Nội san

Biện pháp dàn dựng tốp ca trong hoạt động ngoại khóa âm nhạc tại trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn Mường La – Sơn La

10 Tháng Mười 2016

 Lò Thị Ánh Nguyệt [*]

 

            Âm nhạc là một môn học độc lập trong nhà trường phổ thông. Các hoạt động âm nhạc ngoại khóa tạo ra môi trường vui chơi lành mạnh, giúp các em phát huy được tính hòa đồng, tự tin, rèn luyện khả năng giao tiếp, đồng thời phát huy được hết khả năng âm nhạc của bản thân. Một trong những hoạt động âm nhạc ngoại khóa ở các trường thường được tổ chức thông qua các chương trình biểu diễn âm nhạc. Trong đó, các tiết mục biểu diễn tập thể như hát tốp ca có vị trí khá quan trọng và được quan tâm. Bởi các tiết mục biểu diễn tập thể thường có nội dung mang ý nghĩa giáo dục cao, thể hiện tình đoàn kết, rèn luyện tính kỷ luật cho học sinh. Tuy nhiên, để các tiết mục tốp ca đạt hiệu quả cao đòi hỏi học sinh phải có sự đồng đều về chất giọng, có sự hòa hợp trong giọng hát và sự đầu tư dàn dựng công phu.

Trong thực tế, việc dàn dựng các tiết mục tốp ca tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn - Mường La – Sơn La vẫn còn nhiều bất cập: do hạn chế về cơ sở vật chất, chỉ khi đến các ngày lễ hát tốp ca mới được dàn dựng và luyện tập nên khả năng hát bè và phong cách biểu diễn của học sinh chưa tốt, chưa hòa hợp, học sinh mới chỉ hát đúng giai điệu, tiết tấu mà chưa thể hiện được sắc thái, tình cảm… nên dẫn đến chất lượng của các tiết mục tốp ca chưa cao.

Với thực trạng trên, chúng tôi đề xuất một số biện pháp dàn dựng tốp ca như sau:

  1. Biện pháp rèn luyện kỹ năng hát tốp ca

Rèn luyện hơi thở

            Trong thanh nhạc, vấn đề hơi thở rất quan trọng. Sự đồng đều và chuẩn xác của âm thanh phụ thuộc vào vệc lấy hơi đúng hay không. Trong hát tốp ca, xử lý hơi thở lại càng quan trọng, bởi đây là kỹ năng cơ bản quyết định nhiều đến chất lượng thể hiện tác phẩm, tạo nên sự đồng đều của các giọng hát. Muốn có được cao độ chuẩn trong hát tốp ca thì đầu tiên cần rèn luyện kỹ năng xử lý hơi thở tức là kỹ thuật lấy hơi và đẩy hơi. Khi hát tốp ca để có sự đồng đều thì các em phải lấy hơi trong khoảng thời gian như nhau, bắt đầu và kết thúc phải cùng lúc ở một chỗ cố định đã đánh dấu trong bài. Việc lấy hơi đúng trong các bài hát không phụ thuộc vào nét nhạc ngắn hay dài mà phụ thuộc vào sự trọn ý của câu hát. Chỗ lấy hơi đồng thời cũng là chỗ ngắt ý nhạc, tiết nhạc vì vậy không được lấy hơi tùy tiện. Để tập cho các em biết cách lấy hơi đúng, trước khi học hát giáo viên để các em tự đọc lời ca và phân tích ý nghĩa từng câu, từ đó hướng dẫn chỗ ngắt để lấy hơi.    

Tư thế ca hát

Tư thế của người ca hát gọi là tư thế ca hát. Muốn rèn luyện hơi thở phải bắt đầu từ tư thế ca hát. Tư thế là điều kiện tiên quyết để hít thở chính xác, do đó phát âm nhả chữ được dễ dàng. Luyện tập tư thế chính xác không đòi hỏi gì đặc biệt nhưng người giáo viên cần thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, uốn nắn những sai sót về tư thế của từng bộ phận riêng của các em khi hát. Khi dạy hát tốp ca, giáo viên cần nhắc các em ngồi hoặc đứng đúng tư thế, tập cho các em có thói quen có tư thế ca hát đúng. Như vậy chất lượng ca hát của các em mới đạt hiệu quả cao.

Hát tập thể chỉ tiến hành ở tư thế đứng hoặc tư thế ngồi do đó tư thế hát có hai cách:

            Khi đứng hát: người thẳng, không so vai, hai tay buông thoải mái dọc theo thân người, tựa đều vào hai chân.

            Khi ngồi hát: tư thế đầu và thân người giống như khi đứng hát. Tay đặt trên đầu gối, không tựa lưng vào ghế, giữ lưng thẳng, không vắt chân nọ lên chân kia. Điều cơ bản là giữ cho trạng thái cơ bắp của cơ thể thoải mái, ngực ưỡn mà không căng cứng, có thể hít thở sâu và dễ dàng. Đầu tự nhiên, đảm bảo toàn thân trước sau cân bằng, không bên nặng bên nhẹ.

Xử lý cao độ

            Ở lứa tuổi của các em, những bạn có năng khiếu âm nhạc hoặc thường được tham gia các hoạt động văn nghệ thì yếu tố này được các em nắm bắt rất nhanh và chính xác. Tuy nhiên, còn có những em hát quá to, không xử lý được âm thanh và không nghe được các bè khác, cũng có em mất tập trung nên thường bị nhầm lẫn bè. Chính vì thế, giáo viên cần chỉnh ngay từ ngày đầu luyện tập, nếu không các em rất dễ mắc lỗi, càng để lâu càng khó sửa.

            Giáo viên sử dụng đàn piano và cho nghe mẫu âm trước sau đó học sinh tái hiện lại. Giáo viên đánh nhịp theo nhịp 2/4 và đếm 1, 2. Vào phách tiếp theo, bắt đầu phát âm, miệng ngậm lại, bằng nguyên âm mũi, âm thanh nối liền nhau. Nếu luyện cho các em mở rộng thêm về âm vực, tập hát giọng giả thanh thì có thể cho các em luyện tập bằng cách cho hát lại một bài hát đã học nhưng chuyển sang giọng điệu cao hơn.

Xử lý sắc thái

            Sắc thái là yếu tố giúp cho việc thể hiện đầy đủ nội dung nghệ thuật bên trong tác phẩm, tạo cho tác phẩm một hình tượng cần thiết. Trước khi tập hát, giáo viên cần tìm hiểu nội dung của bài và cho các em biết chỗ nào cần hát to, chỗ nào cần hát nhỏ, không để việc hát to - nhỏ tùy theo ý thích riêng của các em. Mặt khác, khi luyện tập giáo viên nên chỉ huy để các em thay đổi sắc thái đều nhau. Đây là đặc điểm riêng của hát tốp ca, tránh việc có em hát mạnh hơn hay nhẹ hơn em khác.

            Bên cạnh đó, việc ra hiệu lệnh để học sinh lấy hơi đều là rất quan trọng. Giáo viên phải tự đệm đàn và ra hiệu lệnh trong khi luyện thanh. Tránh ra hiệu lệnh bằng miệng theo kiểu đếm “2, 3, vào” dễ gây mất tập  với trung và tạo thói quen xấu là không nhìn lên chỉ huy.

Hát đồng đều, hòa hợp

            Hát tốp ca là một hình thức của hát tập thể, vì vậy kỹ năng hát đồng đều là quan trọng nhất, đòi hỏi học sinh phải biết hòa giọng của mình trong giọng chung của nhóm. Muốn hướng dẫn học sinh thực hiện được kỹ năng này thì giáo viên cần:

            Phân tích tính chất, nội dung của cả bài hát và những chỗ nào cần hát sắc thái to, nhỏ, mềm mại, khỏe mạnh…Tập cho các em biết điều chỉnh giọng hát của mình, lưu ý các em không được hát tùy tiện mà phải nghe nhau hát.

            Các động tác chỉ huy là phương tiện để giáo viên giúp học sinh hát đồng đều. Khi biểu diễn các tiết mục tốp ca không cần người chỉ huy như đồng ca, hợp xướng nhưng khi luyện tập cũng cần thiết có sự chỉ huy của giáo viên dàn dựng.

            Giáo viên cần coi trọng việc tập bắt vào bài hát và kết thúc, ra hiệu lệnh cho từng bè hát theo ý của mình: Tập bắt vào bằng hiệu lệnh, Khi hát với nhạc dạo, cho các em nghe nhiều lần để thuộc câu dạo, tập vào đều khi có dạo đầu, dạo giữa. Ngoài ra, hát đồng đều còn đòi hỏi các em phải biết thể hiện sắc thái tình cảm của bài hát thông qua chất lượng giọng hát như to, nhỏ, mạnh, nhẹ phải đều nhau, nhiều người hát mà như một người hát.

Phát âm lời ca

            Bài hát là sự kết hợp giữa âm nhạc và lời ca, là nghệ thuật tổng hợp của yếu tố văn học và âm nhạc. Vì vậy, kỹ thuật hát rõ lời là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chất lượng biểu diễn bài hát, chuyển tải được nội dung của bài hát để không chỉ người hát mà cả người nghe cũng hiểu được nội dung của bài hát.

            Giáo viên cần nắm vững được đặc điểm ngôn ngữ tiếng Việt với những nguyên âm và phụ âm khác nhau; nắm được cách hát, phát âm các nguyên âm, phụ âm đó. Giáo viên phải nghiên cứu đường nét giai điệu của ca từ và yêu cầu học sinh đọc diễn cảm nhiều lần riêng phần lời ca.

            Giáo viên cần có phương pháp xử lý nhả chữ trong ca hát, cần phải nhả chữ rõ ràng, khoa học và hợp lý, phải phân biệt rõ cách hát những chữ có đuôi mở (kết thúc bằng nguyên âm đơn như: a, ô, ta, ba, la…hoặc nguyên âm kép như: hoa, lao, tôi…) và những chữ kết thúc bằng phụ âm đóng.

            Bên cạnh đó, một vấn đề nữa liên quan đến hát rõ lời là giáo viên cần chú ý các em lấy hơi đúng chỗ, phù hợp bởi lấy hơi không đúng sẽ làm cho việc nhả chữ, phát âm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng của tiết mục.

  1. Biện pháp dàn dựng tốp ca

Cách vỡ bài

            Trong hát tốp ca, việc vỡ bài là một công việc quan trọng để hướng dẫn các em hát đúng, chính xác bài hát. Tuy nhiên, vỡ bài tốp ca không hề đơn giản bởi các em không chỉ làm quen với cách vỡ bài một bè mà còn phải vỡ bài hai bè hoặc ba, bốn bè. Vì vậy, cần có cách vỡ bài phù hợp, dễ hiểu và dễ thực hiện. Mỗi bài hát chứa đựng một nội dung, tình cảm khác nhau nên cần có sự dàn dựng thích hợp, không rập khuôn máy móc. Khi vỡ bài mới, giáo viên cần có phương pháp hợp lý để hướng dẫn, cụ thể như:

            Bước 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

            Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, cách tiến hành bè, sắc thái, nhịp độ để các em nắm vững tác phẩm. Ngoài ra, giáo viên cần chuẩn bị thêm những kiến thức âm nhạc có liên quan đến bài học để thuận lợi hơn khi hướng dẫn các em.

            Bước 2: Phân bè

            Trong hát tốp ca, việc phân bè, chọn giọng cần được coi trọng. Giáo viên căn cứ vào số lượng học sinh trong đội hát để dự kiến số lượng bè cho phù hợp.

            Khi chọn giọng giáo viên dựa vào tầm cữ giọng của các em để phân ra được giọng cao và giọng thấp, sau đó tùy theo bè mà phân cho hợp lý. Điều này giúp học sinh bắt vào giọng được thuận lợi, cữ giọng quá cao hay quá thấp đều gây khó khăn và làm mất vẻ tự nhiên, mềm mại của giọng hát.

            Bước 3: Hướng dẫn tập hát

            Sau khi chọn giọng, phân chia bè hợp lý cho học sinh, giáo viên bắt đầu hướng dẫn tập hát cho các em.

            Giáo viên tập cho các em từng câu một thật nhuần nhuyễn, tập từng đoạn nhỏ rồi mới hát hết cả bài.

            Sau khi hát được ở những bè riêng biệt, giáo viên cho học sinh ghép bè, sau đó nghe và xem bè nào chưa đạt yêu cầu thì điều chỉnh theo cách hát lại nhiều lần để học sinh quen tai.

            Để phân biệt và sửa sai kịp thời giáo viên cần có phương pháp sửa sai bằng cách dự kiến được chỗ sai, dùng phương pháp so sánh diễn giải âm thanh kết hợp phương pháp hát mẫu trực tiếp cho các em.

            Bước 4: Hướng dẫn xử lý tác phẩm

            Hướng dẫn các em khi hát phải có sự đồng đều, hòa giọng, các bè luôn có sự cân bằng về âm lượng. Mỗi tác phẩm đều có sự khác nhau về nhịp độ, tính chất, sắc thái tình cảm, to nhỏ, mạnh nhẹ.Vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn để các em thực hiện tốt các yêu cầu về sắc thái, tình cảm, cường độ, tiết tấu, nhịp độ nhanh, chậm được ghi trong bài.

Dàn dựng phần sân khấu

            Trong chương trình văn nghệ, âm thanh có tính chất quyết định đến chất lượng của buổi biểu diễn. Do vậy, khi phân công cần chú ý chuẩn bị âm thanh, loa đài, micro cho hợp lý. Nếu ở hội trường, phòng lớn cần chuẩn bị đèn, ánh sáng vừa đủ. Ánh sáng được sử dụng trong suốt chương trình, điều chỉnh theo từng tiết mục cho phù hợp. Người điều khiển âm thanh phải nắm chắc kịch bản để điều tiết cho phù hợp với từng tiết mục.

            Các công tác chuẩn bị phải có ý tưởng lựa chọn trang phục cho từng tiết mục tốp ca trong chương trình. Kịch bản cần lưu ý đến những chi tiết về hình thức của học sinh khi ra sân khấu như: tóc, mũ, khăn, quần áo, váy, giày…Mỗi tiết mục đòi hỏi những đạo cụ riêng và chức năng của các đạo cụ đó phải được những người được phân công chuẩn bị nắm rõ để phục vụ cho tiết mục cũng như chương trình thành công.

            Về trang phục thì người được phân công vào nhiệm vụ này phải xây dựng ý tưởng để lựa chon trang phục sao cho phù hợp với nội dung, có tính thẩm mỹ và tạo cho các tiết mục trở nên ấn tượng hơn.

Dàn dựng các phần phụ họa

            Để tăng sự biểu hiện cho tác phẩm âm nhạc, việc dàn dựng các phần phụ họa là không thể thiếu đối với các tiết mục tốp ca. Các phần phụ họa tốp ca thường có hai hình thức:

            Thứ nhất: Học sinh vừa hát vừa kết hợp với phần nhảy múa một cách tự nhiên theo tính chất, nội dung, tư tưởng của bài hát.

            Thứ hai: Tốp hát tốp ca kết hợp với tốp múa phụ họa,

            Để các tiết mục tốp ca có sức hấp dẫn hơn, cũng như đạt chất lượng về nghệ thuật thì trước hết cần hướng dẫn học sinh những động tác múa lên ý tưởng cho phần phụ họa, xem đội hình cần mấy người, bao nhiêu nam - bao nhiêu nữ, gồm những đạo cụ gì, động tác múa nào phù hợp với nội dung, tính chất của bài hát, đội múa sẽ múa từ đoạn nào của bài hát và hình tượng kết ra sao. Ngoài ra, trang phục biểu diễn cũng hết sức quan trọng, lựa chọn màu sắc, trang phục phải dựa theo nội dung, tính chất của bài hát.

   Tóm lại, để dàn dựng các tiết mục tốp ca đạt chất lượng thì một trong những yếu tố quan trọng nhất là vấn đề nâng cao năng lực của giáo viên. Để làm được điều này giáo viên cần trau dồi thêm các kiến thức chuyên môn, tham gia giao lưu các phong trào hoạt động ngoại khóa của nhà trường cũng như các đơn vị khác. Ngoài ra, giáo viên cũng cần có tình yêu, long say mê nghề nghiệp, điều này sẽ quyết định đến sự thành công trong việc nâng cao chất lượng của các chương trình ngoại khóa nói chung và dàn dựng tốp ca nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

3.    A-Xô-Khốp (Vũ Tự Lân dịch) (1974), Vai trò giáo dục âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

4.    Lê Tuấn Anh (2007), Dàn dựng chương trình tổng hợp, Nxb Giáo dục.

5.    Dương Viết Á, Đức Trịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Nxb Giáo dục.

6.    Lê Ngọc Canh (2001), 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin - TT Nghệ thuật múa UNESCO Hà Nội.

7.    Ngọc Canh (2009), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

  1. Đào Ngọc Dung (1997), Những bài hát tập thể đồng ca, hợp xướng I-II-III, Trường CĐSP Nhạc họa TW.

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc