Nội san

Vai trò giáo dục thông qua chương trình âm nhạc cho học sinh tiểu học

25 Tháng Mười Một 2016

                                                                                                   Nguyễn Thu Thủy [*]

 

Trong đời sống xã hội ngày nay, bên cạnh việc phát triển về kinh tế xã hội, chính trị của đất nước thì đời sống văn hóa nói chung và văn hóa trong nhà trường nói riêng ngày càng được chú trọng và nâng cao, đặc biệt là với cấp học tiểu học. Đây cũng là hướng phát triển chung giúp kế thừa, nâng cao giá trị văn hóa trong tiềm thức của mỗi con người, có thể tạo nên những diện mạo mới cho nền văn hóa của quốc gia sau này.

Đối với học sinh tiểu học, âm nhạc đóng vai trò là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, thẩm mĩ nhằm góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo cơ sở hình thành nhân cách con người. Giáo dục âm nhạc trong trường tiểu học với tư cách là một môn học có mục đích giáo dục văn hóa âm nhạc cho học sinh, nằm trang bị cho các em những kiến thức cơ bản, bước đầu hình thành khả năng cảm thụ, hiểu và thể hiện nghệ thuật âm nhạc, khơi dậy ở các em những khả năng sáng tạo trong hoạt động âm nhạc, củng cố thêm về tình cảm đạo đức, về niềm tin, thị hiếu nghệ thuật và nhu cầu âm nhạc. Giáo dục âm nhạc có tác động tới quá trình hình thành nhân cách rất lớn cho trẻ nhỏ. Ngay từ khi còn thơ ấu, trẻ được sống và bao bọc trong tình yêu thương cùng những lời ru ầu ơ của cha mẹ. Những trò chơi dân gian luôn là nơi thể hiện suy nghĩ, liên tưởng độc đáo và sáng tạo của các em. Bên cạnh đó những tác động của môi trường khách quan, chủ quan cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới suy nghĩ của các em.

Quá trình hình thành nhân cách của con người được tôi luyện ngay từ lúc ấu thơ, chịu sự ảnh hưởng quan trọng từ gia đình, xã hội và nhà trường. Môi trường giáo dục là nơi chung tay của gia đình giúp trẻ em học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực bản thân. Những điều này cho thấy kết quả vào giai đoạn trưởng thành và cống hiến của trẻ sau này.

Vai trò hình thành nhân cách cho trẻ từ phía gia đình chiếm vị trí quan trọng đầu tiên. Điều kiện gia đình, tình yêu thương trong mối quan hệ gia đình là những khởi nguồn đầu tiên trong sự hình thành nhân cách trẻ nhỏ. Cùng với đó, môi trường giáo dục tại nhà trường cũng góp một phần không nhỏ. Khi đến trường học sinh được làm quen với bạn bè cùng trang lứa, kết thành những nhóm nhỏ để sinh hoạt môn học cũng như sinh hoạt vui chơi. Âm nhạc nói chung và chương trình âm nhạc nói riêng là cơ sở hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, sự sáng tạo, óc tưởng tượng dường như vô biên của trẻ thơ.

1. Giáo dục trí tuệ

Giáo dục âm nhạc là phương tiện nâng cao khả năng trí tuệ, giúp học sinh phát triển trí tưởng tượng, củng cố kiến thức thông qua học tập, vui chơi trong cuộc sống. Quá trình học sinh làm quen với âm nhạc từ lớp 1, 2 cho đến lớp 5 bắt đầu từ học một bài hát ngắn, sau đó là nghe nhạc, vận động âm nhạc, trò chơi âm nhạc... sẽ hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa.

Đối với một chương trình biểu diễn âm nhạc, những tri thức, kĩ năng của học sinh sẽ được hình thành trong quá trình luyện tập biểu diễn và sẽ còn tồn tại lâu bền hơn khi học sinh được rèn luyện và biểu diễn thường xuyên. Các hình thức biểu diễn tác phẩm âm nhạc như: Đồng ca, đơn ca, hát kết hợp múa, vận động theo nhạc... đều tạo cho học sinh những hứng thú nhất định, nếu biểu diễn thành công sẽ mang lại những giá trị giáo dục sâu sắc không chỉ với học sinh biểu diễn mà với cả người xem. Sử dụng âm nhạc trở thành phương tiện giáo dục là phương pháp kích thích não bộ rất tốt ở học sinh tiểu học. Âm nhạc giúp phát triển thị giác, thính giác, giáo dục hành vi thông qua các ca khúc, vận động âm nhạc.

Hoạt động âm nhạc tại trường tiểu học bao gồm các hoạt động lên lớp giúp trẻ hình thành một cơ sở dữ liệu cơ bản về các ca khúc thiếu nhi sôi động, phù hợp với sở thích, năng lực của các em. Dưới dạng sinh hoạt theo nhóm âm nhạc, học sinh được tự do lựa chọn, hình thành cho mình cách thể hiện riêng. Vì vậy âm nhạc giúp làm tăng giá trị về tinh thần, sự gợi mở của giai điệu, lời ca, nhịp điệu... giúp trẻ thực sự đắm chìm trong những ca từ trong sáng, hồn nhiên, từ đó có cách nhìn tươi đẹp về cuộc sống xung quanh. Hoạt động ngoài giờ lên lớp bao gồm các hoạt động như xây dựng chương trình âm nhạc giúp hình thành tư duy logic và tri thức cho trẻ. Bằng phương pháp trải nghiệm hoạt động âm nhạc, trẻ em dần bộc lộ khả năng, vai trò lãnh đạo, có kĩ năng thực hiện công tác tập thể. Một đứa trẻ được tham gia các câu lạc bộ âm nhạc, hoạt động biểu diễn âm nhạc một cách thường xuyên sẽ biết cách thể hiện vai trò và khả năng của mình trong mọi hoạt động và trưởng thành, tự tin hơn rất nhiều so với những đứa trẻ không được tham gia những hoạt động ngoại khóa.

2. Giáo dục đạo đức

Trong nhà trường tiểu học, bộ môn âm nhạc được ví như bộ môn đạo đức thứ hai. Với mỗi bài hát học sinh được học đều là một bài học đáng quý giúp hình thành ở các em tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh. Hàng loạt các ca khúc sáng tác cho học sinh với rất nhiều chủ đề khác nhau cho thấy sự đa dạng của âm nhạc đối với việc phát triển tư duy đạo đức:

Ví dụ: Chủ đề mái trường gồm các ca khúc với ca từ đẹp, nội dung hướng học sinh đến những tình cảm về mái trường, những vật dụng thân thương khi đến trường, tình cảm đối với thầy, cô giáo...

Chủ đề dân ca: giúp học sinh tìm hiểu các làn điệu dân ca, thêm yêu và trân trọng những hình ảnh tươi đẹp của quê hương.

Âm nhạc là phương tiện truyền tải thông điệp đạo đức một cách dễ dàng và có sức lan tỏa rộng rãi bởi những giai điệu trầm bổng dễ đi vào lòng người, tạo dựng sự đồng cảm sâu sắc. Đối với học sinh, việc giáo dục tình cảm đạo đức thông qua âm nhạc giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn, đặc biệt là khi học sinh được tham gia hoạt động biểu diễn âm nhạc.

Ví dụ: tiết mục hát múa “Kim Đồng” (Nhạc và lời: Phong Nhã) sử dụng 3 học sinh nam hát bài hát Kim Đồng thể hiện sự dũng cảm, ngợi ca ý chí chiến đấu và sự hi sinh anh dũng của anh Kim Đồng. Đội múa: tái hiện lại khung cảnh chiến đấu và sự hi sinh của anh Kim Đồng. Như vậy, chính các em được trực tiếp hóa thân vào nhân vật, vào khung cảnh, được giáo viên hướng dẫn và giải thích chi tiết về nội dung và cách diễn đạt để truyền tải thông điệp đến người xem, từ đó hình thành những tình cảm đúng dành cho người chiến sĩ nhỏ tuổi.

3. Giáo dục thẩm mĩ

Giáo dục thẩm mĩ bao gồm hai nội dung cơ bản là giáo dục văn hóa nghệ thuật và giáo dục văn hóa thẩm mĩ. Giáo dục thẩm mĩ làm cho con người học tập, trau dồi những kĩ năng cơ bản về văn hóa nghệ thuật, có khả năng cảm thụ và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, hiểu được giá trị cái đẹp và ngôn ngữ của cái đẹp trong các loại hình nghệ thuật. Chương trình âm nhạc góp phần thực hiện điều đó.

Âm nhạc là một hình thức nghệ thuật biểu trưng cho cái đẹp: tức là phô diễn cái đẹp bằng âm thanh, bằng giai điệu và hòa âm. Mỗi tác phẩm âm nhạc mà học sinh tìm hiểu và đánh giá là một lần giúp học sinh nhận biết và có thái độ đúng đắn, dựa vào đó mà đặt các cung bậc cảm xúc tương ứng để thể hiện cái tôi của bản thân và từ đó mà hình thành giá trị tư tưởng thẩm mĩ.

Vậy, sử dụng chương trình âm nhạc để giáo dục thẩm mỹ tức là phải hướng học sinh đến cái tốt đẹp trong cuộc sống, giúp học sinh hiểu được giá trị của cái đẹp xung quanh mình. Giáo dục thẩm mĩ qua ca từ, nội dung bài hát. Ca khúc thiếu nhi là nơi thể hiện sống động nhất tuổi thơ học trò, nêu bật những hình ảnh trong sáng, ngây thơ bằng ca từ rất hồn nhiên. Ca từ trong ca khúc thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành giá trị thẩm mĩ đối với học sinh. Chương trình âm nhạc là một hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, giúp học sinh ghi nhớ và hình thành các yếu tố thẩm mĩ – đạo đức – trí tuệ. Hoạt động này hình thành sự tự tin trong tinh thần của mỗi học sinh, từ đó giúp học sinh mạnh dạn thể hiện bản thân trong mọi thời điểm.

Ca khúc cho nhà trường và ca khúc cho thiếu nhi tuy hai mà một, bởi nhà trường sẽ là nơi giáo dục, tuyên truyền những ca khúc cho các em thường xuyên và hiệu quả nhất. Mỗi bài hát với những ca từ hay như những đôi cánh, chắp cánh cho trí tưởng tượng của các em bay cao, bay xa. Những bài hát truyền từ nhiều thế hệ này sang thế hệ khác chính là cách chọn lọc vô cùng tinh tế bởi bài hát hay, ca từ hay, ý nghĩa sẽ được học sinh yêu mến, hát nhiều và ghi nhớ nhanh. Tuy nhiên, hiện nay ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi ngày một ít hơn và chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Các nhạc sĩ vẫn viết ca khúc dành cho thiếu nhi nhưng không có biện pháp tuyên truyền hoặc ca khúc viết chưa sâu, hời hợt, thiếu tính thẩm mỹ cao, ca từ chưa được chỉn chu.

Như vậy, cần có một cái nhìn đúng đắn về giá trị thẩm mĩ trong ca khúc thiếu nhi giúp nâng cao chất lượng ca khúc, hoàn chỉnh và chọn lọc kĩ lưỡng về ca từ, và cần hơn hết là một đội ngũ sáng tác ca khúc thiếu nhi có tâm huyết để truyền tải hết những giá trị thẩm mĩ trong âm nhạc cho học sinh, nhất là với học sinh cấp một, các em tiếp thu tri thức, kĩ năng và được “lái” theo định hướng giáo dục.

Giáo dục thẩm mĩ thông qua đường nét giai điệu và những màu sắc của âm thanh (hòa âm). Cách lựa chọn âm nhạc để nghe, để chơi và thưởng thức cũng thể hiện thẩm mĩ của học sinh. Trong các hoạt động âm nhạc cần cho học sinh được phép chọn lựa âm nhạc cho riêng mình, cần định hướng học sinh lựa chọn phần âm nhạc phù hợp với thời gian, không gian, phù hợp với con người xung quanh. Việc định hướng âm nhạc theo cách này cũng là một cách giáo dục thẩm mĩ âm nhạc cho học sinh.

Giáo dục âm nhạc là phương tiện truyền tải ý thức con người một cách linh hoạt, mềm dẻo, từ đó hình thành nên những giá trị thẩm mỹ, trí tuệ và nhân cách ở trẻ em. Thông qua giáo dục âm nhạc, học sinh tiếp thu tri thức, hiểu và biết trân trọng những giá trị ấy, từ đó tác động mạnh mẽ đến đời sống và tính cách của các em. Hơn nữa, việc học sinh thực nghiệm những hoạt động âm nhạc tức là đang truyền đạt cho người khác những kiến thức mà các em hiểu theo cách riêng của các em thì mức độ nhận thức và tiếp thu của các em đã bước sang một giai đoạn cao hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A. Xô – Khốp (1956), Vũ Tự Lân dịch, Vai trò giáo dục của âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2. Nguyễn Hữu Hào (2009), Giáo trình tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm, Nxb ĐH Sư phạm, Hà Nội.

3. Lê Thế Hào – Nguyễn Thiết (1995), Phương pháp dàn dựng tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Phạm Lê Hòa (2009), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, Hà Nội

5. Trần Hoàng Tiến (2013), Ý nghĩa giáo dục âm nhạc trong quá trình hình  thành nhân cách ở trẻ em, Kỉ yếu khoa học giai đoạn 2009 – 2013, trường ĐHSPNTTW

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc