Nội san

Nhà hát múa rối Việt Nam nghệ thuật múa rối – Thực trạng và giải pháp

23 Tháng Mười Hai 2016

Nguyễn Bá Thành [*]

 

Trong thời kỳ xã hội phát triển mạnh, việc toàn cầu hóa đã tác động rất lớn tới các lĩnh vực của đời sống xã hội của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, nhất là trong lĩnh vực văn hóa khi nhà nước áp dụng chính sách mở cửa giao lưu với các nước thì các giá trị văn hóa và các sản phẩm văn minh có cơ hội du nhập vào nước ta, tác động rất lớn đến nền văn hóa. Tác động của quá trình toàn cầu hóa vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực, trong đó có nguy cơ làm "méo mó, biến dạng" bản sắc dân tộc của văn hóa.

1. Thực trạng trong biểu diễn nghệ thuật múa rối nước ở Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Từ những thách thức cấp bách mang tính chất sống còn, Đảng và Nhà nước đã xác định "Xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và  xã hội". Để phát triển nền văn hóa trong khi vẫn giữ gìn được giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc thì phải chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy những bộ môn nghệ thuật truyền thống như trống, chèo, cải lương,.... Trong đó, đối với nghệ thuật múa rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo, được coi là chỉ có duy nhất ở Việt Nam, thì càng cần có sự quan tâm đặc biệt. Có thể nói, múa rối nước không chỉ mang giá trị truyền thống lâu đời, mang đậm tính dân gian, mà nó còn góp phần phát triển nền kinh tế nhờ vào việc thúc đẩy ngành du lịch. Đối với khách du lịch nước ngoài, khi đến Việt Nam, họ không chỉ bị cuốn hút bởi các danh lam thắng cảnh nổi tiếng hay các làng nghề truyền thống, mà còn có nhu cầu thưởng thức các bộ môn nghệ thuật truyền thống - các món ăn tinh thần đặc biệt. Hiện nay, xem múa rối nước là một yêu cầu không thể thiếu trong lịch trình của các công ty lữ hành. Bên cạnh việc phát triển du lịch, múa rối nước còn góp phần quan trọng trong việc quảng bá nét văn hóa cổ truyền của dân tộc ta với thế giới.

Nói đến nghệ thuật múa rối nước thì không thể không nói đến Nhà hát Múa Rối Việt Nam. Nhà hát được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thành lập, khai sinh ra nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp của nước ta. Tuy quá trình hình thành và phát triển của Nhà hát Múa rối Việt Nam cho đến nay đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể, nhưng cũng cần phải quan tâm, nhìn nhận một số vấn đề tồn tại. Để bắt kịp sự phát triển của xã hội cũng như sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt với mong muốn duy trì, tồn tại và phát triển lâu dài của nhà hát trong thời kỳ chuyển đổi sắp tới (thực hiện cắt giảm bao cấp và xã hội hóa) thì việc khắc phục những vấn đề tồn tại của Nhà hát, đặc biệt tình trạng nghiệp dư trong biểu diễn là việc hết sức cấp bách và cần thiết đối với Nhà hát Múa rối Việt Nam. Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong biểu diễn là việc làm phù hợp với mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sáng lập ra Nhà hát và xứng đáng là con chim đầu đàn trong ngành múa rối nước Việt Nam.

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc sống của mỗi con người cá nhân và xã hội đang trở nên tất bật, sự giao lưu và tiếp biến các giá trị văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Văn hóa truyền thống của dân tộc có nguy cơ bị lãng quên hay bị coi nhẹ. Nghệ thuật múa rối nước truyền thống cũng chịu chung số phận đó. Sự mai một nghệ thuật múa rối diễn ra ở các làng quê là một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy trong bối cảnh bị xâm lấn bởi hàng loạt yếu tố văn hóa ngoại lai như phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây....

Tuy nhiên, sự mai một của nghệ thuật múa rối nước truyền thống không chỉ là câu chuyện của riêng các làng quê, phường hội rối. Ngay cả ở những cơ quan, đơn vị có chức năng bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp như các nhà hát, đoàn nghệ thuật... thì việc biểu diễn múa rối nước cũng đang bị chi phối bởi yêu cầu lôi kéo khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Do đó mà đặc trưng của rối nước truyền thống cũng như những nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật chính đáng của người Việt Nam nhiều khi bị lãng quên. Nếu không có sự quan tâm đầu tư về chiều sâu, với những chiến lược nghiên cứu và đào tạo nghiêm túc thì rất có thể nghệ thuật múa rối nước truyền thống sẽ bị mai một và biểu diễn nghiệp dư...

Có thể nói nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam nói chung và ở Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng, hiện nay tuy đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng còn đang tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Những bất cập trong công tác quản lý đối với nghệ sĩ múa rối nước cần được xem xét để hiệu quả của vở diễn được nâng cao hơn. Một số biểu hiện của hiện tượng nghiệp dư trong các chương trình biểu diễn như nghệ thuật múa rối nước cần được khắc phục để hướng đến tính chuyên nghiệp thực sự. Bên cạnh đó, những vấn đề tồn tại trong quảng bá nghệ thuật múa rối nước đối với công chúng cũng cần được các cấp các ngành có liên quan tâm nhiều hơn nữa để có thể bảo tồn và phát huy một cách tối ưu những giá trị văn hóa truyền thống đúng như Nghị quyết TW 5 khóa VIII đã đề ra.

2. Giải pháp khắc phục những vấn đề tồn tại trong biểu diễn nghệ thuật múa rối nước ở Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Một là, cần có sự kết hợp với các cơ quan  đơn vị địa phương.

Tiếp thị quảng cáo nên chủ động hơn trong công việc, quảng bá nghệ thuật múa rối đến với công chúng trong và ngoài nước nhất là khách du lịch của các tour du lịch. Cần sưu tầm thêm tiết mục ở các phường rối trong cả nước vì các trò múa rối có rất nhiều tới gần 500 tiết mục làm phong phú cho chương trình biểu diễn.

Hai là, cần có sự kết hợp tham gia của các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp.

Ba là, cần có sự giao lưu học thuật với các trường đại học khối nghệ thuật.

Bốn là, nâng cao nhận thức nghề nghiệp đối với nghệ sĩ diễn viên. Trau dồi tay nghề chuyên môn hướng đến tính chuyên nghiệp.

Diễn viên biểu diễn phải được đào tạo bài bản, phải được tập luyện kỹ lưỡng từng nhân vật, từng tiết mục trước khi công diễn về con rối phải có quy chuẩn về kích thước, thẩm mỹ, phải có rối dự bị để thay thế thường kỳ. Ví dụ một bộ rối biểu diễn liên tục một tháng sau đó đem ra phơi khô và sửa chữa đưa bộ khác vào biểu diễn như thế con rối mới đảm bảo được nhẹ, đẹp, diễn viên biểu diễn sẽ linh hoạt và đạt được chất lượng nghệ thuật cao hơn. Con rối chìm ngấm nước và gẫy hỏng vì mục.

Kỹ thuật âm thanh ánh sáng: đòi hỏi người điều khiển và được đào tạo bài bản về chuyên môn sao cho phải nắm rõ tính cách của từng nhân vật để điều chỉnh âm thanh ánh sáng cho phù hợp, phải nghiên cứu vị trí lắp đặt đèn sao cho phù hợp với kỹ thuật diễn múa rối để không làm lộ người nghệ sĩ khi biểu diễn, không làm mất đi sự thần bí và kỳ là thu hút người xem của trò diễn.

Năm là, đẩy mạnh công tác lý luận để phục vụ thực tiễn thúc đẩy phát huy công tác nghiên cứu trong việc nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật múa rối nước.

Tóm lại, nghệ thuật múa rối nước vừa là một di sản văn hóa lại vừa là một thành tố văn hóa có thể kết nối truyền thống với hiện đại. Bằng chứng đã được các nhà nghiên cứu gọi là một "di sảnh sống" trong không gian làng xã Việt Nam. Nhà hát Múa rối Việt Nam là một đơn vị hàng đầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn múa rối nước.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, hoạt động của nhà hát vẫn còn tồn tại những bất cập trong công tác quản lý, điều này đã khiến cho Nhà hát Múa rối Việt Nam chưa phát huy hết được năng lực và hiệu quả biểu diễn. Một số biểu hiện của hiện tượng nghiệp dư trong các chương trình biểu diễn đã làm mai một những giá trị đích thực của nghệ thuật múa rối nước truyền thống.

Để có thể giải quyết được những vấn đề tồn tại nêu trên Nhà hát Múa rối Việt Nam cần xác định rõ vai trò của nhà quản lý, của nghệ sĩ, nhà nước. Từ đó mới có thể đề ra quyết sách phù hợp với quá trình phát triển của đất nước nói chung và của Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng. Đi đôi với việc phát triển quy mô nhà hát cũng như các chương trình nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ các chiến nước mang tính chiều sâu. Từ đó có thể tạo được uy tín và chất lượng biểu diễn nghệ thuật. Một trong những định hướng phát triển bền vững mà Nhà hát Múa rối Việt Nam cần phải hướng đến trong tương lai chính là một đội ngũ nghiên cứu lý luận để có thể tham mưu cho các cấp lãnh đạo trong quá trình phát triển của nhà nước nói riêng và của nghệ thuật múa rối nước nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lâm Biền (2001) "Đôi nét về nghệ thuật tạo hình trong nghệ thuật múa rối Việt", Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 2.

2. Vương Duy Biên (2001) "Giá trị mỹ thuật trong nghệ thuật múa rối", Tạp chí văn học số 2.

3. Vũ Tú Giang (2001), "Tìm hiểu về yếu tố tạo hình trong nghệ thuật múa rối của người Việt", (Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học - Viện khoa học Xã hội.

4. Trần Chí Trắc, "hình tượng sân khấu và sân khấu sáng tạo", Nxb Sân khấu Hà Nội, 1996.

5. Nguyễn Huy Hồng "Rối nước Việt Nam", Nxb Sân khấu Hà Nội, 1996.

6. Nguyễn Huy Hồng "Nghệ thuật múa rối Dân gian", Nxb Sân khấu Hà Nội, 2010.

7. Phạm Trọng Toàn "Tìm hiểu nghệ thuật múa rối nước cổ truyền làng Nguyễn", Luận văn Thạc sĩ, Chuyên ngành Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa