như: Vỉa (mở đầu), Lưu không, Xuyên tâm, Ngân đuôi. Để ứng dụng hiệu quả tính chất làn điệu Chèo trên đàn bầu, phần ứng dụng kỹ thuật nhiều nhất sẽ là phần hát chính, những phần còn lại sẽ tùy thuộc theo phong cách của làn điệu để xử lý tính chất phù hợp. 

Vỉa (mở đầu)

Vỉa là phần dẫn nhập trước khi vào bài hát chính trong Chèo, thường được hình thành bởi một cặp lục bát. Với vai trò quan trọng như vậy, Vỉa là bộ phận làm nên cốt cách làn điệu Chèo.

Trổ

Làn điệu Chèo thường được chia thành nhiều trổ. Thông thường, trổ 1 chứa đựng những đường nét giai điệu chính của làn điệu, trổ 2, 3,... nhắc lại, thay đổi và phát triển. Theo đó, nên phân trổ để hướng dẫn cho người học thực hành.

Lưu không, xuyên tâm

      Lưu không là một câu nhạc bắc cầu từ trổ hát này sang trổ hát khác, hay để kết thúc bài hát... Đặc điểm nổi bật của Lưu không, Xuyên tâm là tiết tấu nhanh, vui, nhiều đảo phách, nghịch phách hơn so với phần hát chính. Do đó, cần luyện riêng Lưu không, Xuyên tâm để làm nổi rõ phong cách âm nhạc của phần này. Đặc biệt, cần đánh rõ nét các tiết tấu đảo phách, nghịch phách làm nổi bật sự tương phản giữa giai điệu phần hát chính và nhịp nghỉ.

Ngân đuôi

Một trong những bộ phận góp phần tạo nên đặc điểm âm nhạc làn điệu Chèo là Ngân đuôi. Khi diễn tấu trên đàn bầu, do Ngân đuôi cũng là một trong những thành phần quan trọng cấu tạo nên tính chất làn điệu Chèo nên để tạo ra âm điệu phù hợp, tương thích với Ngân đuôi, người chơi đàn phải nhuần nhuyễn cách diễn tấu của bộ phận này.

     Với những hình thức nghệ thuật mang tính đặc thù, đòi hỏi sự sáng tạo, nhạy bén, kiên trì, linh hoạt trong phương pháp dạy học. Giai đoạn hiện nay có lẽ phù hợp hơn cả là áp dụng sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống với các phương pháp mới để dạy đàn bầu, mà việc ứng dụng các phương pháp đó trên làn điệu Chèo là một thử nghiệm hiệu quả.

    Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, văn hóa dân tộc cổ truyền đang đứng trước những nguy cơ bị mai một và mất dần theo năm tháng. Hơn bao giờ hết vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật của dân tộc được coi là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Và việc truyền dạy văn hóa dân tộc nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ biết yêu quý, gìn giữ và phát huy vốn cổ truyền dân tộc cũng là một trong những nhiệm vụ trọng điểm.

 

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Trần Bảng (1999), Khái luận về Chèo, Nxb Viện sân khấu.

2.      Hoàng Kiều (1974), Sử dụng những làn điệu Chèo, Nxb Văn hóa.

3.      Phạm Phúc Minh (1999), Cây đàn bầu và những âm thanh kỳ diệu, Nxb Âm nhạc.

4.      Nguyễn Thị Thanh Phương (2004), Âm nhạc sân khấu Chèo nửa cuối thế kỷ 20, Nxb trường ĐHSKĐA.

5.      Nguyễn Thị Thanh Tâm (2005), Bài tập kỹ thuật cho đàn bầu, Nxb Bộ văn hóa thông tin.

6.      Nguyễn Thị Thanh Tâm (1995), Sách học đàn bầu, Nxb Bộ văn hóa thông tin.

7.      Viện sân khấu (1995), Nguyễn Đình Nghị với sự phát triển Chèo, Nxb Sân khấu.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc