Nội san

Tài liệu dạy học Ký- xướng âm cho học sinh trung cấp thanh nhạc, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng

26 Tháng Chín 2016

Hồ Thúy Hồng [*]

 

Giáo dục âm nhạc trong nhà trường tạo nền tảng vững chắc cho âm nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh các bộ môn âm nhạc như: Thanh nhạc, Nhạc cụ, Lý thuyết âm nhạc, Hòa âm, Lịch sử âm nhạc,... môn Ký - Xướng âm giúp học sinh hiểu, phân biệt được giai điệu, nhịp điệu, góp phần nâng cao kiến thức âm nhạc. Vì vậy, môn Ký- Xướng âm là một trong những môn học bắt buộc, là cơ sở cho việc học tập, tiếp thu, cảm thụ những môn học khác.

Trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo chung của cả nước, tuy chưa phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhưng thành phố Hải Phòng đã dần khẳng định được mình, đặc biệt trong lĩnh vực Văn hóa- Nghệ thuật. Trường Trung cấp VHNT Hải Phòng có quy mô đào tạo đa ngành với hệ thống chương trình gồm các môn: Thanh nhạc, Nhạc cụ, Xướng âm, Nhạc lý, Hòa âm, Lịch sử âm nhạc, Múa... Trong đó, chuyên ngành Thanh nhạc đã thu hút nhiều học sinh đăng kí dự tuyển và học tập tốt tại trường. Để đạt kết quả cao môn Thanh nhạc, ngoài năng khiếu về chất giọng của học sinh, còn cần đến sự luyện tập môn Xướng âm. Xướng âm có vai trò quan trọng đối với Thanh nhạc, giúp cho học sinh hát đúng cao độ, tiết tấu của bài hát, không bị "chênh", "phô"... Ngoài ra, trong Xướng âm cũng có những yêu cầu về sắc thái (to, nhỏ), giúp học sinh thể hiện đúng tính chất của bài hát. Hiện nay, trường Trung cấp VHNT Hải Phòng đang giảng dạy Xướng âm theo tài liệu chung dành cho tất cả các học sinh của trường. Tuy nhiên, tài liệu đó đưa đáp ứng được những yêu cầu của Xướng âm đối với học sinh chuyên ngành Thanh nhạc. Vì vậy, chất lượng dạy và học môn Ký- Xướng âm của học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc chưa đạt kết quả tốt nhất.

Ký - Xướng âm là một trong những môn Kiến thức âm nhạc có vai trò quan trọng trong các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cũng như các trường Văn hóa Nghệ thuật, các trường đào tạo Sư phạm âm nhạc nói chung… Môn học này bổ trợ rất nhiều cho việc tiếp thu của học sinh, sinh viên các môn chuyên ngành khác như Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy, các khoa biểu diễn nhạc cụ Truyền thống, nhạc cụ phương Tây. Đặc biệt, Ký - Xướng âm có vai trò quan trọng với chuyên ngành biểu diễn Thanh nhạc.

            Với bộ môn Thanh Nhạc, nếu học tốt môn Xướng âm, khi được giao tác phẩm thanh nhạc, học sinh có thể tự vỡ bài mà không phụ thuộc vào người dạy, người đệm đàn hay nhạc cụ mà học sinh dùng để vỡ bài như đàn Piano, Keyboard, guitar... Học sinh có thể hát đúng giai điệu của bài hát như cao độ, trường độ, tiết tấu, nhịp phách, điệu thức, giọng, cường độ, sắc thái,… tránh được hát chênh, phô, lệch nhịp... Môn Xướng âm còn giúp học sinh có thể tự dịch giọng, chuyển giọng khi hát một ca khúc để phù hợp với âm vực giọng hát của mình. Bên cạnh các tác phẩm đơn ca, Xướng âm còn hỗ trợ học sinh trong việc hát tốp ca, đồng ca với nhiều bè khác nhau. Từ đó, học sinh có kỹ năng nghe bè đệm của đàn piano, tốp nhạc nhẹ hay dàn nhạc giao hưởng… Môn Xướng âm có quan hệ mật thiết với các môn chuyên ngành khác như Ký âm, Lý thuyết, Hòa âm, Phức điệu, Phân tích tác phẩm,…

Bên cạnh môn Xướng âm, Ký âm cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển năng khiếu âm nhạc cho học sinh. Ký âm giúp học sinh hình thành các kỹ năng về tai nghe âm nhạc, nắm bắt tốt giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu của bài hát. Để học tốt môn Ký âm, học sinh cần có khả năng nghe, trí nhớ và cảm xúc với âm nhạc, từ đó đáp ứng những yêu cầu riêng cho chuyên ngành Thanh nhạc. Cụ thể, Ký âm rèn luyện cho học sinh có tai nghe âm nhạc nhạy bén, chính xác. Nhờ đó, học sinh có thể hát chính xác các bài hát, bài luyện thanh về giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu, hay những bài có chuyển giọng. Khi có tai nghe âm nhạc tốt, học sinh dễ dàng bắt chước theo khi giáo viên thị phạm trong giờ học, hay khi nghe băng đĩa ở nhà. Ký âm cũng giúp học sinh có tai nghe nhiều bè, có thể nghe phần đệm của các nhạc cụ, dàn nhạc giao hưởng cho các ca khúc,… hỗ trợ học sinh trong việc hát bè, hát hợp xướng. Ngoài ra, khi nghe một tác phẩm thanh nhạc, học sinh sẽ nhận biết bài hát về tính chất âm nhạc, độ nhanh chậm, sắc thái tình cảm,… từ đó có thể học tập, tham khảo cách thể hiện bài hát về phong cách thời đại, tác giả, tác phẩm hay phong cách trình diễn cho phù hợp.

Thực tế hiện nay, Bộ môn Ký - Xướng âm, Khoa Âm nhạc và Múa Trường Trung cấp VHNT Hải Phòng chưa có Tài liệu dạy học riêng cho học sinh Thanh nhạc nên các em sử dụng Tài liệu dạy học Ký - Xướng âm chung cho tất cả các chuyên ngành âm nhạc khác trong trường. Để thống nhất về nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nhóm biên soạn Tài liệu dạy học môn Ký - Xướng âm thực hiện biên soạn trên nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp cho phù hợp với các chuyên ngành âm nhạc.

Với học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc, Trường Trung cấp VHNT Hải Phòng, việc học môn Ký - Xướng âm rất khó khăn vì nhiều yếu tố. Đó là do năng khiếu âm nhạc của học sinh còn có những hạn chế. Trong các đợt tuyển sinh lại các nhà văn hóa thiếu nhi địa phương, tỷ lệ phát hiện được các em có năng khiếu âm nhạc rất cao. Do xuất phát từ việc tham gia sinh hoạt âm nhạc một cách tự nguyện nên cũng có một số ít em mặc dù có năng khiếu âm nhạc nhưng lại không muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, chỉ học và tham gia sinh hoạt nghiệp dư.Tại trường Trung cấp VHNT Hải Phòng, khi đăng lý dự thi chuyên ngành Thanh nhạc, hầu hết học sinh chưa được học âm nhạc một cách nghiêm túc mà chỉ dự thi do có năng khiếu về chất giọng, khả năng ca hát và niềm yêu thích với nghệ thuật. Đó là những học sinh mới tốt nghiệp Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông. Tuy các em đã được học âm nhạc ở Tiểu học, Trung học cơ sở hay có em được học nhạc ở tại các trung tâm, các nhà văn hóa thiếu nhi, các lớp nhạc cá nhân… nhưng vẫn chưa có hoặc có rất ít kiến thức về lý thuyết âm nhạc. Khi vào học tại Trường Trung cấp VHNT Hải Phòng, học sinh phải vào học trực tiếp phần thực hành Ký - Xướng âm trên cơ sở chưa được đào tạo bài bản về Lý thuyết âm nhạc, kiến thức được học không có hệ thống khoa học rõ ràng. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho học sinh. Từ đó, dẫn đến tình trạng học sinh khó tiếp thu kiến thức, kỹ năng và chịu áp lực rất nhiều trong giờ học Ký - Xướng âm. Thậm chí, giờ học Ký - Xướng âm của một số học sinh chỉ mang tính chất đối phó. Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, khi gặp những nội dung có yêu cầu kiến thức và kỹ năng cao hơn thì học sinh khó lĩnh hội bởi thời lượng chương trình phân bố cho phần lý thuyết quá ít hoặc thậm chí không phân bố số tiết lý thuyết. Nên dẫn đến khả năng nghe nhạc không đồng đều như học sinh tập trung và ghi nhớ những âm thanh giai điệu rất tốt khi nghe các tác phẩm âm nhạc, nhưng để kết hợp với những tri thức âm nhạc đã được học mà ghi âm lại những nét giai điệu đó trên giấy thì gần như không làm được.

         Bên cạnh đó, còn rất nhiều khó khăn và môn Ký- Xướng âm phải đối mặt như: Học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc chưa có giáo trình riêng đáp ứng những đặc thù của chuyên ngành Thanh nhạc. Phương pháp giảng dạy của giáo viên còn thiếu phần sinh động, chưa chú trọng đến phương pháp giảng dạy tích cực, chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy... Năng khiếu của học sinh chưa đồng đều, có em còn hạn chế về khả năng học xướng âm và ghi âm, thời lượng dành cho giảng dạy lý thuyết quá ít…Học sinh chỉ chú trọng vào học môn chuyên ngành mà chưa quan tâm đầy đủ đến những môn kiến thức âm nhạc trong đó có Ký- Xướng âm, từ đó, tình thần học tập trên lớp chưa cao, ý thức tự học, tự nghiên cứu ở nhà cũng kém, phương pháp học tập chưa thật sự khoa học… Những khó khăn đó trước mắt đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảng dạy và học tập các môn kiến thức âm nhạc của học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc trong đó có môn Ký- Xướng âm.

            Nhận thức rõ điểm mạnh và những mặt còn khó khăn, yếu kém trong việc dạy và học môn Ký- Xướng âm của học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc trường Trung cấp VHNT Hải Phòng là cơ sở thực tiễn để tìm ra những giải pháp thiết thực và hướng biên soạn giáo trình Ký- Xướng âm phù hợp với đặc điểm năng khiếu âm nhạc và nội dung, chương trình đào tạo học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn học trên trong thời gian tới.

Cấu trúc Tài liệu dạy học môn Ký -Xướng âm mới được bổ sung theo từng năm học. Mỗi năm đều kế thừa Giáo trình môn Ký- Xướng âm dùng chung cho các chuyên ngành âm nhạc trong nhà trường, giữ nguyên phần Xướng âm gồm 20 bài. Bổ sung thêm một số bài Xướng âm cho phù hợp với đặc thù đào tạo đối với học sinh Thanh nhạc như một số bài luyện thanh, ca khúc nước ngoài, các Aria trích trong một số Opera, một số bài hát Việt Nam, bài hát về Hải Phòng và Dân ca tham khảo trong Giáo trình học chuyên môn cho học sinh trung cấp Thanh nhạc. Bổ sung thêm một số bài Ghi âm cho phù hợp với đặc thù đào tạo đối với học sinh Thanh nhạc như ghi âm cao độ, ghi âm tiết tấu với cao độ cho trước, điền những chỗ còn thiếu vào chỗ trống, sửa những âm chép sai, ghi âm tiết tấu, ghi âm giai điệu, ghi âm tác phẩm âm nhạc…

Để sử dụng có hiệu quả Tài liệu dạy học môn Ký - Xướng âm phù hợp với đặc thù riêng của học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc, giáo viên (GV)cần ứng dụng Tài liệu dạy học môn Ký- Xướng âm đã được bổ sung vào việc giảng dạy, tăng thời lượng giảng dạy môn học, biên soạn giáo án cho từng buổi học, sử dụng giáo án điện tử và các công nghệ hiện đại vào giảng dạy. Giáo viên nên vận dụng, phối hợp các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại, phương pháp dạy học Âm nhạc  để đổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện tốt kỹ năng Xướng âm và Ghi âm cho học sinh (HS) Thanh nhạc.

            Để dạy tốt môn Ký- Xướng âm cho HS hệ Trung cấp Thanh nhạc, trường Trung cấp VHNT Hải Phòng, GV Bộ môn và HS hệ Trung cấp Thanh nhạc còn cần thực hiện một số giải pháp để đổi mới phương pháp học tập âm nhạc của HS theo hướng phát huy tính tích cực của người học trong học tập trên lớp, tự học và nghiên cứu, làm việc theo nhóm…để nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc cho HS hệ Trung cấp Thanh nhạc.

Trường Trung cấp VHNT Hải Phòng là một trong những trường đào tạo các bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp trong đó có âm nhạc; cung cấp nguồn nhân lực có trí tuệ, có trình độ trung cấp cho Thành phố Hải Phòng, một số tỉnh lân cận và tạo nguồn cho các trường Cao đẳng và Đại học Văn hóa, Nghệ thuật phía Bắc. Việc nghiên cứu bổ sung Tài liệu dạy học Ký- Xướngâm cho học sinh hệ Trung cấp Thanh nhạc đã cho thấy những kết quả khả quan qua thực nghiệm sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Ký- Xướng âm của học sinh Trung cấp Thanh nhạc, trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

·         Nguyễn Hoàng Anh (2007), Khai thác giáo trình mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Đọc - Ghi nhạc hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Khóa luận tốt nghiệp Đại họcSư phạm Âm nhạc chính quy khóa III (2003- 2007), Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

·         Nguyễn Trọng Ánh (2003), Giáo trình ký xướng âm trình độ 6 (Dành cho  bậc trung học âm nhạc CN), Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội

·         Nguyễn Trọng Ánh (2004), Giáo trình ký xướng âm trình độ 5 (Dành cho bậc trung học âm nhạc CN), Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội

·         Ban Tuyên giáo Trung ương (2013), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, BanChấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

·         Nguyễn Thái Bình (2007), Đưa phân môn Nghe - Ghi nhạc vào chương

trình đào tạo sinh viên Âm nhạc trường Đại học Hùng Vương -         Phú Thọ, Khóa luận tốt nghiệp Đại học Sư phạm Âm nhạc chính quy, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

·         Cù Lệ Duyên(2000), Giáo trình ký xướng âm- trình độ 3, Nhạc viện Hà Nội,  Hà Nội

·         Hồng Đăng (1982), Bài tập xướng âm, Nxb Văn hóa.

·         Bế Việt Ngọc Đức (2011), Giải pháp nâng cao phương pháp giảng dạy môn Ký - Xướng âm cho sinh viên dân tộc thiểu số tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Khóa luận tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp giảng dạy Âm nhạc