Nội san

Phương pháp dạy hát dân ca Nghệ Tĩnh cho học sinh lớp 4 trường tiểu học Cẩm Quang – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh

29 Tháng Tám 2016

Dương Thị Mai [*]

 

Dân ca là những sáng tạo đã có từ lâu đời trong sinh hoạt ca hát của con người. Ở đất nước chúng ta, nguồn dân ca rất phong phú trong từng địa phương, vùng miền, dân tộc. Lòng yêu nước, yêu quê hương một phần cũng gắn bó với lòng yêu dân ca của dân tộc mình. Và dân ca Nghệ Tĩnh là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dân ca Nghệ Tĩnh vẫn luôn tồn tại và ăn sâu vào tâm khảm của biết bao thế hệ trên vùng quê này. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với sự thâm nhập của những trào lưu âm nhạc mới đã ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và khả năng cảm thụ dân ca của các em học sinh, khiến các em dần xa cách, lạ lẫm với dòng nhạc này. Chính vì thế việc tăng cường sự hiểu biết, ham thích hát dân ca trong trẻ thơ luôn được khuyến khích trong công tác giáo dục con người.  Trong chương trình hát nhạc cho tiểu học đã có dân ca, nhưng chúng tôi mạnh dạn tìm bổ sung một số bài dân ca của chính Nghệ Tĩnh cho chương trình học âm nhạc, coi đó như một trong những biện pháp nâng cao tính hấp dẫn của môn học đối với học sinh.

Về khả năng tiếp thu âm nhạc thì học sinh ở lứa tuổi tiểu học rất nhạy cảm với giai điệu bài hát, thích hát, thích nghe nhạc, ham thích và luôn lắng nghe các vấn đề âm nhạc qua những chuyện kể sinh động. Khả năng giọng hát đã phát triển hơn học sinh mẫu giáo nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, tiêu chí chọn bài ở đây cho đối tượng là học sinh tiểu học, mà cụ thể là học sinh lớp 4, là tìm những bài dân ca có lời ca trong sáng, hồn nhiên, nội dung bài hát mang tính giáo dục. Nên chọn những bài có đề tài ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, về cuộc sống lao động của con người, ý chí kiên cường của con người với thiên nhiên, về tình cảm gia đình, làng mạc, về tình đoàn kết cộng đồng, về thiên nhiên, về đạo lý uống nước nhớ nguồn... âm nhạc giản dị, cấu trúc âm nhạc ngắn gọn, phách nhịp rõ ràng, tiết tấu đơn giản, âm vực vừa phải và phù hợp với lứa tuổi tiểu học, không quá rộng, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ hát.

Ở phân môn dạy hát với tiêu chí là các bài hát phải phù hợp với lứa tuổi, lời ca trong sáng, cao độ bài hát phù hợp với tầm cữ giọng hát của các em, cấu trúc ngắn gọn, giai điệu dễ thuộc và đặc biệt là phách nhịp phải rõ ràng để thuận tiện trong việc dạy hát mang tính tập thể nên tôi sẽ lựa chọn một số bài chủ yếu ở thể loại Đồng dao, Hò và hát Giặm. Vì đây là ba thể loại có thể đáp ứng được các tiêu chí kể trên. Hát Ví và hát ru do yếu tố nhịp phách có phần tự do nên tôi hạn chế đưa vào chương trình dạy hát tập thể. Nếu có đưa vào thì rất chú trọng đến phương pháp dạy hát để đảm bảo tính đồng đều của lối hát tập thể. Sau khi phân tích nội dung chương trình phân môn dạy hát, phân tích các yếu tố cấu thành nhạc và lời của các bài Đồng dao, Hò và Giặm, tôi đã chọn một số bài hát như sau:

-“Giặm vè kể” (Người hát: Xuân Năm, ghi âm: Lê Hàm, lời: Thế Kỷ)

- “Hò khoan đi đường” (Người hát: Đức Bằng, ghi âm: Lê Hàm)

-“Hát nói mục đồng ” (Người hát: Cao Danh Giá, sưu tầm và ghi âm Vi Phong)

Khi đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào giảng dạy trong chương trình chính khóa cho học sinh Tiểu học, theo chúng tôi nên lựa chọn bài ngắn gọn, dễ hát, giai điệu đơn giản, dễ nhớ để áp dụng cả phân môn tập đọc nhạc vào trong quá trình dạy hát giúp các em luyện tập về cao độ, tiết tấu và tự thực hành tập đọc nhạc và ghép lời bài hát với yêu cầu đúng cao độ, đúng tiết tấu không có sự hỗ trợ từ giáo viên theo kiểu dạy truyền khẩu. Khi đã lựa chọn được những bài hát dân ca phù hợp, tôi sẽ đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa của trường Tiểu học Cẩm Quang - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh qua một số tiết học tự chọn. Trong chương trình của phân môn tập hát ta thường thấy các bài hát thường là các ca khúc mới, các bài dân ca của các vùng miền và một số các ca khúc nhạc nước ngoài lời Việt. Vì vậy để dạy cho học sinh có khả năng ca hát vừa giới thiệu được các bài hát thuộc thể loại dân ca của chính quê hương các em, quan điểm của chúng tôi là thay thế ca khúc nhạc nước ngoài lời Việt bằng các bài dân ca địa phương.

Sau khi đã chọn được các bài dân ca Nghệ Tĩnh để đưa vào chương trình phân môn học hát, phương pháp dạy hát các bài dân ca rất quan trọng. Bởi có dạy đúng phương pháp thì các em mới tiếp thu được và hát đúng chất dân ca. Để giờ học có hiệu quả, trước hết người giáo viên phải chuẩn bị giáo án bài giảng. Trong giáo án, ngoài việc thiết kế nội dung dạy học với các bước dạy học, giáo viên còn phải dự kiến thời lượng và phương pháp dạy học cho mỗi nội dung của giờ dạy hát. Cụ thể là:

Bước 1:Giới thiệu bài hát . Giáo viên sử dụng phương pháp thuyết trình

Trong phần giới thiệu bài hát này, một yêu cầu bắt buộc là người dạy phải giới thiệu và giải thích được cho học sinh các kiến thức về làn điệu và xuất xứ về thể loại của bài hát dân ca mà các em đang được học.

Ví dụ: Khi dạy cho các em bài “Hò khoan đi đường”, giáo viên cần nói rõ bài hát thuộc thể loại hò và giải thích về làn điệu hò. Hò thường được sử dụng trong lao động sản xuất, người dân xứ Nghệ dùng câu hát để quên đi vất vả, mệt nhọc, động viên tinh thần vượt qua những khó khăn, trở ngại để lao động hiệu quả, năng suất. Hò là loại bài hát hát theo làn điệu có sẵn những câu ca dao với những chữ đệm dô khoan - khoan hỡi hò khoan, hò là khoan… Giai điệu của hò tùy thuộc từng vùng, từng địa phương mà thay đổi. Hò mang tính tập thể mỗi người hò một đoạn rồi những người cùng làm việc hò theo.

Ở Nghệ An - Hà Tĩnh, các nghệ nhân gọi người hò đoạn chính là người kể, người hò đoạn phụ là người xô. Có nhiều loại hò (Hò đường trường, Hò kéo gỗ, Hò khoan đi đường, Hò dô, Hò trên sông, Hò bơi thuyền, Hò kéo lưới…). Những câu hò gần gũi mà quen thuộc như thế đã lưu truyền trong dân gian từ địa phương này sang địa phương khác, truyền tụng từ đời này sang đời khác và trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần, một tài sản vô giá của người dân nơi đây.... Khi dạy cho các em học hát thì cũng cần nói rõ về bài hát đó để các em có được những hiểu biết về thể loại và xuất xứ của các bài hát dân ca trong lao động và sinh hoạt văn hóa của người dân Nghệ Tĩnh.

Tiếp theo đó là giới thiệu về bài hát: Giáo viên dùng lời để giới thiệu vài nét ngắn gọn về bài hát, nội dung của bài hát nói về cái gì, đôi nét về xuất xứ, về tác giả soạn lời mới cho làn điệu mà các em đang học… Cũng có thể giới thiệu bài hát dân ca Nghệ Tĩnh bằng các phương tiện trực quan như xem tranh ảnh, xem băng hình diễn tả nội dung của làn điệu dân ca.

 Bước 2: Nghe hát mẫu. Giáo viên sử dụng phương pháp trực quan sinh động thông qua các hình thức như sau:

 Giáo viên trình bày làn điệu dân ca: Nội dung này khá quan trọng, muốn cho học sinh tập trung và hứng thú với bài hát sắp được học, khi giới thiệu bài hát với học sinh phải thu hút và gây ấn tượng mạnh tới các em, để từ đó các em cảm nhận được cái hay của bài hát và thích học bài hát đó. Đây là khâu khá quan trọng cho nên trước khi dạy các bài hát dân ca Nghệ Tĩnh cho học sinh, các giáo viên cần chuẩn bị trước về bài dân ca đó, phải tập hát trước khi lên lớp. Khi đứng ở lớp, không những phải hát đúng cao độ, tiết tấu, còn phải hát đúng tính chất, sắc thái của bài hát và làm nổi rõ  màu sắc của một bài dân ca xứ Nghệ khi biểu diễn cho học sinh nghe. Giáo viên nên luyện tập vừa hát vừa đàn để biểu diễn cho học sinh vừa nghe vừa cảm nhận. Như thế sẽ gây được ấn tượng mạnh với các em về bài hát mà các em sắp được học.

 Cho học sinh nghe bài dân ca sẽ học qua băng đĩa: Trong số các giáo viên dạy bộ môn âm nhạc ở trường phổ thông, cho dù đã được đào tạo nhưng không hẳn tất cả đều hát hay, hát đúng các bài dân ca. Họ có thể hát tốt các ca khúc mới nhưng khi gặp các bài hát dân ca thì gặp nhiều khó khăn. Nếu không biểu diễn được bài dân ca thật tốt cho học sinh nghe, nên dùng băng đĩa nhạc được sưu tầm để cho học sinh nghe làn điệu dân ca đó.  Yếu tố ban đầu rất quan trọng để tạo cảm hứng đối với học sinh, đối với giờ học.

 Bước 3: Tìm hiểu bài hát, giải thích từ khó. Giáo viên sử dụng phương pháp thuyết trình.

Trước khi học hát, giáo viên giới thiệu và lưu ý cho học sinh về cao độ, trường độ, tiết tấu và các nốt luyến láy trong bài hát. Thang âm chính của bài hát. Đặc biệt cần giải thích các từ ngữ khó trong bài hát, vì các bài hát dân ca Nghệ Tĩnh thường dùng những từ ngữ địa phương của ngày xưa nên khi tiếp xúc với những từ ngữ này  các em sẽ không hiểu được ý nghĩa của từ hoặc câu hát đó. Và trong các bài hát dân ca Nghệ Tĩnh thường có các âm phụ như: Ơ, Hơ, Hò ơ, chứ,... Giáo viên cần nắm bắt và nói rõ hơn cho học sinh hiểu được ý nghĩa và nội dung hàm chứa trong những câu hát dân ca.

Bước 4: Khởi động giọng . Giáo viên sử dụng phương pháp trực quan sinh động kết hợp với phương pháp thực hành, luyện tập.

Thông thường, trước khi cho học sinh hát, giáo viên cần cho học sinh luyện thanh. Đây là bước khá quan trọng, để các em khởi động giọng trước, khi tập hát hiệu quả sẽ cao hơn. Ở các bài hát ca khúc mới thì thường cho các em luyện thanh thang âm của Tây phương, nhưng ở các bài dân ca Nghệ Tĩnh thường giai điệu được viết theo thể ngũ cung, nên cho các em khởi động giọng hát trên thang âm của làn điệu dân ca đó. Cụ thể có thể soạn các mẫu luyện thanh ứng với giai điệu của bài dân ca.

 Bước 5: Dạy hát . Giáo viên sử dụng phương pháp trực quan sinh động kết hợp với phương pháp thực hành, luyện tập.

Khi dạy hát, do có nhiều đối tượng học sinh với khả năng tiếp thu khác nhau, hát đúng cao độ, trường độ đã khó, còn thể hiện tình cảm và các một số chỗ luyến, ngân dài lại càng khó hơn. Điều này yêu cầu người dạy hát cho các em phải là người hát được dân ca Nghệ Tĩnh, có khả năng ca hát và chuyên môn tốt để dạy cho các em.

 Dạy hát dân ca Nghệ Tĩnh cho học sinh, nên tiến hành theo các bước như sau:

 Phân chia bài hát ra thành từng câu ngắn để các em có đủ hơi, không mệt khi tập và khả năng nhớ giai điệu, tiết tấu của từng câu sẽ chắc chắn hơn. Cần chỉ ra cho các em những chỗ khó, những dấu luyến... của từng câu nhạc và những điểm cần lưu ý trong bài hát. Khi tập hát từng câu, người dạy nên cho học sinh đọc xướng âm trước sau đó mới ghép lời bài hát. Những chỗ có nốt hoa mỹ thì khi đọc xướng âm không nên cho các em ghép vội mà khi đã ghép lời hoàn chỉnh rồi giáo viên mới hát mẫu cho các em nghe những nốt hoa mỹ đó, và hát theo. Đối với việc dạy các bài hát dân ca, giáo viên cần phải hát mẫu nhiều hơn để giúp học sinh hát đúng những chỗ khó, tiếng luyến láy, ngân nghỉ, cũng như thể hiện sắc thái đặc trưng của bài dân ca. Sau khi hát mẫu xong kết hợp với phần đệm đàn, giáo viên cho các em hát theo và chỉ huy cho các em hát đồng đều nhau. Sau mỗi câu hát cần lưu ý và sửa sai cho học sinh những chỗ khó mà học sinh hát chưa đúng.

Bước 6: Luyện tập, củng cố, kiểm tra. Giáo viên sử dụng phương pháp thực hành, luyện tập và phương pháp kiềm tra đánh giá.

Sau khi đã học bài hát, cho các em củng cố, ôn luyện làn điệu, bài hát vừa được học. Điều này không chỉ giúp cho học sinh nhanh thuộc bài, hát chính xác mà còn nâng cao kỹ năng thể hiện tình cảm, sắc thái của bài. Cần gọi một vài em hát tốt biểu diễn lại bài hát và giáo viên đánh giá rồi rút kinh nghiệm cho cả lớp. Phần củng cố, luyện tập được lặp đi lặp lại nhiều càng giúp học sinh cảm thụ, hiểu được cái hay của bài hát, làn điệu dân ca mà các em đang hát.

Giáo viên cần chú ý đến việc phân câu hát cho thật hợp lý để khi hát các em dễ hát và nhanh thuộc bài hơn. Khi tập từng câu cho học sinh, giáo viên phải hát ít nhất ba lần để làm mẫu cho các em, sau đó cho các em hát theo đúng tiết tấu và cao độ của từng câu nhạc. Để các em phân biệt được tiết tấu khi không có dòng kẻ phách nhịp, giáo viên cần hướng dẫn và đánh dấu ở bên dưới cho học sinh biết được trọng âm của phách mạnh và phách nhẹ của từng câu nhạc để các em dễ dàng gõ nhịp theo tiết tấu.

Để thực hiện được điều đó, giáo viên tiếp tục cho các em nghe bài hát mẫu ở băng đĩa nhạc để các em hình dung ra được những chỗ ngân nghỉ dài ngắn của bài hát, sau đó hướng dẫn các em ghép mỗi lần hai câu với nhau theo sự chỉ huy của giáo viên và theo trình tự đó cho tới hết bài. Đối với các bài hát có nhịp điệu ngân nga tự do, phách nhịp khồng rõ ràng, khâu chỉ huy của người giáo viên  rất quan trọng, vì học sinh sẽ dõi theo động tác chỉ huy của giáo viên mà hát. Ngoài ra, đối với dạng bài hát này, trong phần củng cố bài học, giáo viên nên gọi từng em đứng dậy trình bày, hiệu quả sẽ cao hơn, các em sẽ hát ngân nghỉ tự do theo cảm nhận của các em khi đã được nghe bài hát.

Như vậy, khi đưa dân ca vào chương trình dạy học phân môn tập hát chúng ta thấy cần có sự đổi mới về phương pháp dạy học để đáp ứng được yêu cầu của đối tượng như: nội dung, tính chất… Điều này giúp các em nắm bắt được kiến thức, hăng say, hứng thú hơn với các bài dân ca xứ Nghệ. Từ đó cũng góp phần nâng cao năng lực sư phạm của giáo viên âm nhạc.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    A.Xô-khốp (Vũ Tự Lân dịch) (1974), Vai trò giáo dục âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2.    Phan Trần Bảng (2000), Phương pháp dạy học Âm nhạc ở trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.    Bộ Giáo dục Đào tạo (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Bộ Giáo dục Đào tạo, Hà Nội.

4.    Nguyễn Tiến Dũng (2013), Nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Âm nhạc tại trường Tiểu học và THCS Hóa Sơn - huyện Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình, Luận văn thạc sỹ; Học viện Âm nhạc QGVN - Học viện Âm nhạc Huế.

5.    Bùi Thị Quỳnh Giang (2013), Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy hát tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu thành phố Huế, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành; Học viện Âm nhạc QGVN - Học viện Âm nhạc Huế.

6.    Lê Văn Hồng - Lê Ngọc Lan (2003), Tâm lý lứa tuổi và tâm lý sư phạm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.    Hoàng Long - Hoàng Lân (1996), Dạy Hát - Nhạc ở trường tiểu học, Nxb giáo dục, Hà Nội.

8.    Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9.    Hoàng Long (2005), Hỏi đáp về dạy học môn Âm nhạc ở các lớp 4,5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10.  Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11.  Lê Thọ Thủy (2001), Thực trạng và những biện pháp nâng cao dạy học môn hát nhạc cho học sinh Tiểu học trường Quảng Tâm - Quảng Xương - Thanh Hóa, Luận văn tốt nghiệp đại học sư phạm âm nhạc, Học viện Âm nhạc QGVN.

12.   Nguyễn Danh Tuyển (2003), Góp phần nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc cho học sinh Tiểu học tỉnh Bắc Giang bằng hoạt động ngoại khóa: Khóa luận tốt nghiệp đại học sư phạm âm nhạc; Học viện Âm nhạc QGVN.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc