Nội san

Ngành Múa rối – 60 năm xây dựng và trưởng thành

23 Tháng Mười Một 2016

Lê Đức Anh [*]

 

Nghệ thuật Rối vốn xuất hiện từ rất lâu trên thế giới. Từ các trò tạo hình đến các trò diễn lẻ, các tích trò không có lời hoặc chỉ có lời giáo trò hay lời giới thiệu truyền khẩu của các nghệ nhân xưa luôn mang hơi thở cuộc sống, gắn liền với sinh hoạt và lao động của nhân dân. Từ lâu, nghệ thuật Rối được coi là "kho báu vô giá" của mỗi dân tộc, là khuôn mẫu tạo nên bản sắc văn hóa ở mỗi vùng miền... Có thể nói trong lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, kho tàng tri thức văn hoá dân gian luôn là vốn quý có sức sống mãnh liệt nhất qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Khi dòng văn hoá bác học ra đời thì văn hoá dân gian vẫn luôn khẳng định và giữ nguyên giá trị tạo lên nền tảng của văn hóa dân tộc.

Nghệ thuật múa Rối Việt Nam có một bước ngoặt quan trọng và quyết định, làm nên một nền sân khấu rối chuyên nghiệp như hiện nay phải tính từ tháng 3 năm 1956. Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc giành độc lập, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn Dân đã bắt tay vào công cuộc chấn hưng đất nước. Chính hoàn cảnh lịch sử hết sức thuận lợi đó đã chắp cánh cho nền văn học nghệ thuật dân tộc phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong đó có nghệ thuật sân khấu rối. Việc tổ chức việc thành lập đoàn rối, đánh dấu một mốc quan trọng cho sự ra đời của Đoàn Múa rối nhân dân trung ương, tiền thân của Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện nay.

Nhà hát múa Rối Việt Nam thuộc Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch, Nhà hát là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước, được thành lập vào ngày 12/3/1956. Học tập và trưởng thành lên từ kinh nghiệm của múa rối Tiệp Khắc (đoàn múa rối RADOST) đồng thời tiếp thu phát triển những tinh hoa của múa rối truyền thống, Nhà hát múa Rối Việt Nam đi đầu trong việc phục hồi rối cổ truyền thống, nâng cao và phát triển nghệ thuật múa rối sân khấu dân tộc. Nhà hát Múa Rối Việt Nam hiện nay có một hệ thống rạp biểu diễn với trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng có thể nói là hiện đại và chuyên nghiệp bậc nhất của ngành múa rối cả nước, có thể cùng một lúc phục vụ cho biểu diễn tại cả ba sân khấu (02 sân khấu rối nước và 01 sân khấu rối cạn). Đây là một lợi thế rất lớn, nhưng lại là một thách thức không hề nhỏ cho tập thể nhà hát nói chung, cho Phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Múa Rối Việt Nam nói riêng.

Phòng Tổ Chức Biểu Diễn thuộc Nhà hát Múa Rối Việt Nam là phòng tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ và có doanh thu. Phòng tổ chức biểu diễn là chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm với hoạt động tổ chức biểu diễn tại nhà hát Múa Rối Việt Nam. Đối với việc tổ chức biểu diễn lưu động ở nước ngoài, Ban Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam và Phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát coi đây là chiến lược đặc biệt quan trọng và cắt cử cán bộ của Phòng Tổ chức biểu diễn phụ trách riêng ở mảng khai thác khách hàng quốc tế nhằm mang bản sắc văn hoá dân tộc giới thiệu với bạn bè năm châu hiểu về đất nước, con người Việt Nam và công cuộc đổi mới của Đảng ta.

Múa Rối nước là sân khấu nghệ thuật đặc sắc của văn hóa lúa nước, ra đời hầu như cùng lúc với sự hình thành nền văn hóa Đại Việt. Do tính đặc sắc của nó, nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian Múa Rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống, có thể sánh ngang với Tuồng, Chèo là những bộ môn nghệ thuật có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Tinh hoa Múa Rối nước Việt Nam đã được sự ngưỡng mộ trong làng bạn bè thế giới, sân khấu Múa Rối nước được xem là bộ môn nghệ thuật “Độc nhất vô nhị”. Phong trào biểu diễn Múa Rối nước dân gian và ảnh hưởng của nó đang được duy trì ở nhiều tỉnh thành trên miền Bắc. Những địa phương vốn không có Múa rối nước như ở miền Trung và Nam Bộ thì giờ đây cũng tổ chức biểu diễn Múa Rối nước. Đó là một biểu hiện đáng mừng trong việc phát huy vốn văn nghệ cổ truyền trong đông đảo người xem.

Các loại hình nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng đã đem đến những giây phút giải trí, phấn khởi lúc nông nhàn, cho họ giãi bày tâm tư tình cảm, đáp ứng nhu cầu về tinh thần của con người. Đảm nhận trách nhiệm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật múa rối truyền thống là trách nhiệm và vinh dự đối với Nhà hát Múa Rối Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hoá kèm theo sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và dịch vụ giải trí, việc cách tân nghệ thuật rối cũng cần phải có sự điều chỉnh để bắt kịp thời đại đặc biệt là chất lượng nghệ thuật và hiệu quả của công tác tổ chức biểu diễn. Nói đến công tác tổ chức biểu diễn của Nhà hát Múa Rối Việt Nam là nói đến một bộ phận hết sức quan trọng với nhiều chức năng, là cầu nối gắn kết giữa nghệ thuật rối với công chúng khán giả, giữa khán giả và nghệ sĩ của Nhà hát. Một lợi thế lớn đối với nghệ thuật rối là ở thời kỳ hội nhập, múa rối không bị mắc vào rào cản khó khăn là bất đồng ngôn ngữ, vì múa rối là nghệ thuật biểu diễn bằng động tác với sự độc đáo của nó, đối tượng khán giả lại đa dạng.

Cho đến hôm nay đã hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Rối chuyên nghiệp từ Bắc vào Nam đã có tới hàng trăm nghệ sĩ, các nghệ sĩ đã chứng tỏ trên con đường lao động sáng tạo nghệ thuật, nghiêm túc trong mọi hoàn cảnh khó khăn và vô cùng ác liệt của thời kỳ chiến tranh cũng như thời kỳ đổi mới, chuyển đổi cơ chế. Những nghệ sĩ của ngành Rối đã thuỷ chung với nghề, đã nghiêm túc và kiên trì tìm tòi sáng tạo, mạnh dạn đổi mới và ngày càng tinh thông nghề nghiệp, biểu diễn được nhiều thể loại rối, như: Rối que, Rối tay, Rối dây, Rối bóng, Rối mặt nạ, Rối nước... và từng bước khẳng định chỗ đứng xứng đáng của nghệ thuật rối chuyên nghiệp trong nền văn học nghệ thuật của dân tộc.

Từ năm 2000 trở lại đây, hoà cùng không khí đổi mới của đất nước, các đơn vị nghệ thuật rối chuyên nghiệp đã mạnh dạn thử nghiệm một số tác phẩm mới tạo ấn tượng mạnh mẽ, mang một sức sống mới, hơi thở mới cho nghệ thuật rối chuyên nghiệp. Và đặc biệt là các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn của ngành Rối chuyên nghiệp đã mạnh dạn kết hợp giữa nghề rối với các loại hình nghệ thuật khác như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật tạo hình, múa, điện ảnh, nghệ thuật hoạt hình cắt giấy... rất thành công và được dư luận, khán giả, bạn bè đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu nghệ thuật đánh giá rất cao, được công chúng khán giả trong nước và quốc tế mến mộ. Những năm gần đây, hoạt động biểu diễn, phát triển nghệ thuật múa rối đã thực sự có nhiều cố gắng để giữ gìn, khôi phục và nâng cao những trò rối của ông cha để lại. Được như vậy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, nhà nước đã tạo điều kiện từ cơ sở vật chất đến tinh thần qua việc phong tặng nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Về quản lý nhà nước, nhiều văn bản như Chiến lược phát triển văn hoá, xây dựng nghị định nghệ thuật biểu diễn, quy hoạch và phát triển ngành, chế độ nhuận bút... được ban hành. Tuy nhiên, những văn bản này đi vào đời sống còn chậm, có văn bản đã trở thành lạc hậu. Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị ra đời đã 8 năm, có 5 đề án trong đó có 37 đầu việc để phát triển văn học, nghệ thuật (trong đó có hoạt động múa rối) vẫn chưa được thể chế hóa. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng. Nhưng với quyết tâm của Ban Giám đốc, các đơn vị đoàn biểu diễn và Phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Múa Rối Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức biểu diễn và tuyên truyền, tiếp thị cụ thể vào các dịp như quốc tế thiếu nhi 1/6, Rằm Trung thu... Ngoài các buổi biểu diễn tại Nhà hát, Phòng Tổ chức biểu diễn đã thực hiện được rất nhiều các buổi biểu diễn, lưu động tại cơ quan và trường học phòng tổ chức biểu diễn đã phối hợp và tổ chức đưa các đoàn của Nhà hát đi biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Ngoài ra, Phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Múa Rối Việt Nam đã tổ chức liên kết, giao lưu với các doanh nghiệp du lịch để quảng bá nghệ thuật rối nước truyền thống, xây dựng Nhà hát Múa Rối Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch trong nước và quốc tế. Chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế, tích cực trao đổi thông tin với các đối tác và tổ chức các chuyển đi biểu diễn nước ngoài nhằm mục đích giới thiệu văn hoá, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam mà cụ thể là nghệ thuật múa Rối nước. Phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Múa Rối Việt Nam còn cập nhật và định kỳ những tuyên truyền quảng cáo các chương trình biểu diễn của Nhà hát, nhất là nghệ thuật rối cạn. Thường xuyên phát tờ rơi trên nhiều địa bàn, tăng cường mở rộng quan hệ tiếp thị sâu sát hơn để ký kết được những hợp đồng biểu diễn đồng thời củng cố và khai thác nhiều hơn, triệt để hơn để quảng bá nghệ thuật múa rối, Nhà hát Múa Rối trên trang web và các trang mạng xã hội hiện nay. Chính vì vậy mà Nhà hát Múa Rối Việt Nam đã tồn tại và phát triển vững mạnh trong cơ chế thị trường. Đây là một minh chứng cho thấy sự thành công của Phòng Tổ chức biểu diễn Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích thực trạng về quản lý hoạt động tổ chức biểu diễn múa rối tại Nhà hát Múa Rối Việt Nam, tác giả đã chỉ ra những tác động đến việc tổ chức biểu diễn trong thời gian tới; đưa ra định hướng nâng cao chất lượng công tác tổ chức biểu diễn; đồng thời, với mong muốn nâng cao chất lượng quản lý hoạt động tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, tác giả mạnh dạn đề xuất các giải pháp như: Giải pháp về cơ chế chính sách, về tăng cường nguồn lực, công tác đầu tư cơ sở vật chất, về sắp xếp tổ chức, về bồi dưỡng thẩm mĩ rối đối với công chúng.

Hiện nay, các chương trình giải trí có mặt ở khắp mọi nơi, điều này khẳng định nền công nghiệp giải trí phát triển ngày càng phong phú và đa dạng. Để Nhà hát Múa Rối Việt Nam được hoạt động thường xuyên thì phải xã hội hoá các hoạt động biểu diễn múa rối. Xã hội hoá hoạt động sân khấu múa rối có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối. Muốn xã hội hoá được thành công thì vấn đề nhận thức là rất quan trọng. Nghệ thuật múa Rối là một loại hình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Đã bao đời qua, nghệ thuật Múa Rối đã gắn bó chặt chẽ mật thiết với những sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lễ hội của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đến ngày nay, văn học nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa rối nói riêng đã chuyển mình, chuyển hoá dần sang một cơ chế mới - văn hoá của cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Sự chuyển mình này là quy luật tất yếu khách quan và đang dần thiết lập nên những hệ giá trị mới của xã hội nói chung, của văn hoá Việt Nam - của loại hinìh nghệ thuật Rối Việt Nam nói riêng dẫn đến đòi hỏi ngành Rối (những người quản lý, những nghệ sĩ... của ngành Rối) phải đổi mới từ tư duy, sáng tạo cho phù hợp với thời đại mới nhưng không để mất đi cái cốt lõi đó là bản sắc.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, Hà Nội (2008), Kỷ yếu hội nghị triển khai công tác văn hoá.

2.    Nguyễn Chí Bền (Chủ biên) (2010), Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội.

3.    Hoàng Chương (2012), Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

4.    Hoàng Kim Dung (1992), Nghệ thuật múa rối và vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

5.    Nhiều tác giá (2006), Giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

6.    Nguyễn Huy Hồng (1974), Nghệ thuật múa rối Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

7.    Phạm Bích Huyền (2011), "Phát triển khán giả - nhu cầu và giải pháp cho các tổ chức văn hoá nghệ thuật Việt Nam", Nghiên cứu văn hoá.

8.    Nguyễn Thị Anh Quyên (2009), "Hoạt động marketing của một số nhà hát ở Việt Nam", Văn hoá nghệ thuật.

9.    Thủ tướng Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 22/01/2013.

10.   Phan Thọ (2009), Mấy vấn đề về công chứng của nghệ thuật sân khấu, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa