Nội san

Dạy học âm nhạc cho học sinh lớp 8 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Võ Văn Kiệt

26 Tháng Tám 2016

Phạm Thị Phượng [*]

 

Ở Việt Nam, giáo dục âm nhạc đã được đưa vào môi trường giáo dục phổ thông từ cấp Tiểu học đến Trung học sơ sở (THCS). Môn âm nhạc đã trang bị cho các thế hệ học sinh những kiến thức quý giá. Đây chính là nền tảng cơ bản, giúp sức tạo nên những nguồn nhân lực cho xã hội trong thời kỳ đất nước hội nhập, chuyển mình trên mọi lĩnh vực. Việc khẳng định vị trí, vai trò của môn học âm nhạc trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay là rất cần thiết. Để đạt được sự hài hòa, toàn diện trong môi trường giáo dục phổ thông, âm nhạc chính là công cụ hữu hiệu nhất giúp học sinh (HS) phát triển trí lực, tâm lực, thể lực, tạo nên đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh.

Vấn đề đổi mới dạy học âm nhạc, nâng cao chất lượng dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động dạy của giáo viên (GV) và hoạt động học của HS cần phải chú trọng nhiều đến PP dạy học cùng với các HĐAN trên lớp thật phù hợp, giúp GV vận dụng, kết hợp nhiều phương pháp (PP) dạy học để truyền thụ, hướng dẫn mọi kiến thức cho HS.

Từ thực trạng công tác giáo dục âm nhạc (GDAN) và dạy học âm nhạc trong các trường THCS hiện nay còn nhiều hạn chế và bất cập nên cần được định hướng, nâng cấp, phát triển, tạo cầu nối chuyển mình đáp ứng sự tiếp nối GDAN cho HS Trung học phổ thông từ sau năm 2015. Trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt là một trường ghép hai bậc học (THCS và THPT), là nơi có địa hình đồi núi xen lẫn các thung lũng ven suối với nhiều dân tộc sinh sống. Nhìn chung, trường còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, cần được quan tâm, đặc biệt là trên lĩnh vực GDAN trong đó, GDAN cho HS cuối cấp cần được chú trọng hơn. Tuy nhiên qua điều tra, quan sát cho thấy tình hình dạy học âm nhạc ở khối 8 còn nhiều hạn chế, trong đó HS lớp 8, đối tượng HS có những đặc điểm tâm sinh lý, thị hiếu âm nhạc thường thay đổi. Có thể nói, đây là lứa tuổi đang phát triển và bộc lộ năng khiếu cá nhân, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật, các hoạt động có tính cộng đồng. Cho nên cần phải giúp HS được tiếp cận với âm nhạc đích thực, nâng cao vốn hiểu biết về nghệ thuật và có thị hiếu âm nhạc đúng đắn, tạo đà cho giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường phổ thông. Hiện nay, dạy học cần phải hướng tới đổi mới PP, hoàn thiện nội dung theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa, xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực. Vì vậy, rất cần đổi mới dạy học âm nhạc, nhằm đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện năng lực và phẩm chất cho HS, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học âm nhạc. Để HS học tốt môn học âm nhạc, cần tìm ra những giải pháp đổi mới dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc, đồng thời định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho HS trong bối cảnh xã hội đương đại.

Từ những vấn đề trên chúng tôi đã nghiên cứu tìm ra một số giải pháp về:  Đổi mới dạy học âm nhạc cho học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt, với quan điểm: Đổi mới trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những ưu điểm của PP dạy học truyền thống cùng các PP dạy học hiện đại, nhằm “làm mới” các PP dạy học âm nhạc. Khai thác, cập nhật những thành tựu khoa học, sử dụng công nghệ thông tin nhằm tạo sức cuốn hút HS say mê học tập môn âm nhạc từ đó đạt hiệu quả cao hơn. Trên cơ sở ấy, chúng tôi tiến hành thực hiện đổi mới PP dạy học âm nhạc đồng bộ ở cả ba phân môn âm nhạc lớp 8 (Học hát; Nhạc lý – Tập đọc nhạc,  Âm nhạc thường thức) đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng phân môn.

Để xây dựng và phát triển năng lực cảm thụ âm nhạc của HS là cả một quá trình học tập, rèn luyện không ngừng. Muốn thực hiện được, nhất thiết HS phải được tiếp cận với âm nhạc đích thực, cũng như được tham gia vào các hoạt động âm nhạc (HĐAN) như ca hát, nghe nhạc, biểu diễn văn nghệ từ đó nâng cao vốn hiểu biết về nghệ thuật và có thị hiếu âm nhạc đúng đắn. Qua tìm hiểu thực trạng dạy học âm nhạc ở khối 8 trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt, chúng tôi muốn giúp GV nhà trường tránh lối dạy “thầy giảng, trò ghi” nhàm chán, thụ động và đổi mới cách soạn bài cho GV. Do đó, việc soạn giáo án trước đây của GV được đổi sang biên soạn, thiết kế “kịch bản” kế hoạch bài học (KHBH) môn học âm nhạc theo hướng tích cực. Đặc biệt, khi đổi mới PP dạy học trên lớp để GV chính là người vừa cung cấp kiến thức, vừa là người tổ chức hướng dẫn, điều khiển có sáng tạo; HS chính là người vừa nhận thức, tiếp thu kiến thức, vừa phải biết sáng tạo, chủ động, phát huy năng lực cá thể để có những hành vi hợp tác với bạn bè và tự điều phối việc học của mình. Đây cũng chính là những căn cứ để từ đó tìm ra giải pháp đổi mới dạy học âm nhạc cụ thể như:

1. Sử dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng

Sự đổi mới này sẽ hỗ trợ đắc lực cho GV trong việc soạn bài giảng trước giờ lên lớp (lúc này tên gọi giáo án được đổi thành KHBH), yếu tố quyết định cho sự thành công của tiết học. Biên soạn, thiết kế tốt “kịch bản” KHBH với sự hỗ trợ của phần mềm PowerPoint, giúp GV chuyển tải toàn bộ nội dung bài học thuận lợi hơn. Bài học trên lớp được truyền thụ cho HS bằng sự hỗ trợ của phần mềm PowerPoint, phần mềm này đóng vai trò là phương tiện dạy học hiện đại.

2. Đổi mới phương pháp dạy học

Trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt, do chưa thống nhất đổi mới về PP dạy học môn âm nhạc một cách triệt để, sự vận dụng sáng tạo các PP dạy học tích cực còn nhiều hạn chế. Hiện tại dạy học âm nhạc ở bậc THCS đã và đang sử dụng các PP như: PP trình bày tác phẩm; PP hướng dẫn thực hành, luyện tập; PP dùng lời; PP trực quan; PP kiểm tra đánh giá vv… những PP này có thể xem như là những PP truyền thống được sử dụng trong dạy học âm nhạc. Cho nên đổi mới dạy học âm nhac của chúng tôi được đề cập đến bằng sự kết hợp giữa PP dạy học tích cực, PP dạy học tương tác; PP sử dụng thiết bị dạy học hiện đại với các PP dạy học âm nhạc truyền thống.  Như vậy, đổi mới ở đây được hiểu là “làm mới” PP dạy của GV và PP học của HS cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý các PP dạy học đã sử dụng trước đó. GV và HS cùng tương tác với nhau ngay từ đầu cho đến kết thúc tiết học, tạo cho giờ học trở nên sinh động hơn, cuốn hút, HS tiếp thu bài tốt và chủ động linh hoạt hơn trong mọi tình huống, cụ thể như:

 Phân môn Học hát

 Trước đây GV thường dạy theo qui trình gồm ba bước: Giới thiệu bài hát và hát mẫu; Dạy bài hát; Luyện tập củng cố, biểu diễn bài hát. Quy trình này, GV chỉ tập cho HS hát từng câu, chưa chú trọng trang bị cho các em những kiến thức âm nhạc liên quan đến bài hát để có thể nắm bắt sâu sắc hơn. GV mới chỉ chú ý dạy, chưa chú ý đến thực hành cùng các HĐAN lồng ghép vào bài học. Chúng tôi đã “làm mới” qui trình các bước dạy hát): Giới thiệu bài hát;Tìm hiểu bài hát; Hát mẫu; Khởi động giọng; Dạy hát từng câu;Luyện tập; Bước đầu tập diễn cảm theo bài hát; Củng cố… Tất cả  các hoạt động được thiết kế sẵn để thể hiện bằng PP sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, trình chiếu trên phần mềm PowerPoint.  Đổi mới này sẽ tạo nên sự sinh động, hiệu quả học tập tốt hơn và còn hỗ trợ cho hoạt động dạy của GV, gợi mở sự hứng thú học cho HS, sự hỗ trợ này là không thể thiếu khi đổi mới dạy Học hát. Các hoạt động dạy học trên lớp được lồng ghép vào hoạt động nghe/nhìn cùng các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến kiến thức bài học, kiến thức nâng cao, phát triển năng khiếu và phát huy tính tích cực tự giác, độc lập của HS.

Phân môn Nhạc lý – Tập đọc nhạc (TĐN)

 Trước đây GV dạy cũng còn nặng về lý thuyết, sử dụng PP thuyết trình giải thích dài dòng, thực hành ít, chưa có PP tích cực để HS rèn luyện các kỹ năng về độ cao, tiết tấu trước khi học bài TĐN, chưa  luyện tập thực hành linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cụ thể nên HS tiếp thu bài một cách thụ động, khó nhớ và căng thẳng. Cho nên nếu đổi mới PP dạy học trong dạy Nhạc lý – TĐN bằng nghe/nhìn; Làm bài tập trắc nghiệm với câu hỏi liên quan bài học; Luyện tiết tấu; Chơi trò chơi âm nhạc… thay cho PP thuyết trình, PP truyền khẩu trước đây. Đổi mới này giúp HS tiếp cận bài học ở dạng thực hành nhiều, tạo điều kiện cho HS hơn khi phải học lý thuyết dài dòng, giảm bớt sự căng thẳng khi lĩnh hội những kiến thức khó hiểu, hoặc cách đọc nhạc theo kiểu “đọc vẹt” của HS khi học TĐN bắt chước theo GV một cách thụ động.

Phân môn âm nhạc thường thức

Với cách dạy trước đây, GV chưa có PP dạy hợp lý, chưa có điều kiện sưu tầm, thu thập tư liệu cho bài dạy, GV chỉ biết đến những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, chuyển tải kiến thức cho HS ở trên lớp bằng tư liệu bài đọc thuộc phạm vi sách giáo khoa.  Trong khi đó việc học ÂNTT đòi hỏi GV phải thực sự tập trung về trí tuệ, thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc để thu thập tài liệu, tranh ảnh, phương tiện nghe/nhìn, đồ dùng dạy học trực quan, mới thu hút được HS. Vì vậy, muốn dạy và học ÂNTT tốt, GV không thể diễn giải, phân tích bằng lý thuyết, chúng tôi đã “làm mới” một vài PP dạy học như: Sử dụng phương tiện trực quan (tranh ảnh), băng đĩa (nghe/ nhìn) theo từng nội dung bài học, kết hợp các PP dạy học truyền thống và PP dạy học hiện đại, PP sử dụng phương tiện dạy học hiện đại, tạo hiệu ứng mới lạ trên PowerPoint để HS tìm hiểu, khám phá, học hỏi và mở rộng vốn hiểu biết về âm nhạc. Từ những PP dạy học hiện đại sử dụng trong dạy học ÂNTT ở đây đã phát huy tính tích cực, tự giác, độc lập của HS, bên cạnh việc dạy học gắn liền với đời sống, xã hội và thực hành. Từ đây  sẽ giúp HS vừa lĩnh hội được kiến thức thông thường, vừa được nghe và cảm thụ âm nhạc, khơi gợi trí tò mò, ham hiểu biết về những điều đã biết, chưa biết, củng cố niềm tin và xây dựng hình thành ý thức vươn lên trong học tập, rèn luyện.

            Như vậy, so với PP dạy cũ, PP của chúng tôi có nét mới, có tính khả thi trong dạy học môn âm nhạc lớp 8. PP dạy học được đổi mới thực sự đã chuyển hướng từ việc chỉ tập trung vào hoạt động dạy của GV sang tập trung vào hoạt động học của HS. Các HĐAN lồng ghép vào các hoạt động dạy học trên lớp phù hợp với đặc thù của từng phân môn, trong đó một số kiến thức liên quan nội dung bài học âm nhạc được HS chuẩn bị trước ở nhà để kết hợp với các hoạt động dạy của GV trên lớp thuận lợi.

Chúng tôi cho rằng,  Đổi mới dạy học âm nhạc cho học sinh lớp 8 ở Trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt với sự kết hợp sử dụng PP dạy học tương tácPP dạy học hợp tác đã giúp HS có cơ hội tiếp cận GV, bạn bè, hình thành thói quen trao đổi, chia sẻ những ý kiến về kiến thức thu/nhận của mình. Đặc biệt, tiến tới HS sẽ được học tập bằng đối thoại, trao đổi, thảo luận để bày tỏ những ý kiến cá nhân về những kiến thức, vấn đề đang cần tìm hiểu. Vì vậy, khi được thảo luận chính là lúc HS được tương tác, với nhau để hợp tác giải quyết những hiểu biết chung về nội dung bài học đang cần quan tâm. Thảo luận nhóm còn giúp HS tiếp thu ý kiến của nhau, chuẩn bị ý kiến phản hồi, chắt lọc, tìm ra những thông tin đúng để điều chỉnh quan điểm, kiến thức của nhóm, lớp và các cá nhân với nhau. Tất cả những đổi mới này đều nhằm hướng đến cấp độ hiểu biết cao hơn, nâng cao dần khả năng nhận thức và khả năng tự diễn đạt bằng chính ngôn ngữ của HS, khác với trước đây chỉ nhắc lại lời trong sách giáo khoa hoặc lời của GV. Đây cũng là cách rèn luyện học cho HS những PP học có hiệu quả khi phải thực hiện bài tập GV đưa ra cần có câu trả lời nhanh và đúng. Mặt khác, hình thức cử đại diện nhóm trình bày sẽ giúp HS biết lắng nghe, tranh luận với nhau (nhóm này đối chứng nhóm kia, nhóm nghe, nhóm nhận xét) đi đến thu/nhận thông tin đúng với nội dung bài tập được giao, tạo môi trường học tập sôi nổi và thân thiện. Sự đổi mới này giúp cho GV âm nhạc cùng HS khối 8 trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt sẽ tự nhìn lại và thấy rõ được tầm quan trọng, vai trò to lớn của GDAN trong nhà trường, từ đó khơi dậy lòng yêu âm nhạc ở lứa tuổi học đường.

 Có thể khẳng định sự đổi mới PP dạy học âm nhạc trên đây qua các tiết dạy thực nghiệm áp dụng PP đổi mới dạy học ở ba phân môn âm nhạc là bước khởi đầu  tạo được môi trường học tập tốt tại trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt. GV âm nhạc trở  nên tích cực, năng động trong giảng dạy và sáng tạo trong thiết kế bài giảng. HS được trao đổi với nhau và có nhiều hoạt động, kích thích tư duy phát triển trí não, rèn luyện được PP học nhóm tích cực, hứng thú học tập và yêu thích môn học âm nhạc hơn. Chúng tôi đã đưa ra giải pháp đổi mới cơ bản về PP dạy học môn âm nhạc cũng như PP học âm nhạc cho HS lớp 8 tại một địa phương miền núi còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Mong muốn nghiên cứu này sẽ đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc đổi mới giáo dục âm nhạc nói chung, cũng như giáo dục âm nhạc cho HS lớp 8 ở trường THCS &THPT Võ Văn Kiệt.

 

Tài liệu tham khảo

1. A.Xô-Khốp (Vũ Tự Lân dịch) (1974), Vai trò giáo dục âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Âm nhạc và Mỹ thuật 6,7,8,9 (tái bản lần thứ 10), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại

học Sư phạm.

4. Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.Trần Bá Hoành (2007), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc