Nội san

Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống nghề mộc thôn Cúc Bồ, Ninh Giang, Hải Dương

14 Tháng Chín 2016

Bùi Văn Chãi [*]

 

Làng nghề mộc thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương được hình thành cách đây trên 400 trăm năm. Sự tồn tại và phát triển làng nghề đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên trước những thách thức do biến động của thị trường, nghề mộc thôn Cúc Bồ đang dần bị mai một và rất cần được bảo tồn và phát huy để lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

1. Thực trạng làng nghề mộc truyền thống thôn Cúc Bồ

Hiện nay thôn Cúc Bồ có khoảng 1.000 thợ lành nghề mộc trong đó có tới 20% số thợ tham gia làm các công trình kiến trúc đình - chùa - đền - miếu - nhà thờ và tu sửa di tích, nhà cổ và dinh thự hiện đại; 20% số thợ vừa kế thừa nét truyền thống và vận dụng công nghệ hiện đại để sản xuất ra các mặt hàng như sập, tủ, bàn ghế cao cấp, tượng, phù điêu, câu đối, đại tự, ngai thờ; 60% còn lại là sản xuất đồ gia dụng thông thường. Trong 100% thợ mộc làng Cúc Bồ thì số thợ đang sản xuất tại làng chiếm 20%, còn lại 60% họ đang thi công, lắp đặt các công trình và hành nghề thợ mộc ở khắp nơi trong và ngoài nước làm ăn kinh tế.Thực tế số hộ tự sản tự tiêu chiếm 24,8% lớn thứ hai các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng. Đông nhất vẫn là hộ đi làm thuê 53,9% số hộ trong làng; số hộ nhận làm thuê và số hộ doanh nghiệp có tỷ lệ tương đương nhau trên 7%; ít nhất công ty TNHH chiếm tỷ lệ 0,6%. Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp nhưng doanh thu lại lớn vì đây là những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, số lượng nhân công đông. Nhìn chung thu nhập bình quân của mỗi người thợ trong làng nghề mộc thôn Cúc Bồ từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh của sự sáng tạo trong lao động, chứa đựng những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của người dân, mang đậm phong tục, tập quán, tín ngưỡng; mang giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nghề mộc Cúc Bồ phát triển đã góp phần tạo ra khối lượng sản phẩm, các mặt hàng phong phú, đa dạng đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách, tăng nguồn thu cho xã; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hoá; qua đó đã góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho nông dân trong thôn và một số địa phương lân cận. Tận dụng triệt để thời gian nông nhàn lao động nông thôn, góp phần vào thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định chính trị, vững chắc an ninh quốc phòng địa phương. Chính vì thế phát triển làng nghề mộc ở thôn Cúc Bồ là một nhiệm vụ có tính chiến lược, có vai trò to lớn đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Mặt khác, sự phát triển của làng nghề mộc ở Cúc Bồ mang tính truyền thống bản sắc của địa phương.

Làng nghề truyền thống mộc Cúc Bồ hiện nay đang được quan tâm, đầu tư phát triển về quy mô, kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Cùng với những thay đổi tích cực để thích nghi trong giai đoạn hội nhập của đất nước với nền kinh tế thế giới, làng nghề mộc Cúc Bồ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thị trường, nguyên liệu, công nghệ, môi trường và sức khỏe của người lao động cũng như dân cư trong làng nghề. Để duy trì và phát triển bền vững làng nghề mộc truyền thống Cúc Bồ đang là bài toán khó, đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng và đặc biệt là các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các hộ sản xuất cần có hướng đi cụ thể để bảo tồn và phát huy bền vững làng nghề.

Quy mô sản xuất các hộ trong làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún, các hoạt động sản xuất chủ yếu dựa trên mô hình hộ gia đình, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình hộ ông chủ, doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty TNHH còn ít và hạn chế. Bên cạnh đó làng nghề mộc Cúc Bồ đang phải đối mặt trước khó khăn về vốn, nguyên liệu, thị trường, lao động. Thu nhập còn thấp, không ổn định, việc không đều; thị trường tiêu thụ còn hẹp, chủ yếu tiêu thụ trong nước; chưa xuất khẩu được nhiều ra thị trường nước ngoài. Công nghệ và trang thiết bị sản xuất ở mức độ trung bình, chủ yếu vẫn là thủ công. Thiết bị, nhà xưởng sản xuất còn thiếu và nghèo nàn, ô nhiễm môi trường như tiếng ồn, bụi, mùi hóa chất chưa được xử lý triệt để... Do đó, năng suất lao động còn thấp, hàng hóa sản xuất ra có chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh yếu, thu nhập của người lao động chưa ổn định. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thế giới có nhiều biến động, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, thị trường tiêu thụ giảm sút mạnh đã tác động đáng kể tốc độ tăng trưởng của làng nghề.

2. Giải pháp để phát huy những giá trị truyền thống làng nghề

Để gìn giữ và phát huy được những nét giá trị truyền thống nghề mộc thôn Cúc Bồ cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cả về phía nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó cần có cơ chế chính sách phù hợp để làng nghề tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, vốn vay từ các ngân hàng; đồng thời tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của người dân, các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước, chú trọng thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác để đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề.

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển các trung tâm dạy nghề, phối hợp với các trường dạy nghề, mở lớp cho các học viên là người lao động tại làng nghề để nâng cao trình độ kỹ thuật và mỹ thuật. Tích cực đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết hợp đào tạo trong nhà trường và đào tạo truyền thống thông qua các nghệ nhân. Mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý, khoa học kỹ thuật, mỹ thuật, các kiến thức về tổ chức sản xuất, quản trị doanh nghiệp và thị trường cho các chủ cơ sở sản xuất làng nghề với hình thức đào tạo tại các trung tâm hoặc mở các lớp tập huấn ngắn hạn. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm phát triển làng nghề ở trong và ngoài nước.Hỗ trợ giải quyết việc làm sau đào tạo, chính sách phát triển thị trường lao động, gắn kết cung cầu lao động hỗ trợ và tạo việc làm cho lao động sau khi được đào tạo. 

Thứ hai, xây dựng chính sách thuế đơn giản, thông thoáng đối với làng nghề để các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề thực thi đầy đủ. Đồng thời thường xuyên rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến làng nghề để điều chỉnh, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, hỗ trợ phát triển cho làng nghề. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chủ động xúc tiến quảng bá sản phẩm, kêu gọi thu hút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng làng nghề.

       Thứ ba, có kế hoạch dự tính nhu cầu sử dụng nguyên liệu hàng năm, để lập kế hoạch nhập khẩu, dự trữ nguyên liệu, chủ động cho sản xuất và giảm chi phí. Chủ động nghiên cứu các thị trường nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất trong việc nhập khẩu nguyên liệu được nhanh chóng, dễ dàng. Thiết kế, in ấn, phát hành tài liệu về sản phẩm, thông in về làng nghề. Lập Website, thông tin điện tử trên Internet để cung cấp, cập nhật thông tin, bán hàng trực tuyến. Tham gia các cuộc xúc tiến, quảng bá, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản làng nghề được tổ chức thường niên trong và ngoài tỉnh. Ðổi mới công nghệ và kỹ thuật trong sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia và chuyển giao công nghệ sản xuất bằng nhiều nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, hoàn thiện, mở rộng hệ thống điện, cung cấp điện ổn định đến tận hộ sử dụng điện với giá cả hợp lý. Hệ thống thông tin liên lạc được đầu tưđồng bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề tiếp cận Internet, giao dịch điện tử, để liên lạc nhanh chóng, thuận tiện, với chi phí thấp.

Thứ tư, Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình khuyến công,tín dụng đầu tư, quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ quốc gia xúc tiến việc làm. Tăng cường huy động nguồn vốn khác như vốn của người lao động, vốn trong quỹ tín dụng nhân dân, vốn đầu tư trong và ngoài nước. Khai thác triệt để các khoản vốn trợ cấp từ bên ngoài thông qua các chương trình, dự án doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làng nghề…Đầu tư đổi mới máy móc, trang thiết bị, tăng cường sự liên kết hợp tác trong sản xuất nhằm giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả.Mở rộng mạng lưới phân phối ở các khu vực nội thị, nội thành của thành phố lớn thông qua các cửa hàng, đại lý, các quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Liên kết, hợp tác giữa cơ sở sản xuất ở các làng nghề với các doanh nghiệp thương mại; phát triển du lịch làng nghề, tăng thêm cơ hội quảng bá sản phầm và bán hàng hóa trực tiếp cho khách du lịch. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, qua đó giới thiệu để khách du lịch hiểu thêm những đặc trưng văn hóa, truyền thống của địa phương, làng nghề truyền thống.

Thứ năm, giáo dục ý thức của người dân, cơ sở sản xuất làng nghề về bảo vệ môi trường, quy định chặt chẽ trách nhiệm, nghĩa vụ của các hộ sản xuất trong việc đóng góp kinh phí bảo vệ môi trường; Khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề để cải tiến, áp dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến trong sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có như vậy mới góp phần bảo tồn và phát triển nhằm lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc tại làng nghề “Mộc” ở thôn Cúc Bồ. Thành lập Hiệp hội ngành nghề trong làng nghề nhằm trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng thông qua các hình thức tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề; hướng dẫn tìm kiếm thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu thụ giúp các hộ sản xuất nghề.

Tóm lại, để công tác bảo tồn và phát huy đạt kết quả thì trước mắt cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các hộ làm nghề trong làng. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắc, góp phần gìn giữ và phát huy, nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống mộc Cúc Bồ không chỉ trong nước và cả trên trường quốc tế.

 

                                            Tài liệu tham khảo

 

1.    Mai Thế Hởn (2000), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình CNH, HĐH ở vùng ven thủ đô Hà Nội, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân.

2.     Dương Bá Phượng (2001), Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3.     Phạm Côn Sơn (2004), Làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

4.    Bùi Văn Vượng (2002), Đề án phục hồi làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

5.    http://haiduongtv.com.vn/media (2016), Phóng sự tự hào hàng Việt.

6.    http://www.tuyengiao.vn (2016), Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập.

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa