Nội san

Phương pháp dạy hát các tác phẩm Romance cho giọng nữ cao

15 Tháng Mười Hai 2016

               Nguyễn Thanh Duyên [*]

 

Ca hát là loại hình nghệ thuật đặc thù với hình thức diễn tấu thông qua cơ quan phát âm của cơ thể con người. Sự liên quan trực tiếp tới quá trình hoạt động sinh lý sống của con người càng làm cho ca hát có mối quan hệ trực tiếp, hữu cơ tới mọi khía cạnh thuộc đời sống nội tâm, tình cảm mà không một thứ nhạc cụ nào, dù hiện đại nhất, dù tinh tế nhất mà nhân loại hiện có thể thay thế được. Nghệ thuật ca hát đã, đang và ngày càng được quan tâm; nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức âm nhạc cũng đòi hỏi ngày một cao hơn. Để đáp ứng được nhu cầu đó, chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về âm nhạc, đặc biệt là môn Thanh nhạc.

Romance là một ca khúc nghệ thuật được kết hợp hài hòa giữa người hát và phần đệm piano. Romance có nhiều thể loại khác nhau như tổ khúc, ca khúc mang âm hưởng dân gian… Để nâng cao giá trị nghệ thuật, trong mỗi tác phẩm Romance, các nhạc sĩ luôn coi trọng vai trò của nhạc khí, nó góp phần diễn tả hình tượng cũng như nội dung tác phẩm được rõ nét hơn.

      1. Thực trạng dạy học thanh nhạc

Hiện nay, các cơ sở đào tạo thanh nhạc nói chung vẫn chưa có tài liệu giảng dạy riêng cho tổ bộ môn, tài liệu đều do chính giảng viên trực tiếp giảng dạy nghiên cứu, sưu tầm. Đối với tác phẩm nước ngoài được sử dụng những giáo trình như: Italisongs, những bài hát Trung cổ của Ý, tuyển tập những aria của A. Vivaldi, tuyển tập aria cho soprano Coloratura... Đối với tác phẩm Việt Nam có thể sử dụng những tuyển tập của nhiều nhạc sĩ như: Hát mãi khúc quân hành, tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn, Giai điệu mùa thu, Ca khúc về Hà Nội thế kỉ XX và đầu XXI... làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên.

Đối với giảng viên dạy nghệ thuật nói chung và thanh nhạc nói riêng thì việc truyền đạt tới sinh viên cần phải có sự chắt lọc ngôn từ sao cho dễ nhớ và dễ hiểu nhất. Tuy nhiên, trong quá trình dạy vẫn còn giảng viên lựa chọn bài chưa thực sự phù hợp với giọng hát, đến giai đoạn dựng tác phẩm vẫn chưa có sự nghiêm khắc trong thể hiện sắc thái, điểm lấy hơi theo yêu cầu của tác giả ghi trên bản nhạc, do đó khi sinh viên thực hiện tác phẩm không nổi bật được tính chất âm nhạc và văn học trong bài. Bên cạnh đó, giảng viên thường hay giao cho sinh viên những tác phẩm quen thuộc, cũng như sự đầu tư vào nghiên cứu tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy nên việc dạy hát những tác phẩm romance vẫn chưa thực sự tốt.

2. Tiêu chí lựa chọn

Cũng giống như các aria trích từ các vở opera, Romance có một chỗ đứng nhất định trong công chúng yêu âm nhạc trên toàn thế giới bởi sự phong phú về thể loại và đa dạng về tính chất nên Romance có hết sức sống mãnh liệt. Vì vậy, tiêu chí lựa chọn là vấn đề cần thiết để dạy các dạng ca khúc này phù hợp với đối tượng.

Về mặt kĩ thuật, Romance là những tác phẩm độc lập không nằm trong các tác phẩm nhạc kịch, có một vị trí nhất định về giá trị nghệ thuật và nội dung. Khác với aria, những bài hát Romance chỉ tập trung vào các mẩu nhỏ theo cảm xúc của tác giả, không phải đi theo mạch như các vai, các nhân vật trong aria của các vở nhạc kịch. Chính vì thế mà việc thể hiện và yêu cầu của các tác phẩm Romance cũng khác nhau.

            Mỗi nhạc sĩ đều có những thủ pháp sáng tác và những yêu cầu riêng với mỗi bài hát Romance, tuy nhiên để phù hợp với đối tượng, nên lựa chọn những ca khúc dễ nghe, giai điệu đẹp, đòi hỏi kỹ thuật không quá khó như nhảy quãng xa, ngân quá dài ở những nốt cao, phức tạp về nhịp điệu. Tất nhiên, để đáp ứng được tiêu chí đó, hơn ai hết, sinh viên theo học tại trường cũng cần học tập để có một kỹ thuật hát cơ bản đáp ứng yêu cầu của môn học.

            Trong nghệ thuật thanh nhạc giọng nữ cao được chia ra làm 4 loại, mỗi một giọng hát đó lại có những đặc điểm riêng biệt như:

Giọng nữ cao lyric, đây là giọng liền, dầy dặn, nằm trung gian giữa giọng Soprano (nữ cao) và mezzo (nữ trung). Thế mạnh của giọng hát này luôn mạnh mẽ ở âm khu trung, nốt cao âm thanh luôn trong trẻo, mềm mại, bay bổng, thuận lợi hát những tác phẩm có tính chất trong sáng, giản dị.

            Nữ cao kịch tính dramatic là giọng hát có âm lượng lớn, khỏe và đanh sắc. Giọng hát này phù hợp với những tác phẩm có tính cách mạnh mẽ được xuất hiện trong các vở nhạc kịch.

            Khác với những giọng hát trên, nữ cao coloratura mà chúng ta hay gọi là giọng hát bay và sáng có âm vực rộng hơn so với các giọng nữ cao thông thường. Giọng hát này thuận lợi ở những nốt cao, càng lên cao âm thanh của giọng hát này nghe giống với tiếng sáo, thuận lợi hát những nốt luyến láy ở âm khu cao và hát chạy chromantic.

Trong giảng dạy, giảng viên cần phải có sự nghiên cứu tác phẩm phù hợp với trình độ người học, đối với những năm đầu tiên ta chỉ nên chọn các ca khúc có giai điệu mềm mại không có quãng nhảy xa, ít chuyển giọng, hoà thanh ổn định, một câu hát không quá dài và cao. Thời gian đầu rất quan trọng cho việc tập luyện kỹ thuật, chúng ta có thể chọn các bài vocalise romance. Những bài tập có thể giúp người học tập kỹ thuật hát liền, hát đúng vị trí, đặc biệt là giúp cột hơi ổn định.

            Trong tác phẩm thanh nhạc, bản thân những tác phẩm Romance đều đã mang tính chất nghệ thuật, vì vậy tiêu chí lựa chọn hoàn toàn đơn giản. Ngoài ra, những phẩm Romance luôn mang tính hình tượng, tính anh hùng ca và hơn cả đó là tình yêu, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình…, có sự tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như thơ ca, văn xuôi, hội họa.

      Ở các nước châu Âu, những bài Romance trữ tình chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa, có giai điệu đẹp, mềm mại, êm ái, du dương được phát triển mạnh mẽ, luôn được gắn liền thơ ca. Nội dung âm nhạc luôn được đề cập tới tâm lý của con người. Tất cả chúng ta ai cũng có một giọng hát, nhưng không phải mọi người đều biết cách phát triển kỹ thuật hát thích hợp và biết cách để “sử dụng” giọng hát. Do đó, việc rèn luyện kỹ thuật nhằm phát triển giọng hát là vấn đề quan trọng đối với sinh viên thanh nhạc.

3. Dạy học ca khúc Romance

Phát âm nhả chữ hay còn gọi là cách xử lý ngôn ngữ là một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công trong thể hiện tác phẩm nói chung và Romance nói riêng. Để việc học thanh nhạc đạt hiệu quả cao cần phải luyện tập, phân biệt giữa cách phát âm nhả chữ giữa bài Việt Nam và bài hát nước ngoài.

Thứ nhất: Phát âm rõ ràng

            Sau khi vỡ giai điệu chuẩn xác, vấn đề phát âm được rõ ràng, trong quá trình học, giảng viên phải hướng dẫn sinh viên đọc lời bài hát kỹ lưỡng sao cho người nghe cảm nhận được rõ mình đang hát ngôn ngữ gì. Khi hát người học cần chuẩn bị cách điều tiết hơi thở, vị trí âm thanh, khẩu hình một cách linh hoạt. Đối với hát bài nước ngoài, sinh viên phải luôn có ý thức nén chặt hơi thở, vị trí âm thanh luôn được đặt trên trán, khẩu hình không được quá ngang, không được đóng các phụ âm quá sớm, âm thanh phát ra không vang, xốp.

Thứ hai: Điều khiển âm lượng

            Trong quá trình hát người học phải kiểm soát được âm lượng như không bị hụt hơi, âm lượng không quá to. Quá trình hát phải tuân thủ ký hiệu âm nhạc ghi trong bài, nên tránh tiết tấu đều đều suốt từ đầu đến cuối.

            Âm thanh khi đọc lời phải rõ ràng, tròn vành rõ chữ như đọc thơ. Sau khi đã đọc thuần thục, ta nhìn vào bản nhạc xem những yêu cầu được ghi như hát to lúc này âm lượng phải đẩy mạnh hơn, còn đối với chỗ hát nhỏ chúng ta phải thu âm lượng lại nhưng vẫn đảm bảo tròn vành, rõ chữ và uyển chuyển. Khi đã thực hiện tốt cách đọc, lúc này người học sẽ thực hiện ghép cùng với tiết tấu của bài. Chú ý: khi luyện tập, nên cho các em đứng trước gương cho dễ theo dõi chỉnh sửa ngôn ngữ cơ thể.

Thứ ba: Tốc độ nói

            Khi nói, nên tránh tiết tấu đều đặn suốt từ đầu đến cuối bài. Phải có lúc nhanh hơn một chút, phải có lúc chậm hơn một chút, thậm chí ngưng hẳn để mọi người suy nghĩ. Tránh nói quá to, nhanh hoặc quá chậm, bởi nếu nói nhanh bắt người nghe phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn trong một thời gian ngắn khiến cho não họ không xử lý, phân tích, đón nhận kịp kiến thức, khiến họ bị quá tải, nghe vài phút là mệt. Ngược lại, nói quá chậm cũng làm bộ não người nghe không cần phải làm việc nhiều nên giọng nói bị rời rạc. Do đó, trong quá trình luyện tập người học phải khéo điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, không quá nhanh và cũng không quá chậm.

Thứ tư: Tạo ngữ điệu êm ái

            Ngữ điệu là sự trầm bổng của các tiếng phối hợp với nhau, phù hợp đến mức nào đó với tình cảm và ý nghĩa cần biểu đạt. Ngữ điệu không đòi hỏi phải lả lướt như điệu nhạc, nhưng cũng rất cần sự êm ái. Một trong những cách để có một ngữ điệu êm ái là tập nói rồi ghi âm và nghe lại giọng nói của mình để tinh ý nhìn ra những độ cao chưa phù hợp. Ngoài ra thì việc thỉnh thoảng cất giọng hát một giai điệu yêu thích nào đó cũng là cách rất hiệu quả để luyện ngữ điệu. Sau khi tìm hiểu nội dung, yêu cầu của tác phẩm và bắt đầu đọc có cảm xúc để tạo ngữ điệu.

Thứ năm: Tạo sức truyền cảm

            Tính truyền cảm trong giọng nói không phải ai cũng có thể làm được bởi đó là bản chất, là cá tính riêng của mỗi cá thể. Với những người có tâm hồn sâu sắc, những lời nói, câu hát của họ luôn có sức truyền tải cao, ngược lại, với những người có tính cách hời hợt thì lời nói, giọng hát cũng lạnh nhạt, người nghe không cảm nhận được nhiều về nội dung tác phẩm mặc dù họ luôn cố gắng thể hiện bằng vẻ bề ngoài. Để tạo sự sự truyền cảm trong giọng nói, người học cần luyện tập đọc có ngữ điệu, sắc thái rõ ràng, không được đọc quá to và đều giọng. Việc phát âm nhả chữ sao cho tròn, gọn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của tác phẩm...

            Để đáp ứng được sự tròn chĩnh khi phát âm đặc biệt với những người học hát, phải có sự luyện tập hàng giờ bằng nhiều cách khác nhau, đương nhiên trong quá trình đọc cũng phải vận dụng lấy và đẩy hơi trong từng câu, sau đó chủ động dùng ý chí để điều khiển hơi thở, khi hít vào thì cùng lúc cố dồn khí xuống vùng bụng. Khi âm thanh được phát ra, nên cố gắng mở to vòm miệng để hơi từ bụng cộng hưởng bên trong khoang miệng, tạo nên tiếng vang. Sau đó thay đổi cao độ, phát âm từ các âm trầm tới âm bổng.

            Nói chung, để hát tốt những tác phẩm Romance, ngoài những phương pháp cơ bản trên, người học còn cần có những những kiến thức cơ bản về kỹ thuật thanh nhạc để xử lý tốt một bài hát như: cách lấy hơi, giữ hơi, điều tiết hơi thở, cách nhả chữ, cách luyến láy và cách xử lý những nốt cao… Ngoài yếu tố về giọng hát, người học cần phải trang bị vững vàng những kiến thức âm nhạc nói chung như: khả năng cảm nhận âm nhạc, nghiên cứu đặc điểm, tính chất âm nhạc, cũng như các kỹ năng biểu diễn nhất định trên sân khấu nhằm đưa tới người nghe một tác phẩm nghệ thuật đạt hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

 2. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam.

3. Trần Ngọc Lan biên soạn (2012) Tuyển tập romance của F. Schubert, tài liệu lưu hành nội bộ.

4. Trần Ngọc Lan biên soạn (2010) Tuyển tập romance của nhạc sĩ J. S. Bach, L.V.Beethoven, M. A. Mozart, R. Schumann, F. Schubert, tài liệu lưu hành nội bộ.

5. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc