Nội san

Dạy học ca khúc mang âm hưởng ca trù cho hệ đại học sư phạm âm nhạc trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội

14 Tháng Chín 2016

                                            Đinh Thị Phú [*]

 

Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng (do Tổng cục Chính trị trực tiếp chỉ đạo và quản lý) đặt trong hệ thống chung các trường đại học, cao đẳng của Nhà nước là trung tâm đào tạo cán bộ, diễn viên, nhân viên hoạt động trong linh vực văn hoá nghệ thuật của Quân đội ở trình độ Đại học; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, cán bộ, nhân viên nhà văn hoá và hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng cho các đơn vị trong toàn quân.

            Khoa Sư phạm Nhạc - Hoạ trong năm 2015 có 79 SV gồm cả hệ liên thông. Cho đến nay, khoa đã đào tạo được 7 khoá Đại học Sư phạm Âm nhạc. Trong 14 năm đào tạo, sinh viên tốt nghệp hàng năm đạt tỷ lệ khá giỏi (80 %). Đội ngũ giảng viên của khoa Sư phạm Nhạc - Hoạ gồm có 16 giảng viên, trong đó có 8 giảng viên biên chế quân nhân và 8 giảng viên hợp đồng, đều được đào tạo qua trường lớp chính quy Đại học, sau Đại học về chuyên ngànhThanh nhạc. Riêng giảng viên đảm nhiệm bộ môn Thanh nhạc gồm có 3 giảng viên. Tuy trong trường còn có khoa đào tạo chuyên ngành Thanh nhạc chính quy nhưng  giáo viên vẫn không nề hà khi giảng dạy các em khoa sư phạm dù có nhiều vất vả hơn, các giáo viên vẫn luôn nhiệt tình bám lớp, bám trò, nhiệt tình rất năng động và tâm huyết với nghề.

            Sinh viên Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội có đặc thù là được đào tạo và học tập trong môi trường quân đội nên sinh viên rất nghiêm túc và luôn có tính kỷ luật cao.  Nhiều học viên, sinh viên được đào tạo tại nhà trường thành đạt, đạt giải cao trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp, toàn quân và quốc tế.

Bộ môn Thanh nhạc là môn học quan trọng, trang bị cho sinh viên kiến thức về thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn... giúp sinh viên đáp ứng được yêu cầu của nghề Sư phạm âm nhạc, vì đối với sinh viên Sư phạm kỹ năng dạy hát, vở bài hát cho học sinh là điều cần thiết và quan trọng. Chương trình đào tạo dành cho bộ môn Thanh nhạc giúp cho sinh viên nắm được những kỹ thuật cơ bản nhất của việc học hát, rèn luyện tiếng hát ngày càng hay, tự tin hơn khi biểu diễn sân khấu, phân biệt được những tác phẩm Thanh nhạc mang những phong cách khác nhau như:  bài hát dân ca, nhạc nhẹ, ca khúc mang âm hưởng dân gian,... Có khả năng vỡ bài hát, dựng tiết mục đơn ca, hát tập thể, dạy hát tác phẩm Thanh nhạc trong các bộ môn âm nhạc của các trường THCS, Tiểu học...

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập Quốc tế, Việt Nam không những hội nhập về kinh tế mà còn hội nhập cả về văn hóa. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa các dân tộc với nhau đã giúp nền văn hóa Việt Nam ngày càng trở nên phong phú. Nhiều thể loại âm nhạc mới du nhập vào Việt Nam, cổ vũ phong trào yêu âm nhạc trong cả nước, khuyến khích được sự sáng tạo trong âm nhạc… Tuy nhiên, sự giao thoa ồ ạt vào thời điểm công nghệ thông tin, báo mạng phát triển đã dẫn đến xu thế thưởng thức âm nhạc của một bộ phận giới trẻ thay đổi, chuyển hướng sở thích âm nhạc nước ngoài, nhạc trẻ, Hiphop, Rap, Rock… dòng nhạc dân gian dân tộc đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một. Chính vì thế gìn giữ, kế thừa và phát triển những tinh hoa âm nhạc dân tộc là điều cần thiết.

Dòng nhạc dân gian dân tộc - nguồn sữa mẹ vô tận, từ lâu đã được các nhạc sĩ trên thế giới sử dụng để viết lên những tác phẩm giá trị và đầy bản sắc văn hoá. Cũng từ những chất liệu âm nhạc dân gian, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, Bắc Bộ, Ví dặm, Ca trù, Chèo… rất mượt mà, lời ca dung dị, gần gũi dễ đi vào lòng người, phù hợp với xu hướng thưởng thức âm nhạc hiện nay nhưng vẫn giữ được văn hóa dân tộc. Việc dạy và học Thanh nhạc qua những ca khúc mang âm hưởng dân ca nói chung và ca khúc mang âm hưởng Ca trù nói riêng, sẽ góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống âm nhạc dân gian.

Ca khúc mang âm hưởng dân ca và ca khúc mang âm hưởng Ca trù là những tác phẩm âm nhạc được đưa vào trong chương trình giảng dạy Thanh nhạc hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội. Tuy nhiên, số lượng ca khúc mang âm hưởng Ca trù trong chương trình còn ít. Mặt khác, một số giảng viên và sinh viên khi dạy và học ca khúc Việt Nam hay ca khúc mang âm hưởng Ca trù đa phần quan tâm đến chất giọng và âm vực của sinh viên mà chưa đi sâu về đặc điểm âm nhạc của tác phẩm cũng như cấu trúc, giai điệu và lời ca.

Giảng dạy ca khúc mang âm hưởng Ca trù sẽ giúp sinh viên hiểu về giai điệu, lời ca, cấu trúc, cách nhả chữ,… giúp sinh viên rèn luyện về kỹ thuật thanh nhạc. Đặc biệt vận dụng những kỹ thuật hát Ca trù vào trong các ca khúc mang âm hưởng Ca trù sẽ giúp sinh viên đạt được sự tinh tế, nổi bật được âm hưởng Ca trù trong tác phẩm, mặt khác góp phần gìn giữ được nét văn hóa và âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc. Việc tìm hiểu và nghiên cứu giảng dạy ca khúc mang âm hưởng Ca trù là cần thiết và hoàn thiện hơn khung chương trình nội dung dạy học môn Thanh nhạc hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc.

Việc nghiên cứu tổng quan về trường cũng như thực trạng dạy học thanh nhạc, tại khoa Sư phạm Nhạc - Hoạ Trường Đại  học Văn hoá Nghệ thuật Quân Đội, chúng tôi đúc rút được những vấn đề cần bổ sung vào việc giảng dạy bộ môn Thanh nhạc nói chung và dạy học ca khúc mang âm hưởng Ca trù nói chung như sau:

Trường ĐHVHNT Quân Đội là cơ sở đào tạo có quy mô, chuyên nghiệp. Môi trường làm việc học tập có tính kỹ cương kỹ luật quân đội, giáo viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Sinh viên được đào tạo và được tổ chức thực hành biểu diễn nên rất thuận lợi trong việc học... Cơ sở vật chất luôn luôn được nhà trường đầu tư tạo điều kiện đầy đủ trang thiết bị cho việc dạy và học. Tuy nhiên, khả năng thanh nhạc của sinh viên khoa Sư phạm Nhạc - Hoạ vẫn còn nhiều hạn chế, khả năng thanh nhạc mỗi sinh viên không đồng đều, chất giọng đặc trưng vùng miền, chưa qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp... Việc dạy hát ca khúc mang âm hưởng ca trù chưa được quy định cụ thể, một số giáo viên vẫn chưa chú trọng về các kiến thức bổ trợ về nghệ thuật Ca trù cũng như kỹ thật hát ca trù... 

 Là thể loại âm nhạc dân gian có từ lâu đời và đã được rất nhiều các nhà khoa học nghiên cứu, nghệ thuật Ca trù cũng rất phong phú và độc đáo. Khi nghiên cứu về ca trù, có thể nhận thấy một số đặc điểm tiêu biểu của Ca trù như: Là loại hình nghệ thuật cổ truyền của người Việt có từ lâu đời; Là môn nghệ thuật dân gian mang tính bác học; Là loại hình nghệ thuật trong tín ngưỡng dân gian; Là loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cao. Khi học ca khúc mang âm hưởng Ca trù, sinh viên cần biết những đặc điểm tiêu biểu của ca trù, kỹ thuật hát trong Ca Trù làm cơ sở thực hành, vận dụng vào việc xử lý tác phẩm mang âm hưởng Ca trù.

Khi diễn xướng Ca trù cũng cần am hiểu những kỹ thuật như: Kỹ thuật hơi thở; Kỹ thuật kiến đổ hạt; kỹ thuật rung; Kỹ thuật hát âm ngậm, hát tròn vành rõ chữ… Ca khúc mang âm hưởng Ca trù được các nhạc sĩ vận dụng vô cùng khéo léo khi kết hợp lối sáng tác phương Tây và kết hợp tài tình âm hưởng Ca trù lồng vào trong tác phẩm. 

 Những ca khúc Việt Nam mang âm hưởng Ca trù thường có một số đặc điểm dễ nhận thấy như: giai điệu thường có những âm nền trì tục, luyến quãng 4, quãng 5, quãng 3, trong cấu trúc thường có những đoạn nhạc nối, nội dung tác phẩm ca ngợi về đất nước, con người Việt nam, lời ca có sử dụng những hư từ: ư, hư, hử, hự... Khi hát những ca khúc mang âm hưởng ca trù cũng cần vận dụng những kỹ thuật hát cổ truyền như hát âm ngậm miệng, hát kiến đổ hạt, hát nhấn chữ, luyến chữ,… Đồng thời kết hợp một số kỹ thuật thanh nhạc châu Âu gồm có kỹ thuật hát liền giọng, hát sắc thái to nhỏ, hát nẩy tiếng để xử lý tác phẩm trong khi giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng Ca trù.

Qua việc áp dụng những kỹ thuật trên, chúng tôi nhận thấy cần có thêm các phương pháp luyện tập về hơi thở và luyện tập phát âm với vị trí cao có cộng minh. Vì vậy, chúng tôi đã có áp dụng bài tập riêng để bổ trợ về vấn đề hơi thở nhằm giúp cho sinh viên vừa rèn luyện về sức khoẻ, vừa luyện tập cho hơi thở được linh hoạt và dẻo dai hơn.  Mặt khác, chúng tôi còn tìm ra những đặc điểm cần lưu ý (khi giao bài hát; dạy học sinh mới; dạy hát kết hợp cho sinh viên nghe bài hát mẫu; giáo dục ý thức tự học tự rèn cho sinh viên) nhằm mục đích bổ trợ cho việc giảng dạy thanh nhạc trong nhà trường.

           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Nguyễn Xuân Diện (2009), Lịch sử và nghệ thuật Ca trù, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2.    Mai Hồng (2007), Tìm vẻ đẹp của nghệ thuật Ca trù từ những tư liệu xác thực, Tạp chí Toàn cảnh Sự kiện – Dư luận Số 201 – 04, Hà Nội.

3.    Phan Duyên (2013), Ca trù trong lòng người Hà Nội hôm nay, Tạp chí Văn hóa dân gian số 1/2013,.

4.    Mạnh Hùng (2006), Ca trù kiệt tác truyền khẩu của nhân loại, Tạp chí Toàn cảnh Sự kiện – Dư luận Số 192 – 07, Hà Nội.

5.    Ngô Linh Ngọc, Ngô Văn Phú (1987), Tuyển tập thơ Ca trù, Nxb Văn học Hà Nội, Hà Nội.

6.    Dương Đình Minh Sơn (2009), Ca trù cung đình Thăng Long, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc