Nội san

Báo cáo kết quả học tập phân môn học hát cho học sinh lớp 5 - một hướng đi mới trong kiểm tra đánh giá môn âm nhạc

23 Tháng Mười Hai 2016

Lê Ngọc Tuyền [*]

 

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện hình tượng nghệ thuật, nhằm phản ánh tâm tư, tình cảm của con người.Với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Âm nhạc trở thành một phương tiện để con người bộc lộ niềm vui và nỗi buồn…Mục tiêu của môn Âm nhạc ở trường tiểu học không phải để đào tạo cho học sinh trở thành “ca sĩ hay nhạc sĩ…” mà âm nhạc trong trường tiểu học có vai trò hình thành trình độ văn hoá âm nhạc ban đầu, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mỹ.

            Tuy nhiên bộ môn âm nhạc ở trường tiểu học từ nhiều năm trước đây được xem như bộ môn phụ, luôn bị coi nhẹ bên cạnh đó còn một số quan niệm cho rằng chỉ có học sinh có năng khiếu thì mới học được âm nhạc. Nhận thức chưa đầy đủ ấy đã làm cho học sinh thiếu tự tin vào khả năng học âm nhạc của mình, không khơi dậy được niềm đam mê âm nhạc của các em.

Vậy làm sao để: “Mỗi tiết học là một sự mới lạ, khác lạ và sáng tạo không ngừng”,học sinh cảm thấy yêu thích môn âm nhạc, tự tin thể hiện mình trước đám đông. Làm sao để không chỉ là một vài học sinh được thể hiện mình trong lớp học hay trên sân khấu mà đó còn là tất cả học sinh có thể thể hiện được mình, được học hỏi các bạn “cùng trăng lứa” tại những sân khấu lớn hơn. Làm sao để học sinh, giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường, các bậc phụ huynh đều nhìn nhận thấy sự tiến bộ và sáng tạo của học sinh? để học sinh có một ngày hội được báo cáo thành quả ca hát của mình đã được học trong chương trình âm nhạc lớp 5 tới công chúng.Vì vậy chúng tôi tổ chức ngày hội lãnh đạo âm nhạc cho học sinh bằng hình thức báo cáo phân môn cuối mỗi học kỳ.

Trên thực tiễn cho thấy, đa số học sinh Trường Tiểu học Ban Mai còn khá nhút nhát trong biểu diễn, khả năng trình bày bài hát cùng những động tác phụ họa đơn giản chỉ tập trung vào một số cá nhân học sinh. Các em vẫn còn tự ti, e ngại khi biểu diễn, trên cơ sở đó chúng tôi đã hướng dẫn cho học sinh những động tác biểu diễn cơ bản, đơn giản, dần hình thành cho các em nhu cầu biểu diễn, nhu cầu thể hiện mình trước đám đông. Chúng tôi thay đổi phương pháp kiểm tra học sinh từ phương pháp truyền thống bằng cách tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả môn học cuối học kỳ. Tại chương trình này chúng tôi tạo cơ hội cho 100% học sinh được lên sân khấu biểu diễn với chủ trương không học sinh nào bị bỏ quên, tôn trọng tài năng của mỗi học sinh. Trong bảy thói quen để trẻ thành đạt thì hoạt động này được gọi là một ngày hội lãnh đạo môn âm nhạc của học sinh Ban Mai.

Thời gian chúng tôi lựa chọn tổ chức báo cáo phân môn học hát được thực hiện vào cuối các học kỳ: học kỳ I và học kỳ II. Đó là dịp mà chúng tôi có thể tổng kết, đánh giá chung nhất về phần trình diễn của học sinh, về chất lượng dạy học phân môn học hát, khả năng ca hát trên cơ sở đánh giá sự thể hiện của học sinh từ đó có cơ sở để điều chỉnh công tác giảng dạy và các phương pháp phù hợp cho quá trình dạy học tiếp theo.

      Để tổ chức buổi báo cáo vào cuối mỗi học kỳ, chúng tôi xác định đó là một quá trình được xây dựng nền tảng từ mỗi tiết học âm nhạc cụ thể như:

      Tạo tiền đề từ các tiết học âm nhạc

   Thành lập nhóm: Đây là cách mà chúng tôi muốn vận dụng tinh thần hợp lực của học sinh. Thay vì biểu diễn đơn lẻ có thể gây cho các em học sinh có cảm giác ngại ngùng thì biểu diễn nhóm lại tạo cho học sinh biết làm việc tập thể, biết hợp lực, sáng tạo trong biểu diễn.

   Có rất nhiều những cách chia nhóm mà chúng tôi có thể áp dụng đối với học sinh:

   Chia nhóm theoTổ: Trong mỗi lớp học thường có 3 đến 4 tổ, giáo viên âm nhạc hoàn toàn có thể vận dụng điều này để chia các tổ mặc định.

   Chia nhóm theo giới tính: Giáo viên cũng có thể hoàn toàn phân chia theo giới tính: nam, nữ và quy định số người trong 1 nhóm.

   Học sinh tự nhận nhóm:

   Học sinh tự nhận và tự tập cùng nhóm bạn thân của mình cũng là một cách thiết lập nhóm nhanh và hiệu quả. Một nhóm học sinh thường chơi với nhau, thường tập với nhau sẽ hiểu ý nhau nhanh hơn.Tuy nhiên cách phân chia này lại thường làm cho các bạn trọng lớp bị chia thành các nhóm mà thiếu sự gắn kết tổng thể.

   Chia nhóm theo số điểm danh, theo màu sắc: Cách phân chia theo sĩ số điểm danh sẽ rất hiệu quả đó là các thành viên trong lớp có sự giao lưu nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, thắt chặt tình đoàn kết trong lớp học. Giáo viên cũng có thể phát cho học sinh các màu sắc ngẫu nhiên (vẫn cần đảm bảo chia hết cho số học sinh trong lớp). Như vậy sự chủ ý chia nhóm và sự ngẫu nhiên từ màu sắc sẽ tạo thành các nhóm thú vị.

   Nhóm tiến hành luyện tập: Để luyện tập và biểu diễn học sinh sẽ sử dụng các động tác đã được thầy cô hướng dẫn làm cơ sở từ đó sáng tạo thêm các động tác biểu diễn của mình. Giáo viên âm nhạc quan sát và góp ý, chỉnh sửa để các động tác của các em đẹp và sắc nét hơn. Việc xác lập một kế hoạch cụ thể sẽ giúp mỗi giáo viên định hình được công tác tổ chức và có được những sự hỗ trợ chi tiết.

Đăng ký nhóm biểu diễn: Các nhóm đăng ký biểu diễn trên các thông tin về nhóm với thầy cô giáo đồng thời cử một bạn trong nhóm tự giới thiệu tiết mục cho nhóm khi biểu diễn.

Bốc thăm thứ tự biểu diễn: Bốc thăm thứ tự biểu diễn là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo tính công bằng.Bốc thăm giúp các nhóm định hướng được thứ tự biểu diễn của mình.

Xây dựng nội dung và hình thức tổ chức báo cáo:

Học sinh tham gia trình bày các bài hát đã học trong chương trình âm nhạc lớp 5.

STT

Học kỳ I

Học kỳ II

1

Reo vang binh minh

Hát mừng

2

Con chim hay hót

Tre ngà bên lăng Bác

3

Hãy giữ cho em bầu trời xanh

Bài hát thay thế bài: Màu xanh quê hương

4

Những bông hoa những bài ca

Dàn đồng ca mùa hạ

5

Ước mơ

Người thầy

Hình thức biểu diễn:

 Biểu diễn tại sân khấu: có bục cao và phân biệt rõ giữa diễn viên và khán giả. Báo cáo lần lượt từng lớp biểu diễn (Từ lớp 5A1, 5A2 và đến hết). Mỗi lớp sẽ chia làm từ 3 đến 5 nhóm hoặc cá nhân tùy theo sĩ số của mỗi lớp để biểu diễn các bài hát trong chương trình đã học. Lưu ý nhóm không được lựa chọn bài giống nhau. Cần đảm bảo biểu diễn được từ 80 - 100 % bài hát trong chương trình.

 Nhóm (cá nhân) biểu diễn từ 1, 2 - 6 người. Các nhóm quan sát thứ tự biểu diễn được niêm yết và thứ tự trên Slide Power Point trình chiếu trên máy chiếu đang hiển thị nhóm biểu diễn. Chú ý đến tên nhóm biểu diễn tiếp theo để chuẩn bị. Học sinh hát trên nền nhạc đệm Piano; nhạc beat và hát với hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu. Nhóm biểu diễn tự chuẩn bị trang phục, đạo cụ nếu cảm thấy cần thiết và phù hợp với tiết mục. Khuyến khích học sinh tự làm đạo cụ để minh họa cho phần biểu diễn, cho bài hát của mình.

Quy trình khi tham gia biểu diễn: Toàn nhóm thực hiện chào khán giả => Khán giả vỗ tay; Nhóm trưởng giới thiệu tên nhóm; các thành viên trong nhóm, giới thiệu về bài hát cũng như một số cảm xúc về bài hát; Biểu diễn xong, nhóm hoặc cá nhân thực hiện chào khán giả và rút vào cánh gà.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành buổi báocáo:

Trong bối cảnh tạo mọi điều kiện để học sinh tự thể hiện mình, sẽ là hiệu quả trong khâu tổ chức khi ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành buổi báo cáo. Cách làm đơn giản mà có lẽ tất cả mọi giáo viên đều có thể ứng dụng được đó là sử dụng máy chiếu để giới thiệu nhóm, giới thiệu tiết mục tiếp theo lên biểu diễn. Làm được điều đó có nghĩa là giáo viên và học sinh sẽ hoàn toàn chủ động trong công việc của mình: Với cách làm này, bạn hoàn toàn có thể trình chiếu nhóm đang thực hiện biểu diễn và đơn giản là chuyển Slide cho nhóm tiếp theo chuẩn bị. Mọi việc sẽ diễn ra chủ động từ giáo viên đến học sinh.

 

 

Việc tổ chức báo cáo phân môn học hát sẽ giúp cho cả giáo viên đánh giá được kết quả đào tạo, học sinh có cơ hội thể hiện mình trên sân khấu, phụ huynh nhìn thấy được sự trưởng thành của con cái họ khi học âm nhạc tại trường, Ban giám hiệu nhà trường đánh giá được chất lượng giảng dạy âm nhạc trong nhà trường qua đó rút ra được nhiều bài học quý báu đó là:

   Đối với giáo viên: Nhìn nhận lại kết quả của quá trình dạy học: quá trình học hát, quá trình hướng dẫn các động tác biểu diễn cơ bản, quá trình học sinh thể hiện những gì các em đã học và sự sáng tạo trên sân khấu; Có định hướng, điều chỉnh trong thời gian dạy học âm nhạc tiếp theo tại các lớp học; Tạo ra phong trào thi đua giữa các khối, lớp, giữa các nhóm học sinh, giữa các học sinh trong nhà trường;  Tạo cơ hội cho 100% học sinh được tham gia và tự tin thể hiện mình trên sân khấu thay vì một vài cá nhân đơn lẻ; Thể hiện được năng lực và trình độ của cá nhân giáo viên trong công tác tổ chức, điều hành các hoạt động chung; Áp dụng những phương pháp học tập âm nhạc ở các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp - báo cáo kết quả sau mỗi khóa học; Có những đề xuất, tham mưu kịp thời trong định hướng giáo dục âm nhạc trong nhà trường.

Đối với học sinh:

Tham gia hoạt động báo cáo phân môn học hát là cơ hội giúp 100%  học sinh trải nghiệm và rèn rất nhiều kỹ năng như: Kỹ năng ca hát; Kỹ năng trình diễn; Kỹ năng thuyết trình; Tập làm MC trước đám đông: học sinh tự giới thiệu nhóm và bài hát biểu diễn; Kỹ năng giữ trật tự chung, văn hóa khi nghe nhạc, khi thưởng thức nghệ thuật...

Được tham gia biểu diễn trên sân khấu lớn với hệ thống âm thanh, Micro, ánh ánh sáng sân khấu và trước toàn thể học sinh trong khối, phụ huynh học sinh, thầy cô, BGH nhà trường. Bên cạnh đó tham gia hoạt động báo cáo phân môn học hát này học sinh còn có cơ hội học hỏi sự sáng tạo của các bạn học sinh trong lớp, trong khối và dần có những kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp.

Với Ban giám hiệu nhà trường: Đây là một hướng đi mới trong báo cáo kết quả học tập, một sân chơi trí tuệ, mang đầy đủ ý nghĩa giáo dục và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Như vậy có thể khẳng định, báo cáo học hát là một hướng đi mới tại Trường Tiểu học Ban Mai đã được áp dụng thành công, là điển hình cần được nhân rộng tới các khối lớp trong nhà trường để nâng cao chất lượng phân môn học hát nói riêng và  chất lượng dạy học âm nhạc nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ giáo dục và đào tạo (2011), Giáo dục kĩ năng sống trong các môn học ở tiểu học - Tài liệu dành cho Giáo viên lớp 5, Nxb Giáo dục Việt Nam.

2.     Bộ Giáo dục và đào tạo - Vụ Giáo dục tiểu học (2011), Hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1, 2, 3, 4, 5, Hà Nội.

3.     Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

4.     Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở trường Tiểu học và THCS, Nxb Đại học sư phạm.

5.     Stephen R. Covey (2014), The 7 habits of highly effective people – 7 thói quen để thành đạt, Nxb Trẻ.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc