Nội san

Phân môn hòa tấu hệ đại học sư phạm âm nhạc

14 Tháng Chín 2016

Lương Đức Giang [*]

 

            Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là cái nôi đã và đang đào tạo ra những thầy giáo, cô giáo dạy nghệ thuật cho các trường phổ thông trên toàn quốc. Việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên diện rộng và chiều sâu, lý thuyết gắn liền với thực tế đang được các cấp lãnh đạo, giảng viên nhà trường quan tâm. Do đó, các cán bộ giảng viên khoa Nhạc cụ và ban lãnh đạo nhà trường đã thống nhất đưa phân môn hòa tấu vào chương trình học nhạc cụ từ năm thứ 2 hệ ĐHSP âm nhạc. Trong quá trình học tập các em được biểu diễn các tác phẩm hòa tấu với nhiều thể loại âm nhạc, từ cơ sở đó các em có thêm khả năng nhận thức về âm nhạc, nhận biết được tính năng, hiệu quả của từng nhạc cụ khi kết hợp với nhau để tạo thành được một tác phẩm hoàn chỉnh. Quan trọng hơn cả đó là các em được nâng cao khả năng làm việc theo nhóm và vấn đề này chính là  một bước đi mới trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

            Hòa tấu là một nội dung trong dạy học môn Nhạc cụ đàn phím điện tử tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Hòa tấu đàn phím điện tử là kết hợp đồng thời giữa hai cây đàn phím điện tử hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào tác phẩm âm nhạc. Việc soạn đệm các ca khúc Việt Nam cho nhạc cụ đàn phím điện tử (Electric Keyboard) rất phù hợp với sinh viên nhà trường bởi đây là loại nhạc cụ thông dụng nhất trong việc giảng dạy ở hệ Đại học SPAN tại trường. Ngoài ra, do tính đặc thù môn học (nhạc cụ), các nhóm học thường được học chung một loại nhạc cụ (Electric Keyboard hoặc Guitar), cùng được hướng dẫn bởi một giảng viên. Các giảng viên cũng chỉ dạy một loại nhạc cụ chuyên môn của mình cho một nhóm sinh viên nên rất khó có thể kết hợp giữa một vài thành viên của nhóm học nhạc cụ này với một vài thành viên của nhóm nhạc cụ kia.

            Nhìn chung đối với năm thứ 2 hệ ĐHSP âm nhạc, các em đã có thể sử dụng đàn Electric Keyboard tương đối thành thạo, nắm được các kỹ năng, kỹ thuật cơ bản, phần đa đã biết cách chọn cũng như mô phỏng từng loại nhạc cụ khác nhau từ luyện tập đến cách thức biểu diễn. Song, trong giảng dạy người thầy cũng nhìn nhận được khả năng vượt trội của một số sinh viên so với nhiều bạn cùng trang lứa thông qua những tác phẩm âm nhạc khá phức tạp với nhiều biến tấu soạn cho đàn Electric Keyboard, bài etude, những bản sonatine với kĩ thuật dành cho Piano, bên cạnh đó các em cũng đã được làm quen với kỹ thuật đệm hát thông qua những bài đơn giản. Qua thời gian, việc luyện tập kỹ thuật được kết hợp với hình thức làm việc theo nhóm nghiêm túc các em sẽ tiếp cận dần tới những tác phẩm khó, đòi hỏi sự nhanh nhạy, tính tế có kỹ xảo hơn trong nghệ thuật trình diễn hòa tấu. Phần đông các em đều thực hiện được những yêu cầu của người thầy đã đề ra, tuy nhiên những em có sự tiếp thu chậm, học lực trung bình hoặc yếu một phần do năng khiếu mà chủ yếu vì thiếu cần cù, chăm chỉ nên kết quả học tập không cao nhưng cũng cần khẳng định rằng: những sinh viên tuy có năng lực hạn chế hơn so với các bạn nhưng luôn có ý thức ham học hỏi, các em vẫn tiếp cận được những kiến thức, kỹ năng học đàn mới theo cách riêng của mình dưới sự hướng dẫn của người thầy.

            Việc dạy phân môn hòa tấu Electric Keyboard cho sinh viên năm thứ 2 hệ ĐHSP âm nhạc nhằm cung cấp cho sinh viên những kỹ năng và phương pháp biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp. Trong giảng dạy, người thầy luôn trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng luyện tập và biểu diễn. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bất cập bởi đối tượng sinh viên trong nhóm không có sự đồng đều về trình độ, khả năng tiếp thu, làm việc theo nhóm, quá trình dạy học người thày cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình lựa chọn cặp sinh viên cũng như bài phù hợp với các em. Mỗi giờ lên lớp, giảng viên luôn hướng dẫn sinh viên chủ động luyện tập cũng như nắm vững được nội dung, tính chất âm nhạc của tác phẩm, hướng các em không được phụ thuộc vào bộ đệm tự động, nên chủ động biểu diễn bè đệm hoặc giai điệu được phân công.

            Để sinh viên có thể thực hành được tác phẩm hòa tấu, điều đầu tiên giảng viên cần phải hướng dẫn sinh viên biết cách phân loại các thể loại ca khúc khác nhau, tìm hiểu về điệu thức, cấu trúc, tiết tấu của từng tác phẩm cụ thể. Biết cách sắp xếp hợp âm, đặt hòa thanh, phân loại âm hình tiết tấu cụ thể cho từng tác phẩm, từng phong cách (style) trên cơ sở những kiến thức đã học từ năm thứ nhất như Nhạc lý, Xướng âm, Lịch sử âm nhạc, Thanh nhạc hay những môn đang được học phân tích tác phẩm, hòa âm, chỉ huy nhạc... vận dụng để xử lý tác phẩm, câu nhạc, tiết nhạc, cách mô phỏng từng loại nhạc cụ một cách hữu hiệu nhất. Trong quá trình thể hiện, người thầy luôn định hướng để các em có tính tư duy về ban nhạc, cách thức thể hiện cũng như hình thức kết hợp giữa các nhạc cụ, chọn âm sắc (voice), tiết điệu (style) đã kỹ năng nhất định về cách thể hiện sắc thái trong từng tác phẩm một cách cụ thể, cũng như phối hợp với nhau sao cho chúng trở thành một ban nhạc có được một style nhạc riêng như: style ballad, rock, funk .... Ngoài ra đây còn là một phần kiến thức cơ bản để sinh viên dùng trong giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và thực hiện các công tác đoàn thể sau này khi ra trường.

Chương trình dạy phân môn Hòa tấu trong môn nhạc cụ được xây dựng và đưa vào giảng dạy từ năm thứ 2 hệ ĐHSP Âm nhạc của trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Chương trình học được chia làm hai phần, phần một là là nội dung chính trong chương trình là những bài tác phẩm cổ điển, hai là những tác phẩm hòa tấu.

Khi kết thúc nội dung học phần năm thứ nhất. Sang nội dung học phần hai được chia làm hai tín chỉ. Tín chỉ 2.1 sinh viên sẽ được làm quen một tác phẩm hòa tấu được soạn sẵn. Sang tín chỉ 2.2 các em vẫn được học một bài hòa tấu tuy nhiên có sự đòi hỏi cao hơn về phương pháp phối hợp khi chơi đàn, đồng thời giảng viên bắt đầu hướng dẫn những sinh viên có năng khiếu làm quen với phương thức soạn hòa tấu đối với những bài hát Việt Nam đơn giản. Đối với sinh viên năm thứ 2,  các  em có thể phân tích được cấu trúc tác phẩm, giọng, nhịp, đoạn và củng cố, phát triển khả năng thị tấu, chú trọng tới sắc thái, phong cách tác phẩm. Giảng viên bắt đầu hướng dẫn sinh viên cách soạn hòa tấu những bài hát của THCS, đưa ra những yêu cầu cụ thể như cách chọn âm sắc, đặt hòa âm, câu dạo và phân chia câu đoạn phải thực hiện cho mỗi cây đàn.

Sang học phần 3 được chia làm hai tín chỉ. Có thể nói đây là năm học sinh viên tiếp nhận được nhiều kiến thức âm nhạc nói chung và môn nhạc cụ nói riêng. Thời điểm này các em đã có kỹ năng và kỹ thuật cơ bản trong diễn tấu nhạc cụ, sử dụng thành thạo các tính năng của đàn phím điện tử cũng như đã nắm được các phương pháp soạn đệm và đệm hát các bài hát từ chương trình trung học cơ sở đến các ca khúc ở nhiều phong cách, thể loại khác nhau nên các em phải học những tác phẩm hòa tấu nước ngoài cũng như soạn hòa tấu phải cao hơn năm thứ hai. Dựa trên cơ sở hướng dẫn sinh viên các bước soạn hòa tấu cho sinh viên năm thứ hai, năm thứ ba giảng viên yêu cầu các em phải soạn những tác phẩm có cấu trúc âm nhạc từ hai đoạn đơn đến ba đoạn đơn, có sự khắt khe hơn về mặt kỹ thuật và trình diễn. Nhìn chung số lượng bài hòa tấu cổ điển vẫn được ưu tiên cho các sinh viên học.

Đến học phần 4, môn nhạc cụ chỉ có một tín chỉ, đây là năm học đòi hỏi các em phải hoàn thiện các kỹ năng hòa tấu đã được học. Khả năng thị tấu nhanh và xử lý tác phẩm tốt. Hoàn thiện và thể hiện được bản lĩnh làm chủ sân khấu vững vàng, ứng biến nhanh nhạy với các tình huống bất ngờ mang tính đặc thù của nghệ thuật biểu diễn. Nhóm hòa tấu phải thể hiện được phong cách của tác giả, tác phẩm diễn tấu, nhóm phải đạt được sự thống nhất và hài hòa trong cách xử lý và trình bày tác phẩm. Các thành viên trong nhóm phát huy tối đa khả năng quán xuyến tác phẩm, phản xạ nhanh nhạy với ý đồ của bạn diễn.

Cần lưu ý rằng, khi môn hòa tấu đàn phím điện tử, sinh viên ĐHSP Âm nhạc sẽ biết được những kiến thức về các tính năng tự động, khả năng mô phỏng các lại nhạc cụ, hiệu ứng âm thanh có thể tạo ra được từ một âm thanh chuẩn chưa được căn chỉnh (normal)... Khi biết cách sử dụng những tính năng tự động và kết hợp các tính năng mô phỏng, sử dụng hiệu ứng của đàn, từ đó hiểu được các kỹ thuật cơ bản, kỹ thuật nâng cao, khơi gợi cảm hứng sáng tạo khi diễn tấu nhạc cụ để phát huy những kỹ thuật cũng như kỹ năng trình diễn. 

                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Lương Diệu Ánh (2006), Tìm hiểu phương pháp luyện ngón, luyện kỹ thuật trong chương trình giảng dạy môn Organ cho sinh viên năm thứ nhất - hệ cao đẳng của trường ĐHSP Nghệ Thuật TW, Hà Nội. Đề tài NCKH trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

2.    Nguyễn Bách (2003), Hòa âm truyền thống (từ Cổ điển đến hiện đại), Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3.    Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4.    Lại Thị Phương Thảo (2013), Nghiên cứu biên soạn tài liệu dạy học môn đàn phím điện tử cho hệ Đại học sư phạm âm nhạc. Đề tài NCKH trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

5.    Đỗ Xuân Tùng (2002), Giải thích thuật ngữ âm nhạc quốc tế thông dụng, Nxb Nhạc viện Hà Nội.

6.    Xuân Tứ (2001), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ cho hệ Cao Đẳng SP trường CĐSP Nhạc Họa TƯ, tập 1,2.Tài liệu lưu hành nội bộ.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc