Nội san

Phát triển khả năng âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Xuân Khanh - Sơn Tây - Hà Nội

21 Tháng Chín 2016

                                                                                         Nguyễn Thị Đoài [*]

 

Âm nhạc là nghệ thuật lấy âm thanh làm phương tiện biểu hiện, nó khắc họa cuộc sống và thể hiện tư tưởng tình cảm con người. Âm nhạc có tính trừu tượng, không thể hiện đầy đủ các chi tiết thực mà chỉ mô tả chung nhưng tạo cho ta cái cảm giác, hứng thú mạnh mẽ tạo sự liên tưởng phong phú…

 Cấp Tiểu học trong hệ thống giáo dục quốc dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là bậc học nền tảng có nhiệm vụ xây dựng toàn diện nền móng cho hệ thống giáo dục phổ thông, đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển toàn diện  con người Việt Nam. Trong tất cả các môn học, Âm nhạc là một môn nghệ thuật nhằm giúp học sinh có năng lực cảm thụ tốt. Môn Âm nhạc bậc Tiểu học ngày nay được đánh giá là một môn học ngang tầm với các môn khoa học khác giúp các em được phát triển nhân cách một cách toàn diện.

Đàn Phím điện tử ngày nay đã được phổ cập, giảng dạy trong hoạt động ngoại khóa ở một số trường tiểu học. Hoạt động ngoại khóa âm nhạc là chương trình không có trong nội dung quy định nhưng lại có một ý nghĩa không nhỏ. Việc thành lập các câu lạc bộ về dạy học đàn Phím điện tử cho học sinh trong hoạt động ngoại khóa giúp các em phát huy được khả năng âm nhạc, trở nên thông minh, hoạt bát. Các hoạt động ngoại khóa giúp cho học sinh củng cố được kiến thức, nâng cao chất lượng học tập, giúp các em cảm thụ âm nhạc một cách nhuần nhuyễn hơn đồng thời còn hình thành nên thẩm mỹ âm nhạc. Ngoài ra nó còn là môi trường rất thuận lợi để phát triển khả năng âm nhạc cho học sinh.

Trong Từ điển Tâm lý học (Vũ Dũng chủ biên, Nxb Hà nội, 2000): “ Năng khiếu là tập hợp những  tư chất bẩm sinh, nét đặc trưng và tính chất đặc thù làm tiền đề bẩm sinh cho năng lực.”[12 ]

            Theo Khơi dậy tiềm năng sáng tạo (Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Lê, Châu An, Nxb Giáo dục, 2005) thì “ năng khiếu là năng lực còn tiềm tàng về một hoạt động nào đó nhưng chưa được bộc lộ ở thành tích cao vì chưa qua tập dượt, rèn luyện nên còn thiếu hiểu biết và chưa thành thạo trong lĩnh vực hoạt động nào đó.”[31 ]

            Tâm lý học nhân cách một số vẫn đề lí luận (Nguyễn Ngọc Bích, Nxb Giáo dục, 1998) lại cho rằng:

“Năng khiếu là những tiền đề bẩm sinh, những khuynh hướng đầu tiên tạo điều kiện cho năng lực và tài năng phát sinh. Nó bao gồm những đặc điểm tâm lý giải phẫu của hệ thống thần kinh và khuynh hướng tâm lý đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một năng lực nào đó. Năng khiếu tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực và tài năng. Nghĩa là không phải trẻ nào có năng khiếu cũng là thiên tài. Một em có năng khiếu đối với hoạt động nào đó không nhất thiết sẽ trở thành tài năng trong lĩnh vực ấy và ngược lại.”[5]

 Theo chúng tôi: “ năng khiếu là những phẩm chất sẵn có của con người được bộc lộ ra trong một lĩnh vực nào đó. Từ đó ta có suy rộng ra, năng khiếu âm nhạc cũng chính là những phẩm chất sẵn có của con người được bộc lộ ra trong lĩnh vực âm nhạc.”

Đàn Phím điện tử (Electronic Keyboard) hiện nay đang rất phổ biến trên thế giới, tính năng, hiệu quả sử dụng đàn Phím điện tử rộng rãi, có thể tham gia vào nhiều dạng hoạt động nghệ thuật khác nhau. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học ngành điện tử, đàn Phím điện tử từ vị thế cây đàn tái tạo âm thanh đã nhanh chóng phát triển thành nhạc khí có âm thanh tổng hợp phong phú, đa dạng. Học đàn phím điện tử giúp học sinh tiểu học phát triển kỹ năng toàn diện: kỹ năng vận động, Nâng cao tính kỷ luật và tính kiên nhẫn, nuôi dưỡng hình thành kỹ năng xã hội, nâng cao kỹ năng học thuật, rèn luyện trí não, rèn nhân cách lập trường.

Trước khi vào bài dạy, giáo viên có thể chơi trên đàn Phím điện tử cho các em học sinh nghe một vài bài hát hay tác phẩm âm nhạc không lời có giai điệu hay và gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học. Giáo viên còn có thể cho các em xem băng hình một số bạn thiếu nhi tham gia các cuộc thi, hội diễn văn nghệ do Thành phố Hà Nội tổ chức hay biểu diễn đàn Phím điện tử ở trường... Điều này có thể  góp phần tạo cho các em sự yêu thích cây đàn và hứng thú trong học tập và mong muốn được chơi đàn hay như  giáo viên và các bạn. Giáo viên có thể giới thiệu cấu tạo và một số tính năng của đàn Phím điện tử cho các em nắm vững.

Cảm nhận âm nhạc bằng tai nghe rất quan trọng, đây là một trong những yếu tố cơ bản quan trọng nhất để phát triển khả năng âm nhạc cho các em. Vì vậy cần phải rèn luyện, hướng dẫn cho các em cách cảm nhận được ý nghĩa câu cruyện cần truyền tải qua những bài hát hoặc giai điệu cụ thể.

Việc xác định cảm xúc âm nhạc đối với học sinh để phát triển khả năng âm nhạc là một việc không hề đơn giản. Đòi hỏi người giáo viên cần phải có sự nhìn nhận và đánh giá nhạy bén. Để phát hiện ra điều này trong quá trình yêu cầu các em nghe chơi mẫu và chơi lại giai điệu trên đàn. Lần thứ nhất yêu cầu các em chơi lại chính xác cao độ, trường độ. Lần thứ hai, giáo viên thể hiện lại mẫu giai điệu này với cách đánh khác (có thể là legato, non legato, staccato), kết hợp với cường độ to nhỏ, sắc thái tình cảm. Sau đó yêu cầu học sinh nhắc lại cách thể hiện này. Ở mức độ cao hơn, giáo viên có thể đàn một trích đoạn từ một tác phẩm âm nhạc nào đó và yêu cầu các em lắng nghe rồi đưa ra nhận xét của mình về phần cảm nhận âm nhạc, giai điệu đó vui hay buồn.

Trường Tiểu học Xuân Khanh là một trường đạt tiểu chuẩn quốc gia. Việc nâng cao chất lượng học tập, phát triển khả năng âm nhạc qua dạy học đàn Phím điện tử cho học sinh trường Tiểu học Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội phụ thuộc vào sự quan tâm tạo mọi điều kiện của BGH nhà trường trong việc phát triển đội ngũ giáo viên, tạo cơ sở vật chất cho việc giảng dạy. Nó được đẩy mạnh bởi năng lực chuyên môn, sự say mê nghệ nghiệp, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng giáo án của các giáo viên để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ dạy học theo chương trình sách giáo khoa cùng với sự nỗ lực của học sinh.

Giáo viên âm nhạc của trường là những người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp sư phạm nhưng cũng còn những khó khăn về kiến thức, trình độ âm nhạc, giọng hát, kỹ thuật và khả năng sử dụng đàn Phím điện tử, các phương tiện nghe nhìn và công nghệ thông tin phục vụ cho giảng dạy. Các em học sinh tuy có nhận thức âm nhạc khác nhau nhưng nhìn chung vẫn tiếp xúc âm nhạc khá tốt khi môi trường các em sống có đầy đù điều kiện để các em có thể phát huy tối đa năng khiếu âm nhạc của bản thân.

Có thể nói, qua việc học đàn Phím điện tử, học sinh trường Tiểu học Xuân Khanh đã được phát triển thêm một bước về trí tuệ và tư duy về âm nhạc. Các em được phát triển khả năng chơi đàn qua việc được làm quen với đàn Phím điện tử với các tính năng phong phú;  được hướng dẫn kỹ về tư thế chơi đàn, tư thế để tay và kỹ thuật ngón bấm; được rèn luyện kỹ thuật qua việc học các gam liền bậc, gam rải, quãng,  hợp âm và các bài tập kỹ thuật; Học sinh được rèn kỹ năng chơi hoàn chỉnh từ đầu tới cuối một tác phẩm âm nhạc, đáp ứng các yếu cầu về  kỹ thuật và thể hiện tác phẩm qua việc học tác phẩm âm nhạc Cổ điển châu Âu, tác phẩm mang phong cách Jazz, Pop, Rock, tác phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, các em còn bồi dưỡng khả năng đàn và hát một ca khúc trên đàn Phím điện tử; được giới thiệu về thể loại, đặc điểm âm nhạc, tính chất, nội dung của các bài hát, được nghe đĩa và chơi thuộc giai điệu trên đàn; Học sinh được hướng dẫn cách chọn tiết điệu tự động, âm sắc để chơi bài hát trên đàn Phím điện tử. Tham gia học đàn Phím điện tử, các em đã được nâng cao khả năng học tốt các môn Âm nhạc trong chương trình môn âm nhạc Tiểu học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Minh Anh (2008), Sự phát triển nghệ thuật piano Việt Nam, Luận án tiến sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội
  2. Phan Trần Bảng ( 2001), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Bắc (2015), Giáo trình Tâm lý dạy học, Nxb Đại học Huế, Huế.
  4. Hàn Ngọc Bích, Lê Minh Châu, Hoàng Long, Nguyễn Hoành Thông, Tập bài hát lớp 1, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  5. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách một số vẫn đề lí luận, Nxb Giáo dục, Hà Nội
  6. Bộ Văn hóa - Thông tin, Nhạc viện Hà Nội (1998), Chương trình chi tiết môn học chuyên ngành nhạc cụ phương Tây hệ 7 năm, Thư viện Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
  7. Bộ Văn hóa - Thông tin, Nhạc viện Hà Nội (1998), Chương trình đào tạo chuyên ngành Khoa Piano tư sơ cấp đến đại học, Thư viện Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
  8. Nguyễn Thành Công ( 2006 ), Nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc cho học sinh lớp 6 trường Trung học cơ sở Thị trấn Thường Tín- Hà Tây qua các bài hát trong chương trình sách giáo khoa lớp 6, Khóa luận tốt nghiệp ĐHSP âm nhạc chính quy khóa II.
  9. Lê Minh Châu, Hoàng Long, Hoàng Lân, Lê Đức Sang, Nguyễn Hoành Thông, Lê Anh Tuấn, Âm nhạc lớp 4, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  10. Nguyễn Khánh Thanh Dung ( 2007), Xây dựng phương pháp dạy đàn Organ cho lứa tuổi mẫu giáo lớn trường mầm non 19-5 Thị xã Hưng Yên- Tỉnh Hưng Yên, Khóa luận tốt nghiệp Đại học trường ĐHSP Nghệ Thuật Trung ương.

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc