Nội san

Vận dụng phương pháp truyền khẩu và phương pháp luyện tập thực hành trong hát dậm Quyển Sơn

10 Tháng Mười 2016

Trần Ánh Tuyết [*]

 

1. Phương pháp truyền khẩu

Nếu như trong dạy hát các ca khúc mới, giáo viên cần hạn chế phương pháp này bởi sinh viên sẽ không rèn luyện được kỹ năng xướng âm nốt nhạc thì trong dạy hát dân ca, đây chính là phương pháp đặc thù. Chúng ta có thể vận dụng phương pháp này ở phần dạy hát từng câu một trong tiến trình dạy hát. Không ai có thể phủ nhận được hiệu quả mà phương pháp này mang lại trong quá trình dạy hát dân ca cho sinh viên. Đó là bởi phương pháp này khiến cho sinh viên học hát dân ca nhanh hơn và hứng thú hơn. Bản thân những bài dân ca cổ truyền của nước ta vốn dĩ đã tồn tại và được bảo tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng chính phương pháp truyền khẩu.  Mỗi làn điệu dân ca đều có cách hát riêng, chẳng hạn như lối hát nảy hạt trong dân ca Quan họ Bắc Ninh thì không có bản ký âm nào ghi lại được. Nếu không được trực tiếp nghe và truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu thì không thể hát đúng được. Thậm chí cùng một bài dân ca nhưng đôi khi mỗi nghệ nhân lại có cách hát khác nhau…Hát Dậm cũng có nhiều dị bản, ngay cả việc liệt kê, phân chia số bài bản, làn điệu của Hát Dậm đến nay cũng chưa có sự nhất quán giữa các nhà nghiên cứu. Nhiều làn điệu Hát Dậm đã được ký âm thành những bản nhạc. Tuy nhiên cùng một làn điệu nhưng mỗi nhà nghiên cứu lại có cách ký âm khác nhau do mỗi nghệ nhân có cách hát riêng. Hoặc có thể chính bản thân nghệ nhân mỗi lúc hát lại khác đi đôi chút…Tất nhiên vẫn trên cơ sở lòng bản của làn điệu. Với phương pháp dạy hát truyền khẩu, thì người có thể đảm nhiệm vai trò dạy Hát Dậm khá hiệu quả chính là nghệ nhân vì họ là người thuộc lòng các câu hát, người giữ hồn của các bài dân ca… Nhưng nếu không có giáo viên âm nhạc hỗ trợ, tổ chức và kết hợp cùng thì cũng không tạo được hiệu quả cao.

 Qua khảo sát thực tế việc truyền dạy Hát Dậm của nghệ nhân Trịnh Thị Phẩm cho các em ở làng Quyển Sơn, chúng tôi nhận thấy, chủ yếu các em có thể hát và múa được là do được trực tiếp, nghe, quan sát và thực hành nhiều lần. Lời ca Hát Dậm vốn dĩ có nhiều những từ cổ mà ngay cả nghệ nhân cũng không hiểu nghĩa, nhiều bài hát theo lối hát nói rất khó nhớ. Cách thức truyền dạy của nghệ nhân khá đơn giản. Với mỗi làn điệu Hát Dậm, nghệ nhân thường chia thành những câu hát khá dài. Sau đó nghệ nhân hát để các con Dậm nghe và hát cùng. Các thành viên trong phường Dậm vốn dĩ trình độ không đồng đều do khả năng âm nhạc của từng em khác nhau. Mặt khác, mỗi năm phường Dậm lại phải tuyển thêm thành viên mới do một số thành viên cũ phải đi học xa hoặc lập gia đình nên không tham gia được. Do đó, các em trong phường Dậm có thể vừa học từ nghệ nhân, vừa tự học hỏi nhau. Trong khi nghệ nhân hát, một số em đã thuộc thì hát theo, số còn lại chưa thuộc có thể vừa hát vừa nghe và quan sát. Việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến các em mới tham gia vào phường Dậm dần dần cũng có thể hát múa được thành thạo. Nếu nghệ nhân có thể dạy từng câu một và chú ý dạy nhiều lần những chỗ khó hát trong bài thì các em sẽ dễ dàng tiếp thu hơn mà không mất nhiều thời gian cũng như công sức.

Đối với các em (sinh viên) SV hệ Cao đẳng Sư phạm Tiểu học, nếu dạy theo cách này thì chắc chắn các em sẽ khó nắm bắt ngay được cách hát cũng như cách múa. Do đó, để tạo được hiệu quả tối ưu cho phương pháp dạy truyền khẩu của nghệ nhân, giáo viên (GV) âm nhạc sẽ đóng vai trò là người lên kế hoạch, tổ chức, điều khiển toàn bộ tiến trình của giờ dạy hát. Trước khi dạy hát truyền khẩu, GV nên cho SV luyện giọng theo âm điệu của bài dân ca. Sau khi được nghe hát mẫu và luyện giọng bằng âm điệu của bài dân ca, SV dễ dàng hơn trong việc học hát. Việc luyện tiết tấu của bài dân ca trước khi dạy hát truyền khẩu cũng rất cần thiết. Nó sẽ giúp SV nắm bắt được nhịp điệu của bài một cách nhanh chóng.

Ví dụ: Tiết tấu bài Nếp Mây

Sau khi GV tiến hành cho SV luyện thanh và tiết tấu của bài, nghệ nhân sẽ tham gia vào phần dạy hát từng câu một theo lối truyền khẩu và phần dạy các động tác múa cho SV. Để GV và nghệ nhân phối hợp ăn ý thì trong khâu chuẩn bị, GV cần làm việc trước với nghệ nhân. GV sẽ chia bài dân ca thành những câu hát ngắn để SV hát dễ dàng hơn. Đồng thời GV nên lưu ý với  nghệ nhân  việc bắt nhịp vào mỗi câu hát cho SV. Trên thực tế, nghệ nhân vốn quen với cách dạy hết sức tự nhiên. Do đó để phù hợp với đối tượng học là các em SV vốn chưa được tiếp xúc với Hát Dậm thì nghệ nhân cần thiết phải phối hợp với GV trong phương pháp dạy.  Bản thân nghệ nhân là những người cũng có năng khiếu âm nhạc, rất nhiệt tình và luôn muốn cống hiến hết mình cho việc lưu truyền những bài dân ca.Vì vậy sẽ không mấy khó khăn khi cùng GV thực hiện công việc này. Trong quá trình dạy truyền khẩu của nghệ nhân, GV sẽ là người quan sát và cùng với nghệ nhân sửa những chỗ SV hát chưa đúng. Nếu làm được như vậy sẽ khắc phục được nhược điểm trong phương pháp dạy truyền khẩu của nghệ nhân. Đồng thời vẫn giúp SV có thể lĩnh hội được cách thể hiện cảm xúc của bài dân ca từ chính nghệ nhân.

2. Phương pháp luyện tập - thực hành

Đây là những phương pháp rất cần thiết được dùng trong phần ôn luyện và hát kết hợp với các động tác diễn xướng sau khi đã hát xong bài dân ca. Sau khi dạy SV hát từng câu một từ đầu đến hết bài, GV tiến hành dùng phương pháp luyện tập -  ôn tập để củng cố lại toàn bộ bài, sửa lại những chỗ SV hát sai.

Đối với những câu hát nhiều luyến láy, GV hoặc nghệ nhân cần hát mẫu nhiều lần để SV nghe, ghi nhớ hát theo. Tuy nhiên GV cũng nên chú ý phải tiến hành dần dần, không quá cầu toàn đến việc yêu cầu các em phải hát thật chuẩn xác những chỗ khó. Bởi  những SV hệ CĐSP Tiểu học  không phải là SV chuyên nhạc. Vì vậy nếu ép buộc các em phải hát đúng ngay được những chỗ khó của bài sẽ làm cho tiết học căng thẳng, gây mất hứng thú học tập.

Có nhiều hình thức ôn tập lại bài dân ca đạt hiệu quả mà không gây căng thẳng cho SV. GV có thể chia lớp thành từng nhóm trong đó có thể phân bổ đều những SV hát tốt vào các nhóm để SVcùng ôn luyện và sửa sai cho nhau. Sau đó GV và nghệ nhân có thể đến từng nhóm để ôn lại cho các em. GV cũng căn cứ vào từng bài để dạy SV cách hát đối đáp, hát hòa giọng, hát theo kiểu xướng - xô, hát kết hợp với gõ đệm theo tiết tấu hoặc theo phách…Ví dụ, bài Mái Hò 1 có cách hát theo kiểu xướng - xô. Khi luyện tập, GV cần luyện cho SV hát nhiều lần, thay đổi các vế Xướng - xô để tạo không khí học tập vui vẻ. Sau đó, GV dùng phương pháp luyện tập - thực hành để hướng dẫn SV hát kết hợp với các động tác múa, hát kết hợp với gõ đệm bằng sênh tre - nhạc cụ của Hát Dậm hoặc hát kết hợp với trò chơi. Khi hướng dẫn SV các động tác múa của bài Hát Dậm và cách sử dụng sênh tre, tốt nhất GV nên để cho nghệ nhân làm mẫu cho SV xem. Nghệ nhân sẽ trực tiếp dạy các em dưới sự giúp đỡ của GV. Phần tổ chức trò chơi cũng cần phải được GV chuẩn bị chu đáo.

Phương pháp luyện tập - thực hành sẽ làm cho giờ học hát trở nên hứng thú và tạo hiệu quả cao bởi SV vừa được hát, vừa dược mùa và được học cách sử dụng nhạc cụ của Hát Dậm. Giờ học sẽ sinh động hơn nhờ những trò chơi mà GV tổ chức cho SV tham gia.

Với phương pháp luyện tập - thực hành, GV sẽ giúp SV không chỉ nắm vững giai điệu, tiết tấu, những động tác múa minh họa mà còn có thể sáng tạo nên những lời ca mới dựa trên giai điệu của bài dân ca.Ví dụ: Sau khi học xong bài Nếp Mây, GV hướng dẫn các SV cách vận lời mới dựa trên giai điệu, tiết tấu của bài Nếp Mây. Muốn vận lời cho hay, GV cần chú ý giúp SV nắm vững một số khía cạnh như lời ca, giai điệu, tiết tấu của bài.

Về lời ca: có hai cách chọn lời

 Cách 1: Ta có thể chọn câu thơ 4 chữ, sau đó bổ đôi câu thơ, dùng biện pháp điệp từ, thêm những tiếng đệm, những âm luyến láy để tạo nên giai điệu cho bài. Chẳng hạn, từ câu: Em yêu cô giáo, khi có thêm các từ phụ sẽ như sau:

 Em (là) em, em yêu; em (là ) em, em yêu.

(Tình rằng là) cô giáo (a) (tình bằng là) cô giáo (ta bớ ru hời là),

(Ta ru hời) cô giáo em yêu (là) em yêu

 Cách 2: Ta có thể lấy cả một câu thơ 6 chữ trong một cặp lục bát, chia câu thơ làm 3 phần, sau đó thêm vào những tiếng đệm, tiếng đưa hơi để tạo nên giai điệu của bài. Chẳng hạn, với câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Khi ta tách lấy câu 6 chữ và thêm vào các từ phụ sẽ như sau:

Công (là) công, công cha; công (là) công, công cha.

(Tình rằng là) như núi (a), (tình bằng là) như núi (ta bớ ru hời là)

(Ta ru hời) như núi Thái Sơn (là) Thái Sơn.

Ví dụ: Đặt lời mới cho bài Nếp Mây

Khi chọn câu thơ để vận vào giai điệu của bài Nếp Mây, GV cần lưu ý: Để cho phù hợp với giai điệu của bài, đối với câu thơ bốn chữ ta nên chọn những câu có hai từ đầu có thanh không hoặc thanh sắc. Đối với câu sáu chữ ta nên chọn hai từ đầu và hai từ cuối có thanh không hoặc thanh sắc.

 Sau khi hướng dẫn SV cách vận lời mới, GV nên chọn nhiều câu ca dao, câu thơ phù hợp để cung cấp cho SV tập vận lời mới vào bài Nếp Mây.  Khi các em đã nắm được cách vận lời mới, GV nên gợi ý các chủ đề như: quê hương, tình cảm gia đình, tình thầy trò…để SV về nhà tự sáng tác hoặc sưu tầm những câu ca dao phù hợp với giai điệu của bài Nếp Mây.

Trên đây là cách vận dụng một số phương pháp vào quá trình dạy Hát Dậm. Để phát huy tính tích cực học tập của sinh viên và tăng hiệu quả của giờ học, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học khác tùy vào từng phần của quá trình dạy học để đạt hiệu quả cao.

 

                                  

                                       Tài liệu tham khảo

1.    Bộ Giáo dục và đào tạo (2005), Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên tiểu học chu kỳ III (2003 - 2007), tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Trần Văn Khê (2003), Thử bàn về việc đưa âm nhạc truyền thống vào học đường, thông báo khoa học – Viện âm nhạc số 10.

3. Nguyễn Thụy Loan (2005), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

       4. Hoàng Long - Lê Anh Tuấn (2009), Tài liệu hướng dẫn hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở (Đề án hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án phát triển giáo dục Trung học cơ sở II, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương.

       5. Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc