Nội san

Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc

03 Tháng Năm 2010

 

Phạm Lê Hòa

                                                                                             

Trong thời gian qua, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Không chỉ bằng tài năng trong lao động sáng tạo nghệ thuật, những người làm công tác âm nhạc Việt Nam còn tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với cả sức lực và xương máu của mình. Nhiều nhạc sĩ đã hy sinh anh dũng nơi trận tuyến chống quân thù như: Hoàng Việt, Vĩnh Bảo, Văn Cận .v.v...

Các sáng tác âm nhạc luôn song hành cùng mỗi bước đi của sự nghiệp cách mạng, góp phần tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Để đánh giá công lao của những người làm công tác âm nhạc Việt Nam, nhiều phần thưởng cao quí nhất của Đảng và Nhà nước đã được trao tặng cho đội ngũ những người làm công tác âm nhạc: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương Lao động .v.v...

Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa VII) đã đề ra: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính”. Đây là một trong những quyết định có ý nghĩa lớn lao phù hợp với tiến trình của lịch sử để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Trong những năm trước đây, nền hành chính quốc gia đã thể hiện bản chất của nền dân chủ một cách nhất quán, thể hiện rõ đặc điểm của một nhà nước của dân, do dân và vì dân; luôn là một bộ phận hợp thành của hệ thống chính trị, thực hiện chức năng hành pháp của quyền lực nhà nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ pháp lý của nhà nước pháp quyền, bộ máy hành chính nhà nước đã từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu lực và hiệu quả, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng.

Nhưng, thời gian qua, bên cạnh những thành tựu nổi bật góp phần quan trọng vào sự thành công trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc cũng đã bộc lộ những yếu kém, không phù hợp với  công cuộc đổi mới trên phạm vi toàn đất nước. Những thành công cũng như hạn chế này của hành chính quốc gia đã có những tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa xã hội, trong đó có lĩnh vực âm nhạc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn được đề cập đến một số từ những vấn đề cấp bách trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực âm nhạc.

Trong lịch sử, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam thường được tính từ đầu những năm 1930 - từ khi Đảng ra đời. Hơn một nửa thế kỷ đã đi qua với bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam luôn sát cánh kề vai, đồng lòng cùng toàn dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Họ khao khát được cống hiến tài năng, trí tuệ và coi đó là mục đích của cuộc sống. Và khao khát đó đã hòa cùng tính năng động trong sáng tạo nghệ thuật trước những chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Anh chị em nhạc sĩ say mê lao vào tìm tòi những khả năng mới của tư duy sáng tạo nghệ thuật, của sự đa dạng trong phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc. Chưa bao giờ sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc Việt Nam lại phong phú, đa dạng như những ngày này. Hàng loạt các sáng tác âm nhạc ở đủ mọi thể loại ra đời: từ những tác phẩm của thể loại ca khúc đến những song ca, tam ca, tứ ca, tốp ca, hợp ca, hợp xướng, ôratôriô, căngtat ... của lĩnh vực thanh nhạc; từ những tiểu phẩm, bài ca không lời, êtuýp, nôctuyêc, prêluyt, balat, rapxôđi đến các xônat, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, giao hưởng, côngxectô, uvectuya ... của lĩnh vực khí nhạc; hay những tác phẩm thuộc thể loại nghệ thuật tổng hợp như: ôpêra, balê .v.v... Rồi các đêm tác giả, các đêm diễn của các ca sĩ nổi tiếng, các đêm nhạc theo đủ mọi chủ đề đến nỗi khó mà có thể nhớ hết được.

Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật phải đào tạo hết sức công phu trong một thời gian rất dài. Từ một học sinh được tuyển chọn năng khiếu một cách kỹ càng, phải sau 11 năm với hai kỳ thi mỗi năm mới tốt nghiệp chương trình của Hệ sơ trung. Và nếu đỗ vào hệ Đại học thì cũng phải học rất vất vả thêm 4 - 5 năm nữa cho đến ngày tốt nghiệp. Hay nói cách khác, từ một học sinh được tuyển chọn năng khiếu lúc đầu phải trải qua khoảng 16 năm với rất nhiều kỳ thi học kỳ, thi lên lớp mới có được tấm Bằng Đại học âm nhạc hệ chính qui.

Vậy mà sau khi ra trường, với tình hình lương như hiện nay, người nghệ sĩ lại phải bươn trải rất vất vả mới có thể tồn tại và phải có một lòng say mê nghệ thuật mãnh liệt mới có thể tiếp tục làm nghệ thuật. Do điều kiện sinh hoạt và hoạt động nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, không có kinh phí hoạt động, người nghệ sỹ khó có thể làm việc một cách có hiệu quả cao. Nhiều nghệ sỹ đã phải làm thêm nghề phụ để có thể tiếp tục nghề nghiệp mà mình yêu quí. Chính điều đó đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chung của lĩnh vực âm nhạc Việt Nam trên tất cả mọi phương diện: sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu - lý luận - phê bình và đào tạo.

Phải nhìn nhận một thực tế là trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt đáng kể. Đời sống của toàn dân không ngừng được cải thiện. Nếu như trước đây 10 năm chúng ta chỉ lo phấn đấu sao cho đủ ăn, thì hiện nay điều đó đã thành sự thật. Thậm chí, Việt Nam còn là một trong những cường quốc trên lĩnh vực xuất khẩu gạo. Người dân Việt Nam bây giờ không phải lo đủ ăn mà đang tiến tới ăn ngon và mặc sao cho đẹp. Là người Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về điều đó.

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của sự đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong thời đại mà sự giao lưu quốc tế mạnh mẽ hơn bao giờ hết cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những đòi hỏi của cuộc sống cũng có nhiều thay đổi so với trước đây. Để có đủ điều kiện làm việc và dồn toàn bộ tài năng, trí tuệ cho sáng tạo nghệ thuật, Nhà nước cần sớm có chế độ cải cách tiền lương cho phù hợp với tình hình mới. Nếu để ý trên sóng truyền hình, chuyên mục “Chúng tôi nói về chúng tôi”, những người làm công tác quản lý nhà nước hẳn sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước hiện thực cuộc sống của những người làm công tác nghệ thuật. Để cho những nghệ sĩ có tài sau bao nhiêu năm được đào tạo nghệ thuật sáng tạo, sau những giây phút sáng tạo trên sàn diễn không phải vật lộn mưu sinh bằng nghề bán nước giải khát, nghề cơ khí .v.v... Nghiên cứu cải tiến chế độ tiền lương cho phù hợp với đòi hỏi của thực tế là một công việc mang tầm cỡ quốc gia, không thể ngày một, ngày hai có thể thực hiện được. Nhưng đây là một trong những việc làm có ý nghĩa tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước trong tất cả các hoạt động chuyên ngành.

Bên cạnh đó, cũng cần có những văn bản pháp qui xác định rõ chế độ phụ cấp với tính đặc thù riêng của lao động nghệ thuật mang tính khả thi. Vấn đề này trước đây đã có trong văn bản và được thực hiện. Song giai đoạn gần đây, không hiểu tại sao lại không được tiếp tục thi hành.

Sau nhiều năm dự thảo, Luật bản quyền tác giả được công bố nhưng chưa phát huy được hiệu quả thật sự của nó trong đời sống âm nhạc nước nhà. Nhiều công văn, nhiều nghị định, nhiều thông tư của các cấp có thẩm quyền đã được ban hành. Song hiệu quả thực, giá trị thực trong cuộc sống của các loại văn bản đó còn là vấn đề cần được xem xét trong tất cả các loại hình nghệ thuật nói chung, trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng(1). Trước đây, do tình hình thực tế của xã hội Việt Nam, vấn đề bản quyền tác giả chưa được đặt ra. Cùng với những ước lệ trong phạm vi đạo đức thời bấy giờ của xã hội, người nghệ sỹ sáng tác coi việc tác phẩm nghệ thuật - đứa con tinh thần của mình được đến với đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ của nhân dân gần như là mục đích duy nhất của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng ngày nay, khi mà đời sống của đất nước ngày càng tốt đẹp hơn, nhận thức của đại đa số nhân dân và những người làm công tác nghệ thuật ngày càng cao, khi mà sự bùng nổ thông tin mang ý nghĩa toàn cầu, cùng sự giao lưu quốc tế ngày một sâu rộng hơn giữa các nền văn hóa, những người làm công tác sáng tạo nghệ thuật ngày càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của lao động sáng tạo nghệ thuật. Những đòi hỏi của họ về Bản quyền tác giả của sáng tạo nghệ thuật là hoàn toàn có lý, mang tính nhân văn và hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người.

Tôi đã gặp nhạc sĩ Trần Tiến - người nhạc sĩ đầu tiên và cũng là người chiến thắng trong lịch sử kiện việc vi phạm bản quyền tác giả thuộc lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam. Ngồi bên “quán cóc” cạnh trụ sở cơ quan Hội nhạc sĩ Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo, vẫn cái “sĩ” của “kẻ sĩ”, anh hơi buồn khi chỉ nhắc lại một câu duy nhất về vụ kiện đó, nhưng lại hào hứng hát cho chúng tôi nghe hơn một lần bài hát anh sáng tác trong những ngày ra trước Tòa án của Pháp luật kiện việc vi phạm bản quyền các sáng tác âm nhạc của anh. Anh ra toà là để đấu tranh cho niềm tin vào công bằng xã hội.

Vấn đề nhuận bút đối với một tác phẩm âm nhạc là một vấn đề còn nhiều ý kiến bất đồng trong giới những người làm công tác âm nhạc. Đa số những người sáng tác và nghiên cứu âm nhạc đều không hoàn toàn đồng ý với nội dung một số văn bản quản lý nhà nước về nhuận bút đối với một tác phẩm âm nhạc bởi nó không đánh giá đúng được hết tài năng và sức lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Một tác phẩm ca khúc được trả bao nhiêu? Chúng ta hãy xem nhạc sĩ Thuận Yến viết trong Tạp chí Âm nhạc: ”Ở Thuỵ Sĩ, có một hai ca khúc nổi tiếng là nhạc sĩ có thể sắm nhà lầu, xe hơi, đi du lịch khắp đó đây. Còn ở ta, ca khúc “Chia tay hoàng hôn” của tôi (lời thơ Hoài Vũ) sau 7 năm xuất hiện được công chúng yêu thích rộng rãi, được nhiều ca sĩ biểu diễn, thu băng cassette, thu băng video, thu băng Karaôkê, bày bán khắp nơi mà số tiền thù lao tác giả thu được chỉ bằng 1/5 số tiền thù lao một suất diễn của ca sĩ nổi tiếng hiện nay”(2) .

Trong thời gian qua, vấn đề nhuận bút của một tác phẩm văn hóa nghệ thuật, của một tác phẩm âm nhạc còn được thực hiện hết sức tuỳ tiện, tuỳ từng cơ quan sử dụng muốn trả ra sao thì trả. Tác giả Cẩm Ly Thu Hương trong bài báo có tiêu đề “Loạn nhuận bút thua thiệt thuộc về tác giả” có viết: “Theo ông Nguyễn Đức Thanh, giám đốc Dihavina (Nhà xuất bản Âm nhạc) thì “Nhà nước không có văn bản trả chế độ nhuận bút băng, đĩa. Mức nhuận bút băng, đĩa của Dihavina là do nhà xuất bản tự hoạch định trên cơ sở tính toán đầu vào đầu ra trong quá trình sản xuất và phát hành của mình”(3). Và ông Nguyễn Đức Thanh cũng cho biết “có thời nhạc sĩ coi việc được Nhà xuất bản in sách đã là một đặc ân rồi, nên nhuận bút có hay không cũng chẳng quan trọng gì. Còn bây giờ nhiều người phản ứng về nhuận bút thấp. Cuối cùng Nhà xuất bản chỉ in khi đã thoả thuận với tác giả”(4).

Chính do chế độ nhuận bút không phù hợp mà nhiều cơ quan phải linh hoạt giải quyết theo nhiều cách khác nhau để có thể đỡ phần nào thiệt thòi cho các tác giả. Như vậy cũng có nghĩa là hiệu quả của chế độ chính sách nhà nước bị giảm hiệu lực do không phù hợp với thực tiễn của cuộc sống. Và điều đó cũng có nghĩa là quản lý nhà nước ở khu vực này còn thiếu sót, cần phải được cải cách sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Người nghệ sỹ luôn mong được đánh giá đúng mình, được tạo điều kiện để có thể cống hiến tài năng và trí tuệ. Mà tôi nghĩ đó cũng chính là vai trò, trách  nhiệm của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc vậy.

Bản quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc luôn là một vấn đề được đông đảo anh chị em làm công tác âm nhạc quan tâm. Trong hầu hết các cuộc họp trao đổi quanh chủ đề Bản quyền tác giả, hầu hết các nhạc sĩ đều phàn nàn về việc các cơ quan xuất bản vi phạm Luật bản quyền tác giả. Sau khi nghiên cứu các văn bản hành chính, các qui định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, chúng tôi nhận thấy:

- Các văn bản pháp qui về bảo hộ quyền tác giả đã khẳng định được vai trò và vị trí của các tác giả trong việc sở hữu tài sản trí tuệ của mình. Qui định rõ quyền lợi của chủ sở hữu trí tuệ phù hợp với luật pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế(5).

- Tuy nhiên, các văn bản đều không có các bộ luật hoặc văn bản có tính pháp qui một cách cụ thể phù hợp với thực tế cuộc sống về việc xử lý nghiêm khắc đối với các vi phạm thuộc lĩnh vực bản quyền tác giả. Vì vậy, khi xảy ra việc vi phạm bản quyền tác giả, các cơ quan chức năng rất khó giải quyết vấn đề này.

- Việc giải quyết các vụ việc vi phạm luật bảo hộ quyền tác giả chưa đạt được yêu cầu giáo dục, răn đe một cách nghiêm khắc những kẻ vi phạm luật bản quyền tác giả. Chính vì vậy mà trong thời gian qua số vụ việc ngày một tăng.

- Cũng cần lưu ý việc có những tác giả sáng tạo nghệ thuật cũng chưa ý thức được hết ý nghĩa của Luật bảo hộ quyền tác giả để từ đó có khả năng tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Vì vậy, chúng tôi thấy công tác quản lý nhà nước trong bảo hộ quyền tác giả cần có những văn bản cụ thể hơn, nhất là về việc xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền tác giả. Và để bộ luật này thực sự bảo hộ quyền tác giả của những người làm công tác âm nhạc, các cơ quan chức năng cần tham khảo một cách chi tiết ý kiến từ chính những người làm công tác âm nhạc. Có như thế Bộ luật bảo hộ quyền tác giả mới có khả năng phát huy thật sự vai trò của mình trong cuộc sống, có như thế mới phản ánh đúng mục tiêu xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Một vấn đề khác cũng cần được đặt ra là: đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian vừa qua còn có điều chưa hợp lý. Điều đó dẫn đến việc nhiều di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản văn hóa âm nhạc dân gian nói riêng bị mai một, bị thất lạc. Thời gian gần đây, trong những chuyến đi khảo sát, điền dã tại một số địa phương trên cả nước, chúng tôi nhận thấy rằng: để đến hôm nay chúng ta mới tiến hành công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở tầm quốc gia là hơi muộn. Tất nhiên, muộn còn nhiều lần tốt hơn là không bao giờ. Nhưng nếu như công tác này được đầu tư thích đáng và có tầm chiến lược từ giai đoạn trước đây như ý kiến của nhiều nhà văn hóa lớn của Việt Nam thì chúng ta sẽ đỡ lãng phí biết bao công sức và tiền của cho công tác này. Hiện nay, trên lĩnh vực âm nhạc còn nhiều khu vực chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, có kế hoạch. Trong đó có những đề tài cần gấp rút tiến hành bởi tính lịch sử của nó, bởi các nghệ nhân - đối tượng chính của nghiên cứu đều đã nhiều tuổi. Nói dại, nếu các cụ ra đi trước khi chúng ta kịp bảo tồn di sản văn hóa đó, thì trách nhiệm của chúng ta trong việc gìn giữ di sản văn hóa của cha ông sẽ được lớp con cháu đánh giá ra sao?

Tất cả các vấn đề chúng tôi đưa ra ở trên, có thể còn có những nguyên nhân riêng của nó, nhưng dù sao chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy từ đó những nguyên nhân thuộc công tác quản lý nhà nước. Việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tốt những vấn đề trên sẽ tạo cho lĩnh vực âm nhạc những khả năng vươn tới ngang tầm thời đại, đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đang được triển khai trên mọi mặt của đất nước chúng ta.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ đạo xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đó chính là nền văn hóa xây dựng trên cơ sở di sản văn hóa truyền thống vốn là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam. Theo chúng tôi, đây trước hết là trách nhiệm của công tác quản lý nhà nước. Khi soạn thảo các văn bản kế hoạch phát triển văn hóa, phát triển âm nhạc, các cơ quan chức năng cần chú ý nghiên cứu sao cho phù hợp với đòi hỏi của chuyên ngành trong từng tình hình cụ thể.

Công tác quản lý hành chính nhà nước giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước. Song, sự quản lý không thể không dựa vào các văn bản pháp qui cụ thể cho từng trường hợp có thể xẩy ra của cuộc sống - điều mà cho đến hôm nay còn đang thiếu ở nước ta. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới là việc soạn thảo một cách đầy đủ, chi tiết các văn bản hành chính quốc gia. Đó cũng là niềm mong ước của giới những người làm công tác âm nhạc Việt Nam được tạo điều kiện để có thể cống hiến nhiều nhất tài năng, sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Học viện hành chính quốc gia. Giáo trình quản lý hành chính nhà nước. NXB Lao động. Hà Nội, 1998. 4 tập.

2. Các qui định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Cục bản quyền tác giả (Bộ văn hóa - Thông tin) xuất bản. Hà Nội, 1997. 296 trang.

3. Tạp chí Âm nhạc. Cơ quan ngôn luận của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Số 1/1998. Hà Nội, 1998. 48 trang.

___________________________________

 

(1) Thí dụ: Nghị định số 76/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số qui định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự; Nghị định số 59/HĐBT ngày 5 tháng 6 năm 1989 của Hội đồng bộ trưởng về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục, văn hóa nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật; Thông tư liên bộ số 28/TT-LB ngày 14 tháng 6 năm 1990 Liên Bộ Văn hoá - Thông tin, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hướng dẫn thực hiện chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm văn hóa  - nghệ thuật; Thông tư Liên Bộ số 1025/TT-LB ngày 21 tháng 6 năm 1991 của Bộ Văn hóa - Thông tin, Thể thao và Du lịch, Bộ tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục, văn học và nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật .v.v....

(2) Trích phát biểu của nhạc sĩ Thuận Yến trên Tập san Âm nhạc, Cơ quan ngôn luận của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Số 1/1998. Trang 13.

(3) Cẩm Ly Thu Hương. Loạn nhuận bút, thua thiệt thuộc về tác giả.  Tạp chí   m nhạc số 1/1998. Hà Nội, 1998. Các trang 5-6.

(4) Sách đã dẫn.

(5) Như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước toàn cầu về bản quyền (được sửa đổi tại Paris ngày 24/07/1971), Công ước Rome 1961 (ngày 26/10/1961), Công ước Quốc tế bảo hộ người biểu diễn, người ghi âm, tổ chức phát sóng .v.v...